Chương 3: Ngôi làng biệt lập

Xã Trạm Phèn được thành lập chính xác từ ngày nào, công văn ký ngày nào, hộ dân đầu tiên đến ngày nào chắc không ai nhớ cả. Từ trước tới nay dân trong xã sống bình thường mà không ai quan tâm chuyện ấy. Tâm lý của cái làng này đặc biệt cũng y hệt như vị trí địa lý của nó vậy.

Tầm những năm 1995, một đoàn các nhà nghiên cứu độc lập từ Anh, được dẫn đầu bởi một số nghiên cứu sinh gốc Việt, trong lúc tìm hiểu về đặc tính của những loài thú trong quần thể núi đá vôi khu vực biên giới này thì phát hiện ra loài chuột núi.

Như đã biết, chuột núi dưới chân Núi Gãy ngon hơn, to hơn chuột núi thường, chu kỳ sinh trưởng cũng vô cùng thú vị, con trưởng thành thường có xu hướng ăn đầu của những cá thể già, sau đó tha xác đến một khu vực nhất định, diện tích chừng hai hecta, nằm ở một khe được tạo thành bởi hai đồi đá vôi sát nhau, cao chừng năm mươi thước. Hai hecta này là địa hình pha tạp giữa đầm lầy, đá và bùn. Mặt đầm lầy có những gốc tràm khô trắng hếu vươn lên như những cái răng hàm kỳ lạ của một loài thú khổng lồ nào đó.

Nhóm nhà khoa học này đến lúc nhập nhoạng tối, họ đến trễ vì không tìm được hướng dẫn viên. Không ai cả. Dường như không ai biết xã Trạm Phèn. Ông xe ôm già nhất cũng lắc đầu. Họ tự đi theo ghi chép, một ghi chép từ thời chiến tranh. Hình ảnh cuối cùng về họ là khi họ rẽ vào con đường bên trái dẫn đến sườn Tây Bắc của Núi Gãy, vì lúc ấy chưa ai làm đường. Sau đó? Không có sau đó, không ai thấy nhóm khoa học đó quay trở lại.

Khoảng năm 1999, có một nhóm phóng viên từ một tờ báo ở tận Sài Gòn cũng theo câu chuyện kỳ lạ về nhóm khoa học gia nọ mà đến xã. Lần này thì họ tìm được một người dẫn họ vào. Đó là một người đàn ông tên Hiếu. Lúc nhóm phóng viên xuống khỏi xe đò, ông ta đến lân la hỏi chuyện, biết rằng họ muốn đến xã Trạm Phèn thì hồ hởi khoe rằng mình là người dân ở đấy, cô phóng viên trưởng nhóm nghe vậy thì phấn khởi, đề nghị Hiếu dẫn đường.

Trước khi đi, cô phóng viên có tìm hiểu về Núi Xà Bang hay còn gọi là Núi Gãy này, thế nhưng chỉ có vỏn vẹn một mảnh giấy duy nhất là có thông tin, những ghi chép nguệch ngoạc được cho là từ thời chiến tranh, do một nhóm lính trinh sát ghi lại. Hình chụp của mảnh giấy này được tìm thấy trong quyển sách về vùng biên giới, trong khi cô biết đến quyển sách này lại là nhờ tìm hiểu về hành trình của đoàn khoa học gia nọ.

Nội dung trên giấy có thể tóm gọn lại như sau: Núi Xà Bang là một dãy đá vôi, hình thành vào Thế Canh Tân, các khối đá lớn chồng lấn lên nhau, lại có cây dại mọc. Sườn Đông Nam phát triển mạnh hơn sườn Tây Bắc về thực vật, nhưng kỳ lạ là sườn Tây Bắc lại có nhiều động vật hơn sinh sống. Núi không có khoáng sản gì nhiều ngoài đá vôi, đá xây dựng.

Chân núi Xà Bang có xã Trạm Phèn, họ không trồng lúa hay nuôi tôm như khu vực lân cận mà thay vào đó họ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hộ dân đa phần nuôi heo, bò, gà, vịt, nhà mỗi hộ đều cho xây chuồng trại chăn nuôi. Năng suất chăn nuôi không cao, chỉ đủ nuôi sống toàn xã với hơn trăm nhân khẩu.

Thông tin về núi Xà Bang không nhiều cộng với việc tìm ra xã Trạm Phèn hết sức khó khăn phần nào cũng tiếp thêm động lực cho nhóm phóng viên. Lúc họ vừa thấy xa xa thấp thoáng nhà cửa, cô trưởng nhóm quay sang thì không thấy Hiếu đâu cả. Hỏi mấy người còn lại họ cũng lắc đầu không biết, rõ ràng từ đầu tới giờ đều thấy anh ta đi sát bên, ấy vậy mà chỉ chớp mắt một cái đã bốc hơi. Cô trưởng nhóm là người mạnh mẽ, không tin những chuyện mê tín dị đoan cho nên cũng cho rằng chỉ là Hiếu đã rẽ vào một đoạn đường nào đó khác mà thôi. Khi họ đến được xã Trạm Phèn, trời cũng bắt đầu sập tối, nhà nhà đã bắt đầu thắp đèn dầu. Cô gái trưởng đoàn quay sang hỏi người trợ lý rằng xã này chưa được lưới điện Quốc gia kéo tới hay sao, người trợ lý lắc đầu không biết, vốn dĩ để cấp được đường dây khó khăn vô cùng, những năm 1999 còn rất nhiều vùng lân cận trung tâm vẫn chưa có điện thì khu vực này xa xôi hẻo lánh như vậy, lại tách biệt, gần biên giới, dĩ nhiên điện sẽ có sau các nơi khác rất lâu.

Cô gái trưởng đoàn lúc này mới tìm đến một nhà dân, định bụng sẽ hỏi đường lên Ủy ban xã Trạm Phèn, sẵn tiện hỏi vài câu hỏi ngoài lề luôn. Người mà cô gái trưởng đoàn kéo lại là một trung niên mập, lùn, bụng phệ, khuôn mặt lấm lem bùn đất như vừa mới chui ra từ chuồng heo, chuồng bò, ánh mắt ông ta nhìn cô gái với vẻ mệt mỏi và lười biếng. Cô gái trưởng đoàn giới thiệu bản thân xong rồi hỏi đường đến Ủy ban xã, người trung niên không trả lời, chỉ dùng ngón tay trỏ chỉ thẳng về con đường đất đỏ phía trước. Cô gái trưởng đoàn thấy có vẻ người trung niên mệt nên cũng không hỏi thêm nữa, để ông ta đi rồi kiếm người khác cho rồi. Nhóm phóng viên vừa đi, cô trưởng nhóm có quay lại nhìn người trung niên thì đột nhiên rùng mình vì thấy ông ta cũng đang đứng xụi lơ, thân thể vô hồn, tựa như một cái xác được chống cho vững, đôi mắt ấy đυ.c ngầu nhìn về đám người lạ vừa đến đây. Ánh mắt đó tựa như một lời cảnh báo cho nhóm người dám phạm đến những nơi linh thiêng.

Cô sợ quá, quay ngoắt lại, giục mọi người đi nhanh lên. Chừng ba chục thước nữa lại thấy một người phụ nữ đang lau bàn thờ Ông Thiên trước sân. Cô hỏi, cùng câu hỏi và cũng cùng một cách trả lời!

Có hỏi thêm năm người nữa thì nhóm phóng viên nọ cũng nhận được một phản hồi duy nhất từ năm người, họ không nói không rằng, khuôn mặt ủ rũ, khóe mắt thâm quầng, chỉ thẳng về phía con đường đất đỏ. Cô gái trưởng đoàn thở dài, định bụng hỏi thêm mà chẳng thu thập được gì, cô tự hỏi vì sao lại như vậy, thái độ của cô lúc nào cũng niềm nở kia mà. Cả đoàn đành tìm đến Ủy ban xã, đi qua hai hàng dãy nhà thì thấy bên trong nhà nào cũng có một cây đèn dầu, khoảng sân và hàng ba phía trước nhá nhem tranh sáng tranh tối.

Ủy ban xã nằm khá tách biệt với khu vực sinh hoạt của người dân. Đó là một ngôi nhà vách lá mái tôn, phía trước dựng ván gỗ quét dầu, trên mái có một tấm bảng thiếc sơn đỏ chữ vàng ghi mấy chữ nguệch ngoạc: “UBND Xã Trạm Phèn”. Nhà được nằm trên một nền đất cao hơn trũng chừng hai thước, kiểu nhà đặc trưng vùng hay ngập lụt. Hai bên nhà là một rừng cây tràm, lúc này do trời đã tối nên đứng từ đầu đường nhìn vào rừng tràm âm u vô cùng. Cô trưởng nhóm chân bước đi bình tĩnh nhưng tim đập thình thịch, mắt cố không nhìn vào rừng tràm ấy vậy mà cứ có ma lực lôi kéo cô phải nghểnh cổ trông sang. Bên trong đó chỉ một màu đen thui. Nghe được tiếng bì bõm của thứ gì đó đang lội nước. Cô hít một hơi thật sâu, quyết không quan tâm nó nữa, vào Ủy ban xã cho nhanh.

Vừa đến cửa nhà thì bên trong đã nghe tiếng người bước ra, đứng chặn nhóm phóng viên lại trước cửa. Cô phóng viên đang lo sợ thì bóng người xuất hiện chặn đầu làm cô giật mình, suýt đã hét lên thành tiếng. Bình tâm lại nhìn, thì ra đón nhóm phóng viên là một ông cán bộ xã tuổi ngoài năm mươi, vừa thấy đoàn phóng viên thì đã nhăn mặt, giống như muốn đuổi cổ họ đi ngay nếu có thể vậy.

Ông nhếch mép: “Ai? Đến đây làm gì?”

Cô trưởng nhóm gom hết bình tĩnh, đáp: “Dạ bọn con là phóng viên từ thành phố, đến làm phóng sự về xã mình…”

Ông cán bộ gắt lên: “Không có phóng sự gì hết, đi về đi!”

Một người nam trong nhóm phóng viên nghe vậy thì bực mình, nói: “Ông chú ơi, bọn con đến làm phóng sự thật, có gì đâu ma chú đuổi như vậy? Đấy, giấy tờ hỏi cô này nè, có giấy tờ đàng hoàng mà chứ có ăn trộm ăn cướp đâu?”

Ông cán bộ lườm cả nhóm một lượt, ánh mắt như muốn ăn tươi nuốt sống người khác. Bấy giờ ngoài trời đã chuyển sang màu đen hẳn, ánh sáng duy nhất ở cả khu vực này là ánh đèn dầu hắt ra từ bàn làm việc bên trong. Cánh rừng tràm bên hông trụ sở Ủy ban xã bỗng nhiên lại vang lên tiếng bì bõm, bì bõm, đúng là tiếng người lội nước… Hoặc là thứ gì đó đang bò đến! Rất đông. Phải chừng năm, sáu người. Nhóm phóng viên ngơ ngác nhìn qua hai bên, mặt ai cũng có chút tò mò khó hiểu chứ chưa hẳn là sợ.

Ông cán bộ đứng nép qua một bên, nói bằng chất giọng không có cảm xúc: “Vào đi. Bên kia.”

Ông dẫn cả đoàn vào một căn phòng khá rộng rồi thắp lên ba cây đèn dầu nhưng quái lạ là thay vì đặt cả lên bàn hoặc treo lên vách thì ông lại đem đi đặt ở ba góc phòng, đoạn ngồi xuống đối diện với cô gái trưởng đoàn. Sau lưng trưởng đoàn là cửa sổ, sau lưng cô trưởng nhóm là cửa sau. Vừa lúc tất cả an vị xong, cô trưởng nhóm có nhìn ra sau ông cán bộ, cửa sổ nổi bật giữa vách, vì vách thì có ánh đèn, cửa sổ chỉ là một màu đen, nó như thối thúc ánh nhìn của người khác, và nó đã hài lòng, vì có cô trưởng nhóm nhìn, đăm đăm, đăm đăm. Lúc đó, từ phía sau cửa sổ, cô trông thấy một dáng người, đúng hơn là nửa thân trên, đi lướt ngang. Người này trẻ, cao ráo, khá điển trai, hình như đầu của anh ta hơi to so với người thường. Anh ta đi ngang cửa sổ cũng quay đầu nhìn vào bên trong, ánh mắt không có chút sinh khí, khuôn mặt ảm đạm, lạnh lẽo, cứ thế anh lướt ngang, như một bóng ma. Cô trưởng đoàn ban đầu cũng giật mình, sau đó trấn tĩnh lại, nghĩ rằng người trong xã đi ngang đây chứ chẳng có gì khác.

Rồi cô nhớ ra, căn nhà này cao hơn trũng bên dưới hai thước. Người nào lại cao gần ba thước với cái đầu to như vậy, lại vừa đi lướt ngang, và nếu anh ta đi như vậy có nghĩa là anh ta vừa bước ra từ rừng tràm…

Cô trưởng nhóm bất giác đổ mồ hôi lạnh, thần trí trôi nổi đâu đâu, đột nhiên ông cán bộ đằng hắng rồi cất giọng mới làm cô tỉnh lại: “Hỏi đi!”

Cô trưởng nhóm ấp úng: “Dạ.. Dạ…”

Đó là một đoạn phỏng vấn nhàm chán, về dân số, về nghề nghiệp, về lịch sử. Cô xin phép ông cán bộ cho mình được quay phim vào sáng mai, lúc này thì ông cán bộ bắt đầu thay đổi thái độ, mắt ông ta có gì đó chút kinh hãi, ông ta nói muốn quay phim thì cứ việc nhưng phải tránh xa các chuồng gia súc và những khu vực có nhiều động vật ra. Hỏi lý do thì ông ta từ chối không trả lời, nói đó là quy định chung của xã, không tuân theo sẽ có chuyện.

Cô gái mới hỏi tiếp: “Còn dân làng thì sao? Vì sao họ lại đến đây?”

Ông cán bộ đáp: “Có đất chăn nuôi thì có người đến chăn nuôi. Có đất ở thì có người đến ở Cô hỏi thế sao tôi biết đường trả lời?”

“Người dân đến đây từ lúc nào bác nhỉ?”

“Không nhớ. Chắc là sau 79.”

“Họ đều đến cùng một nơi hay là tứ phương vậy bác?”

“Không biết được. Có người đi theo nhóm, có người dẫn theo vợ con, có người đến một mình. Cái xã nhỏ như lỗ mũi, ai cũng biết mặt nhau, sao cô cậu không ra hỏi thẳng mà lại tìm tới tôi làm chi cho mắc công vậy?”

Cô gái trưởng đoàn nhớ lại khuôn mặt của những người cô hỏi chuyện lúc chập tối, cô thoáng nghĩ chắc họ mệt mỏi sau một ngày làm việc nên quyết định ngày mai sẽ thử lại lần nữa. Nghĩ thế, cô chuyển chủ đề: “Còn trường học, trạm xá, xã mình chắc có đủ bác nhỉ?”

Ông cán bộ châm điếu thuốc, ngồi bắt chéo chân nhưng khuôn mặt vẫn cứng ngắt, lạnh tanh như một con búp bê: “Có trường, trạm xá đủ cả.”

Cô trưởng nhóm cũng khá bất ngờ, hỏi: “Vậy thì các chỉ tiêu về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, xã mình hoàn thành tốt chú he?”

Tưởng như ông cán bộ sẽ hồ hởi, nhưng ông ta chỉ đáp gọn lỏn: “Không. Xã này chẳng có ai muốn đi học cả.”

“Tại sao?”

“Vì nghèo. Ăn không có, học làm sao?”

Cô trưởng nhóm im lặng. Ông cán bộ nói tiếp: “Xã này không ai theo học đại học. Cao lắm là lớp mười. Trẻ con chúng nó học xong rồi về phụ giúp gia đình.”

“Vì sao v…”

“Thôi. Trời cũng tối rồi, bà xã tôi ở nhà chờ cơm, có gì mai cô cậu cứ vào xã mà hỏi chuyện. Nhớ, quay phim thì tránh xa động vật ra.”

Cô gái trưởng nhóm chưa kịp hỏi thêm thì đã bị ông cán bộ cắt ngang, nói xong thì ông đứng lên, đi ra cửa, quay người vào trong ý muốn tiễn khách. Đoàn phóng viên vì vậy cũng chẳng thể nán lại được nữa, đành kéo nhau ra ngoài. Ông cán bộ vừa khóa cửa xong thì đi về phía khu đất ngược hướng với nơi cư dân xã sinh sống, chẳng thấy được khu đất ấy thật ra có gì, chỉ thấy thấp thoáng một màu xám tro cùng với những hàng cây mọc đâm lên cao, che khuất đi tất cả mọi thứ phía sau.

Nhóm phóng viên ngơ ngác giữa màn đêm tịch mịch đến đáng sợ. Họ rọi đèn pin, tìm đường quay lại khu dân cư, trên đường đi ra có đi ngang qua một đồn công an, họ dừng lại, đứng hình một hồi lâu vì cảnh tượng hiện ra trước mắt quả thật kỳ lạ. Đó là căn nhà khá giống với nhà Ủy ban xã, có điều cánh cửa đồn bị gió thổi nên cứ đóng vào, mở ra liên hồi, bên trong không thắp đèn gì cả, tấm bảng kim loại đề chữ “Công an xã Trạm Phèn” phía trên bị méo sang một bên, màu sắc cũng đã phai mờ. Trong đồn tuyệt nhiên chẳng có một cán bộ công an nào cả. Trong cái đồn giống như căn nhà bỏ hoang hơn là nơi làm việc của công nhân viên chức.

Hoặc là cái làng này không tồn tại!

Hôm sau, chẳng ai thấy nhóm phóng viên cả. Xã Trạm Phèn vẫn sinh hoạt bình thường. Những người bên ngoài cũng không thấy có nhóm phóng viên nào đi ra cả. Chỉ nghe loáng thoáng được rằng, nơi họ đến có tên “Xã Trạm Phèn”. Cánh xe ôm kháo nhau: “Chỗ đó là đâu vậy mậy? Qua biên giới rồi hay sao?”

Không ai biết cả.

-0-

Trở lại hiện tại.

Một mình thằng Xí uống gần hết ba lít rượu đế, nó ngồi trong cái tum mới dựng ở hạ nguồn sông Nhu Lợi, nốc rượu từ trưa tới tối mịt. Từ khi nó bỏ bà Ba Như và bà Hai Trời Đánh trong nghĩa địa lại, chẳng hiểu có gì đó thôi thúc mà nó cứ ngồi uống mãi không thôi, đời nó còn gì nữa đâu mà không uống cho thống khoái?

Thằng Xí xỉn không biết trời trăng gì cả, nằm lăn lóc trên cái phản tre, ngủ ngáy khò khò, bên ngoài trời đã sang khuya, trăng trên cao tròn hơn cái ngày nó quật mả của Tuấn Ngọng. Một giờ sáng, thằng Xí trở mình, nó thấy lạnh ở sống lưng và sau ót, định kéo mền lên đắp thì nó nghe tiếng bước chân sột soạt bên ngoài. Quái lạ, ở cái khúc hạ nguồn sông kể cả cá cũng không thèm bơi tới này thì có ai đến tìm nó lúc một giờ sáng chứ, nó cứ đinh ninh rằng có con chuột nào đó thôi.

Thằng Xí ngồi dậy, đầu tóc nó bù xù, nó ngáp mấy tiếng mệt mỏi, nhìn về phía chân sạp tre, vẫn còn một chút rượu, đưa tay định lấy lên uống tiếp thì nó lại nghe tiếng bước chân. Khác với lúc nãy, tiếng bước chân này rõ và đều hơn, nghe cứ như là có hai người đang đi lướt lướt qua cái tum của thằng Xí vậy. Thằng Xí lắc lắc cái đầu cố trấn tĩnh, đầu óc đơn giản của nó chỉ nghĩ đến việc có đứa nào tới bắt nó lên đồn công an như hôm bữa nữa thôi, chắc là bà Ba Như và bà Hai Trời Đánh xảy ra chuyện gì thôi. Nghĩ vậy, nó bước xuống sạp, định bụng chui lỗ chó ra ngoài bỏ trốn.

Ai ngờ, vừa chui tọt ra ngoài thì một cơn gió mạnh thổi mây đen đi gần hết, ánh trăng chiếu xuống khu hạ nguồn, soi rõ hai bóng đen đang đi về phía con đường mòn dẫn vào xã. Thấy hai bóng đen này không phải tới bắt mình, cộng thêm với việc tò mò, thằng Xí quyết định bám theo. Hai bóng đen cao to, thân hình dị thường, thằng Xí đoán là do họ mặc áo khoác rộng. Hai ngời đó đi băng băng qua con đường phủ đầy tán tre, vừa bước vào thì thằng Xí thấy hai cái đầu như đang nhấp nhô, trông to hơn đầu người gấp hai ba lần, hình dạng lại kỳ dị ma quái. Tò mò càng thêm tò mò, thằng Xí quyết định đi gần hơn, vừa ra khỏi hàng tre là tới khu dân cư của xã, lúc này thì ánh đèn điện trong xóm cộng với đèn trong nhà rọi ra, trên cao là ánh trăng, thằng Xí mới thấy rõ hai bóng đen này thật sự là thứ gì. Khi thấy xong thì thằng Xí bật ngửa, bóng đen bên trái là một con trâu, còn bóng đen bên phải là một con ngựa, cả hai đều mang thân thể người, chỉ có cái đầu là không phải. Thằng Xí bủng rủng tay chân, đây chẳng phải là Đầu Trâu Mặt Ngựa dưới âm tào địa phủ hay sao, chúng đến đây làm gì, chẳng lẽ đi bắt người chết. Chúng đi dọc làng, thân thể bao trùm bởi một màu đen xì, bước chân từ từ chậm rãi mà trông cứ như là đang bay.

Đột nhiên, Đầu Trâu Mặt Ngựa dừng lại làm thằng Xí giật mình, nó hoảng quá muốn trốn mà chưa biết chạy đi đâu, hai chân ríu lại như dán keo, cứ thế chui tọt vào bụi cây gần đó. Đầu Trâu Mặt Ngựa quay về sau nhìn, hai con mắt lồ lộ, đυ.c ngầu, mở to như không để một con chuột chạy thoát. Mặt Ngựa thở hắt ra, miệng nó mấp máy, nói câu gì nghe không rõ. Đầu Trâu quay lại, không dòm nữa, nó cũng thở hắt ra một cái, sừng nó cong vυ"t, đôi mắt hiện rõ vằn máu, nó cũng mở miệng, nói gì đó, cả hai cất bước.

Thằng Xí thì đang đánh trống ngực, nó run đến suýt đái ra máu, trong đầu đã tưởng tượng ra đủ thảm cảnh, nào là cắt đầu mổ bụng, chặt tay chặt chân, rồi nó cũng chuẩn bị tùm lum những câu năn nỉ ỉ ôi sẽ tuôn ra một tràng nếu như lỡ bị bắt gặp. Lát sau không thấy động tĩnh gì khác, thằng Xí cẩn thận ghé mắt qua kẽ lá, nhìn không thấy hai bóng quỷ quái đó nữa, nó liền ba chân bốn cẳng chạy thẳng về cái tum, bao nhiêu rượu trong người hồi nãy đều đã theo cơn sợ mà bốc đi hết, nó chộp lấy mới còn lại, gần hai xị, nốc một lần cho hết, cơn say ập đến, nó ngả ra lăn quay. Nó chỉ nhớ đến đó.

Sáng hôm sau, thằng Xí tỉnh lại thì thấy mình đang nằm trên sạp, cái mền đắp gọn gàng còn chai rượu thì hết sạch. Thằng Xì thở phào nhẹ nhõm, cảnh tượng tối qua nó thấy chỉ là một giấc mơ. Chắc chắn chỉ là mơ chứ trên đời làm gì có chuyện như thế. Nó bất giác nhớ về con mèo mặt người.

-0-

“Mẹ nó, cái thằng Hai Sung đi đâu mất biệt mấy ngày nay, tưởng trốn luôn, ai dè tui mới thấy nó chỗ miếu Bà Chúa Xứ đây nè.” Út Lân vừa kéo thuốc vừa ba hoa với mấy người trong xã.

“Cái gì? Mày cũng thấy thằng Sung chỗ miếu Bà nữa hả Út?”

“Dạ, chú Tư cũng thấy sao? Lúc đó con lên rừng tính kiếm mớ rau về cho con vợ con nó nấu canh, đang đi tự dưng thấy bản mặt thằng Sung lắp ló trong bụi cây, nó tính hù con, con rượt theo, lát thì thấy nó chạy vào miếu. Con kêu nó mà hình như nó không có nghe.”

Chú Tư Hiệp vuốt lại bộ râu, chép miệng mấy cái rồi mới nói: “Hồi sáng tao cũng lên sườn Tây Bắc, dạo này cũng bí quá, tính làm con lô, cúng đủ chỗ rồi còn miếu Bà chưa cúng, ai dè đang đi thì thấy thằng Sung trong rừng. Tao cũng kêu, mà ngộ à nghe, tao kêu xong cái nó phóng đâu mất biệt, tao chạy ra coi thì không thấy nó đâu. Thằng trời đánh này chắc đi trốn nợ hay gì rồi!”

“Hai người đi lên miếu làm gì, chẳng phải chủ tịch xã đã cấm tuyệt không được bén mảng tới đó sao?”

Tự Hiệp với Út Lân giật mình khi nghe giọng nói sau lưng, quay lại thì thấy ông phó chủ tịch xã đang đứng. Phó chủ tịch tên là Trần Minh Hiếu, bốn mươi ba tuổi, khuôn mặt góc cạnh toát lên vẻ dữ tợn với cặp chân mày dày điểm tô phía trên. Phó chủ tịch Hiếu đang đi làm mấy cái giấy tờ thì tình cờ nghe cuộc trò chuyện của Tư Hiệp và Út Lân, xã Trạm Phèn cấm tuyệt người dân vào cái miếu ở bên sườn Tây Bắc đều có lý do cả, tất cả bắt đầu từ câu chuyện thành lập miếu.

Bên trong miếu Bà Chúa Xứ có bức tượng màu đen khoác vải gấm đỏ ai cũng biết, thế nhưng vì sao lại thờ Bà như vậy lại là một câu chuyện khác. Ngày xưa, những năm đầu thế kỷ, theo dòng người chạy giặc thì có một cô gái trẻ đến vùng này. Một thân một mình giữa vùng rừng sâu núi thẳm, cô gái gặp đám phỉ. Đám phỉ làm nhục cô gái, cô ta vùng dậy, đập đầu vào tảng đá, chết tươi. Ánh mắt cô trừng trừng nhìn đám phỉ, những tên gây tội với cô đều bị bẻ cổ chết sạch, chỉ có một đứa nhóc mười lăm, mười sáu tuổi không làm gì thì cô tha. Thằng nhóc này thấy cô gái linh quá mới chôn cất cô gái đàng hoàng rồi lấy cây rừng dựng lên một cái miếu nhỏ, lấy cục đá to gần đó tạc ra hình người, lại lấy trong những món đồ cướp được một tấm vải gấm đỏ, khoác lên đá. Ngôi miếu từ đó về sau làm nơi phù hộ độ trì cho những người lỡ đường đi ngang đây, chỉ cần vào miếu khấn vái thì sẽ được dẫn ra.

Đến năm 1979, giặc tràn qua. Chúng tàn ác vô cùng, nghe nói có ngôi miếu linh thiêng, mới gom hết dân cư ở đó, dẫn ra miếu, đào một cái hố lớn, dùng chày vồ đập đầu cho ngã xuống miếu rồi chôn sống. Tên sĩ quan muốn thách thức sự linh thiêng của ngôi miếu. Đêm, khi hố chôn tập thể được lấp xong, đám lính tím không ra tên sĩ quan mới tá hỏa đi tìm. Lục soát một hồi, đến nửa đêm, chúng tìm thấy tên này đang lom khom đào đất chỗ ngôi miếu, từng thu thể được đem lên, không hiểu sao có thể đứng vững xung quanh cái hố nhìn hắn trừng trừng, còn tên sĩ quan thì như hóa điên, mắt đυ.c ngầu, cười man dại.

Ông Hiếu nói, chỗ sườn Tây Bắc có một mạch khí nằm dưới đất, mạch khí ấy nếu bị đυ.ng phải, người sống hít vào thì hóa điên như tên sĩ quan, xác chết chôn ở đó thì xơ cứng, hóa thành đá, nên mới có chuyện xác chết đứng như trời trồng

Thực ra, người dân thì thường biết đến sự tích ngôi miếu ở một phiên bản khác. Họ thường kể, sau khi lập miếu, miếu gốc không nằm ở sườn Tây Bắc mà là sườn Đông Nam, có năm nọ hơn hai chục người trong làng đổ bệnh bí ẩn, chạy chữa hết thầy lang này đến thầy lang khác mà không khỏi bệnh. Ngày kia, dân làng rước một thầy coi phong thủy về, thầy phán do long mạch của miếu bị đảo lộn, giờ phải dời miếu về phía bờ Tây Bắc của dãy núi thì mới tai qua nạn khỏi. Chẳng hiểu sao khi miếu mới vừa xây xong, toàn thể những người mắc bệnh đều chết một cách bí ẩn, thế nhưng căn bệnh quái ác kia cũng không thấy tái phát nữa. Dân làng cho đó là trừng phạt của người phụ nữ ngày xưa dành cho làng nên cũng bỏ qua.

Điều kỳ lạ là sau khi dời miếu, vài người dân lên núi hái thuốc hoặc đi săn đều thề sống thề chết rằng họ thấy một con rắn mặt người bò qua bò lại trong miếu. Con rắn dài khoảng ba mét, to bằng cùm chân, có lúc thấy nó nằm khoanh tròn quanh bức tượng, có lúc thấy nó vắt vẻo trên lư hương, có lúc lại thấy nó trên ngọn cây. Ai cũng nói đó là hóa thân của người phụ nữ ăn xin ngày xưa nên cũng không bàn tới nữa. Cho tới một ngày, thằng Tý con ông Việt chơi trốn tìm với đám bạn, thằng Tý trốn trong cái miếu thì bị con rắn cắn chết, ông Việt lúc đó mới nổi trận lôi đình, đòi đập miếu. Ai ngờ vừa vác búa một đi không trở lại, gia đình ông Việt cũng bị nhiễm căn bệnh quái ác chết sạch chẳng còn một móng. Dân làng từ đó chẳng ai dám tới miếu Bà Chúa Xứ nữa, bức tượng không ai lau chùi riết thì rong rêu bám đầy, biến thành màu đen, chỉ có miếng vải vàng thêu hoa văn bí ẩn chẳng hiểu sao vẫn còn rất sạch. Có người nói miếng vải đó chính là con rắn mặt người nhưng chẳng ai dám đến gần để tìm hiểu.

Sau này xã Trạm Phèn được thành lập, cư dân được thay mới hoàn toàn, nghe nói chỉ còn vài người là có nguồn gốc từ ngôi làng ngày xưa, trong đó có ông phó chủ tịch Hiếu, còn truyền thuyết liêu trai về làng thì nhiều vô số kể. Tư Hiệp nghe kể xong thì trề môi: “Chú Hiếu cứ nói quá, mà tui chỉ đi vòng vòng gần đó chứ vô miếu đâu mà chú làm thấy ghê!”

Phó chủ tịch Hiếu nói: “Cẩn tắc vô áy náy bác Tư ơi. Con nhắc chung vậy thôi, xã mình đang trở thành xã nông nghiệp mới, nên tránh có mấy chuyện không may xảy ra. Mà phía sườn núi Tây Bắc ngoài cái miếu ra thì có gì khác để coi đâu, lên đó làm chi. Bác Tư thấy con nói đúng không?”

Phó chủ tịch Hiếu mặc dù nói chuyện có đầu có đuôi nhưng khuôn mặt ông ta dữ tợn, lời nào nói ra đều như quân lệnh, hai người Út Lân với Tư Hiệp nghe xong cũng không dám bàn tới nữa.

-0-

Bà Ba Như, vợ Tuấn Ngọng vẫn còn nhớ như in khuôn mặt phẳng lì, nổi đầy gân xanh của chồng minh đêm hôm trước. Sau khi thấy khuôn mặt đó, bà Ba Như ba chân bốn cẳng leo khỏi cái huyệt, chạy khỏi nghĩa địa, mặc kệ cho Hai Trời Đánh muốn làm gì đó thì làm. Hai ngày nay bà Ba Như chẳng chợp mắt được lấy một giây vì bị cái hình ảnh kia ám ảnh, giờ này cũng đã hơn mười giờ đêm, cùng thời điểm với ngày quật mồ hôm nọ. Đang nằm run cằm cặp, Ba Như chợt nghe tiếng sột soạt ở nhà sau, căn nhà lạnh lẽo vắng bóng đàn ông nay ngày càng trở nên âm u tịch mịch. Bà Ba Như chui rút cả thân thể dưới tấm mền, giọng run lẩy bẩy: “Ai… Ai đó…?”

Không có tiếng trả lời.

Bà Ba Như trợn mắt, nuốt nước miếng, hé cặp mắt ra khỏi tấm chăn, nhìn về phía sau nhà, lúc ấy chỉ thấy phía căn bếp bị phủ một màu đen như xoáy. Bỗng nhiên, từ phía vách nhà đánh “rầm” một tiếng như con thân thể người nào đó rơi từ trên cao xuống, Ba Như chưa kịp nổi hết da gà thì cánh cửa sau nhà bật mở toang. Ba Như sợ quắn cả lên, phóng xuống giường, đúng lúc đó cửa nhà trước bị lực gì đó tác động bật vào trong trúng vào Ba Như, bà ta ngã sõng soài trên nền nhà lạt ngắt. Từ phía cửa trước bước vào một bóng đen, thân thể không thấy được gì khác nhưng phía trên lại là đầu của một con trâu!

Bà Ba Như dùng hết sức trong cổ họng cũng chẳng kêu lên được tiếng nào, bà quay người định chạy thì tay chạm vào cái gì đó. Ánh đèn dầu bỗng nhiên sáng bừng lên, thứ mà bà Ba Như chạm vào là cái thủ cấp của chính bà. Không, đó là cái đầu của bà, nó mở mắt tròn vành vạnh nhìn bà, da mặt nó nhợt nhạt, có chút nhớt, như tử thi phân hủy. Tóc nó bới ngược ra sau, y như bà thường làm hàng ngày, miệng nhe răng cười lồi cả nướu, nó nói: “Đi chết đi! Đi chết đi!”