Hội chợ kéo dài một tháng ròng trên đại lộ Boulevard d"Avroy cuối cùng cũng kết thúc. Tối hôm nói lời chia tay với cư dân Liège, những người làm hội chợ đã bắn pháo hoa xôm tụ như một lời cảm ơn và hẹn gặp lại vào năm sau. Tôi "chứng" lên, không thèm theo mấy anh chị trong nhà ra hội chợ xem pháo hoa với lý do đang tập trung làm bài tập. Nhìn họ chộn rộn khoác áo, chuẩn bị máy chụp hình để mục kích pháo hoa, tôi cũng nôn nao muốn đi theo. Nhưng rồi nghĩ lại giận Jean chê đó chỉ là hội chợ cho con nít tôi không thèm đi nữa. Ngồi trong nhà với những khung cửa sổ đóng kín, tôi vẫn nghe tiếng đì đùng vui tai từ hội chợ vọng lại. Giá mà Jean chịu đến Liège, chúng tôi sẽ vui vẻ bên nhau cùng ngắm pháo hoa. Tôi thở dài, nghĩ như thế cũng hay, khỏi làʍ t̠ìиɦ cảm nảy nở, mắc công phiền toái về sau.
Tuy không chịu đến Liège vì cái hội chợ "dành cho con nít", Jean vẫn thỉnh thoảng nhắn tin tôi hỏi thăm chuyện học hành. Tôi lịch sự cập nhật thông tin cho anh mà không dám nhắn thêm vài chữ thân mật như "Bisous" hay "Miss you", dù đó cũng chỉ là những lời đầu môi chót lưỡi tụi Tây bên đây hay thêm vào dưới những tin nhắn. Jean cũng giữ kẽ, chỉ nhắn "G9" hoặc "A+" khá vô thưởng vô phạt. Với những cái tin nhắn cỏn con đó, đôi lúc tôi thấy ấm lòng vì được quan tâm, nhưng rồi tôi cố tự nhủ "chỉ đến mức này mà thôi".
Mùa Đông đã bắt đầu bung chiếc áo choàng lạnh lẽo phủ chụp lấy vạn vật. Mặt trời ngày càng thức muộn, mây xám bao phủ âm u, hoa cỏ oằn mình chết rạp, những nhánh cây đã thật sự trụi hết lá, giơ những bộ xương gầy khẳng khiu chịu đựng buốt giá. Mỗi khi đứng chờ bus trên đại lộ Boulevard d"Avroy, nhìn khoảng trống lạnh lẽo mới mấy ngày trước còn là hội chợ náo nhiệt, tôi thấy lòng chùng xuống. Cuộc sống cứ thế trôi, hết tưng bừng rồi lặng lẽ. Mùa Đông thê lương rồi cũng sẽ qua, tôi tự an ủi. Rồi tôi sẽ chờ đến lúc thấy Xuân về. Năm ngoái tôi chưa kịp ngắm thảm hoa ở Grande Place trên Bruxelles thì đã quay lại Việt Nam sau kỳ tu nghiệp hai tuần. Lần này, khi tháng tư đến, nhất định tôi sẽ lại lên Bruxelles.
Ở lớp học tiếng Pháp tại cơ sở một của trường Đại học Liège ngay Place Vingt-Aout, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp Zineb và Isabella. Cả hai không ai còn ở lại ký túc xá trên "đồi gió hú" Sart-Tilman nữa. Zineb chia tiền nhà, ở trọ cùng những đồng hương Bắc Phi. Họ là tín đồ đạo Hồi, tín ngưỡng khiến họ xích lại gần nhau. Khỏi phải than phiền tủ lạnh bị ô uế vì để chung thức ăn với thịt heo hay rượu cocktail của người khác.
Isabella cũng dời về trung tâm Liège, cô nàng ở ký túc xá Home Ruhl, nằm ngay trên đại lộ Boulevard d"Avroy. Ký túc xá này hiện đại, qui tụ nhiều sinh viên nước ngoài từ Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Đức... sang. Thỉnh thoảng có cả sinh viên Canada và Mỹ. Home Ruhl dành cho sinh viên nước ngoài sang Liège theo dạng trao đổi sinh viên giữa các trường đại học của chương trình ERASMUS. Họ chỉ học ở đây một học kỳ rồi quay về nước tiếp tục chương trình trước đó. Vì chỉ đến Bỉ ngắn hạn, đám sinh viên này không chú trọng chuyện học lắm mà đa phần muốn tận dụng học kỳ trao đổi để du lịch hay khám phá những trò vui thú khác. Home Ruhl hoàn toàn không yên tĩnh để học hành nhưng nơi đây thật lý tưởng để "kết bè kết đảng". Thật dễ hiểu vì sao Isabella thích dọn đến đây ở. Cô nàng hay rủ tôi cuối tuần cùng vào khu Le Carré nhảy nhót hoặc đến ký túc xá Home Ruhl tụ tập nấu nướng.
Thỉnh thoảng tôi cũng tự cho phép mình "đàn đúm" cùng đám sinh viên đa quốc tịch ở Home Ruhl. Bọn họ trẻ măng, đùa giỡn vô tư, ăn chơi hồn nhiên. Dường như trên đời này không có gì khiến họ phải lo nghĩ. Dù khủng hoảng kinh tế toàn cầu có đe dọa cũng không mảy may làm họ lưu ý. Dù đồng tiền chung euro có nguy cơ giải tán cũng chẳng làm họ lo âu. Đám sinh viên Ý dạy tôi làm Spaghetti và Carbonara, bọn Tây Ban Nha chỉ tôi cách làm món Tortillas và Tapas, dân Nam Mỹ mở lớp học nhảy Salsa miễn phí. Bọn nhóc này còn dạy tôi các bài hát chế lời bậy bạ hay những câu chửi thề độc địa. Tụ tập với họ làm tôi quên được mình là ai, mình từ đâu đến, mình đang ôm một cục nợ mười lăm ngàn euro, mình đang trong tình trạng độc-thân-không-vui-tính.
_ Vui nhỉ - Anh Hưng tán thành – Anh cũng muốn sang Home Ruhl đàn đúm. Các em Tây Ban Nha thoáng lắm, tha hồ "giao lưu" chuyện đó...
_ Anh đừng tưởng bở - Tôi trề môi – Tụi nó cũng chọn đối tác đẹp trai hay ít ra cũng có tí cơ bắp. Nhìn anh gầy gò nhỏ thó như vầy làm sao...
_ Em không có kinh nghiệm rồi – Anh Tùng góp lời – Gầy gò mà dẻo dai, lại được việc. Chứ nhìn phốp pháp lại chả được cơm cháo gì! Phải không bà Nhàn?
_ Mấy cái ông xa vợ này – Chị Nhàn cười ngất – Bên đây không tìm mua được rau răm cho mấy ông ý ăn. Rau răm là
anti-Viagra mà! Ăn vào là khỏi cần "giao lưu" chi cho rách việc.
_ Phương Vy – các anh đề nghị - Lần tới có sang Home Ruhl nhớ cho bọn anh theo với nhé! Giới thiệu các em Tây Ban Nha nào máu máu vào!
Các anh Việt Nam chỉ mạnh miệng nhưng rất nhát. Họ lại ngại giao tiếp nên co cụm chơi với nhau mà không dám tiếp xúc với người nước ngoài nhiều. Rốt cuộc chỉ có mình tôi là chịu la cà với dân Home Ruhl. Pascale dường như cũng không hợp với sinh viên da trắng, nếu có thời giờ rảnh hiếm hoi, chị thích tụ họp với người da đen hơn. Tôi ngộ ra, không phải ai cũng thích khám phá văn hóa lạ. Giao du với đồng hương, đồng tôn giáo, đồng màu da xem ra an toàn, không mất thời gian và hứa hẹn hơn. Có lẽ vì thế, Jean ngại phát triển mối quan hệ với tôi, còn tôi cũng ngại cả hai không cùng một xuất thân gia đình.
Vậy mà tối thứ sáu hôm đó, tôi đang đầu bù tóc rối làm món Carbonara và Tortillas cho cả nhà đổi khẩu vị thì anh Hưng nhấn chuông ầm ĩ. Anh được phân công ra siêu thị ở Place Saint Lambert mua bia và coca, sao lại không đem chìa khóa? Chị Nhàn đang giúp tôi đánh trứng cho món Tortillas còn anh Tùng đang phụ trách phần luộc mì ống cho món Carbonara. Chỉ có Pascale là có thể đi ra mở cửa dù mới từ phòng tắm ra với cái khăn quấn hờ quanh người.
Từ trong bếp tôi nghe Pascale hú lên, tiếng hú dài xuyên qua mọi rào cản rất đặc trưng từ châu Phi hoang dã. Giọng anh Hưng thì uốn éo kỳ quặc và còn bày đặt nói bằng tiếng Anh "củ chuối": Hello people! Attention now. It"s a pleasure we have a guest. A guest for young lady. Attention! Attention!
Vì giọng anh cứ khẩn thiết đòi mọi người chú ý, cả bọn từ bếp thò đầu ra nhìn. Suýt chút nữa tôi đánh rơi mấy củ khoai tây nóng trên tay. Jean sừng sững đứng kế bên anh Hưng bé nhỏ. Trên tay Jean là một bó hoa rực rỡ và một hộp chocolat thắt nơ hoành tráng. Pascale không biết vô tình hay hữu ý, để rớt góc khăn quấn người lộ cả "hàng", chị nàng há miệng ra trầm trồ trước người khách đột ngột.
_ Xin chào mọi người – Jean đỏ mặt bối rối – Tôi làm phiền quá? Tôi xin lỗi, xin lỗi!
_ Anh đến sao không báo trước? – Tôi ú ở hồi lâu mới mở miệng được – Rủi hôm nay em đang đi đâu không có ở nhà thì sao?
_ Anh tiện đường đi ngang Liège. Ghé vào nhà thăm em – Jean phân bua – Nếu không gặp được em thì cũng làm quen với những người ở chung mà em đã kể rất nhiều...
Lần đầu tiên nhà chúng tôi có khách da trắng, lại là một người Bỉ ăn mặc trang trọng nên mọi người chộn rộn nháo nhào cả lên. Jean cho biết anh đi dự hội nghị của hiệp hội các nhà sản xuất sản phẩm sữa ở Verviers, gần sát Liège. Hội nghị kết thúc sớm hơn dự kiến nên anh tranh thủ ghé thăm tôi.
_ Anh thấy nó đứng mua hoa và chocolat ở siêu thị Delhaize – Anh Hưng nói oang oang bằng tiếng Việt – Anh thấy thằng này quen quá nên đứng nhìn nó. Nó thấy vậy cũng nhìn lại. Rồi nó hỏi anh có phải người Việt Nam, có phải bạn cùng nhà với Phương Vy. Thì ra có lần anh và nó chạm mặt ở trạm xe bus Place Saint Lambert. Thế là anh dắt nó về nhà, giao cho em nguyên hàng nguyên kiện đấy nhé!
_ Anh ta nói gì vậy? – Jean lúng túng hỏi – Anh có làm phiền gì mọi người không?
_ Không không! – Tôi vội vã trấn an – Anh ấy khen anh lịch lãm, thân thiện, cả nhà rất vui đón tiếp anh.
_ Thật hả? – Jean đỏ mặt – Em đang làm bếp?
_ Làm bếp? – Tôi hỏi ngược – À đúng rồi, nhưng giờ em làm không được nữa. Thôi để ai muốn làm gì thì làm, có gì ăn nấy!
_ Sao? – Pascale đã kịp lên phòng thay áo đầm hở lưng và tô son đỏ chót – Cả nhà này có ai biết làm món Tây Ban Nha với Ý đâu, em bày ra rồi bỏ đó sao được?
_ Em không còn tâm trí nào làm bếp đâu! – Tôi thú nhận luôn – Bắt em làm thì em bỏ muối mặn chát ăn không được cũng vậy!
_ Món Tây Ban Nha và Ý? – Jean ngơ ngác – Mọi người không nấu món Việt Nam?
Pascale nhào đến nắm tay Jean lôi xuống bếp giải thích gì đó. Tôi ngồi phịch xuống ghế dài ở phòng khách, mặt ngớ ngẩn đến mức các anh đến lay vai "Bình tĩnh em, làm gì thấy trai thì mất hết hồn vía thế kia! Để đó bọn anh xử lý giúp em cho. Yên tâm!". Jean nhận ra tôi đang cố làm Carbonara và Tortillas, hai món dễ làm nhất trên đời, người châu Âu nào cũng biết nên anh xắn tay áo hoàn thiện nốt.
Jean ở lại ăn tối với chúng tôi, mọi người khen anh nấu ăn xuất sắc khiến anh lại đỏ bừng mặt. Anh Hưng và anh Tùng thay phiên nhau "xử lý" Jean bằng những lời nài ép phải uống bia "Trăm phần trăm! Không cạn ly là không tôn trọng chủ nhà! Đó là phong tục Việt Nam. Các anh còn uống nổi, chú cũng phải uống theo!". Kết quả là Jean không lái xe về được Bruxelles, phải "qua đêm" ở chỗ chúng tôi.
Đêm đó tôi không tài nào chợp mắt được. Tiếng ngáy của bọn đàn ông vang lên khắp nhà, nhịp nhàng như một dàn đồng ca. Còn tim tôi thì đập tiếng được tiếng mất.