[1]
Ngày hôm sau, Thanh Niểu đặt chỗ rượu ngay bên dưới lá cờ, vò rượu màu son trầm được chà lau sạch sẽ, sắp xếp chỉnh tề. Dù đã được niêm phong kín kẽ nhưng người ta vẫn có thể ngửi thấy một hương thơm nồng nàn.
Thanh Niểu rất yêu rượu, ngày ngày đều phải lau chùi.
Sài phu sơn dã mỗi ngày đi ngang qua chỗ nàng đều nhìn nhìn thăm dò, ngửi hương rượu thơm, vẻ mặt hắn say sưa, không khỏi thốt lên: "Cô nương, rượu ngon!"
Thanh Niểu vỗ vỗ vò rượu, cười nói: "Rượu lấy được chuyện cũ, đương nhiên là rượu ngon."
Sài phu bị hương rượu làm cho xao động không yên, hắn đặt củi gỗ xuống, hít vào một hơi thật mạnh rồi nói: "Chỗ ta cũng có chút chuyện xưa, có điều chỉ là chuyện linh tinh chốn sơn dã, kể cho cô nương lấy vui, nếu đổi được vò rượu thì còn gì bằng."
Thanh Niểu mỉm cười, nàng khui vò rượu đưa cho hắn.
[2]
Trấn Hà Vân có một đầu bếp, y mở Hà Vân lầu, trù nghệ vô cùng lợi hại. Mấy gia hộ có chút tiền ở thôn làng lân cận mỗi khi có chuyện vui đều thích giao cho y lo liệu, ngay cả mấy nhà thư hương có chút lai lịch cũng thích đến Hà Vân lầu của y để trò chuyện uống rượu. Không vì lý do nào khác, chỉ riêng đầu bếp này đã vô cùng đặc biệt.
Đặc biệt như thế nào?
Ngoại trừ trù nghệ, học thức của người này cũng nức tiếng gần xa. Chỉ tiếc vận làm quan của y không tốt, dứt khoát về nhà mở tửu lầu. Người ta thường nói quân tử ở xa nhà bếp, người này lại cứ thuận theo tự nhiên mà làm.
Trong trấn Hà Vân có một nữ tiên sinh, nàng mở một viện tư thục nhỏ, văn chương cực kì lợi hại. Mấy gia hộ có chút tiền ở thôn làng lân cận đều đưa con cháu nhi lang đến viện nàng học, ngay cả mấy nhà thư hương có chút lai lịch cũng thích đến viện của nàng để luận thư phẩm trà. Cũng không vì lý do nào khác, chỉ riêng nữ tiên sinh này đã vô cùng đặc biệt.
Đặc biệt như thế nào?
Ngoại trừ văn chương, trà nghệ của nàng cũng nức tiếng gần xa. Chỉ tiếc năm ngoái dung mạo đã bị hủy trong lửa lớn, dứt khoác dẹp bỏ ý định gả chồng, dồn hết tâm trí vào sách vở. Người ta thường nói nữ tử đi học là vô đức, nàng lại thắng người khác ở chỗ trầm tĩnh tự trọng.
Hai người này tuy ở cùng trấn đã lâu nhưng chỉ nghe danh lẫn nhau chứ chưa từng gặp gỡ.
"Tẩm nước sốt, thái một nắm hành, thêm hai chén lê hoa bạch*, canh giờ thật tốt. Ngươi đến là vừa đúng lúc." Tay áo y xắn cao để lộ cổ tay và hai ba tấc cẳng tay, nhấc lên thật vững vàng. Thịt lợn áp chảo thái mỏng đổ ra đĩa có viền thanh hoa, rắc thêm hành lá xắt nhỏ, màu sắc hương vị lập tức trở nên hoàn mỹ, phối với lê hoa bạch rót trong chén lại càng hấp dẫn, khiến cho người ta nhớ mãi không quên.
*Lê hoa bạch: một loại rượu ngon vào thời nhà Tống. Lan Đình lấy chiếc khăn trên giá xoa xoa lòng bàn tay ướt đẫm mồ hôi, sau đó y nhướng mày cười nói với lão hữu, "Không dễ mới có dịp vừa khéo thế này, hôm nay ta mời."
Tiết Ngọc Bách nói thật khéo thật khéo, hắn xem xét kỹ lưỡng cái mâm, còn khom người hành lễ nói với Lan Đình: "Người ta nói gặp được tri kỷ thì ngàn chén cũng ít, tri kỷ, mau lên, thời gian chẳng đợi người, ta sốt ruột lắm rồi đấy."
Lan Đình biết hắn rất vội muốn nếm thử rượu và thức ăn nên cứ muốn trêu chọc hắn, y thong thả ung dung gấp khăn lại, không nhanh không chậm mà nói, "Gấp làm cái gì, đồ ăn còn bỏng miệng. Ta và ngươi đứng đối ba bốn bài thơ còn kịp."
Tiết Ngọc Bách quen biết y nhiều năm, sao có thể không rõ cái tính nết thích trêu cợt này của y, nhưng cũng không còn cách nào khác, hắn đứng dậm dậm chân tại chỗ. "Ngươi, cái tên này, ta gấp đến lửa sém lông mày đây này."
Lan Đình đang cao hứng nên không làm khó hắn nữa. Hai người cùng đi lên lầu hai, ngồi ở đại đường uống rượu.
[3]
"Để ta nói ngươi biết, hôm nay ta lại nhận được một bài văn rất hay từ Tố tiên sinh. Quả nhiên là chữ viết phong lưu, chân chính có tài."
Tố tiên sinh này chính là vị nữ tiên sinh ở viện tư thục Khê Sơn kia, không rõ họ, chỉ gọi là Đăng Tố.
Nhìn thấy sự ngưỡng mộ lan tràn trong mắt hắn, Lan Đình mở bài văn kia nhìn lướt qua, y cười nói: "Ngươi đã ái mộ người ta thì cứ trực tiếp tới cửa cầu hôn, không phải vừa hay sao? Ngày ngày ở chỗ này của ta nghịch ngợm mấy bài văn chương mặc bảo, dù ngươi có trằn trọc thì giai nhân vẫn chỉ ở trong nước mà thôi."
Tiết Ngọc Bách đang bốc thịt lợn thái mỏng, nghe vậy thì đáp: "Tố tiên sinh là kiểu nữ tử gì chứ, sao có thể để người ta nạp mình vào hậu viện. Nếu ta nổi lên thứ tâm tư tục tằng này, thế có khác nào bôi nhọ một thân khí khái văn chương của nàng đâu."
"Ngươi chưa từng gặp nàng đã định cho nàng một thân khí khái văn chương."
"Đương nhiên là ta gặp rồi." Tiết Ngọc Bách ghé sát vào y một chút, nhỏ giọng nói: "Mới mấy ngày trước, khi thả diều ở chỗ thềm ngọc, ta leo lên cây du già trước viện tư thục thì thấy Tố tiên sinh đang ngồi ngay ngắn pha trà ở hành lang. Tuy chỉ thấy bóng dáng, nhưng lại là phong tư xuất trần."
Lan Đình cười nhạo, "Chỉ là cái bóng."
"Dáng người khí chất không chỗ nào chê." Tiết Ngọc Bách kỳ quái nói, "Ngươi vô cùng khoan dung với người khác, sao lại cứ hay bắt bẻ khắc khe với Tố tiên sinh thế?"
"Có sao?" Lan Đình xoay chén trên đầu ngón tay, lắc đầu nói: "Ta và nàng còn chưa tính là bèo nước gặp nhau."
Tiết Ngọc Bách không tin nhưng cũng không hỏi được nguyên do, thế nên hắn lập tức đổi chủ đề bỏ qua.
Trái lại, chính bản thân Lan Đình lại thấp thỏm không yên.
[4]
Lan Đình quả thật chưa tính là bèo nước gặp nhau với Tố tiên sinh.
Chỉ có một lần.
Ở phía nam trấn có một hiệu sách, sách được phân theo triều đại, hai bên sườn của thư quán ứng với mỗi triều được ngăn cách bằng những bức bình phong. Lan Đình lật xem tạp văn ở đây, y nhìn thấy "Tiền Triều Tạp Bổn" thì lập tức duỗi tay chạm vào.
Ai ngờ lại chạm trúng một bàn tay ôn ngọc.
Vị ở cách bức bình phong là một cô nương, y không nhìn thấy khuôn mặt nàng, chỉ trông thấy bóng cô nương hắt lên bức bình phong, xinh xắn dịu dàng, mảnh mai vừa đẹp.
Độ ấm của ngón tay truyền đến đầu quả tim, chỉ một gợn sóng nhẹ như thế đã ục ục chậm rãi xao động thành trăm ngàn sóng cuộn.
Lan Đình trông thấy ngón tay như gốc hành kia nhanh chóng thu trở về, y bất giác buồn bã mất mát.
"... Nếu thích." Hắn nghe thấy giọng nói ôn hòa khe khẽ của chính mình: "Cô nương cứ cầm đi."
Bên kia né tránh không nói, đoán chừng đang do dự. Có lẽ vẫn không kháng cự được sự mê hoặc của sách vở, cuối cùng nàng vẫn nhỏ giọng nói cảm tạ rồi lấy sách đi.
"Có điều." Khóe môi Lan Đình mấp máy, "Sau khi đọc xong, hi vọng cô nương cho ta mượn lại."
Bên kia trầm mặc một chốc, "Khi nào ở đâu, công tử cứ nói."
"Một tháng sau tại nơi này."
"Được."
Đợi người đi rồi, Lan Đình vẫn đứng ngây ngốc hồi lâu. Cây du già phía trước tiệm sách tán lá xanh ngắt, ve sầu kêu lên đôi ba tiếng khiến lòng y bị mê hoặc.
Sau ngày ấy, Lan Đình thường xuyên dừng ở tiệm sách, thời gian cứ như đọng lại, nhưng cũng tựa như trôi qua thật nhanh, chớp mắt một cái đã đến ngày hẹn.
Lan Đình đã sớm đứng đợi ở bên dưới gốc du già, y nhìn mặt trời leo qua đỉnh, rồi lại nhìn tàn dư của hoàng hôn, cô nương kia không hề đến.
Mãi đến lúc trăng đậu trên ngọn cây du.
Một học trò ở viện tư thục thở hổn hển mang quyển sách được gói gém gọn gàng đến gặp y, "Lan công tử, học trò đợi ở Hà Vân lầu rất lâu nhưng không thấy ngài về, không dám nghĩ giờ này mà ngài vẫn chờ ở đây. Thật là đáng chết, đáng chết!"
Lan Đình nhận lấy sách, nói rằng đã làm phiền rồi, nhưng y lại không hề cất bước.
Học trò đợi hết nửa ngày, chợt vỗ đầu một cái, bừng tỉnh nhận ra mà nói: "Tiên sinh bảo học trò đến nói cho ngài một tiếng, sách này tuy hay nhưng lại không hợp với tính cách của người. Ngài cứ việc cầm xem, tiệm sách bên này tiên sinh sẽ nhanh chóng nói một tiếng."
Không hợp tính cách?
Khóe môi Lan Đình dần dần nhoẻn lên, đầu ngón tay vuốt ve mép sách được ép chỉnh tề, lúc lâu sau mới nói một câu.
"Ta biết rồi."
[5]
"Sao tiên sinh không trực tiếp đến đó? Tuy Lan công tử cũng kiêm làm đầu bếp nhưng học trò cảm thấy ngài ấy là một người rất đáng để kết giao."
"Đúng vậy." Hương trà quanh quẩn ở đầu ngón tay, nữ tử hơi cúi người thờ ơ nói: "Là một người đáng để kết giao."
Học trò thấy nàng né tránh không đáp, cũng không tiện nhiều lời, đành giấu mối nghi ngờ trong lòng, chuyên tâm vào trà cụ dưới tay nàng.
Đăng Tố rót trà, nhưng trong lòng lại nghĩ đến chuyện khác.
Nửa tháng trước, nàng nghe nói vị Lan Đình công tử này từng rất có giá ở kinh đô, được Thủ Phụ đại nhân ưu ái, cũng thu hút rất nhiều lời tán thưởng của quý nữ trong kinh. Chỉ là hắn không chấp nhận dùng chiêu bài hôn nhân để đổi lấy thuận lợi trên đường làm quan, vậy nên mới phất tay áo rời kinh.
Khi ra đi, y đã tuyên một lời thề.
Thề rằng sẽ cưới thê tử dung mạo khuynh quốc khuynh thành, kiêm cả tài nữ định quốc.
Tuy lời y là để làm khó làm dễ kinh đô, nhưng cũng thật sự thổ lộ tâm ý của y, thà thiếu chứ không ẩu, thậm chí là không cưới cũng được. Đăng Tố nàng không phải dung mạo khuynh quốc khuynh thành, lại càng không có tài định quốc, hà tất không biết tự lượng sức mình.
Huống hồ.
Nàng nhẹ nhàng buông trà cụ, ngẩng đầu lên đối diện với quan kính treo trên hành lang. Gương mặt phản chiếu trong đó, thậm chí còn không thanh tú bằng một khuôn mặt tầm thường.
[6]
Từ sau hôm nàng không đến tiệm sách, ngày ngày Lan Đình đều ở trong lầu, may có Tiết Ngọc Bách ngày nào cũng tới quấy rầy, cuộc sống thật bình dị êm đềm. Đăng Tố cũng đã ở trong viện tư thục một thời gian dài, ít khi ra ngoài. Mãi đến năm trận chiến Sơn Thổ bùng nổ, hai người mới có cơ duyên gặp lại.
Lại nói, trận Sơn Thổ gây ra biến động cho dân cư khắp hai miền Nam Bắc, trong trấn Hà Vân cũng không tránh khỏi sóng gió. Càng ngày càng nhiều dân tị nạn đổ xô vào trấn, tuần tra giám chế trong trấn dần lực bất tòng tâm.
Tư thục Khê Sơn mở cửa thu nạp lưu dân, chừa ra một nơi trống cho lưu dân sinh sống, Hà Vân lầu của Lan Đình cũng rộng rãi phân phát lương rau. Hai người ở trong trấn một nam một bắc, cũng xem như cùng nhau trông coi.
Một đêm nọ.
Lầu quán của Lan Đình bận bịu chuyện lương rau, y trì hoãn chuyến đi nông viện ở ngoài trấn, lúc trở về đã là nửa đêm. Sau khi vào trấn, rẽ vào khúc cua, lại băng qua một con phố là đến tư thục Khê Sơn, ngựa của Lan Đình còn chưa rẽ vào góc đã nghe thấy tâm thanh hỗn loạn ở phía trước.
Y nắm chặt dây cương, con ngựa vội vã xoay đầu chạy qua. Bọn tiểu nhị ở phía sau hai mặt nhìn nhau rồi cũng đi theo.
Còn chưa tới trước cửa viện tư thục đã thấy đèn đuốc ở đó sáng trưng. Cửa viện mở toang, mơ hồ có thể nhìn thấy cảnh tượng hỗn loạn ở bên trong.
Lan Đình nghe tiếng ly sứ bị quăng mạnh vỡ tan tành, ngay sau đó một nữ tử cao giọng nói.
"Ta thà làm ngọc nát cũng không để cho ngươi được như ý muốn!"
Lan Đình cả kinh, lập tức xoay người xuống ngựa bước vào viện, liếc mắt một cái đã thấy cô nương mặc tố sam vạt áo lỏng lẻo đang kề mảnh sứ vỡ vào cổ tay, hét lên chói tai.
Lan Đình lập tức biến sắc, hai màu hai màu trắng đỏ đan xen trên cổ tay thật không thể nhìn nổi, đỏ đến chói mắt, giữa mày đột nhiên trầm xuống, y lạnh lùng nói: "Còn chừa mạng cho tên bạch nhãn lang này làm gì, kéo hắn ra ngoài đánh gần chết mới thôi!"
[7]
Lưu dân ăn no rửng mỡ thì nổi lên tâm tư muốn rình mò, lại thấy học trò trong viện tư thục đều trở về nhà sau khi trời tối, chỉ còn mình nữ tử là Đăng Tố, tên đó không cầm lòng nổi mà nảy sinh ý đồ xấu xa. Lúc bị bọn tiểu nhị của chưởng quầy Hà Vân lầu lôi ra ngoài, hắn vẫn chưa chịu buông bỏ tà tâm, còn mắng chửi thóa mạ chọc cho Lan Đình vô cùng giận dữ, ánh mắt y nhìn tên đó càng thêm ngoan tuyệt.
Đăng Tố giật mình, sắc mặt càng thêm lãnh đạm. Lúc nói cảm tạ với Lan Đình nàng vẫn tỏ ra nhã nhặn ung dung, dù nàng tự biết dung mạo mình không tốt nhưng cũng không trốn tránh xấu hổ.
"Trong viện không có người trông coi, sau này nhất định vẫn sẽ xảy ra mấy chuyện không hay." Lan Đình nuốt giận vào trong bụng, cũng không đánh giá Đăng Tố, y chỉ vô cảm nói: "Nếu tiên sinh không chê, đêm nay ta sẽ ở đây canh gác."
Đăng Tố cứng họng, vừa ngẩng đầu đã bắt gặp ánh mắt lạnh lùng của y, không giống như cố ý muốn thân thiết, cũng không giống như vẫn nhớ chuyện ở tiệm sách mấy năm trước, nàng đành thấp thỏm chần chừ nói: "Sao có thể làm phiền..." Nói đến đây lập tức cảm thấy một cơn ớn lạnh, nàng há miệng thở dốc, có thể cảm nhận được sự giận dữ của Lan Đình xuyên qua da thịt.
"Cứ vậy đi. Tiên sinh về phòng đóng kỹ cửa sổ rồi ngủ."
Dứt lời, y ném roi ngựa về phía hành lang bằng gỗ, người cũng ngồi xuống ngay giữa hành lang, canh giữ cửa vào chính đường, lối để bước vào trong phòng. Lan Đình đoan chính móc một bọc sách vở ra từ trong ngực, cúi đầu lặng lẽ giở xem.
Đăng Tố thấy y nhất định phải gác đêm thì đành nhẹ giọng nói cảm tạ, nàng bước qua bên cạnh y đi vào trong nhà, không hề đề cập tới chuyện nghỉ ngơi.
Lúc nàng đi ngang qua Lan Đình, y ngửi thấy một hương trà thoang thoảng. Vạt áo màu trắng trơn lướt qua đầu ngón tay y, trái tim trong l*иg ngực vốn trầm lặng đã lâu chợt trở nên quang đãng.
Lan Đình khẽ nhíu mày.
Nghiêm túc lật sách.
[8]
Sau sự việc lần này, một nửa tiểu nhị ở Hà Vân lầu đều đến gác đêm ở tư thục Khê Sơn, mỗi đêm Lan Đình đều đích thân đến. Tiết Ngọc Bách vốn dĩ muốn đi theo để đàm luận văn chương cùng giai nhân, ngờ đâu Lan Đình ném bạc cho hắn, việc trông coi Hà Vân lầu đều ủy thác hắn lo liệu.
Nhìn mặt phải nhìn ở bạc, Tiết Ngọc Bách đành phải miễn cưỡng từ bỏ tình yêu, để cho bạn thân mang tâm tư quấy rối đi đến chỗ giai nhân cốt cách thanh cao, hắn thầm mắng Lan Đình hết mức có thể.
Tuy đêm nào Lan Đình cũng đến, nhưng lúc pha trà cho y Đăng Tố cũng chỉ khách sáo trò chuyện vài câu, thời gian còn lại y toàn lạnh mặt ngồi đọc sách.
Nếu nói y vô tình, thì mỗi ngày đến đây y đều xuống bếp nấu món ngon. Nếu nói y cố ý, thì mỗi đêm y đều hành xử ngay thẳng, không bao giờ đề cập đến chuyện khác.
Làm cho Đăng Tố trằn trọc không biết phải làm sao.
Sau khi trận Sơn Thổ chấm dứt, quan phủ kiểm tra việc cư dân đi tị nạn rất nghiêm ngặt, triều đình an trí cho lưu dân, bởi vậy trấn Hà Vân đã khôi phục trở lại.
Lưu dân giải tán, Lan Đình tự nhiên cũng không còn lý do gì để canh gác ở đây.
Cuối cùng thì đêm nay mọi người trong viện cũng đi hết, không biết tại sao chẳng thấy bóng dáng một tiểu nhị Hà Vân lầu nào, cũng không có học trò tư thục nào ở lại viện. Trong viện trống vắng, chỉ có Lan Đình và Đăng Tố hai người cùng nhau quét tước dọn dẹp, xong việc thì đã đến canh ba.
Quá giấc buồn ngủ, ngược lại đầu óc càng tỉnh táo hơn.
Đăng Tố mời Lan Đình vào chính đường, hai người ngồi ở hành lang phía sau. Hành lang bằng gỗ được quét sạch sẽ, một cái án nho nhỏ kê giữa chỗ ngồi, một bên là tịch thư của học trò phơi lúc ban ngày, một bên là cái ao nhỏ ở hậu viện, còn có thể nghe thấy tiếng ếch kêu.
Đăng Tố ngồi đối diện Lan Đình, rũ mắt cẩn thận pha trà. Hai tay Lan Đình chống ở phía sau, ánh mắt dừng trên khuôn mặt nàng.
"Hậu viện đơn sơ, để công tử chê cười rồi."
Lan Đình liếc nhìn dọc theo bàn tay nàng đang đưa trà tới, ngó thấy vết cắt nhàn nhạt trên cổ tay như ngọc, y lãnh đạm gật đầu, không nhận trà mà lại bắt lấy tay người ta, lật lên ngay trước mắt mình.
"Thuốc dán ta cho nàng không có tác dụng sao?"
"Kìa." Đăng Tố sửng sốt một chút, sau đó rút tay về, nói: "Không, không phải thuốc của công tử không có tác dụng..."
Bàn tay bị nắm rất chặt, nàng không rút về được.
Đăng Tố ngơ ngác nhìn y.
Lan Đình bình chân như vại thả lỏng tay, y cầm trà uống. Sau khi uống xong thì nghiêng đầu nhìn gợn sóng lăn tăn trong ao nhỏ ở hậu viện, đột nhiên cất giọng: "Tiên sinh nói sách không hợp với tính cách, ta nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng vẫn muốn hỏi một câu, vốn là sách vừa nhìn đã thích, có chỗ nào không hợp với tính cách?"
Lòng bàn tay Đăng Tố vừa bị y nắm lấy nóng như lửa đốt, nàng nhéo nhéo đầu ngón tay: "Chỗ nào ngài nói... Chỗ nào cũng không hợp. Ta vốn thô tục, lại còn mất đi dung mạo, vừa không hợp với nội dung phồn hoa trong sách, cũng không hợp với bìa sách lộng lẫy, huống hồ ——"
"Đăng Tố."
Đăng Tố mờ mịt ngẩng đầu, thấy Lan Đình giơ tay đẩy một cái, đống thư tịch trên hành lang thi nhau đổ ầm xuống. "Nàng cũng đã từng khuynh cả tiền triều hiện thế, còn lo lắng khuynh quốc khuynh thành cái gì. Huống hồ." Giữa mày y nhướng cao, chỉ vào chính mình mà nói: "Ta đây có tài định quốc, nếu tâm nàng duyệt ta, đây chính là tài định quốc của nàng. Nàng vừa có dung mạo khuynh quốc khuynh thành, mà còn có cả tài định quốc. Bây giờ nàng nói ta nghe, sách này không hợp nàng ở chỗ nào?"
Đăng Tố ôm ngực thật chặt, nàng không ngờ người này còn có một bộ mặt lưu manh như vậy.
[9]
Vài năm sau, tân đế chiêu mộ kỳ tài, cầu hiền như khát, người tìm thấy trấn Hà Vân, ba lần đến thỉnh đầu bếp ở Hà Vân lầu nhưng cả ba lần người nọ đều từ chối không chịu nhậm.
Khi Bạch Dận nghe thấy tên tuổi y, hắn liền đến hỏi Tiết Ngọc Bách, người nhậm chức úy ti ở hành lang phía Tây lúc đó, "Chẳng phải người này đã thề, nếu không khuynh quốc khuynh thành, không tài định quốc thì y sẽ không cưới à, sao bây giờ lại cưới một dân quê bình thường, còn sinh một tiểu tử béo mập nữa?"
Tiết Ngọc Bách đang lo quà đầy tháng cho tiểu tử béo đó không đủ chu đáo, nghe vậy chỉ lấy thứ Lan Đình ném cho hắn ném lại cho Bạch Dận.
"Ai nói y cưới dân quê bình thường, nàng thật sự là bảo vật vô giá của Tùy Hầu Châu!"
Bạch Dận hơi nhướng nhướng đuôi lông mày, quyết định không nên đôi co miệng lưỡi với kiểu người chỉ biết đội vợ lên đầu thế này.
[Cuối]
Sau này Lan phu nhân sửa viện tư thục Khê Sơn thành học viện Khê Sơn, nàng và Lan tiên sinh cùng nhau dạy học. Hiện giờ học viện Khê Sơn đã là học viện đứng đầu ở phía Nam, bảng hiệu trước cổng cũng là hai chữ Khê Sơn mà Thánh Thượng đích thân đề cho." Sài phu uống xong ngụm rượu cuối cùng rồi cảm khái nói: "Tuy ta chỉ nghe được chuyện này lúc nói phíếm với người dân trong núi, cũng chưa từng gặp qua Lan tiên sinh và Lan phu nhân, nhưng ta cảm giác câu chuyện xưa này dù không kinh thiên động địa nhưng lại có sự nhẹ nhàng thấm thía của riêng nó."
Thanh Niểu mỉm cười rồi nói: "Có lẽ tám chữ 'bất thực nhan sắc, bất vong sơ quý*' nói ra thì rất bình thường, nhưng muốn gặp được cũng không dễ."
*Dịch nghĩa: không ăn món ăn chỉ vì màu sắc bên ngoài, không quên mất rung động ban đầu. Sài phu nói phải, sau khi trò chuyện một hồi thì rời đi.