Chương 9: Phát hiện bất ngờ

Để biết chức vụ thật sự của Jean xem ra không dễ dàng như tôi nghĩ. Tôi hỏi dò vài người, thậm chí cả hỏi thẳng thư ký của bà Barro nhưng dường như ai cũng trả lời tôi bằng một câu hỏi ngược "Anh ta không tự giới thiệu với cô à?". Xem ra, người Bỉ không khờ như tôi tưởng, họ thừa biết hẳn Jean không muốn nói nên tôi phải lân la hỏi dò. Thế nên họ cũng không dại gì tiết lộ, kẻo không phải phép với Jean. Tôi lờ mờ nhận ra chắc anh chàng này phải có chức vụ gì lạ lùng mọi người mới kiêng dè không dám nói.

Càng nghĩ càng bí, Jean còn khá trẻ, lớn hơn tôi chừng ba tuổi là cùng, sao có thể là một manager cao cấp hay một người đảm nhận vị trí quan trọng. Hành tung của Jean quả khá bí mật. Suốt cả ngày tôi không thấy Jean trong văn phòng, đôi khi thấy anh xẹt ngang qua lại giữa các phòng họp hay nghe ai đó nói rằng anh đang xuống các nhà máy hay thăm các cửa hàng bán lẻ. Trước kia, do đinh ninh Jean là tài xế, tôi nghĩ việc anh vắng mặt trong văn phòng là bình thường, nhiệm vụ anh phải đánh xe cho các sếp chạy ngang dọc chạy phố. Khi không phải lái xe, anh tranh thủ kiêm thêm nhiệm vụ pha cà phê cho mọi người. Nhưng giờ tôi quan sát kỹ mới thấy mình bé cái nhầm. Ở Van Lattel bên này không có ai phụ trách việc bưng bê cà phê hay trà như công ty con ở Việt Nam.

Dù sếp rất cao hay chỉ là nhân viên tập sự, ai cũng tự mình phục vụ đồ uống, tự photocopy hay tự làm những việc lặt vặt khác. Nếu sếp bậc cao cấp có thư ký riêng, thì họa may người thư ký này sẽ kiêm luôn nhiệm vụ trà nước cho sếp, nhưng tôi cũng ít thấy thư ký chịu làm việc này mà chính các ông giám đốc bệ vệ cũng tự mình lo những chuyện cá nhân. Hẳn xã hội phương Tây quá văn minh, họ tôn trọng con người và không còn phân biệt đẳng cấp. Ai cũng ngang hàng nhau xét về mặt con người, dù địa vị xã hội hay cấp bậc trong công ty có khác nhau đến mấy. Đã cùng là con người, sao lại bắt người khác phục vụ mình những việc nhỏ nhặt mình có thể tự làm? Ngoài ra, tôi nghĩ chắc cũng vì chi phí thuê người ở châu Âu cực đắt. Người tuyển dụng phải trả vừa lương thực lãnh cho người lao động, vừa phải đóng thuế rất cao cho nhà nước. Xem ra muốn tuyển một người họ phải trả gấp đôi. Vì thế, trong doanh nghiệp không có những vị trí không thực sự cần thiết hoặc một nhân viên phải kiêm luôn nhiều nhiệm vụ. Trong những nhà hàng nhỏ, người chủ phải đứng mở cửa khi khách bước vào, đem thực đơn đến cho khách chọn, chạy vào bếp đem đồ ăn lên phục vụ, sau đó thì tính tiền. Khi nhà hàng đóng cửa, chủ cũng phải làm lao công dọn dẹp kiêm luôn làm người rửa chén. Chỉ có một người cho rất nhiều nhiệm vụ. Ở châu Âu cũng hiếm có ai thuê người giúp việc ở trọn ngày trong nhà, nếu kẹt quá thì họ đành thuê theo giờ nhưng chi phí cho người giúp việc là cực kỳ đắt, chỉ có ai khá giả mới kham nổi. Vì thế, ai cũng phải làm việc nhà và tự nấu ăn.

Hôm nay đột nhiên tôi có một ngày rảnh rỗi vì Madame Barro và những đồng nghiệp thường hướng dẫn tôi phải đi họp bên ngoài. Cuộc họp có vẻ rất quan trọng, họ không cho tôi theo tháp tùng nên tôi chỉ ngồi lại công ty, lên mạng lướt web mong hết giờ. Tôi cũng cố tình lạng qua lạng lại phòng IT, hy vọng gặp Quang. Không phải tôi yêu thích gì anh chàng Việt kiều mới tối qua còn đùng đùng "chiến sự". Chẳng qua sáng nay khi xuống ăn sáng ở restaurant, tôi hỏi người phục vụ có tính tiền bữa tối hôm qua cộng vào tiền phòng không. Công ty Van Lattel sẽ trả tiền phòng cho tôi trong suốt hai tuần ở Bruxelles, nhưng tiền ăn uống thì tôi tự trả, do tôi được nhận một khoản tiền bỏ túi để chi vào mục đích này rồi. Người ở nhà hàng cho hay hóa đơn tối qua đã được Quang thanh toán. Tôi biết số tiền khá cao, vì tôi ra vẻ ta đây gọi nhiều và toàn món đắt. Nhìn lại thực đơn, tôi nhẩm tính số tiền mình phải trả lên đến cả trăm euro. Tối qua cao hứng muốn chứng tỏ, tôi không lường được số tiền này tương đương ba triệu đồng, bằng tiền ăn cả tháng cho gia đình tôi ở Việt Nam. Với người sống ở châu Âu, một trăm euro cho một buổi ăn tối cũng là quá xa xỉ. Thường dân Tây ít dám vô nhà hàng mà chỉ ăn tại nhà, nếu có vào Ibis mà ăn thì cũng là được công ty trả tiền, vì khách sạn này dành cho giới doanh nhân. Cả tuần qua tôi bủn xỉn, chỉ toàn ăn mì gói đem từ Việt Nam sang, tự nấu nước trong phòng rồi ngồi ăn xì xụp cho qua bữa, thỉnh thoảng tự thưởng cho mình một suất frites mua ngoài phố đã thấy là quá hoang phí rồi. Phen này chắc tôi phải... đọc kinh sám hối hàng đêm mới mong lương tâm mình không dậy sóng.

Tôi không muốn Quang gặp mặt tôi sẽ đòi tiền nên tôi đã chủ động tìm anh ta để trả phứt số tiền "tội lỗi" này. Người như Quang không hào sảng đến mức trả cho tôi bữa ăn "hoàng gia" đó, bản thân anh ta chỉ dám gọi món súp rau thảm hại. Chẳng qua tôi đùng đùng bỏ đi, anh ta chậm chân ngồi lại nên bị phục vụ bắt thanh toán tiền. Nhưng hình như hôm nay Quang không đi làm. Tôi lạng qua lạng lại mệt mỏi mà không thấy tăm hơi anh ta đâu

_ Anh chàng gốc Việt bán phần mềm CRM cho công ty mình đâu rồi? – Tôi dò hỏi một nhân viên văn phòng IT – Tôi có việc nhờ anh ta.

_ Tất cả nhân viên của công ty Smart Solutions đi hết rồi. Họ đã xong nhiệm vụ từ cuối tuần trước.

_ Ý anh là họ quay về Pháp? – Tôi giật mình – Công ty họ đóng ở Pháp thì phải?

_ Đúng rồi, cô cần gì không?

_ Tôi có việc nhờ anh ta, chúng tôi đồng hương cùng gốc người Việt Nam – Tôi lúng túng – Anh có e-mail của Quang không?

_ Có chứ! – Anh chàng phòng IT lục tìm trong ngăn tủ - Danh thϊếp anh ta đây.

Quang tên đầy đủ là Trần Ngọc Quang. Anh ta đúng là sinh ra trong một gia đình có cha mẹ thuần Việt đến mức nhất quyết không cho con có tên Tây, dù điều này sẽ gây khó khăn cho đứa bé khi đi học và sau này ra đời đi làm. Những đứa bé Việt kiều trong họ hàng tôi khi sinh ra ở bên đây thì đều có tên Tây, ai yêu mến quê hương lắm thì cho con thêm một cái tên Việt kèm theo. Vậy cha mẹ Quang cũng thuộc loại bảo thủ lắm. Hèn gì mà bắt anh ta phải có cho bằng được một cô vợ người Việt, đến nỗi đã ba mươi bốn tuổi mà vẫn phải độc thân. Trời, tôi bắt đầu tin những gì anh ra kể lể về mình rồi sao? Điều kinh ngạc hơn, khiến tôi suýt tí nữa hét lên, bên dưới tên Quang là một chức vụ "ớn lạnh": PDG. Tức là chủ tịch và giám đốc điều hành, anh ta là chủ công ty. Tô không biết công ty Smart Solutions có qui mô như thế nào, doanh thu bao nhiêu, số lượng nhân viên có đông không. Nhưng để bán được phần mềm CRM cho tập đoàn danh tiếng Van Lattel thì hẳn cũng không phải loại xoàng.

Trên đoạn đường từ công ty Van Lattel về khách sạn Ibis, tôi bắt chuyện với Jean, người "tài xế riêng" từ lúc tôi sang Bỉ đến nay. Tôi hỏi anh biết gì về Quang, công ty Smart Solutions bán phần mềm CRM cho Van Lattel lâu chưa, bao lâu thì người của Smart Solutions phải sang Bruxelles bảo trì phần mềm một lần.

_ Anh ta không tự giới thiệu với em à? – Jean hỏi ngược lại – Em nên hỏi trực tiếp Quang thì hơn. Đồng hương của em mà.

_ Thật ra... - Tôi lúng túng – Tụi này không thân với nhau lắm, mà người như Quang sao lại làm đến chức Giám đốc chứ?

_ Người như anh ta thì sao? – Jean kêu lên ngạc nhiên – Anh ta sáng sủa, nổi bật đó chứ. Trước kia anh tưởng Quang người gốc Nhật, vì người Nhật vốn giỏi công nghệ thông tin.

_ Người Nhật ai thèm sống ở Pháp – Tự dưng tôi cáu bẳn – Anh đúng là người Bỉ, chả biết gì về tình hình thế sự bên ngoài. Người Việt Nam mới sống khắp nơi, còn Nhật họ chỉ ở tại nước mình thôi. Trước kia Việt Nam từng là thuộc địa của Pháp, nên có nhiều người Việt di cư qua "mẫu quốc". Quang sinh ra và lớn lên ở Pháp, anh ta cũng chả phải là người Việt. Anh ta là con dơi!

_ Dơi? – Jean nhíu mày – Mà sao tự nhiên em có vẻ khó chịu vậy?

_ Anh không biết con dơi à? – Tôi vẫn đang cáu – Tức là thứ nửa chim nửa chuột. Không có bản sắc riêng, chả ra giống loại gì đặc thù.

_ Sao em nặng lời với Việt kiều vậy – Jean tỏ vẻ thất vọng – Không phải vì Việt kiều giỏi hơn và khá giả hơn người Việt trong nước nên em ganh ghét?

Tôi không ngờ Jean phản ứng như vậy. Tôi cũng cứng họng không biết trả lời thế nào. Tôi nghĩ mình đã đi quá xa, người Bỉ không hiểu gì về những mặc cảm tự ti và tự tôn giữa Việt kiều và người trong nước với nhau. Jean cũng chả biết gì về lịch sử Việt Nam, tôi nói về vấn đề này với anh ta không lợi ích gì. Cũng may xe đã đến khách sạn Ibis nên tôi khỏi phải trò chuyện tiếp với Jean. Tuy nhiên tôi cố vớt vát "Anh hiểu lầm em rồi, em chả việc gì phải ganh ghét với Quang. Anh ta có điều kiện học hành bên châu Âu, sáng sủa và nổi bật thật. Nhưng người Việt sống trong nước như em cũng không phải quá tối tăm và chìm nghỉm đâu!". Jean nhún vai, nhìn có vẻ chẳng hiểu gì hoặc giả khờ không chịu hiểu. Anh đưa tay chào tôi rồi de xe chạy đi.

Tối đó không phải tôi muốn tiết kiệm một bữa ăn để bù lại buổi tối vung tay quá trán đêm qua, nhưng miệng tôi đắng nghét, tôi không muốn ăn bất cứ thứ gì. Tôi đã "nuốt không trôi" thông tin về Quang, cái chức vụ ghê gớm anh đang làm. Tôi càng "tiêu hóa không nổi" lời nhận xét thẳng thắn nhưng không phải không chính xác của Jean: Tôi đang ganh ghét với Việt kiều.

Lần đầu tiên từ khi sang Bỉ, tôi trải qua một đêm không ngủ, dù biết rằng có thể sáng mai, tôi bị xỉu một lần nữa.