Chương 12: Đồi gió hú

Những đợt gió thốc từng cơn lạnh lẽo cuốn theo đám lá vàng bay mù mịt. Cửa sổ đóng kín mà tôi vẫn nghe gió hú rợn người. Mưa Thu Liège không mạnh mẽ và ầm ào như ở Sài Gòn, trưởng là dữ dội nhưng tạnh rất nhanh. Mưa ở đây toàn là những giọt nước mong manh, rỉ rả rơi suốt ngày, như ai đó trên cao kia đang khóc thương cho mối tình đầu ngu dại. Nghe thì sến thật, nhưng tôi không biết phải so sánh loại mưa dai dẳng này với hình ảnh gì cho xứng. Tôi lại đang ở trong một ký túc xá lạnh lẽo, nằm cheo leo trên đồi Sart-Tilman, xung quanh là cây rừng bao phủ.

Từ nhỏ đến lớn ở Sài Gòn, quanh năm ra đường cọ quẹt, xe cộ ầm ầm, tôi chưa bao giờ hình dung có ngày mình bị nhốt trên "đồi gió hú", nhìn ra ngoài toàn cây rừng đang đợt rụng lá đầu Thu tang tóc, mưa thì rơi mãi không ngừng. Tôi không có một người bạn nào, cũng chẳng biết đi đâu. Tối tôi ngủ không dám tắt đèn, sợ gặp phải bóng ma sinh viên ở ký túc xá hay người sói răng nhọn từ rừng sâu chui vào. Tôi "tự kỷ" trong căn phòng nhỏ, nghĩ tình hình này còn kéo dài lâu, chắc chắn tôi không tự tử thì cũng vào nhà thương điên. Một tuần lễ trải qua ở Liège dài thậm thượt còn hơn hai mươi bốn năm qua trong cuộc đời mình. Tôi không biết phải trách hận ai, không lẽ cứ gọi cho Jean tru tréo "Em lầm khi nghe anh sang đây"?

Lúc ở Sài Gòn, tôi lên mạng tìm hình trường Đại học Liège. Thấy trường nằm trải dài trên đồi Sart-Tilman đẹp tuyệt vời, xung quanh cây rừng phủ xanh mát rượi. Ký túc xá nằm sát bên thật hiện đại, những tốp sinh viên cười hớn hở đi bên nhau dưới nắng vàng. Hoa lá rực rỡ trải dài khắp các lối đi. Khung cảnh thần tiên đó khiến tôi một mực đòi phải học ở Liège dù Jean khuyên nên ở Bruxelles cho tiện. Tôi nghĩ mình càng ở những nơi tách biệt với trần thế thì sẽ càng tu luyện hiệu quả, không uổng phí món nợ mười lăm ngàn euro. Tôi sẽ tránh xa những nơi phồn hoa đô hội, thoát khỏi cạm bẫy shopping, vượt qua cám dỗ rong chơi nhí nhố. Tôi chỉ có biết ôm kinh mà tụng, học ngày học đêm, sáng làm bạn với thú rừng, tối lấy ánh trăng làm tri kỷ.

Giờ lần đầu tiên trong đời ở nơi khung cảnh hiu quạnh, tôi thấm thía cho thân phận cô đơn. Đáng đời tôi, ai biểu đòi lánh xa Bruxelles vì sợ Jean "đeo bám". Trời phạt cho kẻ kiêu ngạo tưởng mình có giá, chính tôi đây mới là người "quấy rối" Jean. Tôi gọi liên tục năn nỉ anh đến Liège thăm mình, tôi tự nhủ nếu anh đến thật, tôi sẽ bay đến nhảy lên đến... cổ anh mà hôn.

Jean từ chối, anh có nhiều việc phải làm, cuối tuần cũng kín lịch. Jean khuyên tôi đi ra phố, mua thực phẩm, mua áo ấm chuẩn bị cho mùa Đông sắp đến. Nhìn cảnh mưa rơi rả rích, gió giật thốc ngược hết mọi loại ô dù, viễn cảnh phải ngồi xe bus những ba mươi phút từ trên đối Sart-Tilman mới đến được trung tâm thành phố, tôi rợn người. Thà đóng cửa "tự kỷ" còn hơn.

May thay vào ngày thứ bảy, phòng tôi có thêm hai sinh viên đến ở. Thì ra vì tôi đến Liège quá sớm, ký túc xá còn vắng vẻ, khiến tôi có cảm giác mình đang ở trên hoang đảo. Mỗi một phòng lớn có bốn phòng nhỏ. Cả tuần nay chỉ có mình tôi chiếm một phòng nhỏ ở trong căn phòng lớn số 25 này. Tôi có không gian riêng trong căn phòng nhỏ của mình gồm giường ngủ và một chiếc bàn học bài, tôi sẽ dùng nhà vệ sinh, bếp, phòng khách với bốn người khác ở không gian sinh hoạt chung.

Hai sinh viên mới gia nhập vào "căn hộ" số 25 của tôi là người Bỉ nhưng quê ở vùng nói tiếng Hà Lan và người Maroc, một nước thuộc Bắc Phi. Cô bé Bỉ mới học năm nhất, tên Isabella. Còn chị người Maroc tên Zineb, đến Liège học Cao học. Những "cư dân" mới rủ tôi cùng xuống đồi, vào trung tâm thành phố mua sắm, chuẩn bị "an cư" dài lâu trong thời gian học tập sắp tới.

Không khí chộn rộn của các bạn làm tôi hứng chí lên rất nhiều, tôi cố chế ngự nỗi sợ say xe khi phải đi bus từ đồi Sart-Tilman xuống. Lần trước tôi nôn thốc nôn tháo khi đến nơi, vì xe chạy qua những cua quẹo rất gắt, men cặp theo sườn đồi ngoằn ngoèo, xe đang chạy tốc độ nhanh nhưng cứ ba phút lại đột ngột dừng một lần tại các trạm. Ngồi xe bus trong tình cảnh đó, kéo dài đến nửa tiếng đồng hồ, tôi bị say cũng đáng. Lần này may quá, vì ngày thứ bảy ít khách, xe không dừng liên tục tại các trạm nữa mà chạy một lèo xuống thẳng đến trung tâm thành phố, chỉ mất hai mươi phút thôi.

Đến Liège trước cả tuần nay, nhưng tôi toàn ở trên "đồi gió hú", phố xá nhộn nhịp ở trung tâm với tôi vô cùng xa lạ. Isabella và Zineb còn phải chỉ đường cho tôi, tụi nó cũng biết siêu thị nằm ở đâu, chỗ đặt mua vé xe bus theo tháng, các máy rút tiền đặt nơi nào. Thậm chí họ còn biết nơi gọi điện thoại quốc tế thông qua Internet, rất rẻ nếu tôi muốn phone về Việt Nam. Xem ra tôi sợ sệt như con rùa rụt cổ. Tôi nghĩ chắc vì mình nói tiếng Anh trong khi Liège là thành phố nói tiếng Pháp nhưng vì người nước ngoài làm việc ở thủ đô rất đông, mọi người ai cũng nói được tiếng Anh trôi chảy.

Những ngày đầu đến Liège, tôi nghe lời Jean căn dặn, phải vừa cầm bản đồ, vừa lê lết đi làm đủ các loại giấy tờ hành chính. Tôi gặp vô vàn khó khăn vì chỉ nói được tiếng Anh còn tiếng Pháp thì... như chó ngáp. Isabella nghe tôi rên, bèn hào hứng rủ "Hai chị em mình cùng đi học tiếng Pháp vào buổi tối đi." Nước Bỉ có hai ngôn ngữ chính, chia theo vùng Flamande và vùng Wallonnie. Vùng Flamamde nói tiếng Hà Lan, theo lời Isabella, ai cũng cố gắng học thêm tiếng Pháp, còn vùng nói tiếng Pháp như Liège thì kiêu ngạo lắm, không ai thèm học tiếng Hà Lan cả. Tôi không ngại đi học tiếng Pháp, ngược lại, tôi còn rất thích ngôn ngữ này. Dân Bỉ trong Van Lattel cũng toàn nói tiếng Pháp. Hồi ở Việt Nam tôi đã tốn vài năm học tiếng Pháp ở IDECAF, giờ ở Liège cả năm, tôi càng phải cố gắng học.

Tôi chỉ ngán một điều, muốn học tiếng Pháp tôi phải đi bus từ "đồi gió hú" xuống trung tâm thành phố. Trường Đại học Liège còn một cơ sở khác tọa lạc ở đây. Trình độ tiếng Pháp của Isabella hơn tôi mấy bậc nhưng nếu cùng ngồi bus, cùng đến trường, dù không học cùng lớp, tôi sẽ có động lực hơn. "OK! Vậy em đăng ký giùm chị đi!" – Tôi đồng ý – "Hai đứa mình đi chung".

Zineb người Maroc tuốt bên Bắc Phi nhưng lại nói tiếng Pháp khá nhất bọn, lưu loát như tiếng mẹ đẻ, đơn giản vì Maroc từng là thuộc địa của Pháp, ngôn ngữ này từ lâu đã trở thành bắt buộc trong trường học và công sở. "Tôi đi với!" – Zineb đề nghị - "Không phải để học tiếng Pháp, mà là học tiếng Anh. Tiếng Anh của tôi tệ lắm!". Vậy là ba chị em nhà số 25 chúng tôi nắm tay nhau cười vui vẻ với viễn cảnh sẽ cùng tiến bộ. Cả ba trao đổi bằng cả hai ngôn ngữ Anh – Pháp, thậm chí lâu lâu còn học thêm tiếng Hà Lan, hy vọng người này giúp người kia mau tiến bộ. Không khí "quốc tế" đầy vui vẻ và tươi trẻ.

Tôi như người sắp chết đuối vớ được phao từ lúc có thêm Isabella và Zineb. Đời còn dễ thương với tôi quá đỗi. Giờ gió có gào, mưa có rỉ rả, lá vàng có rơi rụng dày đặc đến đâu, tôi thấy bắt đầu có cảm tình với "đồi gió hú" Sart-Tilman của mình.

Chúng tôi vào trung tâm thương mại Belle-Ile tìm mua thêm quần áo mùa Đông, hy vọng có giảm giá dù Isabella khăng khăng "Sắp đến Đông rồi, toàn hàng new arrival thôi. Chỉ có đồ mùa Hè thì đang hạ giá". Belle-Ile trong tiếng Pháp có nghĩa là hòn đảo xinh đẹp, chắc vì thế mà nơi đây cơ man nào là các cửa hàng xanh đỏ, tha hồ cho ai mê shopping thỏa sức mà gom hàng, mọi người ai cũng muốn ở hoài trên "hòn đảo" này, không thèm quay về với "đất liền" nữa. Mặc dù vậy, tôi và Zineb chỉ dám dòm ngó thèm thuồng. Chỉ có Isabella là hào hứng vào phòng thử đồ liên tục. Cô bé người Bỉ nên quen với mức sống ở đây hơn hai kẻ chúng tôi: đến từ Việt Nam với tỷ giá ngoại hối cao vυ"t và Maroc còn kém phát triển.

_ Trời đất ơi! – Một giọng Việt Nam đột ngột vang bên tai – Em tôi đây mà!

_ Hả! – Tôi há hốc, sững người nhìn – Anh...

_ Anh đây! Anh Quang đây! Em là gì ở Liège vậy? Van Lattel cho em đến đây thực tập hả? Anh không biết Tập đoàn có chi nhánh ở đây.

_ Em tạm thời nghỉ làm ở Van Lattel – Tôi nhún vai kiêu hãnh – Em đi du học, ở Đại học Liège nè...

_ Công ty cấp học bổng cho em? – Quang hỏi tới tấp – Sao nhân viên trẻ mà được đối xử tốt quá? Hay nhờ em quen biết đặc biệt với Jean, cháu nội của gia đình sáng lập viên Van Lattel?

Tôi không rõ Quang đang "bóng gió" xa xôi nói tôi cậy nhờ "trai" hay anh chỉ thật tình nói ra suy nghĩ vô tư của mình. Không muốn bị hiểu lầm, tôi chủ động rủ Quang đi uống nước trò chuyện tại một cửa hàng bánh ngọt ở ngay trong Belle-Ile. Isabella và Zineb tròn mắt nhìn anh chàng Việt Nam đẹp trai rồi nháy mắt với tôi, bọn họ kéo tay nhau tiếp tục mua sắm.

_ Anh thật quá bất ngờ gặp lại em, nhất là ở Liège này – Quang hào hứng – Anh lái xe từ Pháp qua để đưa ba mẹ anh đến đây ăn đám cưới một người quen...

_ Chứ không phải anh tìm thông tin về em rồi giả bộ bất ngờ gặp – Tôi lạnh lùng – Làm gì có chuyện tình cờ đến mức này chứ!

_ Sao? – Quang ngớ người – Em đa nghi thật hay em tưởng mình là tuyệt sắc giai nhân, anh phải dò tìm thông tin của em để giả vờ gặp lại?

_ Anh không cần phải mỉa – Tôi cắn chặt răng – Em không phải tuyệt sắc giai nhân, nhưng anh muốn gặp lại em để... đòi tiền!

_ Tiền gì? – Quang ngơ ngác – Anh đâu có cho em mượn tiền mà đòi?

Sáu tháng qua đã nhiều lần tôi định viết e-mail cho Quang đề cập đến một trăm euro anh đã trả cho bữa ăn "tội lỗi" của tôi ở khách sạn Ibis. Tôi đã trì hoãn chuyện này, không biết phải lý giải thế nào, gặp nhau ở đâu để trả, trả bằng cách gì. Tận sâu trong thâm tâm, tôi biết mình xấu hổ. Tôi đã đánh giá Quang thấp hơn những gì anh đang có. Tôi không muốn thú nhận mình đã biết anh là chủ một công ty công nghệ thông tin. Và rồi tôi tự kết luận, với một người không khó khăn về tài chính như Quang, một trăm euro có xá gì. Vậy tôi cố liên lạc với anh để trả tiền làm chi, cứ để mọi việc chìm vào quên lãng, suốt đời này tôi không gặp lại Quang nữa. C"est fini! Thế là xong như người Pháp hay nói.

Vậy mà giờ thì, không xong rồi.

}7Z