Phan Thịnh Đường có thói quen ngủ trưa xong sẽ uống trà bên ban công ngoài vườn hoa, Cảnh Sâm đã ngồi đây chờ ông từ sớm. Lúc Thịnh Đường tới, Cảnh Sâm đang cầm kéo chăm chú tỉa tót lại chậu bùm sụm nhỏ trên chiếc bàn vuông gỗ tử đàn, ánh mặt trời phản chiếu trên lưỡi kéo trông sắc lẹm, còn chàng trai cầm cây kéo trên tay lại dịu dàng tuấn tú, đặc biệt là cặp mắt trong veo của anh, khi nhìn nghiêng, đôi mắt ấy vừa trong vừa sâu như thủy tinh. Trà cụ đã chuẩn bị xong xuôi, đặt sẵn trên bàn, tờ báo sáng nay được là phẳng, đặt ngay ngắn nơi góc bàn, Phan Thịnh Đường dừng bước trong chốc lát rồi khẽ hắng giọng.
Nghe thấy tiếng, Cảnh Sâm buông kéo, quay người kính cẩn chào cha mình.
Thịnh Đường ngồi xuống, nhìn chậu cây nhỏ, ông mỉm cười nói: “Lần nào thấy nó cha cũng nhớ tới căn nhà cũ của chúng ta ở Lĩnh Nam. Con thì sao? A Sâm, con có muốn trở lại ngắm nó không?”
“Mùa hè dưới đó nóng ẩm, ở đây vẫn hay hơn, thời tiết và con người đều rõ ràng phân minh.”
“Ừ, cũng đúng.”
“Cha ngồi một lát nhé.” Cảnh Sâm rút chiếc khăn tay từ ngực ra, bọc gọn đám cành vụn trên bàn ném vào thùng rác, xong xuôi, anh vào nhà rửa tay rồi trở lại ngồi đối diện Phan Thịnh Đường, anh nhẹ nhàng xắn tay áo lên, vừa đun nước trên chiếc bếp gốm đun trà nhỏ vừa cười bảo, “Mấy hôm trước có người ở vườn trà Phúc Kiến ghé, đây là mẻ Phật Thủ Vĩnh Xuân mới nhất đấy ạ.”
Thịnh Đường gật đầu.
Nước đã sôi, Cảnh Sâm lấy nước tráng chén, pha trà châm trà, động tác vô cùng gọn gàng, điệu bộ lại càng đẹp mắt, Thịnh Đường nhìn anh chăm chú hồi lâu rồi mới dời mắt, hít hương trà cảm thán: “Giờ này ở Quảng Châu đã rất nóng rồi nhưng về đến đây mùa xuân chỉ như mới bắt đầu.”
“Mấy hôm trước mưa liên miên nên hơi lạnh, nhưng cha vừa về trời đã lại tạnh ráo.”
Cảnh Sâm tươi cười, ánh mặt trời dao động, sáng rực chói lòa, nhưng cây rừng lại um tùm xanh tươi, phủ lấp đi cả những huyên náo tấp nập, anh không khỏi cất tiếng ngâm, “Bóng nùng trải đất thanh như nước, mây mù che lối lặng như người.”
Thịnh Đường nhấp một ngụm trà, ông chầm chậm thốt, “Trông con nho nhã thế này cha vừa thích lại vừa rầu, Sâm Nhi à, có những lúc cha nghĩ không biết con giống cha ở điểm nào?”
Cảnh Sâm không biết vì sao đột nhiên ông lại nói những lời này, anh ngạc nhiên nhìn ông.
Thịnh Đường nghiêng đầu, híp mắt quan sát vẻ mặt cậu con trai: “Con giống cha nhất ở điểm nào? Đến chính con cũng không biết ư?”
Ánh mắt chàng trai trong veo như nước, anh nhận lấy chén trà cha mình đưa, tiếp tục châm trà cho ông rồi đột nhiên lại khẽ bật cười.
“Con cười gì vậy?” Thịnh Đường nhướng mày.
Cảnh Sâm cầm chắc lấy chén trà bằng ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa, nước trà trong veo sóng sánh, không rơi vãi dù chỉ một giọt, anh chầm chậm đặt chén trà xuống trước mặt Thịnh Đường: “Giống ở điểm này.” Anh chợt nghiêng đầu, cặp mắt chứa đầy nét cười, “Cha à, hơn mười năm nay con luôn dốc hết sức để làm một việc, mà vừa khéo đây lại là việc cha giỏi nhất.”
“Ồ? Là việc gì vậy?”
“Chỉ một chữ thôi: Vững.”
Dường như Thịnh Đường rất mừng: “Vậy thành quả của con ra sao rồi?”
“Con kém xa chẳng bằng một phần của cha, vẫn còn phải cố gắng nhiều.”
“Sao con chỉ dốc hết sức vào riêng việc này?”
“Con ngốc nghếch chậm chạp, học được một chữ ấy thôi đã mừng lắm rồi, mà nếu học tốt thì chẳng khác nào phúc lớn. Cha cũng từng nói, người có thể thực sự hiểu hàm ý của chữ ‘vững’ chính là người khiến kẻ khác phải nể sợ nhất.”
“Cái đứa bé này, con muốn khiến người khác nể sợ hả?”
“Con không muốn người khác nể sợ mình, con chỉ muốn được giống cha, vững vàng, thận trọng… Không sợ hãi bất cứ điều gì.” Cảnh Sâm khẽ cong môi.
Thịnh Đường cúi đầu uống trà rồi chợt bật cười: “Tốt, tốt lắm. Tiếc là con không thích kinh doanh, đúng là đáng tiếc.”
Nói tới đây, Cảnh Sâm cũng không tiếp lời nữa.
Thịnh Đường nói: “Trước giờ cha không phản đối chuyện học hành của con, trước kia ông nội con cũng là người từng đọc qua vạn cuốn sách. Ông từng tới Nam Dương, đi Âu Mỹ, tinh thông nhiều ngôn ngữ, còn là một nhân tài lớn của giới kinh doanh. Cha chỉ mong con hiểu, học hành đương nhiên là tốt, nhưng con không nên đắm chìm mê muội quá, con phải học cách ngẩng đầu lên khỏi sách vở, đưa mắt nhìn thế giới nơi con đang sống, con phải học cách thực tế, biết về sau mình nên phấn đấu theo con đường nào. Cha không muốn nhìn thấy một chàng trai trẻ trì trệ bảo thủ, nhất mực bài xích những điều mình không thích.”
Cảnh Sâm nhỏ giọng: “Thật ra con cảm thấy kinh doanh bài xích con mới đúng. Trong mấy tháng ở hiệu buôn Tây, con thật sự đã toàn tâm toàn ý học hỏi nhưng chỉ có thể trách bản thân kém tài, ở đó một tháng mà chẳng bằng A Huyên đến chơi một ngày.”
Thịnh Đường liếc nhìn gương mặt tĩnh mịch của anh bằng ánh mắt sâu lắng: “Tú Thành vẫn hay đưa Cảnh Huyên tới hiệu buôn Tây sao?”
Cảnh Sâm cười bảo: “Không, không, ít lắm ạ. Sau khi cha tới Quảng Châu cậu mới đón A Huyên tan học, đưa em ấy đi chơi, A Huyên vui quá, lúc về thằng bé nói mình được mở mang tầm mắt, còn bảo Phổ Huệ nhà chúng ta sắp có một mối buôn châu báu lớn.”
“Hiệu buôn Mỹ này muốn kiếm chút tiền ở lục địa nên mới tới tìm nhà mình. Nhưng người Anh không ưa dân Mỹ, nếu chúng ta gần gũi quá với hiệu buôn vốn Mỹ như Thịnh Xương, có khi mấy ông chủ người Anh lại không vui, vậy nên tạm thời phải giữ bí mật chuyện này để tránh thị phi. Em trai con không giữ được miệng, chuyện này không đùa được đâu. Con phải nhắc nhở em đấy.”
“Vâng ạ!”
Uống trà xong, Cảnh Sâm dọn bàn, Thịnh Đường lại chợt bảo: “Sao con không hỏi cha chuyện căn nhà cũ?”
Ống tay áo Cảnh Sâm thoáng run lên.
Thịnh Đường vỗ vai anh: “Con không cần trả lời cha, cha biết con đang nghĩ gì. Mấy căn phòng của mẹ con không hề hấn, mà dù có thì cha cũng sẽ khiến chúng hồi phục nguyên dạng. Đồ của bà ấy, quần áo đồ chơi của con ngày nhỏ đều được cất cẩn thận rồi, không ai dám động vào chúng đâu.”
Vườn hoa lộng lẫy thanh tươi, có cơn gió nhẹ thoảng qua, cuốn theo cả hơi lạnh, những hình ảnh rời rạc bồng bềnh trong trí óc Cảnh Sâm: Cậu bé con nhỏ xíu chơi đùa trên chiếc giường hồi môn chạm hoa của mẹ, chiếc giường ấy rộng vô cùng, có tới tận ba vách ngăn, tấm bình phong tinh xảo ngăn tách không gian bên trong với phòng ngoài, bước vào là thấy bàn trang điểm, sâu trong cùng là sạp giường, càng vào sâu hương thơm càng đậm, đó là thứ hương da thịt ấm áp bừng lên trong bầu không khí nóng bức ẩm ướt, cậu bé nằm bò trên giường, nhìn người mẹ hẵng còn rất trẻ trung của mình, mái tóc đẹp dày dặn của bà rối tung, tay áo được vén lên, để lộ cổ tay trắng muốt như tuyết, bà lười biếng rửa mặt, chải đầu rồi trang điểm, thỉnh thoảng lại quay đầu mỉm cười với cậu bé, như bông sen lộng lẫy mọc giữa ao.
Một bên giường chất đầy đồ chơi của cậu bé: Chiếc xe gỗ, dao kiếm nhỏ xíu, bàn tính bé xinh, thậm chí là cả bóng da, cậu bé vươn bàn chân nhỏ mập mạp đá quả bóng, bóng bay lên, va phải bức vách giường chạm trổ thần tiên và mây lành, bật ngược trở lại lòng cậu bé. Chiếc giường khổng lồ ấy là vương quốc của cậu bé, có mẹ ở đó, cậu an toàn, vững vàng như một quả thông được bọc trong lớp vỏ kiên cố, có mẹ ở đó, cậu chính là hoàng tử, dù chỉ có một xó nhỏ để nô đùa nghịch ngợm, nhưng cậu cũng vui tựa dạo chơi trên thiên đường. Nhưng sau đó hoàng tử trưởng thành, cũng dần ý thức được sau lưng tất thảy những điều này có một nguyên do thực tế tới tàn nhẫn, đó là sự cô độc, là trống trải lạnh ngắt tới tận xương tủy của cả anh lẫn mẹ.
Cái thứ cô độc cùng trống trải này chẳng mảy may dính dáng đến người trước mặt anh đây, cha của anh.
Cảnh Sâm khẽ thót: “Mẹ đã luôn đợi cha, luôn chờ đợi cha, đợi đến tận khi chết.”
Lông mày Thịnh Đường nhíu chặt như phải bỏng, cơn phẫn nộ thoáng qua mắt ông trong tích tắc, nhưng gương mặt khôi ngô của chàng trai này đây lại như chồng chéo vừa khít với người phụ nữ tựa đóa sen trong ký ức ông, ánh mắt ông trở nên dịu dàng.
“Khi ấy con còn nhỏ, nhưng con đã hiểu hết tất cả.” Cảnh Sâm nhìn thẳng vào mắt ông, bờ môi anh lạnh dần.
“Con vẫn hận cha sao?” Thịnh Đường khẽ hé môi.
Cảnh Sâm lại tiếp tục thu dọn bàn trà, vừa dọn anh vừa chầm chậm thốt: “Mẹ từng nói với con, hồi mẹ chưa cưới chồng, ông ngoại có nói với mẹ rằng: Nếu người ta không tốt, chi bằng ông không để mẹ cưới chồng. Mẹ là đứa con gái độc nhất của ông ngoại, là đứa con ông ngoại yêu nhất, thương nhất, ý ông ngoại bảo nếu về sau người mẹ cưới không phải người chồng tốt, thì chi bằng đừng cưới, nhà mẹ đẻ sẽ nuôi bà ấy cả đời. Nhưng mẹ con vẫn cưới cha.” Anh ngẩng đầu, nở nụ cười nhàn nhạt, “Đến tận khi chết mẹ cũng không hận cha, đến chết mẹ vẫn coi cha là người chồng tốt, cha, cha nói xem, tại sao con phải hận cha chứ?”
Lòng Thịnh Đường cay đắng rối bời, nỗi đau đớn mơ hồ thoáng qua trong đôi mắt ông, phản chiếu nơi cặp con ngươi sáng bừng tựa pháo hoa của chàng trai trẻ. Dù Thịnh Đường đã giấu nỗi đau ấy rất kỹ, nhưng cũng chẳng thể giấu nổi cặp mắt của Cảnh Sâm. Ông ấy đang đau đớn. Bao năm trôi qua rồi, ông ấy vẫn đau đớn, cũng giống như Cảnh Sâm vậy, dù rằng có lẽ nỗi đau trong lòng họ chẳng hề giống nhau.
Hai cha con lặng lẽ đối mặt, chẳng ai nói gì thêm.
Hồi lâu sau, Hà Sĩ Văn bước lại báo tin: “Ông chủ, ngài Đồng tới rồi, ngài ấy đang chờ ông ở phòng đọc sách.”
Ngài Đồng tên Đồng Xuân Giang, là người đứng đầu Hội Đồng bào Hán Khẩu.
Hội đảng vốn được thành lập để tập hợp lực lưỡng nghĩa sĩ cả nước, lật đổ nhà Thanh, nhưng tiếc là tuyển người vơ bèo gạt tép, thành viên hỗn tạp đủ loại, vàng thau lẫn lộn, danh thì xưng là quốc gia cộng hòa, đáng ra không nên thu nạp đám tệ nạn suy đồi mới phải, giờ tai hại dần hiển hiện, dân chúng cũng phải buông lời oán thán. Nhưng ngài Đồng lại có phần khác biệt so với đám du côn xã hội đen ngoài kia, đầu óc người này sáng suốt, lời lẽ lịch sự ôn tồn, hệt như một quý ông lịch lãm, chừng mười năm trước ông từng góp sức ủng hộ cuộc khởi nghĩa Vũ Xương đầu tiên, sau, đến thời Dân Quốc, các hội kín trong dân gian hục hặc lộn xộn, tự kiêu giành công, huênh hoang gây chuyện, ngài Đồng bèn thể hiện thái độ đúng lúc, chủ động lôi kéo quan hệ với quân đội, chính phủ, giúp bọn họ xử lý cục diện hỗn loạn, ngoài ra ông còn bỏ một khoản tiền lớn để chấn hưng giáo dục, cảm hóa bằng dạy dỗ, đổ công đổ sức vào từ thiện, ngầm bồi dưỡng thế lực lớn mạnh tại các Phòng Tuần bộ Tô giới. Dù giờ ngài Đồng đang quy ẩn, nhưng ông vẫn là một sếp sòng có máu mặt ở cả hai giới trắng đen.
Mà giờ Thịnh Đường lại mời người này tới nhà.
Thịnh Đường bình tĩnh lại, ông đứng dậy, trước khi đi lại chợt quay đầu.
“A Sâm.” Ông gọi tên anh như thời anh còn nhỏ.
“Vâng, thưa cha.”
“Con vẫn còn nhỏ lắm.” Thịnh Đường cười, vỗ vai anh rồi quay người bỏ đi.
Cảnh Sâm vẫn thờ ơ đứng đó, ánh mắt anh lướt qua vẻ đẹp ngày cuối xuân trong khu vườn, nở nụ cười hờ hững theo thói quen, nhưng nụ cười ấy chỉ thoáng hiện lên rồi đã biến mất ngay, cái sự tỉnh táo nguội lạnh chẳng hề phù hợp với tuổi như khiến chính anh cũng phải ghét bỏ. Anh lại tiếp tục tỉa tót chậu cây cảnh, âm thanh giòn giã của lưỡi kéo ma sát với cành cây cứng khô vọng vào tai, cuối cùng cũng khiến người ta thoáng cảm giác sảng khoái.
Từ sau hôm ấy, đội ngũ canh gác ngoài dinh thự nhà họ Phan trở nên hoành tráng hơn rất nhiều, vài người bảo đó là thuộc hạ của ngài Đồng, lính tuần Tô giới Pháp cứ thỉnh thoảng lại dạo quanh một vòng dinh thự, thậm chí lúc Thịnh Đường đưa bà Vân tới nhà hàng Đức Minh gần đó uống trà trưa, lơ đãng lại bắt gặp lính tuần bước ra từ khúc ngoặt, vừa mỉm cười chào hỏi cả nhà, rồi vừa như vô tình như cố ý đi theo sau lưng họ.
Cảnh Sâm đã chuẩn bị sẵn tâm lý nên hoàn toàn không có vấn đề gì, chỉ là cơ hội gặp riêng Huệ Lan lại ít đi, nhưng cả hai vẫn có thể gặp mặt trong giờ dương cầm của Cảnh Ninh. Cảnh Huyên và Cảnh Ninh hoạt bát bướng bỉnh bị quản thúc chặt chẽ, hàng ngày chỉ được đi học rồi về ngồi lì trong nhà, lên tiếng phản đối thì bị mắng, đến cả bà Vân vốn yêu thương hai đứa con này cũng chỉ đứng nhìn.
Cảnh Huyên thấy rất bất mãn: “Có chút chuyện vặt ở Thượng Hải thôi mà, ở đây sóng yên biển lặng là thế, sao phải việc bé xé ra to.”
Thịnh Đường siết chặt an ninh trong nhà, nhưng chỉ đưa ra lý do thời cuộc hỗn loạn, phải coi cẩn thận là trên hết, mà chẳng ai chấp nhận được lời giải thích này. Vừa khéo mấy hôm nay có vụ việc một ông chủ người Nhật của công xưởng tại Thượng Hải đánh chết thợ làm công, đám học sinh và công nhân bắt đầu gây rối, lính tuần Tô giới tại Thượng Hải bắt được cả mớ người, phía Hán Khẩu cũng có nghe phong thanh, bầu không khí đâm căng thẳng lây.
Nhà họ Phan là dân kinh doanh, từ thời Càn Long họ đã vừa đối phó với triều đình vừa tiếp xúc với người nước ngoài, trong thời kỳ giao thương, nhà họ Phan kiếm được cả núi vàng núi bạc, nhưng sau khi “Hiệp ước Nam Kinh” được ký kết, Trung Quốc thông thương năm cảng khẩu (*), thành phố kinh thương Quảng Châu bắt đầu trượt dốc, thương nhân Chợ Mười Ba nhọc nhằn mưu sinh giữa kẽ hở của chính phủ và thương buôn nước ngoài, năm Hàm Phong thứ 7, chiến hạm Anh – Pháp oanh tạc Quảng Châu, khiến thương quán Chợ Mười Ba cháy sạch chẳng còn một mống, người nhà họ Phan đành tay trắng làm lại từ đầu. Người làm kinh doanh luôn rất nhạy cảm trước sự biến hóa của thời cục, huống chi là người nhà họ Phan đã từng kinh qua thăng trầm nhiễu nhương? Vậy nên dù tuổi còn nhỏ nhưng Cảnh Huyên và Cảnh Sâm cũng chẳng phải loại hồn nhiên không hiểu chuyện, Cảnh Huyên chẳng qua chỉ than phiền đôi câu mà thôi.
(*) Một điều khoản trong Hiệp ước Nam Kinh: Trung Quốc phải mở cửa cho tàu thuyền nước ngoài vào buôn bán ở Quảng Châu, Phúc Châu, Hạ Môn, Ninh Ba, Thượng Hải.