Chương 12: Tân Anh và ba nhỏ nắm tay rồi

Bọn họ cứ như vậy dằn vặt nửa yêu nửa hận, tận đến khi Tân Anh lên 5.

Hà Thanh một năm gần gũi với con được vài lần, vào dịp tết, lúc đi viếng mộ Thiên Thanh, hoặc lúc sinh nhật con cùng nhau ăn một bữa cơm tối. Kể từ năm đầu tiên y mắc chứng trầm cảm sau sinh, Đoan Minh mang y theo bên người, để y ra ngoài làm việc, tiếp xúc thế giới, không cần quanh năm chỉ ở trong bốn bức tường nữa.

Hắn mĩ miều nói y là trợ lý tư nhân chuyên lo việc cá nhân, đặt bàn làm việc trong phòng của hắn, tùy thời có thể nhìn đến, tùy thời có thể thích làm gì thì làm. Có thể nói ngoại trừ một năm 2 lần đi viếng mộ phải chịu khổ sở còn lại cuộc sống của bọn họ hầu hết đều bình lặng mà qua, cần ăn thì ăn, cần ngủ thì ngủ.

Đoan Minh từ nhiều năm trước sau khi nhận tổ quy tông thì tiếp nhận xưởng dệt và công ty xuất khẩu lụa tơ tằm của ba hắn, ngày ngày ngồi trong phòng giám đốc lo chuyện lớn nhỏ, một khi vào việc thật sự nghiêm túc, khác hẳn bộ dạng lưu manh lúc lên giường.

Mẹ và đám bạn của Hà Thanh cũng lần lượt tại ngoại, y không còn qua lại với bạn bè nhưng có thể định kỳ về thăm mẹ. Mẹ vẫn như trước kia, khuyên bảo y tự thương lấy mình, mau chóng rời khỏi Đoan Minh nhưng y chỉ có thể động viên bà, nói cuộc sống hiện tại tốt lắm, còn có thể đi làm, có thể nhìn thấy con trai.

Y cho bà xem ảnh của Tân Anh, khoe đứa nhỏ đã đi học mẫu giáo, biết rất nhiều chữ, thật sự vô cùng thông minh, tính cách cứ như một tiểu đại nhân. Một ngày nào đó nhất định để hai bà cháu gặp nhau. Y đưa cho bà thẻ lương sau khi giữ lại một phần nhỏ mua quà cho con, dặn bà phải tự chăm sóc mình thật tốt, dù không ở gần nhưng vài tháng sẽ về thăm bà một lần.

Mẹ lặng lẽ rơi lệ, xin lỗi vì không thể bảo vệ y thật tốt, không thể khiến y suôn sẻ một đời. Xin lỗi đã sinh ra y khiếm khuyết như thế, để y khổ hạnh, sinh con cho người lại phải nặng lòng vì nó không thể thoát thân.

Hà Thanh ôm bà, cũng lặng lẽ khóc, trong lòng tủi hổ bởi đã để bà vì sai lầm của mình mà chịu cảnh tù tội, mất đi thanh danh một đời, đến lúc lớn tuổi cũng không ai chăm sóc.

Có lẽ cuộc sống dù có phần khó khăn nhưng cứ bình thản mà qua nếu như không có sự cố ngoài ý muốn khiến Hà Thanh và con trai có thể gần nhau hơn trước.

Đó là một ngày mưa rất lớn, Đoan Minh phải đi công tác ở miền bắc, bình thường hắn sẽ không đích thân đi xa như vậy, lần này là một ngoại lệ vì phải bàn một mối làm ăn quan trọng, hắn cũng không đưa Hà Thanh theo, có lẽ đây là quãng thời gian lâu nhất mà bọn họ tách nhau ra.

Đoan Minh vắng mặt, Hà Thanh là một trợ lý cá nhân cũng không cần đi làm, y mỗi ngày đều ở nhà từ xa nhìn con trai sớm đi chiều về, nhìn nó chạy trong sân, tự chơi một mình muốn đến gần nhưng không thể. Cho đến một ngày, lúc y đang làm cơm trưa thì điện thoại trong phòng khách reo ầm ĩ, ban đầu Hà Thanh không định nghe nhưng trong nhà ngoài y cũng không có ai, điện thoại reo đến phiền lòng. Y bỏ đồ trong tay xuống, rảo bước đi đến, nắm lấy ống nghe, bên kia là giọng nữ cấp bách, có chút nghẹn ngào:

“Xin hỏi điện thoại nhà ngài Triệu phải không?”

“Phải rồi.”

“Tôi là cô giáo của Tân Anh, xin hỏi có thể gặp ngài Triệu được không, tôi có chuyện gấp cần nói với ngài ấy.”

“Hiện ngài Triệu đang bận, có chuyện gì cô cứ nói, tôi sẽ chuyển lời đến ngài ấy ngay.”

“Tân Anh đang ở trong bệnh viện cấp cứu… chúng tôi…”

Vừa nghe đến đó ngực Hà Thanh thắt lại, y hỏi ngay: “Đã xảy ra chuyện gì?”

“Lúc trưa nay có bạn nhỏ sinh nhật, tụi nhỏ chia nhau hoa quả và nước ép, có lẽ Tân Anh đã uống nhầm phải nước ép xoài. Ngay khi phát hiện chúng tôi đã lập tức sơ cứu và đứa bé vào bệnh viện, hiện tại cần người nhà có mặt...”

“Cho tôi địa chỉ, chúng tôi sẽ đến ngay… được… được…”

Hà Thanh cả người run rẩy, cắn ngón tay cố lấy lại bình tĩnh. Y quay số Đoan Minh nhưng hắn không bắt máy, gọi thư ký thì máy bận. Điện thoại gọi không được, cũng chẳng thể mặc con trai ở bệnh viện không quan tâm, mặc kệ thế nào đó cũng là đứa nhỏ chảy chung dòng máu với y.

Tân Anh từ nhỏ đã dị ứng xoài, lúc đưa đi học Đoan Minh rõ ràng đã dặn kỹ các cô giáo, bọn họ cũng thật lưu ý, chưa bao giờ cho thằng bé ăn, hôm nay thế nào lại sơ ý như vậy.

Cuống cuồng chạy lên phòng lấy ví tiền, điện thoại và chìa khóa xe, Hà Thanh lao ra ngoài nhưng còn chưa mở được cửa xe đã bị người ngăn lại.

“Ông chủ nhỏ, mấy ngày này không thể ra ngoài.”

“Tôi đi bệnh viện, Tân Anh đang cấp cứu trong đó.”

“Nhưng ông chủ trước khi đi đã dặn...”

“Giờ không gọi được cho anh ta, tôi không thể không đi. Buông tay.”

“Ông chủ nhỏ, xin đừng làm khó chúng tôi.” một đám người lập tức quây xung quanh, bộ dạng không thể thương lượng.

“Còn Tân Anh thì sao? Thằng bé bị dị ứng đang nằm trong bệnh viện không rõ sống chết, người nhà không thể không đến. Các người đi theo nhìn chằm chằm không phải được rồi sao? Triệu Đoan Minh cũng không phải cầm tù tôi, các người linh động xử lý chút đi.”

Bởi một lời này, mà bốn người đàn ông cùng nhau tới bệnh viện, bọn họ sau khi xuống xe thì rầm rầm chạy vào, một người nhỏ nhắn mặc quần áo thun nhã nhặn bộ dạng khẩn trương chạy phía trước, đuổi theo sau là ba gã đàn ông to cao vạm vỡ mặt không biểu cảm.

Lúc cô giáo nhìn thấy bọn họ cũng hết cả hồn, còn sợ người nhà Tân Anh mang người tới đàn áp hỏi tội các cô, nước mắt vừa mới lau khô đã ào ào chảy đầy mặt, ai nấy đều run cầm cập chực quỳ xuống đến nơi.

Hà Thanh chạy đến đã thấy con trai hai mắt nhắm nghiền đang nằm truyền nước, đứa nhỏ mới chỉ uống vài ngụm nước ép xoài nhưng do dị ứng quá mạnh nên mới có vẻ nghiêm trọng, cũng may xử lý kịp thời nếu không hậu quả thật sự không ai gánh chịu nổi.

Nhìn con nhỏ gần trong gang tấc đang nằm ngoan ngoãn ngủ, trên mặt vẫn còn vài nốt phát ban nhưng không ảnh hưởng dáng vẻ bụ bẫm khôi ngô của nó, hai mắt y cay xè, đỏ hoe. Y đưa con vào nằm phòng dịch vụ, sau đó mới quay đầu nói chuyện với hai cô giáo trẻ đang sụt sịt lau nước mắt phía sau.

“Cảm ơn các cô đã kịp thời đưa bé đến bệnh viện sớm. Hiện tại bé đã ổn định rồi, tôi sẽ chăm sóc bé, các cô không cần lo lắng nữa ạ.”

“Cảm ơn anh, rất xin lỗi vì đã không trông chừng bé cẩn thận ạ.”

“Mọi người đều vất vả rồi, để người nhà tôi lái xe đưa các cô về lại trường học nhé.”

Hà Thanh lễ độ nói cảm ơn, cũng không tỏ ý trách cứ gì, còn không cho các cô từ chối đã sai người lái xe đưa về, còn mình quay lại phòng bệnh, ngẩn người ngồi ngắm con ngủ.

Thật hiếm hoi được ở gần con như vậy, có lẽ là lần đầu tiên, ở vào lúc con ngủ được ngồi bên cạnh. Hà Thanh vươn tay, vừa sợ sệt vừa mong chờ nắm lấy bàn tay nhỏ xíu mềm mại đang rũ bên người con, nước mắt không kìm được lặng lẽ chảy xuống. Xúc cảm khi chạm vào con trai bé bỏng càng khiến khao khát được gần con của y bành trướng hơn, y nghĩ, có lẽ y không thể rời xa nó được nữa rồi, cho dù phải vứt bỏ đi bản thân mình y cũng muốn ở cạnh con, cho dù có phải chết.

Lúc Tân Anh tỉnh lại, ngoài mong đợi mà nhìn thấy người ngồi cạnh không phải ai khác mà lại là người ba nhỏ rất hiếm khi được tiếp xúc. Từ rất lâu rồi nó luôn tò mò về người này, dù bọn họ sống trong một khoảng sân rất gần nhưng nó thật ít khi được gặp. Người này luôn cùng ba như hình với bóng nhưng ba sẽ tới căn nhà chếch phía sau chơi với nó, ăn tối cùng nó, hoặc mỗi buổi sáng sau khi tập thể dục ba sẽ chạy tới đánh thức nó dậy, hối thúc nó đánh răng và ăn sáng cùng nó. Còn người mà nó gọi là ba nhỏ này chưa từng gần gũi nó như vậy.

Nó tò mò, cũng khó hiểu với ánh mắt người này mỗi khi cả hai đến gần nhau. Một năm chỉ vài lần, một vài bữa cơm, vài tiếng chào hỏi, nó thậm chí còn quên mất tên người này. Nhưng không hiểu tại sao nó vẫn luôn muốn nhìn thấy, muốn gần gũi một chút, muốn thử cảm giác được người này bế trên tay, được người này nắm tay dạy viết chữ. Thật muốn, ngay cả lúc này cũng vậy.

“Ba nhỏ…” nó bẹp miệng gọi, thấy người nọ đứng bật dậy, tay chân bối rối vụng về, ánh mắt đẫm nước nhìn nó, vừa nghẹn ngào vừa run rẩy hỏi nó:

“Con… con nhận ra ba sao?”

“Vâng ạ.”

“Con có đau chỗ nào không?”

Người nọ liên tục hỏi, trước sau cứ luống cuống quay trái quay phải bên giường, không biết nên làm thế nào, nên chạm vào đâu.

“Mặt con ngứa.”

Người nọ nghe nó kêu thì ngẩn người, ngay khi nó muốn đưa tay gãi lên mặt thì ngăn lại, bàn tay lớn bao lấy bàn tay nhỏ, thật ấm, cũng thật mềm.

Người nọ dịu dàng nắm tay nó đặt xuống giường, dùng bụng ngón cái xoa nhẹ lên má nó, dịu giọng dỗ dành:

“Con đừng gãi, để ba xoa cho con.”

“Dạ.”

Người nọ ngồi bên giường, dùng ánh mắt trìu mến dịu dàng nhìn nó, xoa nhẹ mấy vết tấy trên da, khẽ khàng hỏi nó chỗ nào khó chịu, hỏi nó muốn ăn cái gì, hỏi nó bình thường thích gì, ghét gì.

Bọn họ một lớn một nhỏ trò chuyện như đã từng thân nhau từ rất lâu, không còn như lúc trước dù thường xuyên thấy mặt mà chẳng chào hỏi một lời. Khi cả hai nói đến chuyện vui còn khúc khích cười, con trẻ ngây ngô, nói chuyện trên trời dưới biển, hỏi thật nhiều, cũng kể thật nhiều.

Bọn họ từ xa cách đến hòa hợp lạ kỳ, mà kể ra cũng chẳng có gì lạ, dù có thể nào trong người bọn họ cũng chảy chung dòng máu.