Từ ngày dọn xuống trung tâm Liège ở, tôi càng thấy thích thành phố này. Nhất là giờ đang vào giữa mùa Thu, mưa nhiều hơn, gió thốc mạnh, lá vàng rụng ngày càng dày, để lộ những nhánh cây gầy khẳng khiu. Nếu còn sống trong ký túc xá ở "đồi gió hú", nhìn cảnh Thu vàng thê lương, nghe gió rít từng cơn, nhốt mình "tự kỷ" trong phòng, chắc tinh thần tôi xuống thấp lắm. May là tôi đã quyết định bỏ rừng xuống phố.
Liège lại đang sôi động với hội chợ kéo dài một tháng ở đại lộ Boulevard d"Avroy. Người ta kéo đến lắp đặt những trò chơi vui nhộn: bánh xe đu quay, xe lửa lượn trên không, xe hơi đυ.ng, cưỡi ngựa gỗ vòng quanh... Các lều vải xanh đỏ giăng khắp nơi để diễn xiếc tạp kỹ, múa lửa, lắc vòng, chơi bắn súng thưởng gấu bông, thảy vòng vào cổ vịt...
Mùi hương thơm lừng của các gian hàng ẩm thực cũng vô cùng hấp dẫn, tỏa ra ngào ngạt cả góc trời, nào hotdog, xúc xích nướng, thịt gà quay, khoai tây chiên giòn, kebab, pizza, gauffre... Hội chợ nhiều hoạt động đa dạng và thu hút mọi thành phần ở Liège và các thị trấn nhỏ xung quanh. Trông ai cũng háo hức, chộn rộn, tối nào cũng ầm ĩ đến tận nửa đêm.
Hội chợ ở Boulevard d"Avroy cách nhà chúng tôi chỉ vài trăm mét nên buổi tối dù đã đóng kín cửa vẫn nghe âm thanh sôi động vẳng đến thật khiêu gợi. Pascale và tôi học bài khuya đói bụng hay rủ nhau ra đó cũng ăn một chiếc xúc xích nướng nóng phỏng miệng, lạng qua lạng lại quầy bán kẹo
nougat ngắm anh chàng bán hàng thật xinh trai rồi mua một cây kẹo bông gòn phồng to như cái bong bóng.
Buổi trưa khi đi học về sớm, tôi chứng kiến bọn sinh viên kéo nhau chơi trò cảm giác mạnh. Sau khi hét khản cổ với xe lửa lượn trên không, có đứa đi không nổi, bò lê bò càng. Có đứa oằn mình nôn sạch trơn mấy cái hotdog vừa ăn. Vậy mà bọn chúng còn cười nắc nẻ, kéo nhau tìm trò chơi mạnh mẽ khác. Bọn sinh viên bên đây vì quá khỏe mạnh nên chơi rất khϊếp. Tôi có cảm giác sức trẻ chạy cuồn cuộn trong họ, nếu không có những hoạt động mạnh để giải tỏa, họ sẽ nổ tung ra mất.
Ngắm những thân hình cao ráo, cơ bắp căng tràn, nghe giọng cười sảng khoái đầy yêu đời của họ, tôi thấy xót xa cho sinh viên Việt Nam bên nhà, nhất là những bạn từ tỉnh nghèo lên trọ học ở Sài Gòn đắt đỏ. Vì ăn không đủ, sức học cũng hạn chế, chẳng ai còn hơi sức đâu rèn luyện thể dục thể thao.
_ Chị có chơi môn nào không mà nhìn săn chắc quá! – Tôi tò mò hỏi Pascale – Hay người châu Phi vốn có sẵn cơ bắp?
_ Trên đời này không có gì là sẵn hết em à! – Pascale cười khặc khặc – Chị thích rượt đuổi sư tử trong sa mạc nên khỏe!
_ Thôi mà – Tôi cười trừ - Làm ơn đừng đùa chứ! Gia đình chị sống ở thành phố, chị là dân trí thức, sư tử đâu ra cho chị rượt chứ!
_ Thật ra người châu Phi bọn này rất thích hoạt động tay chân – Pascale giải thích – Dường như Thượng đế khi sinh ra người da đen đã muốn họ không bao giờ ngồi yên. Bọn chị thích nhảy nhót, đánh trống, chơi những môn thể thao dân dã như đá banh, bơi thuyền, chạy bộ, tập tạ, đạp xe. Bản thân chị thì làm việc nhà rất nặng, ví dụ như bửa củi, cuốc đất làm vườn, đào hố xây hồ cá... Qua Bỉ chị cố làm việc nhà nhiều để tranh thủ tay chân hoạt động một tí.
_ Hèn gì mà chị giành lau dọn nhà cửa, không chịu nấu ăn – Tôi cười, nhìn Pascale thán phục.
_ Người Việt Nam bọn em lười vận động quá! – Pascale nhận xét – Ai cũng bé loắt choắt. Mỗi khi ra đường lúc trời mưa gió, chị cứ sợ bọn em bị gió cuốn đi, ha ha...
_ Vậy sao chị cứ hay nhõng nhẽo đòi anh Tùng và anh Hưng hộ tống khi ra đường?
_ Thì phụ nữ phải có "chiêu" chứ! – Pascale cười phô hàm răng trắng – "Chiêu" của phụ nữ còn lợi hại hơn cả nhan sắc. Em thật là ngốc!
Tôi quả ngốc thật, nhan sắc không biết chăm chút, chiêu trò cũng chả biết bày. Làm sao tìm được bạn trai? Những lúc nhìn mọi người tay trong tay tình tứ ngoài phố, tôi ao ước mình cũng có ai đó đoái hoài. Hồi ở Sài Gòn tôi không có nhu cầu tìm người yêu "bức thiết" như sang Liège. Hẳn vì nơi đó tôi có gia đình êm ấm, công việc bận rộn, bạn bè dập dìu. Cuối tuần tôi luôn có quá nhiều hoạt động giải trí, xem kịch, coi phim, họp lớp, học nhảy salsa, ra nhà sách, đi đám cưới, dự sinh nhật, ngồi quán cà phê...
ở đây không phải thiếu những hoạt động văn hóa nhưng hầu như không phù hợp với một người nước ngoài như tôi. Tôi có sá gì mấy cái bảo tàng, tôi cũng đâu muốn đi nghe hòa nhạc hay tham gia câu lạc bộ đọc thơ. Ngồi bó gối học mãi cũng quẩn trí. Buổi tối tán dóc vô thưởng vô phạt với mấy anh chị ở chung nhà cũng chán phèo. Lên facebook, lướt web, chat qua Skype đều không còn tí hấp dẫn nào với tôi. Cuộc sống trẻ trung đang sôi động ngoài kia, nam thanh nữ tú đang dập dìu ngoài kia, cơ hội cho tôi đang chực chờ ngoài kia.
Tôi quyết định, phải tự đi tìm tình yêu cho mình, nếu như không muốn thèm thuồng nhìn người khác có cặp có đôi.
_ Anh đến chứ? – Tôi phone cho Jean, giọng hồi hộp muốn mắc nghẹn – Hội chợ ở Liège vui lắm. Cả năm mới có một lần vào tháng mười. Có nhiều trò chơi, xiếc tạp kỷ, bắn súng thưởng gấu bông...
_ Hội chợ hả? – Giọng Jean mệt mỏi – Anh đâu còn là con nít...
_ Người lớn cũng đi đông lắm! – Tôi cố thuyết phục.
_ Vậy hả? – Jean đều đều giọng – Hoặc vì họ phải dẫn con nít đi, hoặc vì họ đang thất nghiệp không có gì làm, hoặc vì cuộc đời họ quá vô vị...
_ Hoặc là vì họ đang ế chỏng gọng như em!
Tôi dằn dỗi cúp máy. Tôi chịu thua, không "chiêu" chiếc gì nổi. Dù đã luôn tự nhủ Jean không dành cho mình mà nay cô đơn quá tôi bạo gan "tán tỉnh" anh cầu may. Thật sự tôi nhớ Jean sao lần cả hai cùng ăn trưa khi anh bất ngờ ghé qua Liège thăm tôi. Hôm đó Jean mời tôi ăn
moules et frites ở một nhà hàng nhỏ trên phố Rue de I"Université.
_ Em vui hơn rồi chứ? – Jean ân cần – Tuần đầu em ở Liège tinh thần xuống quá. Anh cũng phải tự hỏi hay việc du học ở Bỉ của em là một sai lầm.
_ Em thấy đỡ hơn – Tôi cười – Đúng là hồi mới đến "đồi gió hú", em chỉ muốn tự tử!
_ Ai biểu! – Jean nhăn mặt – Anh đã khuyên là học ở Bruxelles đi mà em cứ khăng khăng "Liège, em thích Liège! Em yêu rừng, em thích thú vật, em muốn sống giữa thiên nhiên!"
_ Ai cũng có sai lầm mà – Tôi cười xấu hổ - Không ngờ em chịu cô đơn dở quá, em luôn cần có ai đó bên cạnh. Vậy mà hồi ở Sài Gòn em lại khao khát được tự do tuyệt đối, muốn ở một mình không ai quấy rầy... Em quyết định đi du học cũng vì muốn có cuộc sống cho riêng mình.
_ Anh biết – Jean trầm giọng – Em sẽ trưởng thành hơn rất nhiều với cuộc sống tự lập. Vì thế anh đã cố khuyến khích em du học sang đây.
_ Thật ra mấy ngày đầu ở Liège em cũng hận anh đã xúi dại em... - Tôi le lưỡi thú nhận.
_ Cái gì? – Jean la làng.
Phục vụ đột ngột đem thức ăn lên, chúng tôi tạm ngưng trò chuyện. Jean liếc mắt nhìn tôi ấm ức còn tôi chỉ biết toét miệng cười trừ. Khi
moules et frites nóng hổi đã sẵn sàng, phục vụ bàn đã rút lui, tôi đưa ngón tay lên miệng ra lệnh "Đến giờ ăn! Không nói chuyện nữa!" rồi hối hả làm bộ bận rộn thưởng thức những con
moules béo ngậy. Sau đó tôi nhanh chóng đổi đề tài, hỏi về tình hình kinh doanh của Van Lattel. Jean buồn buồn cho biết Tập đoàn đang bị ảnh hưởng vì khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ban giám đốc khá lo ngại dù xác định đây là khó khăn chung, ngành nào cũng vướng phải.
_ Anh đã có kế hoạch sang Việt Nam phát triển kinh doanh – Jean tiết lộ - Nhưng nay mọi người thấy chưa thực sự cần thiết. Tình hình này nên co cụm hoạt động. Không được bành trướng ra. Hạn chế đầu tư tối đa.
_ Có phải vì dự định sẽ sang Việt Nam mà anh đã dành thời gian làm tài xế cho em hồi em sang Bruxelles tu nghiệp? – Tôi hỏi có phần đường đột – Anh muốn làm quen với một nhân viên Việt Nam để hỏi thông tin?
_ Ồ không! – Jean ngơ ngác – Anh đâu cần làm thế. Nếu được bổ nhiệm sang Việt Nam, anh cứ đường đường chính chính đến nhận nhiệm sở. Cần thông tin gì thì cũng được cung cấp một cách chuyên nghiệp và chính xác.
_ Vậy vì sao anh làm tài xế cho em? – Tôi tò mò không giấu nổi.
_ Vì sao? – Jean hỏi lại, cố câu giờ do chưa tìm được câu trả lời – Anh sẽ tiết lộ cho em sau, chừng nào mình thân thiết hơn. Một lý do tế nhị, chưa tiện nói bây giờ. Mong em hiểu và đừng quan tâm.
_ Không phải vì thích em chứ? – Tôi móm cung, cười láu lỉnh – Biết đâu ai đó gởi hình em cho anh trước khi anh gặp.
_ Ồ không! – Jean kêu lên thật thà – Nếu thích một cô gái, anh chỉ cần đơn giản nói "anh thích em". Đâu cần mất thời giờ làm tài xế đưa đón suốt cả hai tuần liền chứ!
Chúng tô đã vui vẻ trò chuyện với nhau suốt bữa ăn nên thời gian trôi qua vùn vụt. Rút kinh nghiệm "xộ" khi ăn trưa với Việt kiều Quang. Tôi đã chuẩn bị tinh thần ăn xong mạnh ai nấy "xử" nhưng Jean nhanh chóng đưa thẻ tín dụng ra:
_ Anh đã nói là mời em mà! – Jean khẳng định.
_ Có sao đâu? – Tôi lâng lâng.
_ Em là sinh viên, không có tí thu nhập nào, lại còn đang ôm cục nợ khổng lồ - Jean cười chân thành – Còn anh rõ ràng là có điều kiện hơn em.
_ OK! Cảm ơn Jean, em rất cảm kích! – Tôi sung sướиɠ – Bữa ăn rất ngon, ngon nhất từ hồi em đến Liège!
_ Dạo này em biết nói cảm ơn nhiều hơn rồi đó – Jean bật cười trước thái độ của tôi.
_ Thật ra... - Tôi ngượng đỏ mặt.
_ Anh biết rồi, người Việt Nam không có thói quen cảm ơn vì những chuyện nhỏ nhặt. Họ chỉ mỉm cười. Hôm nay em đã cười rất tươi suốt bữa ăn với anh. Giờ còn cảm ơn rối rít – Jean có vẻ cảm động – Có dư quá không?
Chúng tôi bật cười. Tôi chợt nhận ra ánh mắt Jean rất dịu dàng. Ngay sau bữa ăn Jean đã vội vã chia tay tôi để lái xe quay về Bruxelles. Anh không hẹn sẽ lại đến Liège thăm tôi nhưng khi tôi hỏi "Nếu Liège có gì vui, anh đến chứ?" Jean đã vui vẻ trả lời "OK, có gì vui, em báo nhé!". Nhưng nay rõ ràng là cái hội chợ náo nhiệt ở đại lộ Boulevard d"Avroy không làm anh hứng thú, đến mức có thể lái xe gần một tiếng đồng hồ để đến thăm?
Tôi nhớ Jean, thực sự tôi nhớ anh. Giá mà anh chỉ là anh tài xế tầm thường trong tập đoàn Van Lattel...