Chương 37: Đồng Cảm

Gia đình tôi nhận dạy thêm nằm ngay ở một khu chợ, nơi đây rất nổi tiếng về các mặt hàng liên quan đến nội thất và đồ gia dụng.

Vừa đến chị phụ huynh đã niềm nở đón tiếp tôi: “Em là thầy giáo dạy kèm cho Nhã Uyên- Thanh Sang đúng không? Chị chỉ mới trao đổi qua điện thoại, chưa gặp mặt em bao giờ. Em vào nhà đi, con bé đang đợi sẵn ở trên lầu”

Nghe chị nói thế tôi chợt nhận ra mình chưa bao giờ chụp một tấm hình nào đẹp đẽ để đăng lên facebook hay zalo cả. Tôi không có thói quen chụp hình, càng không có thói quen đăng hình. Nhưng nghe chị nói thế, tôi cũng nên tìm một tấm hình nào đó đàng hoàng để đăng lên.

Trái ngược với sự niềm nở của chị, anh nhà liếc qua tôi một lượt, rồi dừng lại trên chiếc xe đạp cũ của tôi mà dò xét một lượt. Nụ cười ban đầu cũng vì thế mà tắt ngấm đi. Anh cũng không thèm đáp lại lời chào hỏi của tôi, chỉ khẻ gật đầu như thể xác nhận đã thấy sự xuất hiện của tôi.

Căn nhà của cô bé học trò này được xây dựng khá hiện đại, bao gồm bốn tầng, mỗi tầng bao gồm hai phòng. Tầng dưới cùng được sử dụng làm chỗ buôn bán các đồ dùng nội thất như bàn, ghế, giường, tủ,... Tất cả đều làm bằng gỗ. Hai tầng giữa dùng để ngủ nghỉ sinh hoạt trong gia đình. Còn tầng trên cùng được thiết kế làm chỗ vui chơi và học tập cho bé.

Hiện gia đình chị đã có hai con, một nam, một nữ. Bạn nữ đang học Lớp 5, cũng là học trò do tôi dạy kèm, còn bạn nhỏ kia thì mới sinh được vài tháng.

Chị nói do bận chăm sóc con nhỏ nên không có thời gian dạy học cho con gái lớn. Anh nhà thì suốt ngày lo làm ăn, buôn bán, nên cũng không trông cậy được gì. Cách đây vài hôm, chị được một bạn là đồng nghiệp cũ giới thiệu về tôi, bảo tôi rất nổi tiếng trong trường, lại hết mực yêu thương các em học sinh, nên chị rất yên tâm giao lại việc dạy học cho tôi.

Chị còn không quên ghẹo tôi, nói tôi làm thầy giáo ở thế kỷ 21 mà cứ như thầy đồ ngày xưa, không mấy khi lên mạng xã hội, muốn kiếm tấm hình của tôi mà sao khó khăn quá. Chị chỉ còn cách trao đổi qua điện thoại trước, hôm nay mới được thấy mặt tôi, trông y như một thư sinh vậy đó.

Tôi vừa vui, vừa ngại, cũng không biết thanh minh với chị thế nào cho phải đành mượn nụ cười xóa đi không khí gượng gạo lúc này.

“Nhã Uyên, con lại đóng cửa nữa rồi. Con mau ra đây ngay cho mẹ”

Giọng chị phụ huynh trở nên gắt gỏng hơn, không biết có điều gì khiến chị lại trở nên như vậy.



“Con không muốn học hè. Mẹ nói thầy về đi”, giọng con bé vang lên đằng sau cánh cửa đã đóng chặt kia.

Chị tiến lại trước cửa phòng hét lớn: “Nếu con không mở cửa, thì tối nay mẹ sẽ không dẫn con đi chơi nữa nhé”

Con bé có vẻ đang trầm tư, một lúc sau cánh cửa được mở ra: “Thầy vào đi”

Tiếng khóc của em nhỏ cũng vừa vang lên, vọng tới nghe rõ ràng, chị không có ý định bước vào, vỗ vai tôi dặn dò: “Thanh Sang, em cứ vào dạy Nhã Uyên đi nhé, nếu con bé vẫn lì lợm, em cứ báo chị. Bây giờ chị xuống nhà dưới trông bé nhỏ.”. Nói xong chị vội vội vàng vàng chạy xuống tầng dưới.

Tôi tiến lại gần cửa, không vội vàng tiến thẳng vào trong, tôi đưa tay gõ lên tấm cửa gỗ rồi cất lời chào: “Nhã Uyên chào em, thầy tên Thang Sang, thầy sẽ là giáo viên dạy kèm của em trong mùa hè này. Thầy có thể vào được chứ hả”

Con bé không đầu không đuôi mà trả lời tôi: “Lúc nãy em đã nói thầy vào đi rồi mà”

Tôi nhẹ nhàng bước vào phòng con bé. Vì là phòng bé gái nên màu sắc khá nhẹ nhàng, tất cả đồ dùng trong phòng chủ yếu đều là màu hồng, trông rất đáng yêu.

Nhã Uyên đã ngồi sẵn trên bàn học chờ tôi. Tôi cũng có thể hiểu tâm tư lúc này của Nhã Uyên, con bé không thích học hè. Nếu hôm nay tôi cứ khăng khăng bắt Nhã Uyên phải học, thì chắc chắn sẽ tạo ra phản ứng ngược, không chừng lại không tốt cho cả tôi và con bé.

Nghĩ vậy tôi dẹp đống giáo án đã soạn sẵn sang một bên, quyết định hôm nay tôi sẽ không trao đổi về kiến thức, chỉ tâm sự làm quen trước với con bé.

Nhã Uyên thấy tôi có vẻ trầm ngâm, trong khi cuốn vở mới tinh của con bé đã mở sẵn trên bàn: “Thầy không tính dạy em sao”



Tôi cười nhẹ: “Ai bảo hôm nay thầy đến để dạy em chứ. Thay vào đó hôm nay chúng ta sẽ chơi trò chơi được không nè”

Con bé mở to mắt, tỏ vẻ ngạc nhiên rồi la lên: “Thật không ạ -yeah”

Tôi đưa ngón tay trỏ lên miệng, ra hiệu cho con bé giữ yên lặng: “Chuyện hôm nay chỉ có hai thầy trò biết với nhau thôi đấy nhé, chịu không”.

Con bé cười hì hì rồi đưa ngón tay út lên, kêu tôi ngoắc vào ngỏ ý chắc chắn. Vậy là chiều hôm đó, tôi dành một buổi dạy để tâm sự cùng con bé.

Mới đầu tiếp xúc có thể sẽ thấy Nhã Uyên là một cô bé rất khó gần, lại không phải là một đứa trẻ hiểu chuyện. Nhưng sau khi tâm sự, tôi mới thực sự hiểu hơn về tâm tư của con bé.

Mặc dù Nhã Uyên sống trong một gia đình có điều kiện nhưng lại rất gò bó. Mẹ của Nhã Uyên lại suốt ngày bắt con bé phải học rất nhiều thứ từ ca múa, bơi lội, đến học hè các kiểu. Học nhiều khiến con bé không có thời gian nghỉ ngơi, vui đùa như những bạn nhỏ khác.

Trước đây, khi chưa có thêm em bé mẹ của Nhã Uyên dành rất nhiều tình cảm cho con bé, lúc nào cũng dành thời gian dắt nó đi chơi hết chỗ này đến chỗ khác. Từ sau khi có thêm em, nó gần như cảm giác được mình bị ra rìa. Đến việc đưa nó đi chơi công viên ngay cạnh nhà cũng trở nên cực kỳ khó khăn.

Nhã Uyên cảm thấy em trai chính là nguyên nhân khiến ba mẹ không còn yêu thương mình. Con bé còn tâm sự với tôi, rằng nó hoàn toàn không thích em trai mình một chút nào, cũng không muốn em trai mình tồn tại.

Tuy tôi là con một, không cảm nhận được rõ ràng về sự thay đổi khi có thêm sự xuất hiện của một thành viên mới. Nhưng nếu như có việc đó xảy ra, tôi nghĩ bản thân mình cũng sẽ cảm thấy có chút ganh tỵ. Cũng giống như lúc tôi còn nhỏ vẫn hay ganh tỵ với Tuệ Lâm mỗi khi ba tôi khen cô ấy hết lời.

Tôi biết ganh tỵ là một trạng thái tình cảm hết sức tự nhiên và bình thường ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu tính cách này không được phát hiện và rèn giũa sớm, trẻ sẽ dễ lâm vào trạng thái khủng hoảng. Nghiêm trọng hơn, khi lớn lên, trẻ sẽ trở nên nhỏ nhen, ích kỷ và có thể gây ra những hành vi tiêu cực. Điều này hết sức tai hại với Nhã Uyên.

Tuy tôi không phải ba mẹ ruột của Nhã Uyên, cũng không phải người thân của con bé. Nhưng sau buổi tâm sự này, tôi thấy con bé là một đứa trẻ đáng thương trong chính suy nghĩ của mình. Nếu bây giờ tôi không giúp con bé hiểu ra vấn đề của mình, thì một thầy giáo như tôi làm sao có thể an lòng được đây chứ.