Nhà chúng tôi rất phong thuỷ cho việc đi học của hai đứa. Trường cấp một và cấp ba đều rất gần nhà, đi bộ khoảng chừng dăm bảy phút là đến nơi. Trường cấp hai có xa hơn tí tẹo, khoảng hai cây số nhưng vẫn đạp xe đi được ngon lành. Chúng tôi lại là hai đứa nhà gần nhau nên thường đi học về cùng nhau, truyền thống này được duy trì từ lớp một đến lớp mười hai.
Nhưng vì sao chỉ là đi về? Sao lúc đến trường không gọi nhau đi cùng? Bởi vì con Dương là chúa đi học muộn.
Hồi cấp một, nó là con giáo viên nên thường được mẹ chở đến tận lớp, dù muộn cũng không ai nói gì. Lên cấp hai, vẫn đi muộn như cấp một nhưng được cái trèo tường vượt rào thì không ai bằng. Lên cấp ba, đường đường chính chính là thành viên ban chấp hành đoàn, quan hệ rộng rãi, mấy đứa cờ đỏ đều bị nó mua chuộc.
Tôi thì dĩ nhiên không được như thế, lại có thói quen đi học khá sớm. Học cấp một và cấp hai còn được xem là bình thường, lên cấp ba bỗng dưng được phong thành một trong những đứa đi sớm nhất lớp. Trong khi đó tôi chỉ đến lớp lúc bảy giờ kém năm, lớp không có một mống, đúng bảy giờ mới phi vèo vèo một loạt vào.
Vậy nên, lúc tôi thức dậy là lúc nhà bên không hề có động tĩnh gì. Lúc tôi ăn sáng là lúc mẹ nó vận hết khẩu công để hét con Dương dậy. Lúc tôi xách cặp chuẩn bị đi học là lúc con nhà bên tóc tai bù xù chạy vụt sang, hoảng hốt hỏi: "Hôm nay học gì mày?" Tất nhiên tôi không đủ kiên nhẫn đến mức đợi nó ăn sáng, thay đồ, chải tóc rồi đi cùng. Cứ đi trước cho khoẻ người, an toàn cho tính mạng nữa.
Tuy nhiên, lúc về thì luôn đi với nhau. Thực tế, vì cùng đường đi học, đi chậm đi nhanh kiểu gì cũng gặp mặt nó. Và nó sẽ tìm một chủ đề gì đó để liến thoắng tù tì với tôi.
Hồi cấp một, nó lại thân với mỗi mình tôi, nhà lại gần nhau, thêm vụ cùng lớp nữa thế là tan học dĩ nhiên sẽ dắt nhau đi về.
Trên đường chúng tôi đi học, có một quãng phải qua đường cao tốc khá nguy hiểm. Container cứ một lúc là kéo một đoàn dằng dặc rồng rắn đi qua. Chỗ chúng tôi lại là vùng núi hẻo lánh, khá ít cảnh sát giao thông nên tài xế lái xe cũng khá ẩu. Dương lại là thanh niên mồm nói là các giác quan khác không hoạt động nổi nữa, ra đường lúc nào cũng mồm ngoác mù, mắt nhắm tịt cứ thế mà bước. Tỉ lệ xe tông trúng nó không hề nhỏ. Thậm chí lên cấp ba rồi, lúc qua quãng đường ấy tôi nhiều lúc cũng phải kéo cặp nó lại tránh xe cộ.
- Xe bò cán chết mày giờ.
Vậy nên những ngày đầu tiên đi học ấy, chúng tôi vẫn phải đợi bố mẹ đến đón cho an toàn.
Tôi thực không thể hiểu nổi rõ ràng hai nhà gần trường là thế, ấy vậy mà lần nào hai chúng tôi cũng phải đợi phụ huynh lâu nhất trường, đợi đến dài cả cổ. Bố mẹ tôi còn đỡ, bố mẹ nó mới là chúa vô tâm. Có hôm, bố tôi đến đón nhìn thấy nó, ngạc nhiên lắm:
- Ủa? Sao khi nãy mẹ con bảo con đi chơi ông ngoại?
Hình như mẹ nó quên khuấy là hôm đó nó đi học nên không đi đón.
Còn bố mẹ tôi, đều là những người nông dân nên rất bận rộn, đến đón tôi muộn cũng là điều đương nhiên thôi.
Vậy là hai đứa trong lúc đợi phụ huynh đến đón thì bày đủ trò để nghịch.
Có lần, chỉ còn tôi và nó ở lại giữa cái trường vắng tanh rộng thênh thang, thế là tôi gợi ý chơi trò trốn tìm. Nó dường như chỉ đợi có thế, hưởng ứng rất nhiệt tình. Tôi oẳn tù tì thua nó nên phải làm đứa đi tìm. Úp mặt vào tường đếm đến một trăm, quay lại chẳng thấy bóng dáng nó đâu.
Tự dưng lúc đó tôi lại thấy sợ, cảm giác chỉ còn một mình giữa cái trường vắng teo vắng tanh. Đôi lúc mấy ngọn gió từ ngoài đồng thổi vào khiến cành cây kêu xạc xào khiến. Lúc đó lại là buổi chiều, tiếng chim chiêm chϊếp trên bầu trời ráng vàng khiến tôi càng thấy sợ.
Tôi gọi nó, định bụng bảo thôi về. Nhưng mà lừa nó nhiều quá giờ kêu nó ra khó hơn lên trời.
Tôi gọi khản đặc cả giọng tuyệt nhiên chẳng có một tiếng nào trả lời. Rồi bao nhiêu viễn cảnh tồi tệ hiện ra trong đầu tôi, hay nó bị ma bắt rồi? Hay nó bỏ tôi về trước rồi?
Nếu lúc đó mẹ tôi không xuất hiện chắc tôi đã oà ra khóc rồi. Tôi lập tức nhảy phóc lên xe mẹ, cũng chả biết lúc đó quên khuấy mất là đang chơi trốn tìm với nó hay vì sợ quá nên tôi không nói với mẹ là con Dương vẫn còn ở trong trường.
Sau đó, tôi được biết con Dương trốn trong mấy cái hốc để chuẩn bị trồng cây, lại còn phủ rơm rạ lên trên, đợi tôi đến tìm đến tối mịt. Nếu bác bảo vệ không ra khều rơm rồi phát hiện ra nó chắc nó đợi tôi đến Tết năm sau mất thôi. Mẹ nó thì đến đón con thấy trường vắng tanh nên về nhà, về nhà chẳng thấy nó đâu nên lại đến trường, gọi cho khản cả tiếng.
Bố nó tất nhiên sau khi nghe nó khai ra cái trò ngớ ngẩn ấy thì lấy nguyên dây thắt lưng quất cho nó một trận tá lả vì tội ngu.
Nhà bên có biến lớn như vậy, đầu sỏ lại là tôi vậy thì sao tôi có thể thoát được cơn cuồng nộ của mẹ đây? Nó chịu đòn tôi cũng phải chịu đòn.
Nhưng phải công nhận nó chịu đòn oan ức hơn thật. Lỗi cũng là lỗi của tôi thật.
Mà ai biết cơ chứ, trong khi nó học lanh lẹ là thế mà sao lại luôn bị tôi lừa té le thế là sao?