Chương 6

Nơi tôi học là thành phố biển Nha Trang xinh đẹp, dọc theo hai bên bờ là các dãy nhà hàng, quán cà phê, quán ăn.. đầy đủ dịch vụ không thiếu loại nào. Sau sự việc mất của đáng tiếc của tôi, và người bạn thân nhất bỏ học, tất cả trở lại quỹ đạo bình thường vốn có của nó. Tôi vẫn đi học mỗi ngày, vẫn phải tiết kiệm tiền về mọi mặt, kể cả việc hạn chế nấu cơm. Có những ngày cuối tháng, ra chợ buổi chiều thường có một ông chú bán bánh mì, năm ngàn ba ổ nhỏ, chúng tôi mua về để dành ăn cả ngày. Đôi khi, phải ra từ rất sớm, nếu không chú bán hết, chúng tôi lại phải nhịn. Cái thời sinh viên vốn dĩ cực khổ đến như thế. Cũng bởi vậy, vào năm hai, tôi rụt rè cũng hai đứa bạn cùng phòng đi kiếm việc làm thêm. Tôi học cả ngày, chỉ rảnh vào thời gian tối, hai đứa bạn cũng vậy, cuối cùng ba đứa thống nhất đi xin làm phục vụ bàn cho quán cà phê.

Dọc theo đường biển, có rất nhiều hàng quán, vậy mà chúng tôi lại chọn một quán cà phê có tên "Bờ biển", chắc đó cũng là cái duyên, ấy thế nên quán này đã gắn liền với tôi suốt quãng đời sinh viên, cũng là nơi tôi gặp gỡ mối tình đầu của đời mình.

Ngay tối hôm ấy, cả ba chúng tôi đều được nhận vào làm. Và bất ngờ hơn, chị chủ còn cho chúng tôi thay đồng phục làm luôn. Thế là, trong ánh mắt mừng rỡ, chúng tôi bị đẩy vào phòng thay đồ. Tối đó về lại phòng trọ, ba chúng tôi vẫn chưa tin được, không ngờ lần đầu tiên đi xin việc làm của mình lại dễ dàng đến vậy. Chúng tôi được nhận vào làm với mức lương 700 nghìn một tháng, làm từ sáu đến mười giờ mỗi ngày. Công việc chỉ là bưng nước, rót nước, tính tiền cho khách.. Nhân viên ở đây đa số là những sinh viên, có cùng trường với tôi, cũng có khác trường, còn có những anh chị nghỉ học sớm, làm thêm để học nghề, nhưng hầu như đều còn rất trẻ. Môi trường công việc làm cho con người ta năng động hơn, hoạt bát hơn và cũng đùm bọc, yêu thương nhau nhiều hơn. Chính nhờ công việc ở quán cà phê này, tôi có thêm được rất nhiều bạn bè, cũng nhiều chuyện xảy ra trong đời khiến bản thân tôi đến nay vẫn còn luyến tiếc.

Còn nhớ sau khoảng một tháng vào làm, tôi đã đυ.ng độ với cậu con trai mặt mũi non choẹt, cao có một mét rưỡi, hơn tôi có vài cm mà mặt lúc nào cũng lạnh tanh với tôi. Hiếm khi thấy tôi mà cậu ấy cười một cái. Thật ra tôi cũng có thích cậu ta gì đâu cơ chứ. Mỗi lần có việc gì xảy ra, ví dụ như tôi làm đổ một ly nước, hay kêu sai một món nào, là cậu ấy cứ nhìn tôi với ánh mắt: "Đồ ngốc nghếch!". Được thôi, tôi ghim. Kể từ sau đó, tôi cứ săm soi cậu ta thật kĩ, để xem cậu ta có giỏi hơn tôi được bao nhiêu mà phách lối đến thế. Nhưng tôi sai lầm rồi, cậu ta làm việc rất tốt, vừa có sức khỏe lại vừa tháo vát, ai cũng khen. Ngay cả cô pha chế nổi tiếng khó tính nghiêm khắc mà cũng cho cậu ta uống nước ép mỗi ngày. Ngoài ra, cái tính cách vênh váo đấy lại chỉ đối với mình tôi, còn ai cậu ta cũng hòa đồng vui vẻ, niềm nở giúp đỡ nhiệt tình lắm. Tôi đắc tội với cậu ta lúc nào vậy chứ?

Càng nghĩ tôi càng điên tiết. Nhưng mà, tính tôi cũng dễ mềm lòng với người giỏi giang. Thấy cậu ta được việc, tôi lại quên mất cậu ta đáng ghét thế nào, mặc dù không thèm nói chuyện với cậu ta nhưng trong lòng đã không còn thù hằn quá lớn nữa. Tình trạng mặt mũi xưng xỉa với cậu ta kéo dài mãi cho đến một hôm, tôi bị cảm, cứ ho húng hắng suốt cả tối, nhưng hôm ấy là cuối tuần, khách đông đến mức tôi muốn uống một cốc nước cũng không được. Còn cách nào khác, làm phục vụ thì nụ cười phải chuyện nghiệp, và tính tôi là không phải là người mang cái khổ của mình cho người khác xem, cho nên đến khoảng chín giờ, khách vắng bớt, tôi đã không còn ngần ngại ngồi vật vã trên ghế, tinh thần rệu rã, ngay cả thở cũng không còn hơi sức nữa. Năm phút sau, bỗng có một ly nước ấm và một bịch thuốc ho chìa ra trước mặt, kèm theo một câu nói đáng ghét của cậu ta: "Làm phục vụ như bà thì khách nào dám đi uống cà phê nữa. Ho cả tối, phun hết các loại virus vào mặt người ta. Uống thuốc đi!"

Tôi choáng. Tôi muốn tôi bị cảm chắc. Nào có ai nói gì đâu, ai cũng thương tiếc hỏi han tôi kìa, chỉ có cậu ta hằn học với tôi như thế đấy. Còn nữa, ai cần cậu ta mua thuốc chứ.. Hừ. Nghĩ thế chứ lần đầu trong đời, tôi được một người tận tay mua thuốc cho, mặc dù cậu ta nói chuyện rất khó nghe, nhưng mà, tôi bị làm cho cảm động rồi.

Tôi cũng không có thời gian để dõi theo cậu, khách đông đúc khiến tôi không kịp thở mà chạy đôn chạy đáo. Đôi lúc vô tình chạm mặt, tôi thấy gương mặt tái nhợt của cậu miễn cưỡng cười cười, bỗng thấy lòng hơi đau. Suốt mấy tiếng đồng hồ sau, bất giác cũng sắp giờ tan ca. Tôi nhìn quanh tìm kiếm xem cậu ta đâu rồi, nhưng không thấy. Tôi vào trong góc quán, mới thấy cậu ngồi trên ghế, mắt hơi nhắm hờ, không biết do mệt vì công việc hay do không khỏe, chân mày cậu nhíu chặt mím môi không nói chuyện.

Tôi khều vai cậu:

"Này, không sao chứ?"

Cậu mở mắt, cười với tôi:

"Không sao, hơi mệt một chút. Hôm nay khách đông quá!".

Tôi không tin, mấy lần trước khách đông cỡ nào, cậu cũng phơi phới. Khi tất cả mọi người đều mệt mỏi nằm vật vờ thì cậu còn hơi sức đi chọc phá người khác cơ mà. Tôi bất giác đặt tay lên trán cậu, nóng đến mức tôi phải rụt lại. Cậu ta sốt rồi, thế mà còn đi làm. Cậu ta không muốn sống nữa hả?

Tôi quát:

"Ông bị điên à, sốt thế này còn bảo không sao?"

Cậu ta nhìn tôi, trong mắt là sự mờ mịt:

"Sốt sao, tôi không biết, chắc tại tối qua không ngủ."

"Làm gì không ngủ?"

Sau một hồi im lặng, cậu cuối đầu xuống rồi nói, giọng rất nhỏ:

"Bà ngoại tôi bị ốm, phải đưa vào bệnh viện, tôi ngồi canh bên ngoài suốt cả đêm, không dám ngủ, sợ bà xảy ra chuyện".

Tôi không thể diễn tả được cảm giác của mình lúc ấy. Vừa đau, vừa xót, có cái gì đó chạm nhẹ nơi tim. Tôi chưa từng thấy cậu ta mệt mỏi, cũng chưa từng thấy cậu yếu đuối như thế bao giờ. Có lẽ phụ nữ có bản năng rất lớn để làm mẹ, cho nên khi thấy cậu ta như thế, tôi chỉ muốn ôm vào lòng rồi bảo: "Không sao đâu, mọi việc sẽ ổn thôi".