Mười mấy tiếng ngồi máy bay với tâm trạng phấn khích đến mức chẳng chợp mắt được tí nào, tôi thở phào khoan khoái khi cuối cùng chuyến bay cũng kết thúc. Thế là tôi đã đến Bruxelles. Lần thứ hai đến với thủ đô của châu Âu tráng lệ. Những hành khách xung quanh lục tục đứng dậy lấy hành lý. Bà đầm tuổi trung niên ngồi gần tôi vừa khoác áo dạ vừa lắc đầu chép miệng "Lại đối mặt với cái rét đáng ghét, ôi, ba tuần qua tôi ở Thái Lan đầy ánh mặt trời ấm áp biết bao!". Tôi cười xòa, cũng lấy áo manteau ra khoác vào.
Ngược với tâm trạng của bà ngồi cạnh, tôi nôn nao sắp được đắm mình trong làn gió lạnh cuối đông phương Tây. Tiếp viên hàng không thông báo: "Nhiệt độ bên ngoài là một độ C". Thật tuyệt vời! Tôi thèm được lạnh như bao nhiêu người Sài Gòn, mong có vài ngày nhiệt độ giảm để diện áo khoác xúng xính. "Mùa đông năm sau nếu có trốn rét, bà nhớ đến Việt Nam nhé!" – Tôi quay sang tạm biệt bà bạn đồng hành – "Việt Nam đẹp hơn Thái Lan nhiều, tin tối đi!"
Tôi bước chân ra khỏi máy bay, một luồng khí lạnh ập đến làm bừng tỉnh mọi ngóc ngách trong cơ thể, tôi nghe từng tế bào mình rung động sâu xa. Lần trước khi đến Bỉ, tôi cũng được hưởng một tí nhiệt độ ôn đới vào đầu thu. Những cơn gió ngọt ngào mang hơi lạnh phương Bắc, thoảng trong không khí hương nhựa cây ngan ngác của những chiếc lá đầu tiên lìa cành. Trở lại Bỉ lần này tôi thấy lòng hân hoan, như được trở về một nơi chốn vô cùng thân quen, không phải là nhà mà tha thiết hơn cả mái ấm hằng ngày. Tôi sẽ khám phá một khách sạn mới mẻ, sẽ tận hưởng thú cô độc đứng nhìn phố xá co mình trong giá rét từ cửa sổ phòng. Tôi sẽ thích thú ăn những món hải sản Bỉ, sẽ gọi mỗi ngày một món
moule ( một loại sò đặc sản Bỉ) với các loại gia vị khác nhau, buổi tối tôi sẽ cắn ngập răng thỏi chocolat
Côte d"Or và khe khẽ hát "
Il pleut sur Bruxelles" trước khi chui vào chăn dày ấm áp. Cuộc sống của tôi trong vài tuần ngắn ngủi sẽ thay đổi hoàn toàn so với những ngày dài đơn điệu lê thê ở Việt Nam.
Thủ tục hải quan không quá lâu, tôi nhanh chóng nhận hành lý trên băng chuyền rồi bồi hồi đẩy xe theo dòng chữ "Exit". Một chàng người Bỉ chắc chỉ dưới ba mươi đang giơ tấm bảng nhỏ ghi tên "
Nguyễn Phương Vy". Tôi kinh ngạc nhận ra, tên mình được chăm chút ghi rõ từng cái dấu.
_ Chào anh! – Tôi cười xã giao với người đi rước – Anh là người của công ty Van Lattel?
_ Vâng, tôi tên Jean Van Brel. Cô chỉ có bao nhiêu hành lý thôi?
_ Đúng vậy – Tôi bật cười nhìn cái va li kéo nhỏ xíu của mình – Lúc về tôi mới mua nhiều đồ!
_ Madame Barro dặn chở cô về khách sạn nghỉ ngơi, đến ba giờ chiều tôi ghé qua đón vào nhà máy.
Madame Barro là người chịu trách nhiệm chính về khóa huấn luyện ra sản phẩm mới lần này. Tôi được là đại diện phòng Marketing của Van Lattel Việt Nam tham gia khóa tu nghiệp vì chị sếp trực tiếp đột nhiên nộp đơn nghỉ nhảy sang công ty khác. Cơ hội hiếm hoi cho một nhân viên trẻ măng như tôi. Khóa huấn luyện khá đặc biệt vì chỉ có mình tôi tham dự, theo kiểu kèm riêng. Thực phẩm chức năng bánh qui sữa dành cho người ăn kiêng lần đầu sẽ được tung ra bán ở thị trường Việt Nam. Sản phẩm này đã bước sang giai đoạn phát triển ở những nước Đông Nam Á, nhưng Van Lattel Việt Nam luôn là chi nhánh đi sau các nước khác trong khu vực.
Trời hãy còn chưa sáng hẳn dù đã tám giờ. Tôi mở to mắt thu hết mọi cảnh vật đang vào tiết cuối đông. Xe chạy trên đường cao tốc, hai bên đường chỉ là những tường rào đơn điệu, thỉnh thoảng xuất hiện một vài hàng cây chưa kịp thay lá mới. Bầu trời trong vắt, báo hiệu một ngày đẹp trời vàng nắng dù vẫn còn khá lạnh. Tôi đưa máy chụp hình bấm lách tách xuyên qua lớp kính xe.
_ Lần đầu cô đến Bỉ à? – Jean ngồi sau vô lăng quay đầu nhìn tôi lạ lẫm.
_ Ồ không! Lần thứ hai rồi! Năm ngoái tôi được qua dự buổi giới thiệu về Tập đoàn Van Lattel, lần đó chỉ có ba ngày thôi mà ngày nào cũng phải họp rồi sếp bắt tôi quay về Việt Nam gấp do có sự kiện quan trọng. Lần này tôi thấy xúc động quá! – Tôi buộc miệng thì thào, mắt vẫn nhìn chăm chú vào máy chụp hình – Tôi yêu nước Bỉ!
_ Tôi chưa từng nghe một người nước ngoài nào nói yêu nước Bỉ - Jean ngớ người – Nước Bỉ chúng tôi đâu có gì đặc biệt so với những nước châu Âu khác. Bản sắc của chúng tôi quá mờ nhạt. Chúng tôi là một nước mà có đến mấy ngôn ngữ vay mượn! Người châu Âu thì trêu ghẹo người Bỉ chúng tôi ngốc. Cô yêu nước Bỉ thật à?
Tôi bật cười, không đáp, thấy anh chàng Jean này đúng là người Bỉ thứ thiệt: thật thà quá mức cần thiết! Cả châu Âu có cả kho truyện tiếu lâm trêu ghẹo người Bỉ ngờ nghệch. Họ nói người Bỉ khù khờ, ai nói gì cũng tin, ai khen gì cũng tưởng thật. Người Bỉ nhìn nhận các vấn đề rất chân phương và đơn giản. Không hẳn tôi có tính ngoại giao khi nói "Tôi yêu người Bỉ" nhưng quả thật từ "yêu" của tôi và Jean không cùng một ý nghĩa. Tôi đổi đề tài.
_ Anh làm cho Van Lattel lâu chưa?
_ Mới có bốn năm thôi – Jean trả lời thẹn thùng – Còn cô?
_ Bốn năm mà anh nói "mới có"! – Tôi kêu lên - Ở Việt Nam ai mà làm ba năm cho một công ty thì bị cho là trì trệ rồi đó. Tụi tôi nhảy việc nhiều lắm! Tôi vô Van Lattel được gần hai năm, đây là công ty đầu tiên của tôi khi ra trường, tôi đi thực tập năm cuối, rồi được nhận làm luôn. Có dạo tôi chán lắm, nhưng giờ chị sếp trực tiếp của tôi tự nhiên nghỉ qua công ty khác, tôi được Tổng giám đốc giao làm nhiều việc quan trọng và thú vị hơn. Rồi giờ thì tôi được cho sang đây tu nghiệp về sản phẩm. Tôi đang có nhiều động lực làm ở công ty mình. Còn anh? Anh đang thích thú với công việc hay đang chán?
_ Tôi? – Jean ngớ người – Chán? Với thanh niên mới ra trường, tìm được việc là may. Van Lattel cũng là công ty đầu tiên của tôi. Tôi quá hài lòng được vô công ty lớn như vậy. Tôi còn phải cố gắng giữ việc, không để bị sa thải.
_ Sao lại sợ bị sa thải chứ? – Tôi ngạc nhiên – Anh làm việc không tốt? Anh sai phạm gì?
_ Không! Ý tôi là công ty đang gặp khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Sản phẩm của công ty mình thuộc loại thiết yếu nhất đó, nhưng nếu cần tiết kiệm, người ta cũng sẽ giảm ăn chocolat và các thực phẩm về sữa. – Jean cố giải thích nhưng không hy vọng tôi hiểu được – Nhân viên ở Van Lattel sợ bị cắt giảm nhân sự. Cuối thàng là chúng tôi hồi hộp. Có nhiều trường hợp rồi, cô không hiểu nổi đâu. Việt Nam là thị trường mới, khác xa với bên châu Âu này...
Vẻ mặt tự dưng trở nên khinh khỉnh khi nói "không hiểu nổi đâu" của Jean quá chân thật, đến mức tôi như bị tạt một gáo nước lạnh vào mặt. Tôi nóng người nghĩ mình bị coi thường thái quá. Có gì mà không hiểu nổi, không hiểu thì giải thích. Làm việc trong công ty Bỉ hai năm nay nhiều lần tôi phải bực bội chịu đựng cảm giác này. Người Bỉ cứ tưởng mình hơn người khác. "Đồ phân biệt!" – Tôi thầm hậm hực – "Thật đáng ghét!". Tôi trở mặt lạnh lùng, không thèm trò chuyện vui vẻ như lúc mới lên xe nữa. Jean dường như không nhận ra, anh nghĩ đơn giản chắc tôi mệt vì đã trải qua một chặng bay dài. Anh cũng không nói gì thêm, chăm chú lái xe.
Đoạn đường mười cây số từ phi trường vô trung tâm thủ đô Bruxelles không quá dài để hai người im lặng đủ lâu. Khi xe chạy vào khu ngoại thành, tôi lại bật dậy bấm máy chụp hình lia lịa. Tôi ráo riết đề nghị "Hạ kính xe xuống!". Jean lật đật tuân lệnh, gió lạnh nhanh chóng tràn vào làm tôi run rẩy. "Thôi kéo kính xe lên! Tôi mà bệnh ở đây thì nguy!". Jean lại nhanh chóng làm theo, không để lộ biểu cảm gì.
Tôi xoa hai bàn tay vào nhau, xuýt xoa lục giỏ tim găng. Lúc tôi đang ung dung đeo hai đôi găng tay vào, anh đồng nghiệp Bỉ đều giọng hỏi "Người Việt Nam không có thói quen nói "làm ơn" khi đề nghị việc gì và không nói "cảm ơn" khi được đáp ứng việc mình mong muốn à?". Dù Jean có vẻ thật thà khi thắc mắc theo kiểu "tìm hiểu văn hóa" và tôi thì đã cố ý không cảm ơn để "trả thù" việc anh ta tỏ thái độ khinh khỉnh, tôi thấy xấu hổ chỉ muốn độn thổ tức khắc và ước gì mình đừng bao giờ nhìn mặt anh chàng "ngây thơ cụ". Làm sao giải thích với anh ta rằng, vì cảnh đẹp mà tôi trở thành một kẻ bất lịch sự?
Khách sạn Ibis công ty Van Lattel chọn thuê cho tôi nằm gần khu trung tâm, phố Marché aux Herbes. Đây là chuỗi khách sạn dành cho doanh nhân, khá trung tính và dễ chịu. Chuỗi khách sạn Ibis ở khắp các thành phố lớn của châu Âu, thường nằm ở những nơi tiện lợi, giúp doanh nhân dễ dàng di chuyển trong chuyến công cán. "Tại Bruxelles có đến vài Ibis" – Jean giúp tôi đem hành lý lên phòng – "Nhưng chúng tôi chọn Ibis này vì muốn cô sẽ có những ngày hoàn hảo nhất ở Bỉ! Khách sạn có tên Ibis hotel off Grand Place!". Jean cố ý gắn từng tiếng khi nói tên khách sạn. Cái tên nói lên địa điểm nằm sát Grand Place – Quảng trường Lớn, trái tim của Bruxelles. Tôi thích thú với viễn cảnh sẽ đi dạo ngắm phố xá, chụp hình miệt mài và shopping mê mải. Tôi đã từng ghé qua Bruxelles một lần, chỉ kịp đến văn phòng công ty mà chưa thăm thú thủ đô châu Âu. "Lần này mình sẽ ngấu nghiến Bruxelles, biết đến bao giờ mới có dịp!".
Jean nói tạm biệt và hẹn sẽ quay lại đón tôi lúc ba giờ chiều. Anh chàng có vẻ thất vọng vì sự chuẩn bị chu đáo đón rước đồng nghiệp Việt Nam không được tôi thật sự trân trọng. Tôi nghi là tên "Nguyễn Phương Vy" đã được một người Việt Nam nào đó "biên tập" dùm. Chắc Jean đã hỏi nhờ ai đó giúp hộ, anh muốn tôi có cảm giác hoàn hảo khi vừa đặt chân xuống nước Bỉ? Thế mà Jean chẳng nhận được gì từ tôi ngoài hai tiếng "cảm ơn" có phần lạnh lùng. Jean nhúng vai thở dài ngao ngán bỏ đi. Tôi bật cười một mình nghĩ mình cũng quá đáng. Tôi không có ý "chảnh chọe" nhưng cũng không muốn "day" vào con trai, nhất là người nước ngoài. Tôi chúa ghét bọn con trai, họ làm cuộc đời mình mất thời gian vô ích. Đột nhiên tôi nghĩ đến mẹ, mẹ mà biết tôi bất lịch sự với Jean, bà sẽ lại chép miệng "Con vừa đánh mất cơ hội của một người, và cũng là của chính con!". Mẹ đang lo tôi ế! Chà chà, hai mươi bốn tuổi rồi. Tôi nghĩ chắc mình nên thân thiện hơn với Jean khi anh quay lại rước vào buổi chiều.
Một cụm từ vừa thoáng qua đầu tôi, rõ ràng – Một tình không biên giới? Hừm, tôi tự đang nghĩ vẩn vơ gì vậy? Sao mà sến quá!