Chương 12: Người khách lạ phương xa
Cô Trúc nghiêm sắc mặt bảo với Tâm Đăng rằng :
- Ta có việc cần kíp phải đi, mi ráng ở lại chịu khó luyện võ.
Nói rồi xá chào Vạn Giao đoạn quay lưng đi vào đêm tối.
Vạn Giao bước tới vỗ vai Tâm Đăng mà nói :
- Bắt đầu từ ngày mai mi cứ công khai mà luyện võ với ta.
Tâm Đăng mơ màng gật đầu, thế là thêm một tay giang hồ lão luyện lại đi vào đời của Tâm Đăng.
Thời gian qua rất nhanh.
Lại thêm 5 ngày nữa trôi qua.
Khí hậu ở kinh đô Tây Tạng bắt đầu lạnh lẽo, đồng đạo của Tâm Đăng thảy đều mặc thêm một lớp áo ở bên ngoài, nhưng Tâm Đăng vẫn mặc một manh áo mỏng manh mà không sợ rét.
Trong năm ngày này, Bệnh Hiệp lại trở bệnh thêm một lần nữa, bệnh tình thật là trầm trọng.
Tâm Đăng buồn rầu lắm, mười mấy năm tu hành vẫn không giải thoát được tư tưởng cho chú, chú vẫn bị “sinh lão bệnh tử” chi phối tâm tư.
Một hôm chú đi thăm Bệnh Hiệp, thấy ông ta nằm trên giường bệnh, hơi thở yếu mòn, lần này ông ta không thể cầm bút mà truyền võ nữa, chỉ dùng cặp mắt lờ đờ để truyền đạt tư tưởng mà thôi.
Tâm Đăng học võ qua hình thức đó, thực là cực khổ vô cùng. Suốt buổi sáng, chú phải phí rất nhiều sinh lực.
Lúc trở về chùa, chú tắm gội xong bèn lên chính điện, nơi ấy lúc bấy giờ khói hương nghi ngút, có rất nhiều thiện nam tín nữ đang hành hương.
Chú thấy rất nhiều đồng đạo đang tiếp đại Phật tử, chú cảm thấy mình bây giờ là một con người đặc biệt với Bố Đạt La Cung.
Chú lặng lẽ đốt ba nén hương rồi làm lễ!
Đang lúc chú để hết tinh thần khấn vái, bỗng nghe sau lưng chú có tiếng nói :
- Tiểu hòa thượng, lễ xong xin nhường chỗ cho tôi.
Tâm Đăng quay đầu nhìn lại, thấy đó là một bà lão già, choàng một tấm khăn màu đen qua mái tóc bạc của bà ta, thu hai bàn tay co ro trong ống tay áo.
Nét nhăn trên khuôn mặt bà lão thật ít, lại không có vẻ già nua cho lắm. Trái lại, sắc mặt hồng hào, đôi mắt rất to, khuôn mặt khá đẹp, nhưng Tâm Đăng đoán chắc bà này đã ngoài thất tuần.
Tâm Đăng vội vàng nhường chỗ, bà ta tươi cười hỏi :
- Tiểu hòa thượng ở trong chùa này có phải chăng?
Tâm Đăng cung kính trả lời :
- Phải! Tôi xuất gia ở chùa này từ thủa nhỏ.
Bà ta trố mắt kinh dị :
- Xuất gia... sao còn chừa tóc?
Tâm Đăng e thẹn :
- Tôi quả thật là người xuất gia, tên Tâm Đăng, ngụ tại Bố Đạt La Cung đã mười tám năm rồi.
Bà lão gật gù, không nói gì nữa, ngồi trên bồ đoàn lâm râm khấn vái.
Tâm Đăng để ý thấy bà ta khấn một chặp đoạn đứng dậy mỉm cười nhìn Tâm Đăng.
Và bà lão chen lấn trong làn sóng người mà đi ra ngoài, vì người ta đông nên bước đi rất khó nhọc, Tâm Đăng vội vàng bước tới dẫn bà lão, chen lấy một con đường để ra ngoài.
Ra khỏi làn sóng người, bà ta lau mồ hôi nói với Tâm Đăng :
- Bố Đạt La Cung hương hỏa thật là thịnh vượng, lời đồn không sai.
Tâm Đăng nói :
- Chắc thí chủ đến đây lần đầu?
Bà lão nhớn nhác nhìn quanh :
- Không, ta thường đến... nhưng cách đây mười mấy năm rồi.
Tâm Đăng càng nghe càng lấy làm lạ lại hỏi :
- Sao cách mười mấy năm thí chủ không đến?
Bà lão vuốt mái tóc bạc phơ của mình thì thầm :
- Bởi vì ta đã rời khỏi Tây Tạng mười tám năm...
Tâm Đăng nghe đến ba tiếng “mười tám năm” liền khẽ giật mình, chú cảm thấy bà lão này có nhiều nét khác thường, vụt liên tưởng đến vụ án Trác Đặc Ba chú nghĩ :
- Hay là bà lão này cũng vì vụ đó mà đến đây, vậy thì bà ta chắc chắn sẽ là một bậc dị nhân có nhiều tuyệt kỹ.
Chợt nghe bà lão tò mò hỏi :
- Ta nghe giọng nói của tiểu hòa thượng thì dường như không phải là người Tây Tạng?
Tâm Đăng trả lời :
- Phải! Tôi không phải là người Tây Tạng, tôi vào chùa này hồi một tuổi.
Bà lão “À” lên một tiếng kinh dị, nhìn Tâm Đăng chằm chặp nói :
- Chú bước sang bên kia cho tôi nói chuyện một chút.
Không biết một nguồn mãnh lực nào làm cho Tâm Đăng ngoan ngoãn theo chân bà lão, và hai người ngồi xuống một gốc cây trò chuyện.
Bà lão hỏi gằn lại :
- Ban này tiểu hòa thượng nói hòa thượng tên là gì?
Tâm Đăng trả lời :
- Tên tục của tôi là Chính Dung, pháp danh là Tâm Đăng.
Bà lão lại kêu lên một tiếng tỏ vẻ kinh ngạc :
- À... Tâm Đăng, tôi hỏi chú, chú có phải là người học võ?
Tâm Đăng biết mình có chối cũng không được, chú thú thật :
- Tôi có học qua loa!
Bà lão gật gù :
- Xem nhãn thần của chú thì chú học võ cao thâm lắm.
Tâm Đăng hổ thẹn :
- Thí chủ quá khen!
Thình lình bà ta nhìn thẳng vào mặt Tâm Đăng hỏi một câu đường đột :
- Chú có phải là học trò Cô Trúc?
Tâm Đăng hạ thấp giọng hỏi :
- Lão tiền bối là ai?
Bà ta mỉm cười :
- Chắc Cô Trúc đã có nói cho chú biết, ta họ Thiết.
Tâm Đăng trong lòng kinh hãi, chắp tay xá chào :
- Xin Thiết lão tiền bối tha thứ cho...
Thì ra bà này chính là Thiết Điệp, lần này bà ta trở về Tây Tạng cùng chung một mục đích: tìm Trác Đặc Ba!
Thiết Điệp hiền từ hỏi :
- Thầy mi hiện giờ ở đâu?
- Ở Tây Tạng.
- Cô Trúc tìm được mi quả thật là một điều may mắn, ta xem mi chắc chắn có thể hoàn thành sứ mạng.
Bà ta lại hỏi :
- Việc mười tám năm về trước, chắc Cô Trúc đã có nói cho mi biết?
- Thưa vâng!
- Chắc mi còn biết một người tên là Lạc Giang Nguyên?
Tâm Đăng kêu lên :
- Đó là Bệnh Hiệp, tôi biết...
Thiết Điệp lấy làm lạ :
- Sao chú biết?
Tâm Đăng thở dài nói :
- Vì ông ta truyền võ cho tôi, và bây giờ... ông ta bệnh nặng, sắp qua đời.
Thiết Điệp giật mình đứng phắt lên hỏi gấp rút :
- Ông ta sắp chết?
Tâm Đăng ảo não gật đầu :
- Phải... ông ta ngụ ở gần đây...
Bà ta buồn rầu lắm, nhìn Tâm Đăng nói :
- Chú đưa tôi đi thăm ông ấy, mười tám năm rồi mà bệnh của ông ta không trị được.
Tâm Đăng nghĩ rằng Thiết Điệp là bạn cũ của Bệnh Hiệp, nếu có dẫn đi thăm chắc Bệnh Hiệp cũng không bắt lỗi.
Vì vậy nên gật đầu trả lời :
- Vậy thì nên đi ngay bây giờ!
Nói đoạn dắt bà ta đi về phía ngôi nhà đá, Thiết Điệp lấy làm lạ hỏi :
- Sao ông ta ở trong ấy?
Tâm Đăng không thể nào trả lời câu hỏi này nên chỉ im lìm không mở miệng.
Và rốt cuộc hai người bước tớ bên giường của Bệnh Hiệp, ông ta vừa nhác trông thấy Thiết Điệp, trong ánh mắt lập tức tỏa ra một thứ cảm giác thật là vui mừng, long lanh ngấn lệ.
Ông ta không ngờ ngày hôm nay Thiết Điệp đến bên giường bệnh thăm ông ta.
Thiết Điệp mở lời hỏi :
- Lạc huynh, bệnh tình thế nào?
Ông ta không thể trả lời chỉ dùng ánh mắt tỏ vẻ cảm ơn mà thôi.
Thiết Điệp trông thấy một tay anh hùng hảo hán, ngang dọc khi xưa, bây giờ phải nằm trên giường bệnh, bất giác thờ dài nói :
- Thằng Trác Đặc Ba hại chúng ta quá lẽ, mối thù này dầu sao tôi cũng phải báo.
Bệnh Hiệp dùng ánh mắt khẽ bảo Tâm Đăng, Tâm Đăng hội ý, hỏi Thiết Điệp rằng :
- Sư phụ tôi muốn biết gần đây trong chỗ giang hồ có gì thay đổi?
Thiết Điệp trả lời :
- Các tay cao thủ thảy đều lục tục trở về Tây Tạng... Riêng ta, ta chỉ có thu được một đứa học trò, ta nghĩ rằng nó có thể hoàn thành sứ mạng cho ta.
Tâm Đăng nghe qua mừng rỡ hỏi :
- Thiết sư bá cũng có đồ đệ ư? Sao tôi chẳng thấy?
Thiết Điệp trả lời :
- Nó còn lưu lại trong khách sạn, chẳng có theo ta hành hương! Võ công của nó chắc kém mi nhiều lắm!
Khắc Bố vọt miệng hỏi :
- Nó được bao nhiêu tuổi?
Câu hỏi ngớ ngẩn này làm cho Thiết Điệp cười ha hả. Bỗng tiếng cười của bà ta vụt tắt, vì bà ta vừa bắt gặp một chiếc túi nho nhỏ nằm bên cạnh của Bệnh Hiệp.
Bà ta hỏi :
- Trong này đựng gì?
Tâm Đăng cung kính trả lời :
- Đây là hài cốt của Bệnh sư mẫu.
Thiết Điệp thờ dài ảo não :
- Đây là hài cốt của Văn Dao.
Thì ra ngày xưa Thiết Điệp và Văn Dao là hai người bạn chí thiết, nên bây giờ Thiết Điệp nhìn thấy hài cốt của Văn Dao là xúc động tâm tình, nước mắt rưng rưng.
Chính vào lúc Thiết Điệp đang bồi hồi cảm xúc thì từ bên ngoài vang lên một câu nói :
- Chính là ngôi nhà này, ta nhìn không sai!