Năm 1932, mùa Hè Hán Khẩu vẫn oi bức hệt như khi xưa.
Tháng Bảy, có trái dâu tây mọc nơi khe con đê, ánh mặt trời gắt gỏng nhuộm sắc đỏ cháy cho trái dâu nhỏ xíu, cỏ mần trầu tỏa thứ hương rất nồng, nước sông chảy cuồn cuộn, hơi nóng bốc lên ngun ngút.
Vài nhà báo nước ngoài có lòng, đích thân chạy tới Hán Khẩu thể nghiệm thời tiết khắc nghiệt nơi đây, viết những bài báo đặc sắc cho người đọc nước mình, bọn họ băng qua phố lớn ngõ nhỏ của Hán Khẩu, kiếm tìm những lời đồn ly kỳ về thời tiết nóng nực chốn này.
Nghe đồn có chú chim sẻ đậu lên nóc một căn nhà tại Hán Khẩu, sau ngã lăn ra chết vì hơi nóng trên mái ngói, rồi có một con mèo ra ăn xác chú chim, kết cục nóng bỏng cả lưỡi.
Lúc nhắc đến câu chuyện này, ký giả người Anh đã dụng tâm mang những số liệu chính xác nhất ra để miêu tả nhiệt độ tại Hán Khẩu, tìm kiếm nguyên nhân khiến mức nhiệt nơi đây cao chót vót, phân tích địa hình, sức gió, lượng mưa, thường thì những bản tin từa tựa vậy sẽ chìm ngập trong mớ tin báo có tiêu đề dạng “Thái tử X và nàng tình nhân đương nhiệm lại đứt gánh giữa đường”.
Ký giả người Mỹ lại dùng nét bút dí dỏm để vẽ bức tranh khôi hài với chú chim sẻ rơi từ mái nhà xuống, bên cạnh là con mèo mập ú đang ngồi ôm bụng rỏ dãi, trên bức tranh đề thêm hàng chữ: “Khà, người anh em, cháy xém chưa vậy?”
Người Nhật Bản lại nghiêm túc hơn nhiều, nghe bảo bọn họ nghiên cứu tình hình thời tiết rất tỉ mẩn, đi khắp nơi điều tra, cuối cùng, sáu năm sau, tức năm 1937, một ký giả người Nhật mới đưa ra kết luận: “Con chim này không chết vì nóng. Nó đứng trên mái hiên thấy oi bức quá, bèn dịch chân xích ra chỗ khác nhưng lại rơi xuống ống khói mà mất mạng.”
Nói chung, cả người Nhật lẫn người phương Tây đều gặt hái được đôi chút thành quả đặc biệt từ mùa hè Hán Khẩu. Bọn họ lần mò khắp các hang cùng ngõ hẻm, không quản ngại gian khổ. Đa phần dân Âu Mỹ đều hoạt động trong phạm vi tô giới bóng râm phủ khắp, câu lạc bộ và chốn tiêu khiển ngày hè mọc rậm rịt như nấm. Săn tin xong, bọn họ sẽ tìm một quán rượu nhỏ, chỉ vậy thôi là đủ đánh bay hết một buổi chiều mệt nhọc. Nhưng nhà báo người Nhật lại không như vậy, dường như những người dân da vàng gầy gò, diện mạo hết sức bình thường này rất giỏi chịu khổ, mà có vẻ họ cũng chẳng sợ mùa hè Hán Khẩu nóng như chảo lửa hừng hực. Bến tàu là nơi thuyền bè các quốc gia qua lại nhộn nhịp, là chốn tụ họp của những con người với đủ các dòng máu khác nhau, một khi đã đến đây thì tin tức gì cũng có, các ký giả người Nhật thường lặng lẽ ùa về bến tàu săn tin viết bài.
Nửa tháng nay có một ký giả Nhật Bản đăng liền mấy bài báo về sự hợp tác giữa Hiệu buôn Tây Phổ Huệ với Hãng tàu Đại Quân.
Không ai trên đất Hán Khẩu chưa nghe tới tên Hãng tàu biển Đại Quân, gia tộc họ Mạnh – chủ nhân hãng tàu này từng kết thân với đại thần triều đình nhà Thanh Lý Hồng Chương. Nghe nói gia tộc họ Mạnh cũng có liên quan tới kế hoạch mở ngành hàng hải hiện đại Trung Quốc của công ty thuộc diện chính phủ giám sát – thương buôn quản lý Luân thuyền Chiêu thương cục.
Ký giả người Nhật Harada Toshihiro có trích dẫn một đoạn trong tác phẩm “Phục điểu phú” của Giả Nghị, ý muốn giải thích nguồn gốc của danh hiệu “Đại Quân” này.
“Thủy kích tắc hạn hề, thỉ kích tắc viễn; vạn vật hồi bạc hề, chấn đãng tương chuyển. Vân chưng vũ hàng hề, kiểu thác tương phân; đại quân bá vật hề, khối át vô ngần.”
Hiện giờ, ký giả người Nhật gầy gò thấp bé này đang ngồi trên thềm đá trước bến phà, phần bả vai dưới lớp áo sơ mi anh ta bị mặt trời hun cháy xém, khô nẻ đen thui, nhưng dường như người này vẫn cứ si mê đắm chìm trong tác phẩm của mình.
“Cái tên ‘Đại Quân’ tràn ngập khí thế và sức mạnh, vừa khéo lại rất hợp với khí chất của gia tộc họ Mạnh vốn được xưng là vua hàng hải. Nhà họ Mạnh đã kinh qua sự sụp đổ của triều đình Trung Hoa, những biến động của chính quyền, bao lần chìm nổi lên xuống của nền kinh tế, nhưng vẫn giữ được địa vị của bậc tiền bối ngành chuyên chở đường thủy dọc bờ Trường Giang.”
Anh ta cau mày đăm chiêu, như thể vẫn chưa chắc chắn lắm, rồi lại vạch mấy ký hiệu lên cuốn sổ, tranh thủ thời gian trầm tư ngẫm nghĩ để ngẩng đầu nhìn chung quanh thư giãn trong chốc lát. Dưới ánh mặt trời, Trường Giang hệt như một con rồng khổng lồ hung tợn, chiếc thuyền sang trọng của hãng tàu Đại Quân đang nằm im trên mặt sông, như một kỵ sĩ rất đỗi thong dong. Đây là con tàu mà nhà họ Mạnh mới mua dạo gần đây, nó sở hữu linh kiện máy móc tiên tiến nhất thế giới cùng những phương tiện hỗ trợ hết sức xa hoa, đến cả van nước tầm thường nhất trên tàu cũng là hàng nhập khẩu từ Đức. Đồ đạc thiết bị đều được chọn mua tại nước ngoài, do một tay hiệu buôn Phổ Huệ đảm nhận. Hôm con tàu chính thức được đưa vào vận hành, người phụ trách của hiệu buôn Phổ Huệ đã đích thân đưa lô hàng cuối cùng lên tàu: đó là một trăm bộ dao dĩa vàng ròng được đặt làm riêng tại phố Regent tại London, lại thêm cả bảng tên khảm sapphire, ruby, chạm hoa văn rồng phượng dành riêng cho phòng tiệc cao cấp.
Harada vuốt phẳng cuốn sổ đặt trên đầu gối, rồi lại tiếp tục tốc ký:
Rất dễ thấy, những hành động này của Phổ Huệ đều có dụng ý riêng, nghe nói phó tổng mại bản của Phổ Huệ, anh Phan Cảnh…Rồi chợt mắt anh ta hoa lên, cuốn sổ trên đầu gối bị ai giật mất. Harada kinh ngạc, ngoảnh đầu lại thì thấy một chàng trai trẻ đeo kính râm kiểu Tây, mặc áo sơ mi trắng đang đứng sau lưng mình. Chàng trai này khẽ nhếch mép cười, lơ đãng lật giở cuốn sổ, xem chừng cậu ta mới chỉ chớm hai mươi, da dẻ trắng trẻo như chưa từng biết nắng nôi là gì, đường nét gương mặt cũng vô cùng khôi ngô, nhưng nụ cười bên khóe môi lại hết sức ngang ngược kiêu căng.
Harada đứng dậy: “Cậu trả sổ lại đây cho tôi.”
Chàng trai tháo kính xuống, đôi mắt đen láy sáng ngời lộ ra, Harada cảm thấy ánh mắt này còn ngạo mạn hơn cả nụ cười cậu ta. Chàng trai trẻ ngó nghiêng quan sát Harada, như đang nhìn một tên ăn xin, hay là con chó con mèo. Harada tức lắm, đang định cất tiếng thì chàng trai đã nhẹ nhàng vươn tay, xé tan cuốn sổ viết chi chít những chữ, rồi hất tung lên trời, những mẩu giấy bay xuống lả tả như hoa tuyết, chàng trai bật cười, để lộ hàm răng trắng đều tăm tắp.
“Cậu!” Harada giận điên mình, lao vào kéo cổ áo chàng trai. Chàng trai liếc anh ta, khinh miệt cất lời: “Tên trinh sát người Nhật, anh nói tiếng Trung giỏi đấy, ở đây bao lâu rồi? Có biết đây là địa bàn nhà ai không? Anh là cái thá gì mà đòi động tay động chân với tôi?”
“Tôi là nhà báo, không phải gián điệp!” Harada tức giận nói, “Cậu xé mất nhật ký công việc của tôi rồi, đây là vật dụng cá nhân của tôi, cậu không có quyền xâm phạm nó!”
“Xì!” Chàng trai trở tay tóm lấy cổ áo Harada, cậu cười lạnh, nói, “Đám người Nhật các anh chẳng có ai tốt đẹp cả, anh đừng tưởng anh bảo mình là nhà báo thì tôi sẽ bị lừa. Trong mắt tôi…”
“Ôi cậu cả, cậu buông tay ra mau lên!”
Một ông già chạy vội từ bậc thềm cao xuống, ông ta có mái tóc hoa râm, gương mặt rất sắc sảo, tay chân nhanh nhẹn linh hoạt. Ông già thở hổn hển, mồ hôi nhễ nhại đầy trán, xem chừng vừa chạy một đoạn đường dài. Ông ta lao đến bên Harada và chàng trai, vừa chắp tay khom lưng xin lỗi Harada vừa đá chân chàng trai, ông bảo: “Cậu ơi là cậu, sao cứ sểnh ra một cái là lại gây chuyện thế, ngài đây là ký giả Nhật Bản được ông chủ đích thân mời đến đấy. Cậu bướng đến thế là cùng!”
Chàng trai đành phải buông tay, nhưng Harada vẫn giữ rịt lấy cổ áo cậu không buông, anh ta bảo ông già: “Cậu đây cướp mất sổ của tôi, xé mất bản thảo của tôi. Bác Trần, nếu cậu ta là người nhà họ Mạnh thì chi bằng hôm nay bác để tôi dạy dỗ cậu ta một trận thay bác, cho cậu ta tới đồn cảnh sát với tôi, tôi phải hỏi xem rốt cuộc đất nước được xưng là cái nôi lễ nghi này có biết nói lý hay không.”
Bác Trần giậm chân: “Chân thành xin lỗi ký giả, đây là cậu cả nhà chúng tôi, vừa mới về nước chưa lâu, cậu ấy sinh sống nơi đất khách nhiều năm, không hiểu chuyện ở Hán Khẩu, vả lại cậu nhà chúng tôi vẫn còn trẻ con xốc nổi…”
“Sao cháu lại trẻ con xốc nổi?” Mạnh Tử Chiêu lườm bác Trần, “Tên lùn này bắt nạt cháu mà bác còn lên mặt mắng cháu thay anh ta hả? Bác có phải người nhà họ Mạnh không thế?”
“Cậu bảo ai là tên lùn?” Harada giận tới độ bả vai run lên bần bật, anh ta siết chặt lấy áo Tử Chiêu. Nhưng đúng là Tử Chiêu cao hơn anh ta một cái đầu, làm anh ta kéo cậu thôi cũng thấy mệt, cổ thì rướn lên, chân thì nhon nhón, quả thực trông có phần tức cười thật.
Tử Chiêu ngẩng đầu, đảo mắt bảo: “Ai lùn người đó khắc biết.”
Harada vung nắm đấm định đánh Tử Chiêu, còn Tử Chiêu thì chỉ đợi anh ta ra tay, cậu né người sang trái, tay phải quặp lại, kéo Harada về phía mình, rồi lại hạ cùi chỏ lên lưng Harada. Ra đòn xong cậu bật cười ha hả, Harada sao có thể chịu nhục, anh ta giận dữ thét lên, xông vào ẩu đả với cậu. Nhưng Harada lỡ trượt chân, ngã xuống bậc thang, Tử Chiêu bị anh ta kéo theo cũng lăn lông lốc, lăn đến tận bãi đất bằng, cậu lại nhỏm dậy lao vào đánh nhau tiếp. Bác Trần không biết làm sao cho phải, bèn tóm lấy một cậu hầu vừa chạy lại: “Báo cảnh sát, báo cảnh sát! Phải để cảnh sát xử lý ông tổ này mới được!”
Cậu hầu đáp vâng rồi đi ngay. Bác Trần chạy lại định kéo Tử Chiêu, nhưng Tử Chiêu đang hăng máu, bèn vung tay hất luôn ông ra. Bác Trần ngã phệt xuống đất, nhức cả mông, lệ trào khỏi hốc mắt: “Cậu cả ơi!”
Tử Chiêu ngó thấy mình vừa vô ý làm ông hầu già bị thương, tức khắc áy náy vô cùng. Nhưng Harada lại là kẻ cố chấp bướng bỉnh, cứ kéo riết lấy tay cậu mà nện, Tử Chiêu ăn mấy cú đấm, lại không còn tâm trí đâu đánh trả, cậu bèn nảy ra ý, thét với Harada rằng: “Này, tên trinh sát Nhật, hôm nay cậu đây không thèm so đo với anh nữa, anh thế yếu, tôi người đông, nếu muốn đánh thì để hôm khác chúng ta đánh sau!”
“Xin lỗi tôi đi!” Harada quệt máu mũi, gương mặt đã tím bầm loang lổ.
“Xin lỗi hả?” Tử Chiêu ngửa mặt lên trời mà cười, “Tôi nói cho anh biết, với cái loại như anh thì trong từ điển của tôi không bao giờ có hai chữ xin lỗi.”
Cuộc ẩu đả quái lạ tại bến phà đã làm dấy lên hai tin đồn.
Thứ nhất là người thừa kế của Hãng tàu Đại Quân – Mạnh Tử Chiêu đánh nhau bị bắt vào đồn cảnh sát, sau hai tiếng tạm giam cậu thiếu gia này mới được luật sư lừng danh nhất Hán Khẩu là Tần Kim Thắng bảo lãnh ra ngoài. Cái đêm sau khi được bảo lãnh, Mạnh Tử Chiêu phải trú tạm ở một khách sạn tại Lục Độ Kiều, vì ông bố Mạnh Đạo Quần của cậu ta đã nổi trận lôi đình, đóng cửa nhốt thằng con quý tử ngông nghênh của mình ở ngoài.
Tin đồn thứ hai nổi lên ngay sau hôm sự kiện ẩu đả diễn ra, một tờ báo Nhật Bản tại tô giới đã cho đăng lời thanh minh xin lỗi của Mạnh Tử Chiêu với ký giả Nhật báo Tokyo là Harada, tuy nhiên câu từ vô cùng mực thước già dặn, xem chừng không giống lời lẽ của một chàng trai trẻ tuổi. Hơn nữa tờ báo này được phát hành trong phạm vi nhỏ, độc giả đa phần là Nhật kiều hay thương nhân Nhật Bản, dân Trung Quốc gần như chẳng có cơ hội đọc.
Chẳng ai biết lời đồn này có đúng hay không. Những câu chuyện được đem ra bàn bạc tán gẫu khi rỗi rảnh của đám thượng lưu Hán Khẩu nhiều không kể xiết, mỗi ngày lại một đề tài, thay đổi nhanh đến chóng mặt, có lẽ chỉ người trong cuộc mới rõ đâu là thật, còn đâu là giả.