Công việc đầu tiên của tôi là làm nhân viên tư liệu trong một công ty giám sát, lương mỗi tháng chỉ có một ngàn bốn trăm tệ. Lúc đó tôi thích nhất là nghe thấy ai đó than vãn “khó tìm việc”, bởi vì chỉ khi nghe những lời như thế, tôi mới cảm thấy mình không thất bại.Làm việc ở công ty giám sát đúng ra rất nhẹ nhàng, nhưng sự nhẹ nhàng đó không dành cho đám nhân viên dữ liệu quèn như chúng tôi. Mỗi ngày từ sáng đến tôi tôi bận sấp mặt, ngồi trước màn hình máy tính xử lý đủ loại giấy tờ tài liệu, buổi tối khi Lăng Nhất Nghiêu gọi điện tâm sự với tôi, tôi đã mệt đến mức chỉ muốn lăn ra ngủ.
Lúc đó, tâm trạng tôi đích thực vô cùng tệ, thường hay nhớ nhung những tháng ngày tiêu diêu tự tại hồi còn đi học. Vậy nên một hôm khi Lăng Nhất Nghiêu đang huyên thuyên về việc ở trường thế này thế kia, tôi vô cùng mất kiên nhẫn, thô bạo ngắt lời cô ấy: “Mai rồi nói tiếp, em cũng nghỉ ngơi sớm đi.” Cô ấy ngẩn ra im lặng một lúc, nói: “Anh là đang quan tâm em hay đang ghét bỏ em vậy?” Tôi trả lời: “Anh mệt!” Cô ấy ừ một câu rồi cúp máy.
Khi xung quanh đã yên tĩnh rồi tôi lại không thể ngủ nữa. Trong phút chốc tôi bị bản thân dọa đến mức không ngủ được: Ba năm rồi, đây là lần đầu tiên dám nói lời “đại nghịch bất đạo” như thế này! Lăng Nhất Nghiêu là một người con gái tình cách rất ương ngạnh, cô ấy không dễ tức giận, nhưng một khi đã giận thì rất khó làm lành.
Cuộc chiến tranh lạnh do cô ấy khởi xướng kéo dài tròn một tuần, điện thoại vẫn nghe nhưng giọng điệu rất lạnh lùng, đến nỗi tôi cảm giác như chỉ trong một đêm mà cô ấy đã hết yêu tôi khiến tôi sốt ruột đến nỗi quay mòng mòng. Khi cảm thấy thời gian trừng phạt tôi đã đủ, cô ấy gọi điện đến hỏi tôi: “Biết sai chưa?”
Tôi vội nói: “Tội thần đáng muôn chết!”
Cô ấy lại hỏi: “Lần sau còn dám tái phạm không?”
Tôi vội vàng thề hứa, cả đời này cũng không dám chọc giận bà nội của tôi nữa. Đến lúc ấy, Lăng Nhất Nghiêu mới tha cho tôi một “con đường sống”.
Thế nhưng, chiến tranh lạnh kết thúc không có nghĩa là mâu thuẫn giữa chúng tôi đã hết. Cô ấy chỉ cần học và yêu, mà tôi thì mới bắt đầu chịu áp lực từ mọi mặt trong cuộc sống, đặc biệt là trách nhiệm với tương lai. Tôi lúc đó là một con sâu tội nghiệp không có tham vọng, chức vụ tôi hâm mộ nhất là quản lý giám sát, chẳng cần làm gì mà có người bê rượu châm thuốc nhét phong bì, lý tưởng cả đời tôi chỉ có thế.
Làm nhân viên dữ liệu hơn nửa năm, tôi tự mình cảm thấy rất tốt, tôi theo gót quản lý giám sát đi ăn đi uống, rượu thuốc không ngừng, các nơi thi công coi chúng tôi như ông nội mà chăm sóc.
Có một hôm, điện thoại của Lăng Nhất Nghiêu bị trộm mất, tôi phát hiện tiền tiết kiệm của mình lại không đủ để mua cho cô ấy một cái điện thoại mới. Cảm giác thất vọng về bản thân mình đó dày vò tôi, nhưng Lăng Nhất Nghiêu lại không hề để ý. Cô ấy mua thẻ điện thoại gọi điện cho tôi, nói dù sao bình thường cũng chỉ liên lạc với tôi, nói tôi sau này khi nào kiếm được nhiều tiền rồi mua cho cô ấy. Có một số cô gái chính là như thế, không bao giờ đòi hỏi gì. Nhưng “nhiều tiền” ở đâu ra? Lúc đó tôi tuy buồn nhưng vẫn không hề vội vàng gì, tôi vẫn ung dung ngồi tính toán xem bao giờ mình đủ tư cách làm quản lý giám sát, lúc ấy thì sẽ thoải mái nhẹ nhàng như thế nào…
Ngày lễ tình nhân năm đó, tôi và Lăng Nhất Nghiêu hẹn hò bên ngoài. Lúc đi qua một tiệm váy cưới, cô ấy liền dán mặt vào lớp kính thủy tinh bên ngoài ngắm nghía, nói: “Sau này chúng ta kết hôn sẽ thuê một bộ váy như thế này bước trên thảm đỏ, được không?” Tôi nghiêm mặt nói: “Thuê cái gì mà thuê, mua một bộ cất đi là được rồi.” Lăng Nhất Nghiêu quỳ xuống nghiêng đầu nhìn bảng giá, nhỏ giọng nói: “Anh không ăn không uống một năm rưỡi mới mua được.” Lúc đó tôi đỏ mặt, không phải do tôi đã đánh giá thấp chiếc váy mà là do tôi đánh giá quá cao năng lực của mình. Tôi không ngờ tôi cần phải không ăn không uống một năm rưỡi mới có thể mua cho vợ mình một bộ váy cưới.
Nhắc đến những ngày tháng chết dẫm mới tốt nghiệp, trong lòng không vui, vẫn nên nhắc đến việc gì vui vẻ hơn mới được.
Hôm đó tôi tặng cho Lăng Nhất Nghiêu một con gấu bông bốn mươi đồng làm quà cho ngày lễ Tình nhân. Cô ấy rất vui mang về nhà cất. Nhưng một hôm đứa con của chú cô ấy sang chơi nhìn thấy nhất quyết đòi mang về. Lăng Nhất Nghiêu không tiện đòi lại. Hôm sau cô ấy ngồi xe hai tiếng đồng hồ đến tiệm bán gấu bông hôm trước mua một con giống y hệt rồi chạy đến nhà chú thím nhất quyết đòi đổi con gấu bông tôi tặng mang về. Tôi nói: “Hai con giống nhau, em đổi làm gì?” Cô ấy nói: “Em đã đặt tên cho nó rồi, giống sao được mà giống?”
-----
Cuối cùng có một ngày, tôi quyết tâm xin nghỉ việc, rời xa cuộc sống yên bình nhưng tầm thường này, một trong những nguyên nhân là do tôi và ông quản lý giám sát làm việc chung xảy ra mâu thuẫn.
Lúc đó quản lý của tôi có phần hơi nghiêm khắc, mắng công ty thi công rất khó nghe. Người bình thường xưng anh em với quản lý đập bàn bỏ đi, còn vứt lại một câu: “Loại rác rưởi các người, yên ổn không muốn. Chúng tôi nể mặt mấy người là con chó của ông chủ mới vứt cho khúc xương, các người còn ở đây mà lên mặt.” Bọn họ không làm khó tôi, nhưng đời này của tôi không thể làm con chó nhặt cục xương mà người khác không thèm được.
Nguyên nhân thứ hai là Lăng Nhất Nghiêu tốt nghiệp đại học rồi, tôi muốn kiếm nhiều tiền hơn, tranh thủ để đến lúc cô ấy học xong thạc sĩ có thể cho cô ấy một mái nhà. Cô ấy học thạc sĩ ở trường cũ, thế là tôi lại từ nhà lên Nam Kinh tìm việc, bắt đầu ba năm sống chung của chúng tôi.
Nhà là do Lăng Nhất Nghiêu tìm, bốn mươi mét vuông, tiền thuê mỗi tháng 600 tệ. Chúng tôi cùng nhau sắm sửa rất nhiều đồ đạc, ví dụ tủ quần áo, đồ làm bếp, giường chiếu… Lăng Nhất Nghiêu sắp xếp xong hai bộ chén bát, khuôn mặt tràn đầy biểu cảm của một người vợ chăm chỉ, tôi nằm trên giường nhìn ngắm cô ấy bận rộn sắp xếp đột nhiên cảm thấy thật không thể tưởng tượng nổi: Thằng nhóc tôi năm 16 17 tuổi ấy phải có bao nhiêu may mắn mới lọt được vào mắt xanh của cô ấy!
Lăng Nhất Nghiên có lúc rất giống một đứa trẻ. Có một cuối tuần nọ tôi đi làm, cô ấy một mình ở nhà ngủ đến chiều tôi. Lúc tôi đi làm về cô ấy vẫn đang ôm gối ngủ. Lúc tôi đang thay dép thì cô ấy mở mắt ra nói: “Lữ Khâm Dương, em rất thích thấy nhìn thấy anh về nhà”. Tôi nói “Ừ”. Cô ấy lại hỏi: “Vậy anh thích em khi nào?” Vì tôi không trả lời nên cô ấy có chút không vui. Sáng hôm sau tôi nói với cô ấy: “Lúc chúng ta chen chúc đứng trước gương đánh răng là lúc anh yêu em nhất.”
Điều kiện sinh hoạt của chúng tôi lúc đó rất đơn giản, bữa sáng nấu một nồi cháo, một đĩa chà bông nhỏ, hai cái trứng luộc. Chúng tôi đã quy định, ai dậy trước người ấy nấu ăn nhưng mỗi lần đều là cô ấy dậy trước tôi. Tôi không hiểu tạo sao lại như vậy vì cô ấy vốn dĩ không phải là người dễ thức giấc, nhưng tôi lại không hề nghe thấy tiếng chuông báo thức. Sau này tôi mới biết, cô ấy đặt chuông báo rung rồi để ở bên gối của mình, như vậy cô ấy có thể dậy nấu ăn trước mà lại không làm tôi tỉnh giấc. “Ngốc nghếch, điện thoại di động có bức xạ đó!” Tôi trách móc cô ấy. Lăng Nhất Nghiêu nói; “Em thích làm xong rồi kêu gào gọi anh dậy ăn cơm.” Bộ dạng đắc ý của cô ấy y hệt như con nít trong nhà trẻ được nhận phiếu bé ngoan, chờ người nhà khen ngợi.
Lúc đó điện thoại cô ấy dùng là cái điện thoại nắp bật cũ bạn cùng phòng hồi đại học không dùng nữa cho cô ấy, hiệu Motorola, khi mở ra gập lại sẽ kêu cót két, bị tróc sơn tùm lum. Buổi tối, cô ấy ôm gối nằm trong lòng tôi xem ti vi, tôi móc dưới gối ra đưa cho cô ấy một cái hộp. Lăng Nhất Nghiêu cẩn thận từng chút một mở hộp ra, bên trong là một cái điện thoại nắp gập hiệu Sharp do tôi để dành tiền mua được. Cô ấy nhìn cái điện thoại nửa ngày trời, không nói câu nào, trong lòng tôi hơi lo lắng, đưa tay kéo cô ấy lại ôm mới thấy nước mắt cô ấy đang lã chã rơi xuống. Tôi hỏi có phải là do cô ấy không thích không, cô ấy vẫn không nói lời nào, chỉ ôm lấy cổ tôi rồi lau nước mắt lên vai tôi. Sau này tôi mới biết, hai hôm trước bạn cô ấy mới cười chê cái điện thoại cũ của cô ấy rằng “bán 50 đồng cũng không ai thèm”, cô ấy sợ tôi buồn nên không kể cho tôi nghe.
Cho dù đã yêu nhau rất lâu, Lăng Nhất Nghiên vẫn là nữ thần Athena trong mắt tôi, ở cô ấy có cả sự gợi cảm, đáng yêu, thông tuệ và lương thiện: Cô ấy mặc váy ngủ đưa hai tay lên phơi quần áo, cô ấy giả bộ mặt tôi là cái gương rồi tự ngắm nghía mình trái phải, cô ấy ngồi dưới đèn bàn vừa làm bài tập vừa thảo luận với tôi về chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản, cô ấy rõ ràng biết người ta giả dạng ăn mày vẫn không kìm lòng được mà cho tiền để dỗ dành lương tâm mình…
Một năm trời lạnh, Lăng Nhất Nghiêu bắt đầu học bạn mình đan áo len. Cô ấy mua len và bắt chước đan theo hướng dẫn mà không cho tôi nhìn trộm kiệt tác của mình. Đến khi tác phẩm hoàn thành, lúc cho tôi mặc thử cô ấy mới biết là áo chật quá, cố nhét vào thì nhìn cũng méo mó như Trư Bát Giới mới trúng chưởng Bồ Tát vậy. Tôi bị nhồi đến không thở nổi, bày ra vẻ mặt vô cùng đáng thương nhìn cô ấy, cô ấy lại bực bội đánh vào cái bụng của tôi nói: “Đều tại anh! Mập đến như vậy, phí hết bao tâm huyết của em.”
Để mặc vừa kiệt tác của cô ấy, tôi cố gắng giảm cân. Khi tôi cảm thấy mình có thể mặc vừa cái áo len ấy thì đã hết mùa mặc áo len, sau đó, tôi không thấy cái áo đó đâu nữa. Đến bây giờ, cả người con gái từng mũi từng mũi đan áo len cho tôi cũng không còn thấy nữa.