Cơn Mưa

3/10 trên tổng số 1 lượt đánh giá
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Thể loại: Hiện đại Độ dài: 54 chương + 1 ngoại truyện Người dịch – Editor: Mốc – Fei Yang Beta: Mốc Poster: Ốc “Anh đừng rơi nước mắt. Dưới cơn mưa tuyết đầu năm, em xin hứa với anh. Em sẽ luôn ở cạnh …
Xem Thêm

Chương 46: Ngã bệnh
Ban đêm, ông ngoại Trần Nham tự mình đứng lên đi vệ sinh bị trượt ngã. Cú ngã này không phải chuyện đùa.

Khi Tôn Bằng lái motor chạy vội đến bệnh viện, cả nhà họ Trần vô cùng lo lắng chờ bên ngoài phòng cấp cứu.

Trần Nham mặc áo khoác trên người, ngồi trên chiếc ghế nhựa màu xanh, mắt nhìn dưới đất, gò má bị mái tóc dài che một nửa. Nghe thấy tiếng bước chân, cô nhìn sang phía anh.

Mẹ Trần đầu tóc rối bù, mặc chiếc áo phao dài bên ngoài đồ ngủ, nhìn thấy Tôn Bằng tới, tiến lên đón khẽ nói, “Làm cậu mất công rồi, hơn nửa đêm mà cũng kéo cậu tới đây…”

Tôn Bằng nói: “Chuyện nên làm ạ.”

Lúc trước cậu của Trần Nham từng ăn cơm hai lần với anh, xa xa nhìn sang, gật đầu với anh, anh cũng đáp lại một cái.

Là mẹ Trần gọi điện thoại cho anh.

Ban đêm, mẹ Trần đang ngủ say, đột nhiên nghe thấy một tiếng “rầm rầm” lớn, hoảng sợ đến mức bật dậy, theo tiếng động chạy đến nhà vệ sinh, ông cụ đã ngã sấp xuống, nằm dưới đất, còn đè vỡ hai cái chậu nhựa. Mẹ Trần giật nảy mình, la lớn kêu bà ngoại Trần Nham tới cùng nhấc ông lên, mới phát hiện hai người họ hoàn toàn không làm được.

Lúc này ông cụ đã mất tri giác, mặt mũi cũng trắng bệch. Mẹ Trần quýnh lên liền gọi xe cấp cứu, sau đó lại gọi điện thoại cho mọi người trong nhà, cũng gọi cho Tôn Bằng, gọi anh sang giúp đỡ.

Khi Tôn Bằng chạy vội đến nhà họ Trần thì không thấy ai, đoán đã đưa đến bệnh viện rồi, nên gọi điện thoại cho Trần Nham rồi tìm tới đây.

Anh trao đổi ánh mắt với Trần Nham một chút, rồi đi đến cánh cửa phòng cấp cứu đang đóng chặt.

Cậu Trần Nham cũng đã lớn tuổi, tóc muối tiêu, sắc mặt ủ dột, ở bên cạnh thở dài nói, “Vừa đưa vào, đoán chừng phải đến sáng mai.”

Ban nãy có một cô y tá trẻ đi ra nói, mạch máu của ông cụ rất dễ vỡ, cú ngã này khiến cho trong đầu có điểm xuất huyết mới, vị trí của điểm xuất huyết này cũng rất tệ.

Tôn Bằng nói, “Mọi người về nhà trước đi, sáng mai hẵng lại đây, cháu chờ ở bên này với Trần Nham.”

Cậu Trần Nham nói, “Không sao, chờ thêm một lúc nữa.”

Ông móc hộp thuốc lá, định đưa một điếu cho anh, Tôn Bằng lắc tay.

Ông nói, “Vậy cậu sang kia hút điếu thuốc.” Lê bước chân nặng nề, người đàn ông trung niên nhỏ con này đi về hướng đầu cầu thang.

Tôn Bằng đứng ở cửa một lúc, rồi đi tới ngồi xuống bên cạnh Trần Nham, kéo cổ áo ngay ngắn giúp cô, “Có mệt không.”

Cô nhìn anh, “Cũng tạm.”

Hai người nắm tay nhau.

Ánh mắt xoay chuyển, Trần Nham nói với mẹ Trần ở phía bên kia hành lang, “Mẹ, mẹ đừng đi vòng vòng bên đó nữa, sang đây ngồi đi.”

Mẹ Trần được gọi như thế, mờ mịt đi sang, ngồi xuống vị trí bên cạnh. Bà nhìn cánh cửa phòng phẫu thuật theo bản năng, nhìn mãi nhìn mãi, đột nhiên hốc mắt đỏ bừng.

Tôn Bằng buông Trần Nham ra, đến chỗ y tá xin hai cốc nước rồi sang đây đưa cho họ.

Trần Nham uống hai ngụm, kìm lòng để không nhìn vào đôi mắt ngấn lệ của mẹ Trần, nhìn bàn tay cầm cốc nước không nhúc nhích của bà, nói, “Mẹ uống chút nước đi, rồi mẹ theo cậu về trước, bọn con chờ bên này cho. Sáng mai mẹ với cậu mang đồ dùng cần thiết tới đây.”

Mẹ Trần uống một ngụm nước, “Đồ đạc thì để sáng mai bà ngoại con mang tới, mẹ trông chừng ở đây, trong lòng yên tâm hơn.”

Trần Nham nhìn bà, không nói gì nữa.

Trong hành lang yên lặng như tờ, thỉnh thoáng có nhân viên y tá đi qua đi lại, đế giày cao su ma sát sàn nhà, phát ra tiếng ngừng ngắt chướng tai.

Ngồi gần một tiếng, đèn phòng cấp cứu vẫn sáng một cách nổi bật. Trong lòng Trần Nham hơi ngột ngạt, cô nói với Tôn Bằng, “Ra ngoài một chút đi…” Anh đứng lên, đi theo cô ra ngoài.

Đi đến bên một cánh cửa hông, Tôn Bằng dừng bước, ôm bả vai cô, nhìn ra phía ngoài, “Cứ đứng đây đi, bên ngoài lạnh lắm.”

Chưa đến năm giờ sáng, trời tờ mờ còn chưa sáng tỏ, đèn đường vẫn còn mở.

Trong khe cửa có gió lạnh hiu hiu lọt vào, Trần Nham nhìn đường phố u ám bên ngoài qua cửa kính, cảm thấy như ở trong mộng mới tỉnh.

“Tôn Phi ở nhà một mình ư?”

“Không sao đâu, anh khóa trái cửa rồi.”

“Lát nữa anh về trước đi, cũng không cần nhiều người chờ ở đây như vậy…”

Tôn Bằng không lên tiếng, khẽ nắm bàn tay buông thõng bên người của cô. Bàn tay này nhỏ gầy, lạnh buốt, trong đó không chứa một chút sức lực nào. Anh kìm lòng không đặng cúi đầu xuống nhìn, bao trọn lấy nó vào lòng bàn tay mình.

Trong không khí lạnh lẽo mang theo mùi đặc thù của bệnh viện, nhìn khoảng hư ảo khi bóng đêm và nắng mai giao hòa ngoài cửa, Trần Nham chậm rãi hít vào một hơi.

“Thật ra bây giờ em có hơi hối hận. Nếu như em luôn ở trong nhà, giờ đó bình thường em đã tan làm rồi, lần trước, ông có thể sẽ không xảy ra chuyện, hoặc là khi đó đưa đến bệnh viện trước tiên, thì tình hình cũng sẽ khác, lại càng không có chuyện lần này…”

Tôn Bằng nghe cô chậm rãi nói hết, ôm chặt cô hơn một chút, “Chuyện quá khứ đừng nghĩ nữa. Người già có phúc của người già, lo lắng hơn nữa cũng vô dụng. Sẽ không có chuyện gì đâu.”

Cô dựa vào anh, khẽ “ừm” một tiếng, “Em biết.”

Thời gian từng giây từng phút trôi qua, trời dần sáng, bên ngoài thêm huyên náo.

Họ đi ra cổng mua chút thức ăn sáng về, vừa đưa sữa đậu nành, bánh bao cho mẹ Trần thì cửa phòng cấp cứu mở ra. Bước chân loạn xạ, bác sĩ, y tá đang đẩy xe đi ra.

Mọi người lập tức im lặng tràn lên.

Trên chiếc giường đẩy, ông cụ đang đắp tấm chăn mỏng, chỉ có khuôn mặt lộ ra bên ngoài, sắc mặt vàng vọt, nhắm mắt, không có chút sức sống. Y tá trẻ ở bên cạnh đang cầm túi truyền dịch cho ông, đưa ông thẳng đến phòng bệnh. Mẹ Trần đỏ mắt cùng đi theo xe đến phòng bệnh, để Trần Nham và cậu ở lại hỏi tình hình.

Bác sĩ hơn nửa đêm bận rộn hai tiếng, thể xác và tinh thần cũng đã mỏi mệt, không tận tâm suy nghĩ cách diễn đạt gì, giọng nói hơi trầm, “Ông cụ của gia đình may mà đưa đến kịp thời. Ảnh hưởng của cú ngã này với ông ấy không nhẹ, hai điểm xuất huyết mới tăng thêm đều là vị trí quan trọng nhất. Cụ thể như thế nào thì phải đợi sau khi chuyên gia của chúng tôi hội chẩn, người nhà hãy chuẩn bị tâm lý trước đi.” Cậu Trần Nham muốn hỏi thêm mấy câu, nhưng bác sĩ chỉ nói, “Sau khi chuyên gia hội chẩn sẽ quyết định phương án điều trị, gia đình đi đến phòng bệnh trước đi.”

Tai nạn đột nhiên xảy ra lần này của ông cụ, bởi vì đã có kinh nghiệm trước đó, nên người nhà Trần Nham không hoảng hốt lo sợ như lần trước. Lần trước ông ngoại Trần Nham tìm được đường sống trong chỗ chết, mất hơn nửa khả năng tự lo cho bản thân, khó khăn lắm mới hồi phục được đến mức có thể tự đi đứng ăn cơm, cú ngã này, cho dù cứu ông lại được, thì những nỗ lực trước đó cũng coi như dã tràng xe cát. Giờ phút này, ngoại trừ lo nghĩ, âu lo ra, thì họ còn cảm nhận được sự vô lực và chán nản sâu sắc.

Dường như trong cuộc sống luôn có vô số hố trũng, nhảy qua cái này vẫn còn cái khác, vĩnh viễn nhảy không hết. Nhảy đến phía sau, chân ta đã mềm nhũn, thế nên có lòng mà không đủ sức.

Về đến phòng bệnh, ăn sáng qua loa, mọi người phân công đơn giản. Cậu Trần Nham về nhà đón bà ngoại Trần Nham, nhân tiện mang một ít đồ dùng hàng ngày đến, chuẩn bị trường kì kháng chiến. Tôn Bằng đưa Trần Nham đến cơ quan xin nghỉ phép, cùng đưa Tôn Phi đi làm xong rồi lại sang.

Đang là giờ làm việc, cổng đài truyền hình xe đến xe đi, lần lượt có người trên cổ đeo thẻ công tác, xách đồ ăn sáng đi vào trong.

Tôn Bằng đứng bên cạnh xe motor, vừa chờ Trần Nham, vừa gọi điện thoại cho Cường Tử, muốn bảo anh ta hôm nay đến giúp trông quán một chút. Điện thoại mãi không thông, cuối cùng anh nói một tiếng với nhân viên phục vụ trong quán. Khi vội vội vàng vàng cùng Trần Nham về đến nhà, Tôn Phi vừa thức, đang một mình lóng ngóng mặc quần áo. Tôn Bằng giúp anh ta mặc quần áo gọn gàng xong, cho anh ta ăn bánh rán trứng mua dọc đường, rồi đưa anh ta đến thẳng thư viện.

Cả buổi sáng ông cụ đều không tỉnh, buổi trưa, Trần Nham chịu đựng cả đêm đưa mẹ Trần về nghỉ ngơi dưỡng sức trước, để hai người đàn ông ở lại đó trông.

Đến nhà, Trần Nham tắm xong vừa đi ra liền nghe được tiếng khóc bi thương. Mẹ Trần vùi mình trên sofa, bờ vai rung rung, dùng khăn giấy che mắt, khóc hu hu.

Nhiều năm lắm rồi, cô chưa thấy mẹ cô khóc không kềm chế như vậy bao giờ.

Mẹ con liền tâm, tóc Trần Nham vẫn đang nhỏ nước, cô đờ đẫn ngồi xuống bên bàn ăn, đôi mắt cũng từ từ đỏ hoe.

Cô gắng sức để giọng nói của mình bình tĩnh, “Mẹ, bây giờ ông vẫn đang nằm yên ổn trong bệnh viện, mẹ khóc ra thế này thì không tốt cho ông ngoại đâu…”

“Cậu của con… buổi sáng nói với mẹ… hai ngày này sẽ đi xem mộ, mua trước cho ông bà, để phòng lỡ như…”

Mẹ Trần đang thút thít yên lặng lại, nhưng nỗi bi thương lớn hơn lại dâng lên trong lòng, run giọng nói, “Mẹ làm con gái, nhưng cả đời này cũng không cho hai người già sống một ngày sung sướиɠ, bây giờ con khó khăn lắm mới ra ngoài, rốt cuộc sống tốt hơn một chút… Mẹ chỉ có một người bố như vậy, cũng chưa từng làm chuyện gì thất đức… Sao lại không thể để mẹ săn sóc ông thêm mấy năm, để ông sống sung sướиɠ hơn chút nữa chứ…”

Trần Nham bỗng ý thức được, trong cuộc sống của gia đình bình thường mà phức tạp này, cô chưa bao giờ nghiêm túc cảm nhận và xem xét đến thế giới nội tâm của mẹ. Bà không những là một người phụ nữ trung niên 50 tuổi, mà bà cũng là con gái của người khác, là đứa con sợ sệt mất đi cha mẹ.

Trần Nham yên lặng, từng giọt nước mắt lăn xuống theo gò má, “Mẹ, mẹ đừng nói nữa… Sẽ không có chuyện gì đâu…”

Sau khi Trần Nham và mẹ Trần rời khỏi bệnh viện, trong phòng bệnh yên tĩnh, Tôn Bằng bất ngờ nhận được điện thoại của anh Khuê ở hội quán Sanda. Vừa nghe đến tên Khổng Trân, anh sửng sốt một chút.

Anh Khuê hỏi anh có còn đang tìm cô ấy hay không, Tôn Bằng hỏi có phải là có tin tức của cô ấy không. Lúc này anh Khuê mới nói, buổi sáng thấy cô ấy ở hội quán, đến đòi tiền lương lúc trước chưa thanh toán hết. Bên tài vụ nói qua loa mấy câu, không muốn đưa, nói phải hỏi ý kiến ông chủ, bảo cô ấy để lại số điện thoại, liên lạc với cô ấy sau. Sau khi cúp máy, anh Khuê nhắn số của Khổng Trân vào di động Tôn Bằng.

Trên hành lang bên ngoài phòng bệnh, Tôn Bằng bấm điện thoại. Y tá trẻ đẩy xe tới, anh nghiêng người tránh một chút.

Sau khi reo hai tiếng, truyền đến câu “Số máy quý khách gọi hiện đang bận”, rõ ràng là bị cô ấy cố tình bấm tắt.

Nhìn số điện thoại lạ này, Tôn Bằng suy nghĩ, lại gọi một cú điện thoại cho Cường Tử.

Không ai nhận máy.

Lúc sập tối, Trần Nham trở lại bệnh viện, giữa chừng ông cụ đã tỉnh lại. Tỉnh khoảng mười phút rồi lại ngủ. Bác sĩ tới xem, nói huyết áp vẫn hơi cao, đã dùng thuốc mạnh nhất nhưng vẫn không hạ xuống được.

Tôn Bằng bận bịu một ngày một đêm không ngủ, tia máu giăng trong mắt, tối nay còn khăng khăng đòi trực đêm. Trần Nham thấy mà đau lòng, suy nghĩ, bảo anh về nghỉ ngơi rồi lại sang. Tôn Bằng xuống dưới mua mấy phần thức ăn nhanh, thu xếp ổn thỏa cho Trần Nham bọn họ rồi đi trước.

Trên đường lái xe về, nghĩ đến Cường Tử, Tôn Bằng không hiểu sao có chút bất an. Chỗ một cột đèn giao thông, xe quẹo một cái, chuyển sang hướng khác.

Tiếng động cơ motor rừm rừm đột nhiên dừng lại trong con hẻm nhỏ, phanh xe lại, Tôn Bằng chống chân xuống đất, dừng xe ngoài cửa. Gần đó có chó sủa điên cuồng.

Mò mẫm đi vào trong con hẻm một đoạn, anh tìm được chỗ ở của Cường Tử.

Vào sân, trong mấy căn phòng nhỏ đều đang sáng đèn, anh đi đến căn trong cùng, tới gõ cửa.

Không có động tĩnh, anh lại gõ nữa.

Mấy giây sau khi tiếng gõ cửa lần thứ hai dừng lại, trong giây lát anh giơ tay lên lần nữa, bên trong truyền ra một giọng nói không kiên nhẫn.

“Ai đó?”

Bàn tay gõ cửa cứng lại giữa không trung, Tôn Bằng ngơ ngẩn cả người.

Thêm Bình Luận