Chương 16

Mỗi thằng cha du đãng cộm cán đều là một luật sư thứ thiệt. Không nói chuyện hiểu luật đâu nha, sức mấy lão chắc chỉ thuộc vài điều nằm trong bộ luật đánh người và luật trường trại. Cái giống luật sư tôi đề cập ở đây là … khả năng chạy chọt. Du đãng nào là không có đàn em vướng tội, du đãng nào không qua lại với đám công an? Quỷ già cũng tính là du đãng cỡ bự, đám công an ăn tiền của lão có khi còn đông hơn đám đàn em không chừng.

Tôi dắt con nhỏ đang cúi gằm mặt bước vô. Mấy thằng chả coi bộ đang làm việc thiệt, cắm cúi vào đống giấy tờ. Một gã trông khá thư sinh, đeo cặp kiếng trắng ngó tụi tôi, giọng ôn tồn:

– Có chuyện gì không hai em?

Thứ này khó đối phó à nha. Thứ hung hăng bọ xít như thằng cha ngoài cửa mới là dạng dễ bảo, loại thơn thớt nói cười này mới khiến người ta không biết đường nào mà lần hết trơn. Tôi cũng nhũn nhặn chào hỏi vài câu khách sáo, kéo luôn thằng chả qua một góc nói chuyện tâm sự cho dễ. Nghe tôi trình bày xong, thằng chả gật gù, khoát khoát tay:

– Thì ra là thằng nhóc này. Tội nó là đi theo đám du dãng thôi chớ không có gì hết trơn.

Nói xong dừng lại một chút. Lại mánh mung nữa. Tôi bấm tay con nhỏ, ý chừng kêu nó đừng có mừng quá sớm. Công an mà có thứ tốt vầy đất nước ta đã tiến lên giàu mạnh ngang Mỹ, Nhật rồi đó cưng. Y như rằng, thằng chả lại thủng thẳng:

– Có điều, đám nó làm bậy quá. Thằng nhóc nhà em lại tham gia nhiệt tình nhất, bởi vậy cũng khó cho tụi anh lắm. Nó chưa có tiền án tiền sự, nhân thân lại tốt, giá mà chưa có thương tích chắc cũng chỉ phạt hành chính là xong. Nhưng mà…

Nhưng cái đầu cha mầy. Ba cái vụ oánh lộn này tôi cũng có tham gia nhiều, tôi biết chớ bộ. Nguyên đám uýnh một thằng, chúa mới biết thằng nào gây ra lủng đầu, thằng nào gây ra bầm mắt. Bộ tụi công an này có đứng kế đó coi hay sao mà nó rành dữ vậy. Đến chính đám nhỏ trong cơn say máu cũng không nhớ mình táng vô đâu, lấy gì ra để biết đứa nào nhiệt tình, đứa nào không? Án bao nhiêu năm là đều từ ngòi cây viết của tụi điều tra này hết. Tôi nhỏ giọng:

– Việc này tụi em biết, bởi vậy nên mới tới sớm như vầy. Lát có ông anh qua sẽ nói chuyện cụ thể với mấy anh, giờ tụi em muốn gặp thằng nhỏ một chút cho yên tâm, được không anh?

Thằng chả chưa kịp chối từ, tay tôi đã lẹ như chớp nắm lấy tay chả khẩn khoản. Chỉ nghe hắng giọng một cái, tay thằng chả rụt về đút vô túi lẹ không kém tôi, giọng miễn cưỡng:

– Cái này là linh động lắm đó nha em. Lát đi theo anh, đằng nào anh cũng có mấy việc cần hỏi thêm thằng nhỏ cho rõ. Nghe nói nó còn đang ôn thi đại học, anh cũng muốn cứu nó chứ bộ…

Tôi cũng chán, chẳng thèm chửi thằng chả làm gì cho nó mệt người. Dắt theo con nhỏ như đang mộng du đi theo, nghe tay con nhỏ ôm lấy tay tôi chặt cứng. Thở dài. Tôi tình nguyện làm chỗ dựa cho con nhỏ, chẳng cần thứ điều kiện gì hết trơn. Chỉ cần nó không khi nào phải khóc…

Thằng nhỏ lếch thếch đi ra, mắt ngó thấy con chị sáng ngời. Cái mặt trâng tráo khi nào bỗng méo xẹo, nước mắt chảy dài dài. Tôi ngồi một góc, trầm ngâm hút thuốc, ngó 2 chị em con nhỏ ôm nhau khóc nức nở. Con nhỏ hết xoa mặt lại ngó thằng nhóc ác, khóc hết nước mắt. Tôi ngó mà sốt ruột, chạy ra gỡ tay con nhỏ, lạnh lùng nhìn thằng nhóc:

– Ăn gì chưa?

Thằng nhóc nhìn tôi, nhưng ánh mắt không còn lấc láo như bữa đầu. Nó lí nhí:

– Dạ chưa.

Tôi móc ví, cầm tiền đưa cho con nhỏ:

– Em chạy ra ngoài mua cho nó ít đồ ăn, mấy thứ đồ khô mang về phòng nữa. Không mua mấy đồ hộp nha, không được đem vô đâu.

Thằng cha công an ngó tôi, ánh mắt tán thưởng. Chắc nghi tôi mới nằm trại về quá, mấy vụ tắc tế rành một cây. Đợi con nhỏ đi khuất, tôi thủng thẳng ngồi xuống, ngó vô mặt thằng nhóc, gằn giọng:

– Mày thấy mày làm khổ chị mày thế nào chưa thằng nhóc? Con nhỏ khóc ngất từ chiều mày có biết không? Mưa gió như vầy nó cũng ráng chạy về nhà để lo cơm nước cho mày, mày biết không? Tao mà không tới dám nó kiếm mày, lo cho mày tới nổi khùng luôn, mày biết không thằng nhóc ác?

Ngó cái mặt tôi hằm hằm, chính khí ngập tràn, thằng nhóc mặt mũi tái xanh, mãi mới lắp bắp được một tiếng:

– Em biết lỗi rồi mà anh hai. Anh ráng lo cho bả dùm em nha.

Nói xong nước mắt lại chảy vòng quanh. Tôi gật gù, thằng nhỏ này cũng chưa phải loại hết xài. Ít ra còn biết lo cho con chị, chưa tính việc không kêu tôi bằng anh già mà đổi qua anh hai, vậy tôi cứu nó cũng không có uổng. Nhưng cứu nó khơi khơi như vậy nó đâu có biết sợ. Tôi lạnh lùng gật gật đầu:

– Việc chị mày, mày không phải lo. Ráng vô trỏng tu tỉnh đi, mai mốt ra ngoài đừng có quậy phá nữa nghe chưa?

Thằng nhóc ác nghe lời tôi nói như vớ được phao cứu sinh, mắt sáng ngời:

– Bao lâu nữa em ra được hả anh?

Tôi thủng thẳng:

– Mày mới có 18 tuổi, còn trẻ lắm. Dăm năm sau ra cũng vẫn cưới vợ được mà.

Thằng nhóc té cái rầm. Tôi hoan hỉ cười thầm trong bụng. Phải cho mày hết hồn một phen, mai mốt ra ngoài mày mới thấy quý cảnh tự do mà không làm bậy.

– Khóc cái gì? Đàn ông dám làm thì dám chịu. Mày tính khóc lóc để chị mày lo lắng thêm hả?

Thằng quỷ khờ có vẻ dễ bị khích tướng à nha. Môi nó mím lại, coi bộ quyết tâm sống kiếp trường trại luôn:

– Được rồi, em không để bả lo nữa. Anh ráng coi bả dùm em nha.

Tôi gật gù, không nói thêm gì nữa. Con nhỏ quày quả xách bịch đồ bước vô, cái tướng tội nghiệp hết sức luôn. Phía sau con nhỏ cũng có thêm một cái bóng nữa, nhưng nhìn dễ ghét hết sức luôn. Chân hai hàng, loắt choắt, mặt mũi câng câng – lão quỷ già chứ không ai khác.

Công an ngó cái tướng lão coi bộ cũng giật mình một cái. Lão ngó thấy cha nội này, cười giả lả chạy tới, tay khoác luôn lên cổ:

– Tưởng ai hóa ra là đồng chí à?

Lão vào Đảng hồi nào mà xưng đồng chí ngọt xớt vậy ta?. Thấy công an cũng luống cuống, cố nở ra một nụ cười nhưng trông mặt không có vẻ gì quen lão hết trơn hết trọi. Mặt lão vẫn tỉnh bơ, mồm tía lia:

– Bọn nhóc con ấy mà, chúng nó đánh nhau cho khỏe chân khỏe tay, chưa chết người thì cũng có chuyện quái gì đâu, đồng chí nhỉ? Anh em mình ra ngoài tâm sự một chút, tôi cứ vào mấy chỗ dính dáng tới pháp luật lại thấy khó thở quá.

Không để đồng chí công an kịp từ chối, lão lôi cổ công an kéo phắt ra ngoài. Tôi ngó theo, thấy già dịch đang hăng say chém gió, tay vung lia lịa. Đồng chí công an cũng gật đầu theo muốn sái cổ. Phục lão già thiệt à nha. Chém gió tới mức công an cũng hoa cả mắt.

Ngó lại thằng nhóc, thấy mặt ráng làm ra vẻ tỉnh bơ, nuốt cơm ngon lành. Con nhỏ ngồi kế, nhìn thằng em ăn cơm mà nước mắt cứ chảy dài. Tôi thấy tội nghiệp con nhỏ quá đỗi, đi lại gần lấy tay áo quệt nước mắt cho con nhỏ. Thằng em ngước mắt lên nhìn, ánh mắt cảm kích thấy rõ. Tính kêu con nhỏ khỏi khóc lóc đi, chắc lão già tới làm việc với đám công an là xong chuyện, nhưng sự tình ra sao tôi còn chưa nắm chắc, cũng đành thở dài, chờ đợi.

Mặt mụn cũng ló ló cái đầu ngó vào trong. Thằng quỷ này khoái nghe chuyện trường trại tù tội, bữa nay chắc lần đầu tiên vô công an nên coi bộ hưng phấn dữ lắm. Cho mày vào ở vài bữa cho khỏi tò mò luôn nha con – tôi lầm bầm, đi ra chỗ thằng quỷ.

– Mang tiền theo không, mặt trận?

Mặt nó lộ vẻ ngơ ngác, kêu:

– Đại ca bảo em không mang theo tiền mà. Em cũng hứa không có cầm tiền, vừa hôm trước xong.

Muốn thò chân đá nó lộn mèo vài vòng quá xá. Thứ người đâu mà … nghe lời tôi dữ dội vậy trời. Đang kiếm từ tính xỉ vả nó tơi bời, thằng quỷ cười nhe:

– Em đùa ấy mà. Tiền em để trong xe, cần không em chạy ra lấy?

Ngó nó mà cười hết nổi. Thằng này thiệt tình biết đùa đó nha, có duyên thấy ớn.

Thiệt tình, cái đám công an này cũng có thể tính vào loại du đãng – du đãng có nhà nước bảo kê. Tất nhiên trong số đó không phải ai cũng đều là du đãng, vẫn có những thành phần công an tốt thật sự, có điều kiếm ra họ giữa lúc nhúc đám du đãng quần áo vàng khè này khó ngang với việc kiếm tê giác ở vườn quốc gia Cát Tiên. Du đãng chỉ có gặp du đãng bự hơn mới làm việc nổi. Ba cái thứ văn vở, mánh lới của cha nội này lão già dịch chắc học thuộc lòng từ khi mới chập chững bước vô giang hồ. Đối với lưu manh tép riu, tụi công an này đâu có ngán, nhưng riêng đối phó với đám du đãng tuổi tù nhiều ngang với tuổi đời, họ cũng muốn né thật xa. Đám đó tính ra cũng thuộc dạng … đồng nghiệp của công an chứ đâu phải giỡn.

Ngó lão già dịch hết cười lại vỗ vai, lúc trầm ngâm, khi lạnh lùng, tôi thương cha nội công an quá đỗi. Nhưng nếu không phải lão già dịch có mặt ở chỗ này, người đáng thương sẽ chính là tôi và con nhỏ. Đám công an điều tra này cái lưỡi không có xương, đối với tù phạm có bao nhiêu tội nó lôi ra bằng hết, thậm chí cả những việc họ … không có làm luôn. Đối với gia đình người phạm tội muốn chạy chọt, nếu không biết đường lối, không có người nắm được lưỡi đám này, cứ coi như mới đi vay nặng lãi của giang hồ đi, trả hoài không thấy hết.

Quay lại nhìn, thấy thằng nhóc đã bị đám trông tù đưa về phòng từ khi nào, con nhỏ ngồi đó thẫn thờ như người mất hồn, khóc không nổi nữa. Mặt con nhỏ mệt mỏi vô cùng, cặp mắt sưng mọng ngó trân trân vô cánh cổng sắt có đứa em trai ở trỏng. Tôi thở dài, móc túi ra điếu thuốc, trầm ngâm hút. Nghe già dịch vẫy tay, tôi đi lại gần. Chuyện của lão với cha nội công an coi bộ đã đi tới hồi kết.

– Cũng được, vậy coi như quyết định vậy đi ha em. Đám bên kia anh sẽ có cách thương lượng, chỉ cần không đâm đơn coi như xong. Mình người lớn với nhau, nói một tiếng một được rồi, lằng nhằng chi cho mất thời gian ha em?

Lão già kín đáo giơ 3 ngón tay về phía tôi. Hiểu ý liền. Quay qua thằng mặt mụn, tôi cũng giơ 3 ngón tay về phía nó. Ngó cái mặt thằng quỷ chưng hửng nhìn thấy ghét, tôi làm biếng không nổi, bực dọc chạy ra la:

– Ra xe lấy 30 triệu đi, thằng thiếu i ốt!

Thằng quỷ bị chê thiếu i ốt, buồn bã lê bước về xe. Thiệt tình ngoài tôi cũng không có ai xúc phạm tới cái nhân phẩm vừa đi trại phục hồi của nó được cỡ vậy. Tôi gói đại mớ tiền vô túi nilon, nhét vô tay anh công an mặt đang đau khổ. Phen này coi bộ ảnh cũng phải ăn ít hơn thường lệ một cơ số đó nha.

Tiền của giang hồ là thứ tiền khó nuốt nhất trên đời. Thứ nó nuốt vô cái thứ nhất coi chừng nghẹn, cái thứ hai là coi chừng vô trong bụng còn làm lủng bao tử không chừng. Cha nội công an cầm mớ tiền mặt mặt coi bộ cũng đăm chiêu như nhà hiền triết. Nhưng đã cầm rồi, muốn trả lại cũng không có dễ à nha.

Già dịch ngó con nhỏ một cái, lại ngó qua tôi đầy ẩn ý. Lão vẫy tôi ra bên cạnh, hạ giọng:

– Phải con nhỏ bữa trước mày trốn nó ở quán rượu không?

Quỷ già có bộ não hay thiệt đó nha. Gặp qua qua vậy lão nhớ dai thấy ớn. Tôi gật gật đầu. Lão khịt mũi:

– Bộ lương tâm chó gặm của mày bị con nhỏ này thức tỉnh hả? Sao sốt sắng quá vậy?

Quê à nha. Giúp được người ta chút xíu mà bày đặt lên mặt xúc phạm tới nhân phẩm quá chừng. Ngó mặt tôi hậm hực, lão làm mặt tỉnh, kêu:

– Cái vụ nhỏ xíu này mai mốt mày tự làm, làm vài lần quen liền, nghe chưa? Cứ coi đám công an này giống tụi bảo kê đi, mày trả giá tùy thích chớ không phải ngại ngùng cái mẹ gì hết.

Mặt mụn đứng kế nghe như nuốt từng lời. Tôi ngó nó mà thấy ngán ngẩm. Thứ này có cái tật thích học đòi, thấy lão già dịch thi triển chiêu người trong giang hồ tới nói chuyện ngang phân với công an, chắc trong đầu đang tưởng tượng có ngày mình cũng vỗ vai bá cổ đám du đãng khoác áo nhà nước lắm.

Lại nghe lão già kêu:

– Cái vụ kêu nhà nó không đâm đơn, mày làm nổi không?

Chưng hửng luôn nha. Cái vụ đó so với vụ trả giá với đám công an coi bộ còn khó ăn hơn nhiều. Nếu đứa bị đánh là giang hồ, việc coi bộ còn dễ dàng hơn chút xíu. Thứ giang hồ tép riu điều đình bằng tiền xem chừng không phải khó. Nhưng nếu lỡ thằng bị đánh thuộc dạng con nhà tử tế, ba má thương yêu coi như tiền không có tác dụng. Mấy người đang xót con, sức mấy mà cầm tiền bỏ đơn cho đứa đánh con mình chèm bẹp. Nói không chừng họ còn đâm tiền vô mấy đám điều tra cho nó bóc lịch dài dài. Ngoài 2 loại đó, còn một loại khác: giang hồ cỡ bự. Loại này khỏi mất công điều đình chi, họ cũng chẳng buồn đâm đơn mà kiếm bạn xử luôn cho lẹ. Thứ như lão già này chẳng hạn. Đυ.ng tới lão thì ráng làm một cú cho lão chết luôn, còn lão không chết kể như đời bạn hỏng. Chính bởi điều này nên đứa nào muốn rớ vô lão cũng phải chuẩn bị trước 2 thứ: lá gan dám gϊếŧ người và cái bảnh lãnh chấp nhận để người đuổi gϊếŧ. Đơn giản vậy thôi.

Tôi tần ngần một lát rồi cũng quả quyết gật đầu. Dù sao thì thằng nhóc này chắc cũng đυ.ng với đám giang hồ tép riu là cùng. Đám này xỉa tiền ra coi như cũng xong chuyện. Lão già thấy tôi gật đầu, ánh mắt lộ ra vẻ tán thưởng:

– Coi như mày cũng không tệ. Thôi đưa con nhỏ về đi, để tao kiếm mấy thằng buôn nước bọt tới đám đó là được.

Thiệt tình bực bội à nha. Tới cái giờ này còn bày đặt thử lòng thử dạ, muốn đập lão ngất xỉu ghê. Nhưng tôi biết nếu tôi năn nỉ lão đi dùm chứ không gật đầu, lão chẳng ngại ngần gì ngoảnh đít đi thẳng để tôi tự lo phần còn lại. Tính nết lão già vậy, mà lừa lão không xong nổi đó nha. Làm bộ gật đại đi, lão ngó qua cặp mắt của bạn nắm được tẩy liền, nắm xong còn đập bạn chèm bẹp không chừng vì cái tội xạo ke.

Buôn nước bọt là một nghề trong vô số nghề của giang hồ. Đám này chia ra nhiều đẳng cấp, nhiều thể loại, nhưng cái chung là không cần có lá gan. Chúng không tham gia vô mấy vụ đâm chém, thanh toán lẫn nhau, việc của chúng chỉ cần dùng đầu và cái miệng. Cao cấp nhất trong đám này, một trong những huyền thoại của giới buôn nước bọt là Thuyết “chăn voi”. Có báo chí gọi lão là Thuyết trăm voi, ý chừng cạnh khóe lão nổ tưng bừng như cái câu “Trăm voi không được bát nước sáo”. Tầm bậy hết sức, gọi lão là Thuyết “chăn voi” bởi cái đầu và cái miệng của lão thuộc dạng thiên hạ vô địch thủ, quan hệ của lão trong cả du đãng và chính quyền không ai qua mặt nổi. Cỡ như ông Năm sa cơ còn phải dựa vô lão để mà chạy án, chỉ một chi tiết đó thôi đủ biết cái giá thật sự của lão cao tới cỡ nào. Còn chuyện lão nhận án 2 chục năm tù, tiền bạc danh tiếng mất hết nhưng em diễn viên có gương mặt như đức mẹ đồng trinh vẫn đều đặn thăm nuôi, nhất quyết không bỏ lão cho tới khi lão xé sổ thăm nuôi của cô – cái đó là bảo chứng bằng vàng cho cái miệng thần sầu quỷ khốc trên đời hiếm gặp. Tất nhiên, loại như lão đó cao cao tại thượng, đâu phải ai cũng có thể mở miệng nhờ vả. Đám kém tên tuổi sẽ lo những vụ nhỏ nhặt hơn: chạy án với công an, hòa giải mấy vụ đánh lộn, hoặc đơn giản hơn là điều đình với đám con nợ và chủ nợ. Cái loại vụ việc như của thằng nhóc con này, tùy tiện kêu một gã buôn nước bọt nho nhỏ tới cũng có thể làm xong chuyện. Nhất là khi thằng cha này có cái biển số của lão Ngọc cấp cho, làm việc cũng dễ dàng hơn rất rất nhiều.

Con nhỏ ngó lão, vừa biết ơn vừa sợ sệt. Thiệt tình ngó cái bản mặt lão, ai chưa quen biết mà dám dòm thẳng vô cũng có thể tính là người can đảm chớ bộ. Lão cũng không để ý, lùi ra một chỗ gọi điện thoại. Tôi nắm tay con nhỏ, lắc lắc:

– Xong chuyện rồi, về đi em. Lát có gì ảnh gọi điện lại báo cho mình.

Con nhỏ im re bước theo tôi, đi qua lão lí nhí chào nhỏ xíu. Lão gật gật đầu, ánh mắt lại liếc qua tôi một cái đầy nham hiểm. Bậy à nha. Sao thứ người gì đâu tối ngày nghĩ ẩu tả về em út vậy trời.

Con nhỏ leo lên xe, ngồi xuôi xị đằng sau. Coi bộ giờ nó mới hoàn hồn, bắt đầu cắc cớ:

– Ủa anh mượn xe của ai mà sang dữ vậy?

Tầm này tôi cũng chẳng còn bụng dạ gì xạo con nhỏ, thở dài:

– Xe của anh đó.

Con nhỏ không nói thêm gì, coi bộ đang suy nghĩ dữ lắm. Tôi chở nhỏ đi một vòng, kiếm quán ăn khuya. Con nhỏ cả ngày còn chưa ăn gì vô bụng, tôi cũng vậy. Nhưng có tôi là ăn ngon lành, con nhỏ ngồi gắp vài gắp, cái mặt lại buồn thiu. Tôi cũng chẳng ép con nhỏ. Tâm trạng nó vầy giờ ăn làm sao vô. Tôi đưa con nhỏ về nhà. Xe dừng trước cửa, con nhỏ tần ngần một hồi lâu, xem chừng muốn nói với tôi điều gì đó nhưng không mở miệng nổi. Tôi vỗ vỗ vai con nhỏ, kêu:

– Thôi được rồi, em đi vô đi kẻo lạnh. Muộn rồi có sương đó.

Con nhỏ dạ một tiếng nhỏ xíu, quay mặt đi vô trong nhà. Tôi nổ máy xe, quay đầu lại. Đường về khuya vắng tanh vắng ngắt, lạnh căm căm. Tôi đi qua một cửa tiệm còn sáng đèn, thấy bày vài cái bánh bao đang bốc khói nghi ngút, lại lo con nhỏ ăn có chút xíu đêm đói bụng. Tôi dừng xe, ghé lại mua vài cái bỏ vô bọc nilon, quay đầu xe chạy về hướng nhà con nhỏ.

Tôi gõ cửa. Con nhỏ hớt hải chạy ra. Ngó thấy tôi, gương mặt con nhỏ vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ. Tôi tháo bọc bánh bao trên xe đưa qua con nhỏ, dịu dàng:

– Hồi nãy em ăn có chút xíu, anh sợ em đói bụng nên mua thêm. Lát hồi ăn đi nha.