Trạm điện của xóm nằm trên một vùng đất cao hơn mặt bằng chung, bờ tường bao quanh cắm toàn mảnh sành nhọn hoắt chỉ lên trời. Lũ trẻ con xóm đã dùng gạch mài rồi nhổ bớt một góc tường để lấy chỗ leo trèo vào hái trộm ổi. Từng thằng một, thằng nào thằng nấy cũng nhảy thoăn thoắt như siêu nhân nhện, tôi sợ không dám leo theo nên đứng ở ngoài bờ tường trông. Từ trong trạm, tiếng máy chạy cứ u u như vọng từ một miền tăm tối xa xôi vang tới làm tôi cảm thấy rùng mình.
Hoàng sợ lũ con gái chơi gần đấy làm hại tôi lần nữa nên đứng ngoài cùng tôi. Cậu ấy cúi xuống bứt cỏ gà cho tôi chơi chọi gà. Đằng xa, mặt trời đang chuẩn bị đi ngủ.
- Vi có mệt lắm không?
- Ưm, không mệt lắm. Hoàng thì sao?
- Hoàng quen rồi nên cũng không mệt, sợ Vi không thở được không khí làng quê thôi.
- Thơm mà! – Tôi tít mắt cười.
- Lần đầu có người khen làng quê thơm đấy, thơm mùi cứt trâu à?
- Luyên thuyên. Không biết nữa, nhưng tôi thấy rất bình yên, cho dù mới bị tẩn cho một trận sợ gần chết.
- Bọn trẻ con ở đây có trò bôi nhựa mắt mèo đó thôi, chứ chúng nó không dám đánh đâu. Gây thương tích là bị nhốt vào nhà kho hợp tác xã mà.
- Thật á? Vậy đi gây sự ngay, tôi muốn chúng nó bị nhốt vào nhà kho.
Nói xong tôi cầm nắm cỏ gà đi thẳng ra chỗ lũ con gái. Hoàng giật tay tôi lại, mặt vô cùng nghiêm túc:
- Nhỏ điên hả?
- Sao? Bị đánh riết quen rồi, không đau đâu.
- Thần kinh à? Nhỏ sinh ra là để gây sự hả? Hãy để tôi sống những ngày ở quê thật bình yên đi. Cuộc sống ở thành phố cạnh nhà nhỏ đã khiến tôi đủ chết rồi!
- Thật sao?
Tôi tiến đến đứng sát vào Hoàng, ngước mắt nhìn lên thẳng vào mắt Hoàng, còn cố hết sức làm cho nó có thể long lanh lóng lánh nữa chứ. Lê Hoàng Vi quả là một đứa con gái quá thủ đoạn:
- Có thật là sống cạnh tôi mệt mỏi lắm không? – Tôi nhấn mạnh từng chữ
- Hở…
- Đúng không Hoàng?
- Ôi zời ơi, xê tui ra đi, nhìn nhỏ sợ vãi.
Tôi che miệng cười, cứ mạnh mồm đi rồi khi đối mặt lại ngại ngùng trốn tránh. Tôi cúi xuống bãi cỏ nhặt một viên sỏi nhỏ ném xuống con dốc trước mặt và ngắm nó lăn lăn, trong lòng vu vơ nghĩ đến những niềm vui nỗi buồn đang chờ đợi những ngày tiếp theo. Mọi thứ đều đang ở phía trước, tương lai là một thế giới quá nhiều điều thú vị đáng chờ đợi.
Bất chợt muốn nghịch ngợm chút, tôi vơ vơ nắm sỏi quay lưng vứt vào trong trạm điện, miệng hét lớn: "Có người trong trạm, có người trong trạm!!!". Tức thì vài giây sau, từ chỗ góc bờ tường quen thuộc, từng đứa trẻ phi ra, thằng nào cũng bay vèo vèo như khinh công trong phim chưởng, vù một cái, vυ"t một cái, tiếng chân nện xuống bãi cỏ thình thịch. Vừa tiếp đất cái là đứng phắt dậy chạy về phía tôi và Hoàng trong khi chúng tôi đứng cười rũ.
- Mẹ chúng mày! Làm bố vứt bao nhiêu ổi trong ý.
- Tiên sư. Tao còn đập cả đầu vào tường.
- Còn thằng nào không?
- Còn thằng Giới đang ỉa đéo kịp chùi đít. Vào kéo nó ra đi.
- Cái thằng. Đã yếu còn ra gió.
Bạn Huyền Cóc xinh đẹp của tôi đứng nhìn cả bọn con trai bằng ánh mắt khinh khỉnh rồi buông một câu rất ngọt:
- Đúng là một lũ điên!
Thằng Học nó sửng cồ lên ngay:
- Ê con chó kia, mày sủa cái gì đấy?
- Mày ăn cứt à Học? Sao cứ há mồm ra là thấy thối thế?
- Đm, mồm mày thì thơm?
- Về lấy đá kỳ răng đi! Nhé! Rồi hãy nói chuyện với tao.
Thằng Đạo gạt vai thằng Học rồi nói giọng an ủi:
- Thôi mày chấp con đấy làm gì. Nó bị dại mà.
- Đéo hiểu sao nó cứ phải hằm hè bọn mình thế không biết. Nhìn nó là tao chỉ muốn úp cái bàn là vào mặt.
- Thôi đi ra sông chơi đi. Buộc trâu cả ngày ở đấy cũng tội
Chúng tôi đi qua lũ con gái rồi rẽ đường khác, tôi đi chậm chậm để đợi thằng Giới, thấy nó lũn cũn chạy sau cùng, đưa cho mấy đứa con gái một túm ổi. Con Huyền Cóc không ăn nhưng mấy đứa khác thì thi nhau lấy. Lũ trẻ con thật lạ. Tôi để Hoàng đi trước, đứng đợi thằng Giới bắt kịp mọi người.
- Em làm cái gì thế hả?
- Cho con Ốc Ngọ mấy quả ổi chị ạ. Nó thích ăn ổi nhất đấy
- Trưa nay nó mới nhét giẻ vào mồm em, em không nhớ à?
- Ừ nhỉ? Em quên.
- Em thích nó hở?
- Chị điên à?
- Nói chị nghe đi.
- Không!
Thằng bé cắm mặt chạy đi để trốn câu hỏi của tôi. Bọn quỷ này, mới nứt mắt ra đã yêu với đương, chẳng khác gì mình. :v
Tôi và Hoàng chơi cùng lũ trẻ bên bờ sông, nơi có bãi cỏ rộng và bắt đầu ngả màu nâu úa khi thu đến. Bãi cỏ này ngăn cách những cánh đồng xa xa bằng một đoạn đường đầy những hố phân lũ trẻ đào để bẫy bọn trẻ làng bên cạnh. Tôi và Hoàng vào được đến đây bảo đi sát theo gót thằng Học, vậy mà Hoàng vẫn bị lạc bước và thụt xuống hố cứt trâu phải xuống sông gột dép và quần.
Bọn trẻ con ngồi kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống làng quê, đồng ruộng, về những trận tranh chấp đánh nhau với trẻ con làng bên, về bao trận đòn oan từ bố mẹ, về những tật xấu của đứa khác. Có nhiều thứ buồn cười nhưng cũng có nhiều câu chuyện buồn vu vơ. Tôi tự nhủ trong lòng mình rằng chẳng có đứa trẻ nào sống cuộc sống hạnh phúc hoàn hảo cả, ai cũng đều giống tôi và Hoàng mà thôi, có thứ được, có thứ mất.
- À, con bé Vi có học giỏi không? – Thằng Học quay sang hỏi Hoàng rất nghiêm túc.
- Ừ, giỏi. Sao thế?
- À, thằng Học định nhờ nó tìm thơ chứ gì? – Cả lũ trẻ nhao nhao lên phát biểu.
- Đúng rồi hay là nhờ Vi đi, chứ bọn con gái chúng nó éo giúp mình đâu.
- Nhưng mà cái gì cơ?
Tôi ngơ ngác tìm câu trả lời, thằng Đạo giải thích:
- Sắp tới ngày Nhà giáo rồi, cuối tuần trước lớp tớ bốc thăm xem ai phải chuẩn bị tiết mục văn nghệ thì thằng Học trúng. Khổ cái thằng này không có tài gì, không biết hát, không biết đóng kịch. Chúng tớ định cho nó đọc thơ tặng thầy cô nhưng chưa tìm được bài nào. Cậu có giúp được không? Tối mai là phải diễn rồi
- Thơ tặng thầy cô à? Ừ có tớ biết nhiều. Các cậu thích thể thơ gì?
- Cậu cậu tớ tớ nghe tởm vãi xoài, mày mày tao đi bố xem nào. – Thằng Học dí vai tôi một cái mạnh đến mức tôi ngã sang bên, hai tay chống xuống đất sượt 1 đoạn rát bỏng.
- Đm thằng này, đã nhờ còn vả. – Hoàng tức lên đẩy thằng Học lại. Cả lũ trẻ lao vào ngăn vì biết tính thằng Học nóng nảy.
- Thôi có gì đâu. Bài này có được không?
Tôi nhẩm nhẩm lại rồi đọc thử cho chúng nó nghe một bài:
Cây phượng già treo mùa hạ trên cao
Nơi bục giảng giọng thầy sao chợt thấp:
"Các con ráng… năm nay hè cuối cấp…"
Chút nghẹn ngào… bụi phấn vỡ lao xao.
Ngày hôm qua hay tự tháng năm nào
Con nao nức bước vào trường trung học
Thương cây lúa hóa thân từ hạt thóc
Thầy ươm mùa vàng, đất vọng đồng dao.
Mai thầy về, sân trường cũ nằm đau?
Hay nỗi nhớ lấp vùi theo cát bụi?
Dẫu cay đắng, dẫu trăm nghìn đau tủi
Nhọc nhằn nào thầy gửi lại ngày sau?
Mai thầy về, mùa gọi nắng lên cao
Vai áo bạc như màu trang vở cũ
Con muốn gọi sao lòng đau nghẹn ứ
Đã bao lần con ngỗ nghịch thầy ơi!
- Nghe giả tạo vãi. Tao thích thơ như thế này:
Học trò ngày nay quậy tới trời
10 thằng vô lớp 9 thằng chơi
3 thằng vô lớp 2 thằng ngủ
Còn lại thằng kia cũng gật gù
Việc học ngày nay đã khác rồi
10 thằng vô lớp 7 thằng ngu
3 thằng vô lớp 2 thằng ngủ
Còn lại thằng kia chẳng biết gì
- Cái dm mày câm mồm đi. Thế thì lớp mình được cái giải rút.
- Thế nó mới thực tế. Náo nức với chả ươm mầm.
- Bài thơ của Vi hay đấy, tối nay Vi chép cho tớ rồi bọn tớ bắt nó học thuộc nhé.
Tôi nhìn thằng Đạo gật đầu. Ngó thấy mặt thằng Học nhăn nhúm lại như cái giẻ lau đến là tội. Tối hôm ấy tôi xin bà giấy bút rồi chép cho lũ trẻ bài thơ tôi đọc lúc chiều. Những câu thơ về trường lớp cứ chạy theo tôi trong những giấc mơ.
Sáng hôm sau Hoàng dậy rất sớm. Tôi tỉnh giấc khi nghe thấy tiếng chặt củi phập phập. Bà nội ngồi nấu xôi, Hoàng lúi cúi ở góc sân xếp củi vào góc hiên để bà dùng dần.
- Gái dậy rồi à? Thằng cu nó bảo bà đồ xôi bằng nồi cơm điện nhưng điện ở đây điện yếu, và bà thấy nấu bếp củi thơm hơn. Gỗ xoan từ năm trước còn chưa dùng hết.
- Dạ!
Tôi túm vài lọn tóc buộc lên rồi ngồi cuống cạnh bà, gục mặt vào đùi bà. Bà vừa tiếp củi, trông lửa, vừa xoa đầu tôi, vân vê mãi cái chun buộc tóc của tôi.
- Gái nhỏ xinh đẹp quá! Cu Hoàng thật có phúc.
- Bà, con với Hoàng chẳng phải thế đâu mà. – Tôi đỏ mặt cười hì hì nhưng trong lòng có phần hí hửng
- Trước kia mẹ thằng cu Hoàng cũng thường gục vào bà như thế này. Thoắt qua thoắt lại mà đã từng ấy năm với bao nhiêu đổi khác.
- Bà ơi. Bà kể chuyện con nghe đi.
- Gái nhỏ nghe chuyện gì?
- Con thấy bố mẹ Hoàng hình như không sống cùng nhau.
- Ừ chúng nó bỏ nhau lâu rồi. Đó là khoảng thời gian đau lòng gái nhỏ ạ. Đến bây giờ nhiều khi nghĩ lại, bà cũng rùng mình và tự nhủ nếu phải sống những ngày tháng ấy chắc tuổi thọ của bà chỉ dừng ở mức năm mươi.
Ông nội của cu Hoàng, là người chồng đã quá cố của bà trước kia hoạt động trong quân đội, nghiêm khắc và dữ tính. Bà chỉ sinh được ba đứa thì mất một đứa cả. Cha thằng Hoàng là con thứ, còn một thằng nữa đang sống trong Nam.
Ông nội Hoàng quân phiệt và gia trưởng, đúng mẫu đàn ông phong kiến thời xưa. Khi cha thằng Hoàng đến tuổi lớn, ông đã nhắm cho con một đứa con gái gia đình gia giáo trong làng. Nhưng trong thời gian vào Sài Gòn thực tập, cha thằng bé lại đổ rầm với một cô bé khác. Bà là phận vợ, quyền nhỏ mọn chẳng quyết được gì, nhưng do thằng bé sống chết đến mức tuyệt thực quỳ lạy trước cổng nên ông cũng nhắm mắt cho qua. Oan nghiệt cái là hai đứa nó lấy nhau đến gần mươi năm chẳng có lấy một mụn con. Đưa 2 vợ chồng nó đi khám thì bác sĩ đoán định chồng vô sinh. Bầu trời trên đầu chúng nó cứ xám đen dần đi như thế.
- Nhưng rồi bác Ngọc vẫn có thai mà bà.
- Đó, chỉ sau ba tháng từ bệnh viện về, con nhỏ mang bầu. Bà thì không có suy nghĩ gì xấu vì bà sống cùng và hiểu tính con dâu. Nhưng nội thằng Hoàng thì khác, coi con bé như mầm họa của sự xấu xa bẩn thỉu, nhốt con bé vào buồng tối 2 ngày, đánh đập bắt khai ra thằng nào là bố của đứa trẻ.
- Đánh đập hả bà?
- Ừ đánh đập hai ngày hai đêm. Đến sáng thứ ba thì con bé hộc máu nằm xoãi xác ra sàn. Lúc ấy bà mới lén lấy tiền thuê vài người thanh niên đến cứu nó ra đưa về nhà ngoại trả. Rồi thì cũng bặt tin từ đó. Cha thằng Hoàng thi thoảng cũng đi thăm, nhưng trong lòng chúng nó tình cảm có lẽ cũng nhạt dần. Bà nói nó nhổ tóc thằng con đi xét nghiệm xem con cái của ai cho rõ, nhưng không hiểu nó có làm không. Bà hỏi tin tức của con bé thì biết nó bị chấn động nên mắc tâm thần một thời gian đầu mang thai, cơ thế mà nó vẫn cứ đẻ được mẹ tròn con vuông. Con nhỏ cũng mạnh mẽ.
Mà thai đôi cơ. Hai thằng nhỏ!
Tưởng thế là yên. Ai ngờ khi thằng con thứ của bà sinh hai con gái không được thằng quý tử nào, ông lão nhà này cho người đến bên ngoại nó cướp một đứa song sinh đem về, đi tàu hỏa giữa đường xuống bến ngơ ngác làm lạc mất cháu. Tội phận hẩm hiu, thằng bé đó giờ chẳng biết lưu lạc ở đâu. Mẹ nó thì mất con phát điên suốt hai năm trời, con không được bú sữa mẹ phải ăn nước gạo pha đường. Oan nghiệt quá con. Giờ thằng Hoàng mới còi cọc như vậy.
Tôi nắm chặt vào tay bà, nước mắt rơi từ bao giờ không biết.
- Ông lão sống được thêm một năm thì đột tử chết vào đêm mùng 2 tết. Chắc là trời đất có số cả.
Tôi gục vào lòng bà ôm chặt. Trên đời này có biết bao nhiêu câu chuyện số phận, bi đát tới mức không giấy mực nào tả được, nhưng lần đầu tiên tôi được tận tai nghe kể câu chuyện của người tôi thương. Tôi ít ra một thời gian dài của tuổi thơ được sống trong nhung lụa và yêu thương từ bố mẹ, còn Hoàng thì không, một người cha vô tâm, một người mẹ thần kinh bất ổn, đằng sau sự sinh ra của cậu ấy là cả một tấm bi kịch đầy nước mắt. Bà kể câu chuyện ấy chỉ vẻn vẹn mấy dòng, nhưng những nỗi đau trong suốt một thời gian dài cứ hiện hình lên từng con chữ. Tôi sợ cuộc đời này, bởi tôi còn quá nhỏ, còn quá bé để hiểu được những đớn đau.
- Gái nhỏ đừng nghĩ nhiều, mọi thứ qua lâu lắm rồi. Giờ nhìn thằng cu mạnh mẽ đến nhường nào. Thoắt cái đã bổ cho bà một hiên củi.
- Bà ơi, bà cho con sống ở đây cả đời nhé? – Tôi ngước khuôn mặt đầy nước mắt lên nhìn bà nội, người đàn bà sống gần hết quãng đường đời của mình với những đau thương, đôi mắt đã hằn rõ những dấu chân chim và miệng đỏ màu trầu cay, người đàn bà tôi mới chỉ quen vỏn vẹn một ngày mà sao thấy thân quen đến thế.
- Gái còn phải đi rất nhiều nơi nữa, gái phải sống sung sướиɠ hơn bà nhiều, bà tồn tại ở một thế kỷ khác gái nhỏ, gái nhỏ đừng tự nguyện chôn đời mình ở đây.
Bà nội làm tôi khóc nhiều hơn. Thế kỷ nào khác nhau hả bà? Ở nơi đâu con cũng thấy cô đơn và lạc lõng, người lớn không tranh đấu chức vị này thì giành giật tiền bạc kia. Ở đây bà thấy là địa ngục nhưng với con nó là tất cả bình yên mà con chưa bao giờ được cảm nhận.
Hoàng đã làm xong việc của cậu ấy, chạy vào chơi với tôi và bà, cậu ấy nhìn tôi và buông một câu lo lắng:
- Bà ơi Vi sao thế ạ?
- Không sao! Khóc nhè đòi nghe bà hát đấy! Bà hát hai đứa nghe nhé!
Bà nội vẫn lặng lẽ vuốt mái tóc tôi và cất lời chậm chậm: "Ghế đá công viên, dời ra đường phố… Người già co ro, chiều thiu thiu ngủ … Người già co ro, buồn nghe tiếng nổ… Em bé loã lồ, khóc tuổi thơ đi"
Tôi chìm trong những suy nghĩ vởn vơ như làn khói bếp đang cuộn vòng bay lên trời cao. Bỗng trong lòng nhớ về mấy lời thơ đã từng đọc trong họa báo:
"Chỉ còn một cụ bà hát bài hát ấy thôi
Người chết mang các bài hát đi cả rồi
Thanh niên đâu cần bài hát cũ.
Một người hát nên lời ca buồn rũ
Nó không đủ sức chạy ra ngoài cửa
Nó phải tựa lưng vách nứa
Nó ngã vào bếp lửa
Nó hổn hển trong mắt tôi lệ ứa
Chuyệnh choạng tôi dắt lời ca đi.
Tôi lần từng bậc cầu thang
Đến ngồi bên suối
Đầm mình trong bóng núi
Lời ca rơi từng giọt xuống hồn.
Lời ca làm bải hoải cả trăng non
Không biết cụ bà còn hát được bao nhiêu nữa?
Cụ bà hát phì phò tiếng thở
Ánh lửa đỏ lừ đôi tròng mắt mờ sương.
Ôi quê hương! Quê hương!
Còn một bài hát cũ"