17:35 phút tại khoa sản của bệnh viện huyện.
Tiếng khóc của trẻ sơ sinh mới lọt lòng. Tiếng la hét khóc lóc của các sản phụ chuẩn bị bước vào phòng sinh. Nhiều sản phụ vì quá đau đớn, không thể chịu đựng được những cơn đau đang tới dồn dập đã dùng chính móng tay của mình cào xuống sàn nhà, cào cả lên tường đến mức chảy máu bật hết cả đầu ngón tay. Các bác sĩ và nhân viên y tế chạy ngược xuôi để khám và giúp đỡ họ vượt qua cuộc hành trình sinh tử này. Cảnh tượng đó khiến cho con người ta không khỏi xót xa, vừa thấy thương và cũng vừa thấy sợ hãi cho những người đầu tiên đến nơi đây.
Có lẽ đây là cuộc chiến sinh tử khốc liệt nhất mà Chi và Duyên từng thấy. Dù đã được các chị đồng nghiệp kể rất nhiều về hành trình vượt cạn gian khổ và đau đớn như thế nào của các chị ấy, nhưng đó là chỉ được nghe thôi nên không cảm nhận được nỗi đau đớn của bà mẹ sắp sinh. Hôm nay được tận mắt chứng kiến, hai đứa đã cảm nhận phần nào nỗi đau của những người làm mẹ. Đúng là không có sự hi sinh nào cao cả và thầm lặng hơn thế nữa.
Quế Chi vẻ mặt không khỏi hoang mang, quay sang Mỹ Duyên, cô nói với giọng run run:
“ Thôi dẹp mẹ mấy chuyện yêu đương và lấy chồng đi.Mày nhìn thấy chưa, tao sợ lắm rồi”.
“Được, nhất chí. Tao với mày sẽ sống một cuộc đời làm hai bà cô chanh xả và quyến rũ nhất cái huyện này”.
Quế Chi và Mỹ Duyên là hai người bạn học cùng mái trường cấp ba, lên đến đại học rồi khi ra trường còn cùng làm trong phòng kế toán của một công ty may mặc trong huyện. Chính vì sự gắn bó lâu dài đó nên Chi với Duyên thân nhau không khác gì hai chị em đến mức gia đình hai bên còn coi như con cái trong nhà. Thế nên Chi và Duyên thường xuyên qua lại nhà nhau ăn cơm, đi đâu cũng y như một đôi vậy.
Sở dĩ hôm nay hai đứa có mặt ở khoa sản này là vì anh của Duyên làm bác sĩ ở đây. Chả hiểu vì sao anh nó lại chọn khoa sản, mặc cho ba mẹ và mọi người phản đối. Duyên cũng đôi ba lần hỏi thì anh chỉ trả lời là: “ vì đam mê”. Nó cũng cạn lời, đam mê gì mà kỳ quặc. Nhiều người vì có chân trong, có người nhà ở khoa thì người ta mới phải chọn vào khoa sinh sản, đằng này bố của Duyên làm giám đốc bệnh viện anh nó muốn vào khoa nào chả được. Thế mà nhất định cứ phải là khoa sản mới chịu.
Năm nay là năm đẹp hay sao ấy mà các mẹ sinh nhiều ghê ấy, khoa sản lúc nào cũng thấy đông đúc, chật chội, người ra người vào chật kín cả hành lang. Chính vì khoa bị quá tải nên cả tuần nay anh Vũ chưa về nhà. Mẹ thương anh nên bảo Duyên mang đồ ăn và thuốc bổ cho anh, sợ anh mải chăm lo cho bệnh nhân mà quên luôn bản thân, ốm ra đó thì mẹ lại thương lại xót. Gia đình Duyên có hai cha con đều làm bác sĩ thành ra trong các bữa cơm mẹ Duyên luôn đề cao tiêu chuẩn về dinh dưỡng, ăn uống rất khoa học. Còn nhà Chi thì thích ăn món nào là mẹ nấu chứ mẹ đâu có biết về dinh dưỡng. Được cái hai đứa tốt số có tận hai bà mẹ nấu ăn ngon, mỗi người có cách nấu khác nhau, cũng có vị ngon đặc trưng riêng của mình. Vì thế Chi và Duyên ăn hoài không thấy chán. Hai đứa đâu có được mảnh khảnh như những cô gái nhà người ta,đứa nào đứa nấy đẫy đà, hai má thì phúng pha phúng phính. Nhưng hai mẹ bảo thế mới là đẹp mới phúc hậu. Dào ơi! Chỉ có hai mẹ khen con gái các mẹ thôi chứ ở công ty các anh chị đồng nghiệp toàn chê béo thôi.
Đằng xa có tiếng chị y tá, giọng nói đầy gấp gáp:
“ Bác sĩ Vũ, có ca sinh khó, cổ țử çɥñğ của sản phụ không giãn ra được nữa, cần phải mổ gấp”.
“ Mau chóng chuẩn bị vật dụng đi, tôi đến ngay”.
Dứt lời anh Uy Vũ vội vã chạy sang phòng mổ, nhìn thấy anh trai đang bận Duyên gọi với theo:
“ Anh Vũ ơi em mang đồ ăn cho anh này, em để ở phòng làm việc của anh, xong việc nhớ ăn anh nha”.
“Ừ. Cứ để đó cho anh”.
Ở đây ai cũng vội vã bận rộn cả, những bước chân của các bác sĩ lúc nào cũng phải bước nhanh hết công suất, vì nếu chỉ chậm một phút thôi thì sẽ chẳng ai biết được sẽ có chuyện xấu nào bất ngờ ập tới. Đây là lần thứ ba Chi được gặp anh Vũ, dù vậy thì chả biết anh có biết mặt nó hay không nữa, lần nào cũng thấy anh vội vã, gặp ở nhà thì đúng lúc anh vội vã đi làm còn gặp ở bệnh viện thì anh vội vã chăm lo cho các bệnh nhân. Thiết nghĩ cuộc sống của các bác sĩ thật vất vả và buồn chán.