Chương 102: Hoàng Đế Băng Hà - Tân Đế Nối Ngôi

Bầu trời Thành Vu gần đây ngày nào cũng có tuyết rơi, đã vậy còn là những trận tuyết lớn phủ dày đặc khắp cả Kinh thành. Ngày hôm nay tuyết đã vơi bớt phần nào, ánh nắng cũng đã len lỏi qua từng tán cây khóm lá và ánh một màu vàng lung linh trên mái ngói đã hằn dấu vết cổ kính của tháng năm.

Chỉ Ni bước chậm rãi lên từng bậc thang đã phủ đầy tuyết trắng xóa. Ngước mắt nhìn lên bầu trời cao vời vợi, nơi đáy mắt chợt ánh lên những vệt sáng long lanh. Kể từ khi tỉnh lại sau khi được dùng Hạ Tuyết Đàm thì đây là lần đầu tiên Chỉ Ni rời khỏi tẩm cung mà bản thân luôn cho rằng quá ngột ngạt. Nàng nhớ quãng thời gian trước, khi vẫn là một thường dân nhỏ bé, bình thường, sống một cuộc đời êm đềm, ăn những món ngon bình dị. Không có cung vàng điện ngọc, cũng chẳng gấm vóc lụa là, nhưng đó lại chính là tuổi thơ gắn bó với nàng hơn một thập kỷ. Giờ đây đã là Trưởng công chúa quyền quý mà lòng cứ mang một mất mát khó thể giải bày, cũng không biết rằng làm sao mới có thể bù đắp.

Đặt chân lên tường thành, Chỉ Ni đi đến bên vách tường cao đến ngang eo, ánh mắt đượm buồn hướng về phía Nam ở xa tít. Chẳng biết rằng người ấy đã về đến quê nhà hay chưa, cũng chẳng biết giữa đường có gặp chuyện gì trắc trở. Biết rằng đã rời đi thì không rõ ngày sẽ tái ngộ nhưng Chỉ Ni vẫn mong một ngày nào đó cả hai sẽ lại được tương phùng.

Còn nhớ rất rõ ngày ấy, ngày mà hắn mặc kệ thương tích chi chít trên thân thể để hấp tấp mang đến khoe với nàng một hũ son của tân nương. Với một khoảnh khắc ngắn ngủi như vậy thôi mà nàng đã nhận ra hắn là nam nhân mình có thể dựa dẫm cả đời này. Nhưng tiếc là con đường phía trước lại quá trắc trở. Lúc ấy ở Qui Nam, ở bên cạnh nhau như thế mà còn muôn vàn gian khó thì nói chi khi nàng lại ở Thành Vu muôn dặm xa xôi. Ngay tại thời khắc này Chỉ Ni không mong mỏi gì nhiều cả. Chỉ mong rằng từng ngày trôi qua hắn đều được bình an, nếu có thể thì hãy thành gia lập thất để được một cuộc sống trọn vẹn, đủ đầy.

Đứng ở phía sau, Bạch Hạc nhìn Chỉ Ni cứ hướng mắt đến phía Nam mà trong lòng dâng lên vô vàn áy náy. Biết rằng chuyện lứa đôi thì không thể nào ngăn cấm được nhưng nàng là Trưởng công chúa, là báu vật của Hoàng gia nên tuyệt đối không nên làm xáo trộn mọi thứ khi đang trong lúc dầu sôi lửa bỏng. Vả lại, dầu lúc này đã không còn nguy hiểm, tuy nhiên Lê Dực Định là Hoàng thất Qui Nam, cách Thành Vu xa xôi nên chẳng thể nào thành đôi được. Mối lương duyên này ngay từ đầu đã được định là sẽ bất thành.

Bạch Hạc bước đến vài bước, kính cẩn cúi đầu.

- Lệnh cô, trên này gió lạnh, người nên hồi Cung tịnh dưỡng thì hơn.

Bàn tay đặt lên tường thành. Nàng lắc đầu, ánh mắt vẫn hướng về phía Nam ở xa tít mù khơi. Không những chỉ hôm nay mà ngay mai, ngày mốt, vài tháng, thậm chí là vài năm. Bao lâu cũng được. Ngày nào nàng cũng sẽ ở trên bức tường thành này để trông ngóng tin của người mình yêu thương nhất. Cho dù sau này có là tin khiến tâm can mình vỡ vụn nhưng nàng hứa rằng bản thân vẫn sẽ nở nụ cười. Một nụ cười mãn nguyện để chúc phúc cho nam nhân ấy cả đời này luôn được an yên.

Chỉ Ni thở dài một hơi nặng nề, nơi cuống họng cứ như nghẹn ứ. Ở khóe mắt đã ngấn giọt lệ long lanh từ bao giờ. Nói không đau lòng là không đúng. Chính bản thân nàng còn tự cảm nhận được bao nhiêu chua xót đang dần chớm nở. Biết rằng ở hai nơi xa cách nhau muôn vàn dặm cách trở thì sẽ rất khó để nhắc đến chuyện mai sau. Nhưng nàng vẫn sẽ mong, mong đợi ngày nhận được tin từ nơi phương xa ấy.

- Lệnh cô! - Bạch Hạc khẽ giọng.

- Hồi Cung thôi!

Chỉ Ni luyến tiếc nhìn chân trời ở phía xa rồi lặng lẽ quay lưng rời đi. Nhân gian bên ngoài rộng lớn quá! Càng nhìn từng hàng cây, dòng nước càng khiến trong lòng quặt thắt một nỗi đau. Ước gì thế giới của nàng vẫn nhỏ bé như ngày xưa ấy. Không biết nhiều thì sẽ thôi không sầu muộn.



Từng ngày trôi qua ở Qui Nam càng lúc càng trở nên nặng nề. Đã nhiều ngày qua Hoàng đế chỉ triệu kiến mỗi Lê Thạch Thành và Lại bộ thượng thư Chu Toản, hoàn toàn không gặp thêm bất kỳ ai, kể cả Hoàng thái hậu. Ở Thiên Minh Điện là vậy, còn ở tiền triều thì rối rắm vô cùng vì còn nhiều chính sự vẫn chưa được giải quyết, nhưng vì Hoàng đế vẫn còn tại vị nên không một vị Hoàng tử nào dám vượt quá bổn phận, chức trách của mình để người sinh lòng nghi kỵ mà ảnh hưởng đến tiền đồ.

Đã được một tuần kể từ khi Lê Dực Định trở về từ Thành Vu. Càng ngày thể trạng của Hoàng đế càng suy nhược trầm trọng. Nghiêm trọng đến mức ai cũng sẵn sàng để chuẩn bị cho Quốc tang vào một ngày gần đây. Ngay vào thời khắc dầu sôi lửa bỏng này chẳng ai dám manh động vì sợ kẻ thù sẽ nhìn ra sơ sót. Trong số các Hoàng thất thì ai cũng tìm cho mình hậu thuẫn ở sau lưng. Nhưng duy chỉ Lê Dực Định là im hơi lặng tiếng, không gặp Hoàng thất, cũng chẳng tiếp quần thần, chẳng một ai suy đoán được rằng hắn đang mưu tính điều gì cả. Tuy nhiên, với binh quyền từ lâu đã nắm chắc trong tay thì có vô số người muốn lôi kéo. Những ngày qua quà cáp đến môn phủ đếm không xuể nhưng hắn không quan tâm, sai người mang đi hồi lại hết.

Ở trong Thiên Minh Điện vẫn mang bầu không khí ngột ngạt như mọi ngày. Vừa căng thẳng vì những suy tính trong lòng còn vừa phải quỳ ở chính điện khi vô số mùi thảo dược nồng nặc đang bao phủ. Tuy nhiên, mặc cho ai đang khó chịu đến mức nhăn nhó mặt mày thì các Hoàng tử vẫn quỳ hầu sự với tư thế kiên định, sắc mặt không bày ra bất kỳ một cảm xúc nào, cũng chẳng ai nói một lời nào cả.

Lê Dực Định quỳ ở hàng đầu tiên. Ánh mắt cứ nhìn xa xăm vô định, còn người thì không một cử động, vững chắc như núi Thái Sơn. Ngay lúc này buộc bản thân phải thật cứng rắn để không ai nhìn thấu được những điều mà hắn sắp làm. Trong thời đại này cần thiết nhất chính là tính cẩn trọng. Nếu bản thân sơ suất thì sẽ liên lụy rất nhiều người, chưa kể cả những người chẳng liên can.

Những người ở hậu điện mỗi lúc một ra vào nhiều hơn, trông sắc mặt của các Ngự y cũng thêm vài phần căng thẳng. Hoàng thái hậu ngồi ở trường kỷ, tâm tình đã không được thư thả từ lâu. Sinh ra từ thời Trung Quang đế, mười lăm tuổi cùng Liệt Giản đế kết nghĩa phu thê, là Hoàng hậu đầu tiên trong lịch sử được cử hành đại hôn với Hoàng đế, rồi năm bốn mươi tuổi đường đường chính chính trở thành Hoàng thái hậu cho đến ngày hôm nay. Nếu lúc này Thạc Hoà đế về với trời và Tân đế lên ngôi thì Hoàng thái hậu chính là người phụ nữ đã trải qua tứ triều, chứng kiến vô vàn bi thương khổ ải. Tuy nhiên, điều khiến Hoàng thái hậu đau lòng nhất lại là việc chứng kiến con trai của mình đang lâm trọng bệnh, cũng chẳng được bao lâu nữa sẽ về với đất trời.

Cả không gian ở Thiên Minh Điện mỗi lúc một thêm căng thẳng, ngột ngạt. Yên ắng đến mức nghe rõ nhịp thở của mình kèm tiếng ho dai dẳng của Hoàng đế ở bên tai. Giữa cái nắng gắt khi mặt trời đang treo trên đỉnh như lúc này càng khiến mọi thứ bức bối, thêm vạn phần tồi tệ. Từng nhịp ho của Hoàng đế đang dần dà mất kiểm soát mà mỗi lúc càng dồn dập hơn. Chẳng bao lâu sau đó, bất chợt bên trong đã hoàn toàn không còn một tiếng động. Lúc này Hạng Tài mới vội vã đi từ bên trong ra, sắc mặt kinh hãi cắt không còn một giọt máu. Hắn ta vừa đến trước Hoàng thái hậu thì lập tức ngã người quỳ xuống đất, cả người run lên bần bật, miệng chợt lắp bắp:

- Dạ… Dạ bẩm Đức bà. Bệ hạ đã… Băng hà rồi ạ.

Lời của Hạng Tài vừa dứt thì cũng là lúc Hoàng thái hậu dằn tay lên thành ghế rồi dần dần siết chặt. Biết rằng ngày này sẽ đến rất nhanh nhưng không ngờ rằng lại nhanh chóng đến như thế. Sanh ra hài tử, nuôi dạy khôn lớn thành người vậy mà giờ đây lại chứng kiến cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh.

Vừa nhận được tin báo từ Hạng Tài thì các vị hậu phi, hoàng thất đều quỳ xuống đất khấu đầu, tiếng khóc thút thít vang vọng khắp cung cấm không phân biệt được đâu mới thực sự là niềm tiếc thương. Các thái giám thay nhau chạy khắp ngóc ngách của Hoàng cung, từng tiếng “Bệ hạ đã băng hà” bi ai dường như vang vọng khắp cả trời đất, đồng thời các thị vệ, cung nữ đang dở việc cũng phải quỳ xuống khấu đầu tại nơi mà mình đang đứng ban đầu.

Một bầu không khí tang tóc bao trùm cả Qui Nam đại cường. Chỉ trong tích tắc là ai nấy đều bắt tay vào chuẩn bị cho Quốc tang thật long trọng và nghiêm trang nhất. Trong khi mọi người đang tất bật lo tang sự thì Hoàng thái hậu lại trầm ngâm ngồi trên trường kỷ. Ánh mắt vô hồn nhìn xa xăm vô định, sắc thái cũng đã chôn chặt những nét tươi vui. Cuối cùng thì ngày này cũng đến. Không những kết thúc chuỗi ngày khổ sở sống trong bệnh tật của Thạc Hoà đế mà còn mở ra ngày tháng tranh giành Hoàng vị thấm đẫm cả máu tươi.

Thạc Hoà đế trị vì Qui Nam ba mươi bốn năm, mỗi ngày đều ưu tiên chính vụ, trọng dụng hiền tài, mang đến một cuộc sống ấm no, sung túc cho lê dân bách tánh, không những vậy mà giúp bờ cõi được mở rộng rất nhiều. Những ngày cuối đời dẫu bệnh tật triền miên mà vẫn miệt mài chính vụ, mở ra tiền đề thịnh vượng vững chắc cho Tân đế lên ngôi. Chính vì sự hào nhoáng này mà không ít người nung nấu quyết tâm bằng mọi cách phải đoạt được vương quyền, phải đứng được trên đỉnh độc tôn của thiên hạ.

Khi vừa diễn ra Quốc tang của Thạc Hoà đế, các Hoàng tử đã chia nhau lo liệu chu toàn. Trong đó phải nói đến Lê Dư Mạnh là người xông xáo nhất, vì là người đứng đầu trong số các Hoàng tử trưởng thành nên càng được đà lấn lướt những anh em khác.

Một nước không thể một ngày không có vua, không những vậy mà Qui Nam còn là một nước đại cường nên càng không thể chậm trễ dẫu một khắc. Chính vì lẽ ấy mà ngay ngày đầu tiên Quốc tang diễn ra thì Lại bộ thượng thư Chu Toản đã lấy danh người cuối cùng hầu sự ở bên cạnh Thạc Hoà đế truyền lại lời trăn trối, cả việc truyền ngôi cho Hoàng tử thứ mười ba khiến Hoàng thái hậu phẫn nộ, tiền triều xôn xao. Trong khi các Hoàng tử khác vô cùng nổi trội thì Lê Đông Hoạt chỉ dừng ở mức vừa đủ, tuy có tài giỏi nhưng so với các anh em đang được phần đông ủng hộ lại không nổi trội bằng. Tin này khiến biết bao người không phục lên tiếng phản bác, cho rằng Chu Toản không có chứng cớ xác thực. Cũng không thể dựa vào lý đó mà tuyên bố ai sẽ được kế thừa Hoàng vị, chỉ trích Chu Toản dựa vào chức tước mà thao túng tiền triều, làm loạn xã tắc. Cho dù có Lê Thạch Thành làm chứng cũng không thể làm dịu được thế cục là bao. Ở tiền triều náo loạn cả một buổi, chẳng ai chịu nhường nhịn ai. Chưa kể còn muốn tranh phần hơn để phò tá được người có thể nâng đỡ cho mình và cả dòng tộc có được vinh hiển.

Lê Dực Định nhìn thế cục ở trước mắt, biết rõ trọng trách lớn nhất lúc này thuộc về mình. Chu Toản là quan viên duy nhất được hầu sự bên cạnh Hoàng đế trước khi băng hà nên chuyện này có đúng hay không vẫn không ai xác thực được. Còn về phía Thái sư đã được Hoàng thái hậu lôi kéo thành công, vốn dĩ muốn phò tá cho hắn nhưng trở ngại lớn nhất lúc này lại là lời trăn trối của Thạc Hoà đế nên cũng không thể lên tiếng phản bác. Rất may mắn rằng binh quyền vẫn còn trong tay của Lê Dực Định nên ở ban võ giai, một khi hắn đã lên tiếng thì chẳng một ai dám mở lời chống đối. Có được Chu Toản và Lê Thạch Thành làm chứng, chỉ cần thêm cái gật đầu của Lê Dực Định thì Lê Đông Hoạt sẽ đường đường chính chính nối ngôi mà không có một mối trở ngại nào. Chính bản thân của Lê Dực Định không ngờ rằng lại suông sẻ đến như thế. Còn tính đến chuyện tìm cách đoạt ngôi nhưng nào ngờ lời trăn trối của Thạc Hoà đế là truyền ngôi cho Lê Đông Hoạt.

Lê Dực Định đi bước ra giữa điện, hướng về phía Lê Đông Hoạt rồi quỳ xuống khấu đầu hành lễ, dõng dạc nói:

- Thần xin bái kiến Bệ hạ. Thánh thượng vạn tuế! Đại Nam muôn năm!

Các quan viên bên ban võ giai trông thấy vậy thì đều nhìn nhau, có muốn phản đối cũng đã cứng cả miệng. Người thì mãn nguyện, người thì không phục nhưng vẫn phải theo chân Lê Dực Định quỳ xuống đồng thanh:

[Thánh thượng vạn tuế! Đại Nam muôn năm!]

Thái sư nhíu mày nhìn toàn thảy ban võ giai đều đã quỳ xuống. Điều mà lão ấy không ngờ rằng chính Lê Dực Định lại chấp nhận để Lê Đông Hoạt lên ngôi chứ không phải là mình. Hắn là người nắm binh quyền, hoàn toàn có thể phò tá cho một Hoàng tử kế thừa Hoàng vị. Nếu bây giờ chọn phò tá một người khác thì lại là một bài toán khó khi đa phần đều không thuận ý với Hoàng thái hậu. Biết rằng sẽ bị Hoàng thái hậu quở trách nhưng Lê Đông Hoạt có được lời trăn trối truyền ngôi của Thạc Hoà đế, chẳng những vậy còn có Lê Dực Định hậu thuẫn vững chắc ở phía sau thì chuyện nối ngôi đã không thể lung lay được.

Vốn là đại thần đứng đầu trong ban văn giai. Thái sư không còn cách nào ngoài việc quỳ xuống khấu đầu, đồng thuận để Lê Đông Hoạt kế thừa Hoàng vị. Thấy lão như thế thì các quan văn giai khác cũng buộc lòng quỳ xuống theo.

[Thánh thượng vạn tuế! Đại Nam muôn năm!]

Toàn thảy người trong điện đều quỳ xuống hành lễ, ngay cả Lê Dư Mạnh, Lê Hiến Đản cũng phải kềm nén phẫn nộ mà quỳ xuống khấu đầu. Cho dù có bao quan viên chống lưng thì cũng không thể lung lay được thế lực lớn ở đằng sau hậu thuẫn cho Lê Đông Hoạt. Một người là quan văn đứng đầu ban văn giai, một người là một trong những Hoàng tử ưu tú của Thạc Hoà đế, nắm trong tay binh quyền gần mười năm qua. Ngay cả Lê Dực Định còn không có dã tâm tranh đoạt Hoàng vị thì họ còn có thể làm được gì.

Lê Thạch Thành được thái giám đỡ xuống xe lăn và khấu đầu từ lâu, trên môi cũng đã nở một nụ cười ranh mãnh từ lúc nào. Chuyện ở Thiên Minh Điện chỉ có hắn và Chu Toản là người rõ nhất. Ngay cả lời trăn trối của Thạc Hoà đế trước khi băng hà. Quả thực có căn dặn truyền ngôi cho một vị Hoàng tử ưu tú nhưng Lê Thạch Thành biết làm sao để trả lại ân nghĩa cũ. Và đây cũng là kết quả mà hắn ta mong đợi nhất.