Chương 24

Tôi nhìn dòng tin nhắn, nhìn lại cả phía sau. Bóng anh cứ càng lúc càng khuất dần rồi cuối cùng tôi chẳng còn được thấy anh đâu nữa.

Khi tôi ra đến bến xe trời vẫn chưa hết mưa, người tài xế xách valy lên chuyến xe Hà Giang – Mỹ Đình rồi mới nhận tiền quay về. Tôi nằm trên xe nhìn ra bên ngoài, những giọt nước bám lên ô cửa kính đọng lại rồi lại trượt dài xuống dưới. Chiếc xe đỗ một lúc rồi từ từ lăn bánh, tôi nhìn những cảnh vật đã từng quen thuộc tâm can cũng như tê liệt cả lại.

Tạm biệt anh! Tạm biệt các con! Tạm biệt Hà Nội!

Tôi đến Hà Giang vào lúc trời đêm sau hơn bảy tiếng nằm trên xe. Đường lên đây gập ghềnh cheo leo, lắm lúc đang đi lại xóc mạnh một cái khiến cả đoàn xe giật bắn mình. Thời tiết trên này lạnh hơn Hà Nội rất nhiều, tuy không mưa nhưng sương mù dày đặc. Tôi được người dẫn đường đưa tạm vào một nhà trọ ngủ rồi sáng mai mới vào trong bản. Có lẽ đêm ấy cũng là đêm tôi ngủ ngon nhất sau bao đêm thức trắng. Sáng hôm sau khi tôi tỉnh dậy trời đã sáng hẳn, người dẫn đường gõ cửa gọi tôi dậy ăn sáng rồi bắt đầu hành trình đến trường.

Mấy ngày ở Hà Nội trời đều mưa, hôm nay sau bao nhiêu ngày âm u tôi đã thấy nắng lên. Có điều là nắng ở Hà Giang chứ không phải Thủ đô quen thuộc. Người dẫn đường vừa nhìn tôi vừa cười nói:

– Bình thường ở đây ít ai tự nguyện xin lên dạy học lắm, người ta bị lên đây chỉ mong về dưới xuôi thôi. Cô Uyên đúng là số ít người tôi từng gặp đấy.

Tôi nghe xong tự dưng có chút xấu hổ. Thực ra bản thân tôi biết hầu hết giáo viên lên đây là theo dạng nghĩa vụ, số tự nguyện cũng có nhưng trong số tự nguyện ấy cũng có đến phân nửa đi là vì để được ưu tiên suất biên chế. Tất nhiên điều này cũng chẳng ai nói ra, chỉ là tự ngầm hiểu với nhau như vậy. Còn tôi… vì lý do gì tôi cũng không dám chắc, hoặc giả tôi không đủ can đảm mà thừa nhận điều ấy.

Tôi với người dẫn đường đi xe máy một đoạn lại phải xuống dắt một đoạn vì con đường vào bản rất khó đi. Có những chỗ tôi phải bám vào mấy cành cây ven đường mới leo lên được. Mất mấy tiếng đồng hồ tôi mới đến được trường, khi đến nơi trời đã trưa, đống hành lý của tôi dính đầy những bùn bẩn, quần áo cũng lấm lem trông đến là tệ hại. Ngôi trường ở đây cũ kĩ, những mảng tường bong tróc có chỗ mốc cả rêu, đám học sinh trưa không ngủ mà ngồi nô đùa ngoài sân. Cảnh vật ở đây không phải xa hoa mĩ lệ, không phải đường nhựa trải dài, không phải ngôi trường chuẩn quốc gia ba bốn tầng thế nhưng sao khi đặt chân đến tôi cảm thấy trong lòng lại bình yên quá đỗi. Sau những ồn ào ở đất Thủ đô bỗng dưng tôi lại thấy lòng nhẹ đi rất nhiều.

Người dẫn đường đưa tôi đến rồi cũng về luôn chứ không ở lại. Tôi kéo valy đang định vào phòng giám hiệu thì một người đàn ông ăn mặc rất giản dị bước ra. Vừa thấy tôi anh ta liền cười nói:

– Chào cô, tôi là Toàn hiệu trưởng ở đây. Hôm trước nghe cô gọi điện giờ gặp không nghĩ cô giáo lại trẻ thế này.

Tôi nhìn anh Toàn, vẻ chất phác, hiền lành khiến tôi có cảm tình ngay từ lần đầu. Anh Toàn kéo giúp tôi chiếc valy vào phòng giám hiệu rồi giới thiệu tôi với mấy đồng nghiệp đang ngồi. Ở đây có đúng ba giáo viên đều là nữ. Mấy cô giáo ở đây quần áo ai cũng đầy lấm bẩn, gương mặt mộc giản dị không chút son phấn, đôi dép cao su cũng dính đầy đất đỏ chân phương thật thà vô cùng. Bỗng dưng tôi lại cảm thấy trong lòng xúc động, một nơi không phồn hoa, chỉ là những con người giản dị chân chất với một mục tiêu mang chữ cho đồng bào vùng cao lại khác hẳn với Tâm, với chị Thu, với những người đồng nghiệp đã đâm cho tôi những nhát dao thật sắc. Mọi người ở đây ai cũng niềm nở, còn nhiệt tình đưa cho tôi mấy cái bánh được gói bằng lá của người dân tộc vì sợ tôi đói.

Sau khi giới thiệu xong tôi đưa tập hồ sơ cho anh Toàn. Người ở đây có chị Trang, chị Linh, là những người đã có gia đình, còn Cúc là cô giáo trẻ vừa ra trường đã lên đây dạy. Cái Cúc dẫn tôi về khu tập thể giáo viên rồi nói:

– May quá có chị lên đây, khối bốn đang thiếu giáo viên vì chị Hoa vừa nghỉ đẻ. Ở đây chỉ có một phòng này thôi nhưng có bốn cái giường mỗi người một cái. Chị vào giường của chị Hoa nhé. Dưới này không giống dưới xuôi, điều kiện vật chất hơi kém chị chịu khó nhé

Cái Cúc nói đến đây thì dừng lại, tôi thấy vậy liền cười nói:

– Không sao, mọi người chịu được thì chị cũng thế thôi, em lên đây lâu chưa?

– Em lên hai năm rồi, còn một năm nữa là xong nghĩa vụ nhưng cũng chẳng muốn về nữa. Bố em mất sớm, mẹ đi bước nữa dưới xuôi đâu có ai chào đón em trở về. Ở trên này với lũ trẻ cũng vui chị ạ. Có anh dân tộc mà thương thì lấy luôn làm chồng.

Trong giọng nói cái Cúc rất lạc quan nhưng tôi thấy có chút đượm buồn. Cái Cúc đẩy valy của tôi rồi nói tiếp:

– Em đi dạy đây, chị xếp đồ xong thì nghỉ ngơi nhé. Chắc mai anh Toàn mới xếp lớp cho chị.

– Cảm ơn em.

Khi cái Cúc đi khuất tôi mới ra ngoài rửa chân tay, ở đây không có nước máy mà chỉ có nước mưa đựng trong các bể nước hoặc chum nước. Tôi rửa xong đi vào xếp đồ ra chiếc tủ cũ kĩ, trên giường không có đệm, chỉ có chiếc chăn bông được trải ra để nằm đỡ đau lưng. Tôi dọn xong thì nằm lên giường, mấy ánh nắng qua vách cửa chiếu vào trong. Xung quanh vắng lặng như tờ chỉ có tiếng học sinh ê a gần xa vọng lại. Không biết ở Hà Nội giờ đang nắng hay mưa, tôi… nhớ anh, nhớ Bom, nhớ Bin quá. Nhớ đến quặn thắt tim gan. Ở đây sóng điện thoại rất chập chờn, tôi cũng không mở máy lên chỉ nằm trên giường nhớ lại những hồi ức đã qua. Mãi đến tối sau khi nấu cơm cùng mọi người ăn xong tôi mới nhận được điện thoại của cái Quyên. Thế nhưng vì ở đây sóng yếu tôi không bắt máy được đành nhờ cái Cúc dẫn ra mỏm đá để gọi điện lại. Khi vừa nghe giọng tôi cái Quyên đã sụt sịt hỏi:

– Chị ơi, sao em gọi chị mãi mà cứ thuê bao thế. Chị lên đến đấy lâu chưa?

– Ở đây sóng kém lắm, chị lên hôm qua rồi. Em mang tiền trả lại cho bà Hoài giúp chị chưa?

– Sáng nay em mang đến nhưng bà ấy không nhận lại. Em để trên bàn rồi về chị ạ.

– Ừ thế là được rồi, tiền tiết kiệm em giữ lấy nhưng đừng chi tiêu quá tay nhé.

– Em không tiêu gì đâu. Mà chị ơi…

Cái Quyên nói đến đây liền ngừng lại, tôi vội hỏi:

– Sao vậy? Có chuyện gì à?

– Lúc trả tiền xong em gặp anh Thành, anh ấy bảo em nếu muốn gặp Bin, Bom lúc nào cứ gọi điện cho anh ấy anh ấy đưa sang. Hai thằng vẫn chưa biết chị đi thì phải cứ hỏi em bao giờ chị đón chúng nó.

Tôi nghe cái Quyên nói chợt lặng người. Không biết do gió thổi hay bụi mà mắt tôi cay xè. Sự tử tế của Thành càng khiến tôi đau lòng. Tôi khẽ thở dài dặn dò cái Quyên vài câu rồi trở về phòng tập thể. Lúc này mọi người cũng đều ngủ cả, tôi lậu chiếc đèn dầu nhỏ bớt lại rồi nằm nhìn trân trân lên mái nhà cũ kĩ. Có những thứ mãi mãi chẳng bao giờ có thể trở lại, trên đời này vốn dĩ không có hai từ nếu như. Tôi và anh nhân duyên mỏng, kết thúc ở đây đã là quá dài rồi, chỉ là những luyến tiếc, thương đau dù cố gắng tôi vẫn không thể gạt đi nổi.

Những ngày tiếp theo tôi quen dần với cuộc sống ở đây. Buổi sáng tôi và cái Cúc thường xuyên ra chợ mua đồ về nấu ăn sáng rồi mới đi dạy. Trên này để mua được đồ ăn cũng khó khăn, hôm nào mưa bão mấy chị em xác định chỉ ăn mì hoặc ăn lại đồ thừa hôm qua. Thế nhưng không hiểu sao tôi lại không thấy chán ghét cuộc sống tập thể này ngược lại còn thấy vui vẻ, dễ chịu. Trước kia tôi luôn nghĩ bản thân đã khổ lắm rồi, nhưng khi ở đây mới biết trên đời này còn rất nhiều người khổ hơn tôi. Đồng bào dân tộc vùng cao khó khăn, vất vả, đến ngay cả việc cho con em đi học cũng không phải việc dễ dàng gì ngay cả con đường đến trường cũng phải trèo đèo lội suối đầy rẫy những nguy hiểm dồn dập. Có lẽ khi lên đây, chứng kiến những khó khăn ở đây tôi mới thấm thía và tự thấy bản thân may mắn lấy đó làm động lực để có thể quên đi những vết thương trong lòng kia. Mỗi tuần tôi chỉ gọi về cho cái Quyên một lần để hỏi thăm tình hình sức khoẻ của nó. Có lần nó kể với tôi vì nhớ nhung Bin, Bom quá mà gọi cho Thành đưa hai thằng qua chơi. Hai thằng bé rất nhớ tôi nhưng cả hai đều không khóc lóc đòi mẹ, nghe đâu bà Hoài nói tôi đi công tác nước ngoài rất rất lâu mới trở về nên chúng cũng không đòi gặp tôi. Thế nhưng cái Quyên kể, buổi đêm khi tỉnh dậy thấy Bin ngồi bên cửa sổ khóc nấc một mình. Nghe cái Quyên nói đến đây trái tim tôi cũng như có ai ghim những mũi kim vào. Tôi cứ tưởng mình cứng rắn lắm nhưng khoé mắt vẫn cay xè cả lại. Tôi thương con, nhất là Bom, từ nhỏ đã phải xa tôi, từ nhỏ đến ngay cả giọt sữa mẹ cũng không được bú no. Đến khi mẹ con nhận nhau, còn chưa bù đắp nổi cho con tôi đã phải rời đi. Tôi biết so với Bin, trong lòng Bom nhiều cô đơn hơn, tuổi thơ con ở bên chị Loan cũng không được hưởng trọn vẹn tình mẫu tử thiêng liêng. Con người lớn hơn Bin, trưởng thành hơn có lẽ bởi con cô đơn quá nhiều. Thế nhưng tôi hiểu tôi không có tư cách gì để lại gần hai con thêm nữa cũng như… không có tư cách gì để nhớ nhung bố của các con tôi.

Khi tôi lên Hà Giang được năm tháng, một buổi sáng đang ngồi ở phòng giám hiệu cái Cúc từ đâu chạy tới cười tươi nói:

– Này, các chị biết tin gì chưa? Trường mình sắp được xây mới lại rồi đấy. Nghe nói dưới Hà Nội có tập đoàn nào đó lên đây xây dựng khu du lịch và hỗ trợ kinh phí xây dựng lại trường mình luôn.

Tôi đang ngồi viết hồ sơ nghe cái Cúc nói vậy ngẩng đầu đáp:

– Gớm nhỉ, mày lúc nào tin tức cũng nhanh như gió.

– Ui giời biệt danh của em là Cúc hoạ mi mà lại. Mà em nghe nói anh tổng giám đốc trực tiếp lên hẳn đây khảo sát công trình luôn. Thấy bảo đẹp trai lắm, tối nay có giao lưu ở bản mình luôn đấy. Eo ơi… nghĩ đến trai đẹp lòng em rạo rực hẳn

Chị Linh đang uống nước suýt sặc nhìn cái Cúc mỉa mai:

– Này! Tao mà khoe với thằng Nghĩa là mày ăn đòn đấy nhé. Người yêu bộ đội, lại còn trẻ tinh đã lên sếp, đẹp trai ngời ngời mà còn tơ tưởng đến người khác là sao? Xác định cắm bản ở đây mà mày dám láo nháo thằng Nghĩa nó vả cho vỡ mồm.

Tôi nghe chị Linh nói không kìm được bật cười thành tiếng. Nghĩa là người yêu cái Cúc, yêu nhau từ lúc tôi đến được mấy ngày, bộ đội chuyên nghiệp được cử lên trên này, năm nay mới ba mươi tuổi nhưng vì học tập công tác tốt nên cũng làm chức gì đó ở trong quân đội. Cái Cúc thấy chị Linh doạ im bặt mồm rồi vỗ vỗ vai tôi nói:

– Chị Uyên, chưa chồng chưa con gì em nhường lại anh kia cho chị đấy.

– Con điên, người ta làm tổng giám đốc, chị mày với sao nổi. Thôi chuẩn bị lên lớp đi.

– Ơ kìa với với chả không với gì ở đây. Yêu đương thì phân biệt gì địa vị, khoảng cách, tối nay ra bản xem văn nghệ nhé chị, tiện xem anh tổng giám đốc kia đẹp cỡ nào mà thiên hạ đồn thổi ghê quá.

– Để chị xem

– Xem gì nữa, đi đi chị, em thấy chị ru rú ở nhà chán chết đi được ấy.

Thấy cái Cúc nói nhiều quá cuối cùng tôi cũng đành phải gật đầu đồng ý. Lên đây gần nửa năm chị em cũng quen thân nhau cả, ở đây không có chuyện nói xấu sau lưng, càng không có chuyện dò xét nhau, soi mói nhau, bốn chị em chúng tôi đều sống bình đẳng, giúp đỡ nhau. Cái khó khăn ở đây chẳng khiến khoảng cách của mọi người xa nhau thêm thậm chí còn khiến chúng tôi sát lại gần nhau.

Buổi chiều khi vừa dạy về đang định tắm táp nấu cơm ăn sớm tối đi xem văn nghệ thì tôi thấy có cuộc gọi nhỡ của cái Quyên. Sợ ở nhà có việc gấp tôi liền nhờ cái Cúc nấu cơm trước rồi chạy ra mỏm đá gọi lại cho con bé. Đầu dây bên kia nghe giọng tôi im lặng một lúc rồi mới cất lời:

– Chị Uyên ơi…

Tự dưng nghe giọng con bé có chút run run tôi liền vội hỏi lại:

– Có chuyện gì vậy? Ở nhà xảy ra chuyện gì hả?

– Không phải, em lấy bằng rồi chị ạ. Em được bằng xuất sắc.

– Ui giời thế thì tốt chứ sao. Xin vào trường nào dạy?

– Em định lên Hà Giang cùng chị.

Tôi nghe vậy liền đáp:

– Sao lại lên đây? Em với Vũ…

– Chị, chắc em không thể ở lại cạnh anh ấy nữa đâu, mẹ anh ấy gây sức ép quá. Không môn đăng hộ đối đúng là cái tội chị nhỉ?

Không hiểu sao nghe cái Quyên nói đến đây tôi lại thấy đau lòng quá đỗi. Quyết định của nó tôi không muốn thay nó trả lời, chỉ có điều mối tình của nó với Vũ khiến tôi tiếc vô cùng. Tôi biết Vũ rất yêu con bé, nhưng con bé nói đúng, không môn đăng hộ đối thực sự rất khổ. Con bé im lặng một lúc rồi nói tiếp:

– Anh Thành… sắp lấy vợ rồi hay sao ấy chị ạ.

Câu nói không ăn nhập gì của Quyên khiến tôi bỗng dưng lặng cả người. Sáu tháng nay anh và tôi gần như biến mất trong cuộc đời nhau. Tôi chỉ thấy cái Quyên nói thi thoảng anh đưa Bin, Bom đến còn lại gần như mù tịt thông tin. Rõ ràng tôi biết chuyện này phải là chuyện một sớm một chiều nhưng không hiểu sao tôi bỗng thấy mất mát quá. Sáu tháng rồi, sáu tháng trôi qua nhanh đến mức tôi cứ ngỡ mới chỉ hôm qua, hôm kia thôi. Anh lấy vợ chẳng phải chuyện đáng mừng sao? Tôi và anh chia tay rồi, lấy tư cách gì để buồn đây? Anh có vợ, người ta sẽ thay tôi làm mẹ của Bin, Bom, đó là điều tôi từng mong còn gì? Tôi cố gượng cười nhưng bỗng thấy cả cơ mặt méo mó cả lại. Phải một lúc sau mới đáp lời cái Quyên:

– Ừ! Chị biết rồi.

– Chị có sao không?

– Không sao đâu. Chỉ hơi ngạc nhiên thôi.

– Em nghe từ mấy hôm trước rồi nhưng không dám nói với chị. Lấy người nào tên Chi ấy, nhà giàu lắm chị ạ.

Chi. Chẳng phải cô gái bà Hoài từng nhắc đến sao? Phải! Người như vậy mới xứng với anh, người như vậy mới môn đăng hộ đối. Tôi mím chặt môi khẽ nói:

– Chị biết rồi, thôi muộn rồi chị về ăn cơm đây. Cuối tuần chị gọi lại cho nhé

– Vâng ạ.

Tôi tắt máy lê những bước chân nặng nề về căn phòng tập thể. Mọi người đã nấu cơm xong cả rồi. Tôi cố nuốt vội bát cơm nhưng lại thấy đắng ngắt. Ăn cơm tắm táp xong cái Cúc liền giục tôi:

– Thay quần áo rồi đi sớm đi chị.

Tôi nhìn nó khẽ đáp lại:

– Mọi người đi đi chị không đi đâu

– Cái bà điên này lại không đi? Đi đi, bà cứ ru rú ở nhà bao giờ mới có người yêu? Dậy đi

– Em đi đi, chị hơi mệt, xin lỗi nhé

– Thôi kệ bà nhé, tôi muốn bà có người yêu mà bà không thèm thì thôi. Tôi rủ anh Nghĩa đi vậy. Ở nhà trông nhà cho cẩn thận đấy nha bà.

Tôi nghe vậy bật cười đáp:

– Ở đây có gì để trông vậy? Trộm nó vào lấy đống quần áo hay mấy cái chăn này đi à?

– Thì em cứ nhắc vậy.

Nó nói xong thay quần áo trang điểm chút rồi cùng chị Linh, chị Trang đi ra bản. Tôi nằm trên giường cứ trằn trọc mãi không thể ngủ, dậy soạn giáo án cũng không tài nào soạn nổi. Đến gần chín giờ tối tôi thấy bức bách quá liền thở dài đi bộ ra mỏm đá bắt sóng. Sương mù trên núi phả xuống kéo theo hơi lạnh buốt, giữa bốn bề âm u tôi bỗng cảm thấy cô đơn vô cùng. Gần nửa năm trôi qua rồi, tôi cứ nghĩ mình đã đủ dũng khí cất kí ức kia vào một góc mà không hiểu sao hôm nay nó lại như sóng trào cuộn về. Tôi ngồi trên mép đá, hai tay ôm lấy gối chợt thấy l*иg ngực như có ai bóp nghẹn. Thành sắp lấy vợ! Anh sắp lấy vợ rồi sao? Sao tôi không vui nổi? Sao tôi không thể cười, sao tôi vẫn đau đớn như vậy? Bố của các con tôi, người đàn ông tôi yêu cuối cùng cũng tìm được bến đỗ cho mình. Anh xứng đáng có được hạnh phúc này, lẽ ra tôi phải nên chúc phúc cho anh mới đúng.

Tôi mở máy, bật 3G rồi vào trang facebook của anh. Cả trang cá nhân đều chẳng đăng gì chỉ có bức ảnh của anh chụp cùng Bin, Bom làm ảnh đại diện. Tôi nhìn anh trên ảnh, hoá ra chúng tôi đã kết thúc quá lâu rồi, hoá ra anh cũng đã quên đi con đàn bà bẩn tưởi như tôi. Mấy cơn gió lại tạt khẽ lên mái tóc tôi, những sợi tóc bay bay chạm nhẹ lên má. Tôi cúi đầu, chợt thấy có thứ gì mằn mặn rơi vào miệng. Đã bao lâu rồi tôi không khóc, vậy mà giây phút này đây tôi không còn kiểm soát được nữa nước mắt cứ lặng lẽ rơi. Từng giọt nước trên khoé mắt lăn dài rồi bỗng dưng tôi không kìm được bật khóc thành tiếng. Tôi nhớ anh. Tôi nhớ anh đến kiệt quệ. Hoá ra trước kia chỉ là tôi tự dối lòng, hoá ra tôi vẫn nhớ anh, yêu anh nhiều đến vậy. Hai tay tôi ôm lấy gối để mặc cho bờ vai đang run lên. Trên bầu trời kia ánh trăng đổ xuống người tôi in hằn bóng lên mỏm đá đang ngồi. Trái tim tôi như có hàng ngàn mũi kim đâm vào đau nhức nhối.

Khi còn đang khóc tôi bỗng thấy điện thoại của mình vang lên. Mắt tôi nhạt nhoà nước, không nhìn rõ ai gọi chỉ bấm nút nghe rồi áp lên tai. Đầu dây bên kia im lặng, phải một lúc sau tôi mới nghe được giọng trầm ấm cất lên:

– Đừng khóc!

Vừa nghe đến đây toàn thân tôi bỗng dưng khựng lại, liền vội quệt nước mắt nhìn lên màn hình. Tôi còn nghĩ mình nhìn nhầm, nghe nhầm thế nhưng trên màn hình hiện rõ mồn một số của anh. Sao anh lại biết tôi khóc? Sao anh lại gọi cho tôi vào giây phút này? Tôi đứng bật dậy như một phản xạ nhìn xung quanh. Thế nhưng bốn bề vẫn vắng lặng như tờ, chỉ có tiếng ếch nhái râm ran dưới mặt đất.

Hoá ra là tôi ảo mộng, có lẽ anh ở phố thị ồn ào xa hoa kia gọi cho tôi, có lẽ cuộc gọi cuối cùng anh gọi trước khi lấy vợ thôi. Câu “đừng khóc” có lẽ do tôi nghe nhầm rồi. Tôi nhìn màn hình cũng thấy anh đã tắt máy từ lúc nào. Mấy cơn gió lại thốc vào người tôi lạnh buốt, tôi ngồi xuống mỏm đá đôi mắt trân trân nhìn về khoảng không vô hình, nước mắt vẫn lặng lẽ rơi.

– Uyên!

Khi còn đang ngồi tôi bỗng nghe tiếng gọi phía sau. Tiếng gọi rõ ràng, quen thuộc. Cả người tôi xoay lại, gần như không thể tin nổi vào mắt. Dưới ánh trăng… anh đứng lặng yên ở đó. Tôi cố dụi mắt còn tưởng mình nhìn nhầm, thế nhưng không, là anh, là anh bằng da bằng thịt. Anh mặc chiếc áo somi được là lượt cẩn thận, chiếc quần âu sạch sẽ không hề dính chút bụi bẩn. Khoảng cách của tôi và anh chỉ vài mét. Khi còn chưa biết mình phải làm gì anh đã lại gần, mấy ngón tay thon dài chạm khẽ lên khoé mắt tôi rồi nói:

– Khóc cũng được, đau lòng cũng được… chỉ là đừng khóc một mình, đừng khóc khi không có anh ở bên.

Tôi vẫn chưa thể tin nổi, thế nhưng mùi hương này là thật, bàn tay đang chạm lên khoé mắt tôi là thật. Cả người tôi run run, định lùi lại anh đã kéo mạnh tôi ôm chặt, giọng nghẹn đi:

– Anh đến rồi, có khóc thì khóc trên vai anh anh, đừng một mình ở đây chịu đựng mọi thứ. Anh đau!

***

Hết