Giang phụ nói:
"Người thân của người bạn học kia của bố đúng là rất trâu bò, có cả một nhà máy của riêng mình. Tiếc là sau này bởi vì kinh doanh không tốt, không theo kịp trào lưu phát triển của thời đại, mà chưa tới mấy năm đã phá sản."
Giang Phong nghe thấy thế liền giật mình, người có thể phát triển thật sự ở thời đại đó đều là những đại lão tiếng tăm lừng lẫy, những người khác chỉ là heo trên đầu gió, khi gió ngừng, đương nhiên chúng sẽ ngã xuống.
Bọn họ vừa đi vừa nói chuyện, rất nhanh đã đi tới trấn trên, Giang Phong dừng xe, hắn đi xuống mua hai túi hoa quả tươi lớn, sau đó chạy xe thẳng tới nhà bà ngoại ở trấn Lãng Sa.
Trấn Lãng Sa cũng là một trong những thôn trấn nằm trong sự quản lý của huyện Bách Lương, khoảng cách từ trấn Thanh Hà tới đó khoảng ba mươi, bốn mươi cây số. Nhưng mà nhờ có "chính sách sửa sang lại đường thôn", mà giao thông đã thuận tiện hơn rất nhiều.
Hơn một tiếng sau.
Một nhà ba người Giang Phong đã lái xe tới được nhà bà ngoại.
Bởi vì Giang mẫu đã báo trước, cho nên lúc Giang Phong tới, cậu út đã gϊếŧ gà rồi, đang nấu nó ở trong một cái nồi lớn, còn cậu út thì ngồi trước lò đất canh lửa.
Chuyện này hoàn toàn không phải là do nhà cậu út nghèo, phải dùng cách thức đó để nấu, mà là do cậu út khá thành thạo phương diện này, cậu cảm thấy đồ ăn dùng khí ga nấu không ngon bằng dùng củi lửa nấu. Vì thế, nhà cậu út bây giờ dùng cả hai loại bếp nấu là khí ga và củi lửa.
Bình thường khi nấu những món ăn thường ngày như xào thịt heo, rau xanh, đậu hủ, thì đa phần đều sử dụng khí ga, bởi vì việc đốt củi thật sự rất phiền toái. Chỉ khi nào nhà bọn họ làm những món như xào gà, vịt, dê, bò...hoặc là bạn bè, thân thích tới làm khách, thì cậu út mới dùng lò đất, dùng củi lửa để nấu ra mùi vị ngon nhất của món ăn mà thôi.
"Bà ngoại, cậu út!"
Giang Phong vừa vào cửa liền chào.
"Mẹ!"
Giang phụ và Giang mẫu cũng vẫy tay chào hỏi.
"Tiểu Phong tới rồi!"
Bà ngoại dùng vẻ mặt tươi cười chào đón, oán giận nói:
"Mấy đứa tới là được rồi, còn mua nhiều đồ tới như thế để làm gì!"
Giang Phong đặt hoa quả lên trên bàn, sau đó nắm lấy tay của bà ngoại, nói:
"Không mua gì nhiều cả.
Bà ngoại, gần đây cơ thể của bà như thế nào?"
Bà ngoại cười vui vẻ, nói:
"Tốt, cơ thể của bà rất tốt, một bữa có thể ăn tới hai bát cơm lận đó!"
Một bên khác, Trương Cường thấy một nhà ba người chị hai mình trên tay cầm theo nhiều quà như thế liền kinh ngạc, nói:
"Chị hai, sao mua nhiều đồ thế? Trời ạ, lại còn mua rượu Mao Đài nữa. Chị hai, chị phát tài à?"
Trương Mai thấy ánh mắt ngạc nhiên của em trai mình liền đưa rượu Mao Đài và lá trà cho em trai, bà cười thỏa mãn, nói:
"Phát tài gì chứ, những thứ này đều là quà người khác tặng."
Trương Mai nói tới đây thì lập tức hỏi:
"Vợ em đâu?"
Trương Cường nhận lấy quà, nói:
"Cô ấy đi ra vườn hái chút rau, có lẽ cũng sắp về rồi đấy!"
Lúc nói chuyện, Trương Cường theo bản năng nhìn thoáng ra ngoài cổng, kết quả không thấy được vợ mình, mà lại thấy một chiếc xe đang dừng ở cửa nhà mình, Trương Cường không khỏi mở to hai mắt, nói:
"Chị hai, mọi người tự lái xe tới đây hả? Xe này không có bảng hiệu ở trên, không lẽ mọi người vừa mới mua xe?"
Trương Mai mỉm cười, khẽ gật đầu, nói:
"Đây là xe mà Tiểu Phong mới mua!"
Trong vườn rau.
Trần Quế Anh đội nón rơm, đầu tiên là hái một nắm lớn rau muống non, sau đó lại nhổ mấy cây tỏi, rồi mới cầm đồ ăn đi về nhà.
Trần Quế Anh có được đặc tính cần cù, chịu khó của một người phụ nữ nông thôn, không chỉ dọn dẹp mọi thứ trong nhà gọn gàng, còn chăm sóc vườn trái cây, vườn rau rất tốt, thậm chí còn biết sơ về việc nuôi heo vịt gà.
Ngoại trừ những việc đó, Trần Quế Anh còn vô cùng hiếu thuận với cha mẹ chồng, Trương Cường có thể cưới được bà làm vợ có thể nói là một bước lên trời!
Nhưng mà, trên đời này không có ai là hoàn hảo cả, Trần Quế Anh gì cũng tốt, chỉ có điều bà lại là một người thích nịnh nọt, cho nên thái độ đối xử giữa người với người có sự chênh lệch rất lớn.
Ví dụ như thái độ của Trần Quế Anh đối với ba chị em bên chồng:
Chị chồng Trương Cầm gả cho một người thầy giáo, bây giờ người thầy giáo ấy đã trở thành hiệu trưởng của trường tiểu học trong thôn bọn họ, tuy điều kiện trong nhà không quá tốt, nhưng được một điều rằng, thân phận ấy rất được mọi người trong thôn tôn trọng.
Cho nên, thái độ của Trần Quế Anh đối với gia đình chị chồng khá tốt, thỉnh thoảng còn cho chị chồng một ít khoai lang, khoai sọ, củ sắn, đậu phộng,...mà nhà mình trồng.
Cô em chồng Trương Trân thì gả cho một người làm nghề kinh doanh, nhà họ mở một cửa hàng bán sỉ ở trong trấn, mặc dù bởi vì thị trường cạnh tranh quá lớn, một năm không thể kiếm khoa trương tới mức được mấy triệu tệ, nhưng mà một năm có thể kiếm được hai, ba trăm ngàn tệ là chuyện bình thường.
Với mức thu nhập như thế, em chồng đã trở thành người có tiền nhất trong ba chị em bên chồng. Vì thế, thái độ của Trần Quế Anh khi đối xử với người em chồng này hoàn toàn như một người khác. Bình thường, bà không chỉ đưa khoai lang, khoai sọ, củ sắn, đậu phộng,...nhà mình chồng sang cho em chồng, mà thỉnh thoảng còn tốt tới mức sẽ cho nhà họ mấy con gà, vịt được nuôi cực kỳ tốt, thái độ tốt hơn khá nhiều so với nhà chị chồng.
Chị hai Trương Mai thì gả cho một người nông dân, điều kiện gia đình vẫn luôn không tốt, cho nên thái độ của Trần Quế Anh cũng kém đi một chút.
Đương nhiên, thái độ kém đi chỉ khi đem đi so sánh mới thấy mà thôi, EQ của Trần Quế Anh còn chưa thấp tới mức tỏ vẻ mặt gì ra ngoài. Bà chỉ đưa "đặc sản" cho người chị hai này không nhiều như hai người kia mà thôi.
Cho tới tận bốn năm trước, khi Giang Phong thi đậu vào ngôi trường đại học danh tiếng, thì Trần Quế Trân mới điều chỉnh lại một chút thái độ của mình đối với gia đình bọn họ. Mặc dù thái độ vẫn kém hơn một chút so với em chồng, nhưng nếu so với chị chồng thì cũng đã có thể coi là ngang bằng rồi.
------
Dịch: MBMH Translate