Chương 4: Khoảng Cách

Từ sau lần hòa giải ấy, dường như giữa hai chúng tôi có một khoảng cách nào đó, rất khó để diễn tả thành lời. Tuệ Lâm rất hay tránh mặt tôi. Tôi cũng trở về với con người trước đây, thích ở một mình, thích yên tĩnh... Thật lòng mà nói, tôi thích cảm giác này hơn, nhớ lại thời mới gặp Tuệ Lâm, đúng là đã làm đảo lộn cuộc sống của tôi rất nhiều.

Giờ đây, Tuệ Lâm đã có những mối quan hệ riêng của cô ấy. Tôi cũng tìm lại được khung trời riêng của mình. Tôi và cô ấy, vốn dĩ là hai vùng trời khác biệt. Chúng tôi, không ai xâm phạm ai, cứ thế mà sống cuộc sống của riêng mình.

Nhiều lúc tôi tự hỏi, tại sao Tuệ Lâm lại hay tránh mặt mình như vậy. Dù trên lớp, chúng tôi ngồi khá gần nhau, nhưng lại dần giống như những người bạn khác trong lớp, không thèm quan tâm tôi. Vậy cũng tốt, tôi tự an ủi mình. Ngày qua ngày, tôi chỉ biết cắm mặt vào trang sách.

Ngày tổng kết năm học, ba nghỉ làm một hôm đưa tôi đến trường. Nhìn thấy Tuệ Lâm đi lủi thủi một mình, tôi cũng muốn hỏi thăm nhưng lại không dám mở lời.

“ Tuệ Lâm, sao con lại đi một mình. Ba mẹ con đâu?” Ba tôi hỏi Tuệ Lâm;

“ Con chào bác. Ba mẹ con đi làm rồi ạ” Tuệ Lâm nhanh nhảu trả lời. Nhưng khi cô ấy quay sang tôi, dường như lại có chút né tránh.

“ Chắc công việc của ba mẹ con bận lắm. Để bác dẫn hai đứa đi nhé”;

“ Vâng ạ”;

Buổi lễ tổng kết diễn ra tốt đẹp. Năm nay, tôi vẫn là người đứng đầu lớp. Còn Tuệ Lâm, thành tích học tập của cô ấy không được tốt. Điều đó cũng khá dễ hiểu, bởi Tuệ Lâm là người hiếu động, có bao giờ tôi thấy Tuệ Lâm học bài đâu cơ chứ. Hơn nữa, ba mẹ cô ấy rất bận, không có thời gian trông coi việc học của cô ấy. Đối với Tuệ Lâm mà nói, việc cô ấy có thể lên lớp, đã là một điều may mắn lắm rồi.

Ba vẫy tay ra hiệu cho chúng tôi. Nhìn thấy phần thưởng tôi cầm trên tay, ba rất vui. Có thể ông ấy không nói ra, nhưng sâu thẳm trong ánh mắt biết cười ấy, tôi biết ông rất tự hào về tôi. Quan điểm của ba tôi, là không bao giờ khen trước mặt con cái. Ông cho rằng, việc khen ngợi sẽ làm tôi cảm thấy tự cao và ông không muốn thấy điều đó. Ông luôn bảo tôi, phải nỗ lực hơn nữa, không nên vì một chút thành tích mà tự cao tự đại. Tôi luôn ghi nhớ điều đó và luôn muốn làm ông tự hào về tôi.

“ Tuệ Lâm, lần sau con nhớ cố gắng hơn nữa nhé!” Ba tôi xoa đầu Tuệ Lâm;

Trong chốc lát, tôi lại có chút ganh tỵ thoáng qua. Tại sao ba không khen tôi, mà lại an ủi Tuệ Lâm. Tôi liếc nhìn qua cô ấy, ánh mắt cô ấy lại rơi xuống phần quà trên tay tôi, dường như cô ấy cũng đang nghĩ ngợi điều gì.

“ Dạ con biết rồi ạ! Cảm ơn bác, con xin phép về trước ”. Tuệ Lâm bỏ về một mạch, không nói một lời nào với tôi. Đúng là... vẫn khó ưa như ngày nào. Ba tôi khựng lại một lát, nhìn theo bóng Tuệ Lâm. Ông ấy không trách Tuệ Lâm, chỉ thấy trong ánh mắt ông có chút gì đó băn khoăn.

“ Ba ơi, nếu con giống Tuệ Lâm, ba có cảm thấy buồn không ạ”, tôi hỏi nhỏ vào tai ba;



" Tuệ Lâm không giống con. Tuy bạn ấy có đầy đủ về vật chất, nhưng lại thiếu đi tình thương của gia đình. Đôi khi, thứ bạn ấy cần không phải là vật chất, mà đơn giản là tình cảm của ba mẹ, con hiểu chứ”;

“ Là giống như việc, hôm nay ba đưa con tới trường đúng không ạ”, ba mỉm cười rồi khẽ gật đầu đồng ý.

Đúng như những gì ba tôi nói. Thứ tôi thiếu rất nhiều, nhưng những thứ tôi có, chắc gì người khác đã có được. Gia đình tôi không khá giả như gia đình Tuệ Lâm. Những thứ gia đình cô ấy có, là niềm mơ ước của tôi. Nhưng tôi có một người ba tuyệt vời, ông ấy vừa là ba, vừa là mẹ của tôi. Ông ấy chưa bao giờ khiến tôi cảm thấy thiếu thốn tình cảm của một gia đình trọn vẹn. Đôi lúc ông ấy khiến tôi quên đi mình là một đứa trẻ mồ côi mẹ. Đó là thứ mà Tuệ Lâm không có.

Bây giờ ngẫm lại, tôi thấy Tuệ Lâm thật đáng thương. Cô ấy mang trong mình những nỗi niềm, không thể chia sẻ cùng ai. Đối với tôi, lại càng không thể...

Lúc đi ngang qua nhà Tuệ Lâm, thấy cửa nhà vẫn đóng chặt. Tôi lén nhìn vào xem cô ấy thế nào. Giờ này, chắc cô ấy đang chơi một trò chơi điện tử yêu thích, hay xem một bộ phim nào đó cũng nên. Đối với Tuệ Lâm, nghỉ hè chắc chắn là thời gian tuyệt vời nhất đối với cô ấy.

Tạm quên đi tất cả mọi thứ xung quanh, tôi chạy ùa vào nhà, thay vội quần áo, rồi hí hửng cầm phần thưởng ra xem. Phần thưởng này, không chỉ tượng trưng cho những nỗ lực học tập của tôi trong năm vừa qua, mà còn là niềm tự hào của ba. Tôi muốn cùng ba mở nó. Tôi bước tới, đặt nhẹ phần thưởng lên tay ba: “Ba ơi, ba mở giúp con đi ạ”;

“ Phần thưởng của ai, người đó mở nhé” Ba cười lớn;

“ Vậy thì, hai ba con mình cùng mở nha ba”-”Thống nhất”

Khoảnh khắc này, thật ấm áp biết bao. Chúng tôi cùng nhau cười đùa, cùng nhau đếm thật to những cuốn tập mới tinh. Trên khuôn mặt tràn đầy hạnh phúc của ba, tôi biết mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Giá như có mẹ ở đây thì tốt biết bao. Chúng tôi chắc hẳn sẽ là gia đình thật hạnh phúc: "Cảm ơn ba, vì tất cả!"

Mùa hè, là lúc tôi cảm thấy mình rảnh rỗi đến lạ. Nhìn những đứa trẻ chạy nhảy, chơi đùa cùng nhau. Thoáng chốc, tôi lại muốn được giống như chúng, không phải âu lo bất kỳ điều gì, cứ vui chơi, cứ đắm chìm vào tuổi thơ đầy ngây ngô, khờ dại. Nhưng tôi lại không làm được điều đó. Có lẽ, mỗi người sinh ra, đều có vận mệnh riêng của mình. Dù sao, tôi chỉ cần có ba là đã thấy hạnh phúc lắm rồi. Tôi không cần gì hơn thế nữa.

Hằng ngày, ngoài phụ ba chuẩn bị bữa cơm. Tôi thường lấy sách ra học. Tôi lấy những quyển tập cũ của năm trước, còn sót lại những trang giấy trống phía sau để ghi chép. Câu hỏi nào dễ tôi sẽ làm trước; còn những câu khó, tôi sẽ làm theo ý hiểu của mình, rồi ghi chú lại. Ba sẽ là người kiểm tra đáp án cho tôi. Tuy ba tôi học không cao, ông ấy chỉ học hết Lớp 3, nhưng ông ấy tính toán rất giỏi. Tôi thường nhờ ba chỉ những bài toán khó…

Những lúc rảnh rỗi, không biết làm gì, tôi lại xuống chung cư đi dạo. Giờ mới để ý, từ lúc Tuệ Lâm báo cáo với bảo vệ chung cư. Tôi gần như không thấy những đứa trẻ bên ngoài, vào chung cư của chúng tôi, bắt nạt bọn trẻ ở đây nữa. Tôi cười thầm, rồi lại tự cảm thấy xấu hổ về ngày hôm đó. Nghĩ lại, mình đúng là đồ nhát gan thật.

Mà kể ra cũng lạ, từ đầu mùa hè đến giờ, tôi không gặp lại Tuệ Lâm lần nào nữa. Không lẽ, cô ấy tự nhốt mình trong nhà thật sao. Ba mẹ Tuệ Lâm đi làm từ sáng sớm, nhiều khi tối mịt mới về. Có những hôm còn bận đi công tác, nên tôi cũng không mấy khi gặp hai bác. Lần nào xuống chung cư, tôi cũng đều lén nhìn vào nhà Tuệ Lâm, xem cô ấy có nhà không, nhưng không lần nào thấy cô ấy cả. Tuệ Lâm muốn tránh mặt tôi thật ư????

...



Mùa hè cứ thế trôi qua trong sự tiếc nuối của những đứa trẻ dưới chung cư. Nhưng đó lại là niềm vui đối với tôi. Vì tôi lại sắp được đến trường, lại sắp bước vào một năm học mới với nhiều điều thú vị. Thời gian này, ba mẹ tụi nhỏ thi nhau chở chúng đi sắm sửa quần áo, cặp sách mới để đi học.

Ngày nào cũng có phụ huynh dẫn con đi sắm sửa. Tôi ngồi trên ghế đá này, nhìn những nụ cười hạnh phúc trên gương mặt chúng, trong lòng lại thoáng hiện lên một nỗi buồn khó tả. Nếu có mẹ ở đây, chắc chắn tôi cũng sẽ được bà ấy dẫn đi sắm sửa như vậy. Tôi có thể nói với bà ấy: "Con rất thích một chiếc cặp mới, con muốn một cái thật bự, bự tới nỗi có thể để tất cả mọi thứ mà con thích vào bên trong nó…". Nhưng tôi biết, tất cả điều đó chỉ là những mong ước được chôn giấu rất kỹ, ở một nơi nào đó sâu thẳm trong tâm hồn tôi, và chúng sẽ mãi mãi không bao giờ thành hiện thực...

“ Thanh Sang, con có muốn mua gì thêm trong năm học mới này không? Nếu con cần ba sẽ tranh thủ trên đường đi làm về, rồi mua cho con nhé” Ba hỏi tôi trong bữa ăn tối;

“ Dạ, con có đủ rồi ạ. Quần áo và cặp con sẽ dùng lại của năm ngoái, vì con thấy chúng còn rất mới. Còn sách của chương trình Lớp 3, cô Tư đã đưa cho con từ lúc kết thúc năm học vừa rồi, do anh Kiệt không còn dùng nữa. Vở thì đã có nhà trường tặng. Con không cần sắm thêm đâu ba” Tôi bình thản đáp;

Ba nhìn tôi trìu mến. Tôi biết ông đang rất vui vì tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều. Tôi luôn ý thức được hoàn cảnh gia đình mình không quá dư giả để có thể sắm sửa quá nhiều. Vì vậy, tôi luôn ý thức giữ gìn đồ đạc một cách cẩn thận. Cộng thêm việc tôi không tham gia bất kỳ hoạt động vui chơi nào, nên chắc chắn quần áo của tôi không thể nào dơ hoặc rách được cả. “Ha ha” tôi rất hài lòng về điều đó.

"Cốc cốc cốc";

“Ai đó”;

“ Là bác Châu đây”, bác Châu nói vọng vào nhà tôi.

Tôi theo bản năng, chạy vội ra mở cửa. Lần này, tôi không còn cảm giác sợ, mỗi khi gặp bác nữa.

“ Cháu chào Bác, Tuệ Lâm có nhà không ạ”, vẻ mặt bác Châu có vẻ hơi hoang mang, nhưng rồi lại cười lớn: “Bác có ít trái cây đem qua cho hai cha con. Tuệ Lâm về nhà ngoại chơi, hai bác bận quá không có thời gian, nên gửi bạn về bên ngoại trong mùa hè này. Tuần sau là khai giảng, nên tầm vài ngày nữa Tuệ Lâm sẽ về đó cháu”;

“ Dạ, hèn gì cháu không thấy bạn ấy suốt mùa hè này” Tôi đáp lời;

“ Trông hai đứa vậy, mà có vẻ thân nhau quá ha”, giọng bác Châu có chút trêu chọc tôi. Tôi ngại ngùng chỉ biết cười trừ, rồi mời bác vào chơi. Nhưng do có việc bận, bác Châu từ chối, nói sẽ qua thăm ba con tôi sau.

Tôi mang trái cây vào nhà, nói ba về việc bác Châu có ghé qua. Ba hỏi tôi sao dạo này không thấy Tuệ Lâm đâu. Tôi trả lời qua loa, bảo Tuệ Lâm về nhà ngoại chơi, tầm vài ngày nữa sẽ về. Cũng không nói thêm gì về Tuệ Lâm nữa.

Ba biết tôi là người hiếm khi bày tỏ cảm xúc của mình, nên ông ấy cũng không hỏi nhiều về việc tôi và Tuệ Lâm có còn tránh mặt nhau nữa không. Cho dù khoảng cách giữa tôi và Tuệ Lâm chỉ bằng một bức tường.