Mặt trời vẫn mọc đằng Đông và lặn đằng Tây, trẻ con vẫn cắp sách đến trường vào buổi sáng, các cụ già vẫn ra bờ hồ tập thể dục, các đôi vẫn ôm hôn nhau trên ghế đá công viên, và tôi vẫn thức dậy chào đón ngày mới sau những cơn đau dai dẳng. Ki liếʍ nhẹ vào má tôi, nơi đã sưng tấy ửng đỏ lên vì những cái tát. Ngồi dậy mà đầu óc chao đảo, chỉ kịp nhắn cho Linh một cái tin nhờ xin phép nghỉ học. Lết ra ban công mở cửa hứng nắng, cảm giác chân tay rời rã hết rồi. Bố mẹ đã đi khỏi nhà, không cần biết tôi còn sống hay đã chết.
Vào nhà tắm múc ca nước ra tưới cho mấy chậu xương rồng, tiện tay với sang tưới luôn cho xương rồng nhà Hoàng nữa. Đầu óc tôi cố tỉnh táo lại để nhớ ra đêm qua mọi chuyện tiếp diễn như thế nào nhưng chịu không nhớ nổi. Lắc đầu thật mạnh để rũ đi những ký ức khủng khϊếp. Có những thứ nên quên thật nhanh. Cánh cửa bật mở, Hoàng phi từ trong phòng ra nhìn tôi, chắc lại định ăn vạ gì đó. Tôi mệt quá không thèm đáp lời, cố sức tưới nốt chậu cây rồi quay vào nhà.
- Này nhỏ! – Hoàng gọi tôi gấp gáp
- Gì cơ?
- Mặt nhỏ…
- Mặt sao? Mới dậy, chưa rửa
- Mặt nhỏ có máu đấy!
- Máu thì sao? Chưa nhìn thấy máu bao giờ à? Có thích nhìn không tôi lấy dao xỉa cho phát?
- Sao nhỏ kì vậy? Vệt máu khô ấy. Má sưng nữa.
- Nhiều chuyện!
Lết vào phòng rồi nằm vật xuống giường. Chỉ muốn đứng dậy nhảy tưng tưng như mọi ngày mà không được. Giấc ngủ lại muốn kéo đến khép hai mí mắt nặng trịch lại.
- Vi ơi!
Lão Hoàng thì phải. Tôi hé mắt nhìn rồi lại nhắm tịt. Mệt thế này còn mò sang làm phiền nữa. Lại định cho hộp cơm rồi đi nói xấu người ta chứ có làm được gì hơn?
- Nhỏ ngất rồi à?
- Có im cho tui ngủ không thì bảo? – Tôi ngỏng đầu lên gào to
- Ừ thì cứ ngủ, việc tui tui làm.
- Làm gì?
Hoàng kiếm đâu ra cái khăn ướt lau lau mặt cho tôi. Cái con người này, lúc ghét thì ghét cay đắng, lúc thương thì thương nhiệt thành. Thiệt chẳng hiểu nổi. Hoàng không biết là nếu giờ bố Tùng mà nhìn thấy cảnh này thì hai đứa tôi chết chắc. Hoàng chấm chấm thuốc vào vết thương bên khóe môi, chậm chậm xoa khắp trán, vừa làm vừa hỏi vì sao ra nông nỗi này, nhưng tôi còn sức đâu mà trả lời. Chỉ biết sau đó, tôi không ngại ngần chìa tay ra cho Hoàng để Hoàng lau và tiếp tục xoa thuốc lên những vết thương. Tôi bỗng nhớ đến bạn Củ Cải – cô gái của Đái Bậy, và thấy ấm áp trong lòng. Con gái, cho dù miệng cứ ra rả rằng chẳng cần ai quan tâm, nhưng nếu có người chăm sóc thì vẫn thấy hạnh phúc.
- Xong rồi! Thuốc tui để ở bàn nha! Đau thì lại ra xoa.
- Ừ!
- Nhỏ ăn gì chưa?
- Ăn rồi!
- Ăn gì?
- Cơm cá rán!
- Sáng đã dậy nấu được rồi á?
- Không, ăn hôm qua!
- Đồ điên. Đợi tui về lấy cơm cho ăn.
- Tui không ăn cơm của ấy đâu. Rồi ấy đi nói với bạn tui là con đói.
- Tui… xin lỗi!
- Có lỗi gì đâu, là sự thật mà. Tui là 1 con đói cơm!
- Thật ra tui không có ý gì, chỉ là hai thằng con trai nói chuyện với nhau, nói xong quên thôi.
- Tui có nói gì đâu?
- Thì tui vẫn phải xin lỗi. Xin lỗi xong rồi, tui về lấy cơm nhá!
Hoàng chạy về. Tôi nghiêng mình cuộn tròn trong chăn, thuốc mát lịm trên má. Những vết thương đã bớt đau đi phần nào, và những giận hờn cũng tan biến hết. Mọi thứ như được gỡ bỏ.
Những ngày đầu tiên của tuổi trưởng thành, cuộc đời tặng cho tôi sự xuất hiện của hai chàng trai, bên tôi những khi tôi đau đớn nhất. Hoàng và Huy, mỗi người một tính cách, nhưng đều giống nhau ở một điểm chung, là có một trái tim ấm nóng và chân thành. Định mệnh khiến tôi mắc nợ họ rất nhiều. Không biết vì lí do gì mà có quá nhiều điều trùng hợp trên thế giới này. Mãi đến thời gian sau này tôi mới biết, cả anh Hàng xóm và anh Đái Bậy đều có một gia đình không hạnh phúc, bố Hoàng thì bỏ mẹ con anh đi với người phụ nữ khác, bố Huy mất sớm. Nhiều khi tôi tự hỏi liệu có phải những đứa trẻ thiếu vắng tình thương như chúng tôi đã được số phận đưa đẩy đến bên nhau?
Hoàng chăm tôi hai ngày sau đó. Chúng tôi hay cãi nhau, sỉ vả nhau vì những xích mích vốn có từ trước, nhưng rồi lại cười xòa. Hoàng tối tối lại trèo sang cho tôi ăn cơm, bắt tôi xoa thuốc, giảng bài cho tôi hiểu những kiến thức còn trống vì những buổi nghỉ học. Tôi cười thật nhiều và cảm thấy cuộc đời này thật bình lặng. Những ngày ấy tôi hay lặng lẽ nhìn Hoàng cười. Cái mặt Hoàng ngố ngố, thi thoảng đang kể chuyện cho tôi hắn lại nghệt ra hỏi: "Ơ quên mẹ rồi, tui đang kể đến đâu rồi nhỉ?". Còn tôi thì có bao giờ để ý đến những câu chuyện của Hoàng? Một phần vì bận ngắm sự dại khờ trong đôi mắt ấy, một phần thì Hoàng kể chuyện ngu lắm.
Tôi đi học trở lại. Cô giáo có gặp riêng tôi để hỏi thăm tình hình sức khỏe.
Cô bảo: "Nếu thậm tệ quá, Vi có thể nói với cô để cô đến trò chuyện cùng bố mẹ".
Tôi trả lời cô: "Không phải như cô nghĩ đâu. Em chỉ bị ngã thôi mà".
Cô giáo xoa nhẹ lên những vết bầm tím trên mặt rồi cho tôi về lớp. Những ngày nghỉ học, Linh chép bài cho tôi đầy đủ. Nó không hỏi tôi rằng đã xảy ra chuyện gì. Tôi kể cho Linh nghe câu chuyện của anh Đái Bậy, nhưng cứ gạt phắt đi. Nó đã có ác cảm rồi thì khó có thể làm thay đổi. Nố vẫn gắt tôi: "Tao không hiểu sao mày lại có thể chơi với một thằng đái đường?". Còn tôi thì chỉ cười.
Thực ra chơi thân với ai cũng được, chỉ cần người ta tốt và thật lòng với mình. Tôi chợt nhớ đến một câu chuyện hồi còn học cấp 2: Ngày xưa tôi rất nhút nhát, không bao giờ dám bắt chuyện với ai. Ngày ngày đến lớp cũng chỉ thu lu một xó, học hết thì xuống lấy xe đi về. Con gái trong lớp ghét tôi, nói tôi chảnh chọe kiêu căng, tôi cũng kệ, con trai nói tôi bị câm, tôi cũng lặng im thay cho cách trả lời. Mọi thứ cứ bình lặng như thế cho đến một ngày, khi đang ngủ gật trong giờ ra chơi, một tên nghịch ngợm trong lớp lấy bật lửa bật bật đốt đuôi tóc của tôi. Nó không hề biết rằng tóc là thứ dễ bén lửa, vì vậy mà mới tách tách một cái mà nó xòe 1 phát lên đến đỉnh đầu, khét lẹt! Tôi đứng phắt dậy lao ra góc lớp cầm xô nước ụp vào đầu để tóc bớt cháy, rồi hằm hằm tiến về thằng kia. Lúc ấy mắt tôi nóng ran, đỏ lõi. Tôi nói chắc nịch: "TAO SẼ Gϊếŧ MÀY". Trông tôi lúc đó chắc rất đáng sợ. Tay cầm cái bút đi, đuổi theo thằng bạn. Tôi nghĩ lúc đó túm được nó, tôi nhất định sẽ chọc mù mắt nó. Thằng bạn thấy bộ dạng điên khùng của tôi, cộng hưởng với nỗi sợ hãi về mái tóc cháy, nó chạy như ma đuổi. Tôi rượt nó mấy vòng quanh sân, nghĩ lại chẳng hiểu hôm đó ăn gì mà sức khỏe thần thánh vậy. Chạy riết, thằng nhỏ mệt quá nghĩ ra cách chui tọt vào nhà vệ sinh nam. Nó chẳng ngờ tôi chạy vào theo, giữ một nhúm đàn ông đang đứng úp chim vào tường đái, tôi len lỏi túm bằng được thằng kia. Nó vừa giãy rụa vừa khóc ròng ròng. Tôi lấy hết sức, cầm gáy nó ụp mặt nó vào bể nước dội bồn cầu rồi đi ra ngoài. Không chọc mù mắt, cũng không gϊếŧ chóc chi hết! Chỉ là lúc bắt được thằng đó, mọi hận thù bay đi đâu, trong lòng đã hả giận phần nào.
Tôi nổi tiếng trong trường từ vụ đánh nhau trong nhà vệ sinh nam như thế luôn. Bọn con gái bớt nói xấu tôi, sợ tôi ra mặt. Bọn con trai cũng bớt cạnh khóe. Riêng thằng bạn đốt tóc tôi kể từ bữa đó thân với tôi hẳn. Không hiểu vì sao. Còn tôi thì ngộ ra một điều. Ở trên đời này không có ai là yếu ớt, khi cần người ta sẽ vùng dậy thôi. Con giun xéo lắm cũng quằn, con người xéo lắm cùng bằng con giun.
- Vi đang nghĩ gì thế?
- Ủa, giật mình, không có gì, Nhật ạ! – Tôi nhìn thằng bạn đã từng đốt tóc tôi, cười tươi.
- Đau không? – Nhật chỉ vào mặt tôi.
- Không đau!
Nhật cười, rồi chạy ra hành lang chơi với Linh. Có những người bạn ấm áp như nắng, giúp một ngày của tôi không còn ảm đạm.
Hôm ấy Đái Bậy đón tôi ở cổng trường. Tôi trố mắt khi nhìn thấy ảnh.
- Anh làm cái quái gì thế?
- Gì thế này? Mặt em làm sao vậy hả?
- Em đấm nhau với thằng cùng lớp
- Thằng nào? Chỉ nó cho anh!
- Anh làm gì?
- Đấm lại!
- Em về đây! Anh đi mà tìm!
Đái Bậy phóng xe đi theo tôi, chỉ đi theo không nói gì. Được một đoạn thì Hoàng lao vọt đến tách tôi và Đái Bậy ra. Tôi bất ngờ quá nên trừng trừng nhìn Hoàng. Hoàng lườm đái bậy rồi quay sang bảo tôi:
- Sao nhỏ cứ đi cùng cái thằng hϊếp da^ʍ này thế?
Hϊếp da^ʍ? Đái Bậy hình như nghe thấy, cười phá lên rồi lại vọt lên, chen vào tách tôi với Hoàng ra. Hoàng thấy thế lại tìm cách tách lại. Cứ thế mấy lần. Tôi chẳng hiểu hai người này có bị rồ không nữa.
- Làm cái gì vậy Hoàng?
- Mẹ tui dặn phải coi nhỏ cẩn thận khỏi người xấu.
- Mẹ đằng ấy?
Chẳng biết bác Ngọc dặn dò gì Hoàng mà Hoàng lại thế nữa. Đái Bậy rồ ga lên chèn Hoàng rồi giọng trêu đùa:
- Đừng có cái gì cũng nói toẹt ra thế anh bạn!
- Kệ mẹ tôi!
- Thì chả kệ chứ tôi làm gì được mẹ bạn?
Nói rồi Hoàng đi sang phía bên tôi, nắm tay tôi kéo xe đạp đi nhanh, Đái Bậy lúc nào không đuổi theo nữa. Còn tôi thì cứ cố gắng dằng tay ra khỏi tay Hoàng. Tên rồ này, thái độ thay đổi chóng mặt.
- Tui chẳng hiểu nhỏ nghĩ gì nữa? Bạn tốt thì chẳng thấy đâu. Giao du với toàn người xấu.
- Ơ hay, bỏ tay ra.
- Không bỏ!
- Khùng hả?
Rồi lại thêm một bất ngờ không mong đợi nữa. Bố Tùng chặn đầu xe hai đứa tôi, chỉ vào mặt tôi quát:
- Đi về nhà ngay. Còn thằng này, bỏ tay nó ra.
Tôi chết trân. Hoàng cũng vậy. Bố nhìn thấy cảnh con gái nắm tay trai đi giữa đường. Trời đất. Bố Tùng không đôi co thêm, vèo xe về trước. Lúc này trong tôi, sợ hãi tràn lên tận cổ. Trận đòn hôm trước vẫn còn khiến tôi hoảng hốt. Hoàng vẫn chưa buông tay, thậm chí còn nắm chặt hơn. Hắn thấy mặt tôi đơ ra nên hươ hươ trước mặt cho tôi định thần lại. Tôi ngước sang Hoàng, gần như mếu:
- Hoàng ơi! Hoàng có chỗ nào trốn được qua đêm nay không?
Hoàng nhìn tôi sững sờ. Nước mắt tôi lại bắt đầu chày dài trên má. Lúc ấy chỉ ước Hoàng đưa tôi đi đâu cũng được, chui rúc bến xe, ngủ gầm cầu, bới rác ăn cũng được. Chỉ cần không về nhà để chịu đòn. Hoàng dùng tay còn lại lấy cái áo ba lỗ trong cặp ra cho tôi lau nước mắt rồi kéo tôi đi sang con đường khác. Chưa rõ là đi đâu. Chỉ biết từ lúc ấy, con đường mà tôi đi, luôn có Hoàng nắm tay bên cạnh.