Tải app Android hoặc iOS để đọc truyện nhanh hơn

Hỗ trợ: Fanpage TruyenHD

Chờ Em Đến San Francisco

Chương 13: Thu montmartre

« Chương TrướcChương Tiếp »
Mùa thu có thể làm nhiều người lần đầu đến Paris bắt gặp cảm giác lạnh lẽo nhưng rung động sâu xa. Những cơn gió từ sông Seine tràn đến, tê tái, bồi hồi. Cây cối dần chuyển màu từ xanh sang đỏ rồi vàng đậm và cuối cùng là rụng từng đợt tràn ngập phố phường. Những tòa nhà cổ kính đẹp trầm mặc trong làn gió thu rét ngọt. Khách bộ hành rảo bước chậm lại, tay che dù dưới làn mưa rơi lất phất. Không khí cô đặc một màu xám u sầu.

Tôi đã đến Paris trong nhiều đợt công tác khi còn làm cho một công ty dược ở Pháp. Tôi đã ngắm Paris đủ cả bốn mùa. Tôi thích mùa xuân đầy hoa rực rỡ làm bừng sáng những ngõ nhỏ dẫn lên đồi Montmartre. Tôi yêu mùa hè sôi động với quá nhiều khách du lịch và con đường dọc sông Seine được trang hoàng như một bờ biển phía Nam.

Nhưng tôi khá bối rối với mùa thu, dù Paris thật lãng mạn với phông nền vàng của hàng cây đang trút lá. Mùa thu là lúc thời tiết đã trở lạnh, cỏ cây dần trơ trụi báo hiệu mọi sức sống của thiên nhiên đang lụi tàn. Mùa thu làm người ta thấy bồn chồn, hồi hộp và ngán ngại. Chỉ còn vài tháng ngắn ngủi nữa là mùa đông lạnh lẽo sẽ đến. Mùa thu không đem đến bất cứ hy vọng nào. Và tôi thật sự biết ơn mùa đông, vì chỉ khi đang ở giữa mùa đông, người ta mới phấn chấn hơn khi nghĩ đến tương lai tươi đẹp phía trước. Vì rồi xuân sẽ đến với tiết trời ấm áp, vạn vật được hồi sinh và tình yêu cũng trở lại.

Tôi chưa từng đến Paris bằng ngân sách cá nhân mà tất cả các chuyến đi trước đó đều do công ty cũ chi trả. Khi rời khỏi công ty dược của Pháp, tôi biết cơ hội đi Paris miễn phí đã hết rồi. Nhưng tôi sẽ có ngày trở lại Paris vì đây là một thành phố rất xứng đáng, dù có phải tự chi trả bằng tiền túi của mình.

Đến Paris vào mùa thu không phải là một chọn lựa thông minh. Nhất là lý do đến đây chỉ để gặp lại chàng trai của quá khứ. Tôi hình dung nỗi thất vọng khi gặp lại Bình trong khung cảnh u sầu của mùa thu sẽ làm tôi điêu đứng. Nhưng cuối cùng tôi cũng quyết định khi Bình đề nghị gặp nhau ở Paris vào đầu tháng chín nhân lúc anh nghỉ phép sang châu Âu.

Tôi đã qua cái tuổi lãng mạn khi ngồi chép những bản nhạc Pháp trong băng cassette rồi cùng Bình hát nghêu ngao. Tôi mường tượng Bình vẫn còn lãng tử kiểu Julio Iglesias thì không thấy hứng thú nữa. Nhưng tận sâu trong tâm hồn, tôi biết rằng cái năm mười tám tuổi đó là những tháng ngày êm đẹp nhất đời mình. Thì cứ gặp lại vậy, gặp lại gã trai bảnh bao, thông minh, đàn hay, hát giỏi. Cứ gặp lại vậy, dù tóc anh đã chớm bạc, dù trán có nếp nhăn, dù mắt trông mỏi mệt, dù anh có bệ vệ ra, nặng nề theo năm tháng. Và cứ gặp lại vậy, cho anh nhìn tôi tường tận bằng xương bằng thịt chứ không phải chỉ là những tấm hình đã được photoshop đưa lên facebook để câu "like".

Cứ gặp lại, cho cả hai chán chê nhau, cho Bình thoát ra khỏi những giấc mơ của tôi, cho tôi được tự do không vướng bận những hình ảnh thơ mộng cũ.

Vậy là giờ đây tôi đến Paris với mùa thu vàng lạnh lẽo và tài khoản của tôi bị trừ đi gần ba ngàn đô la tiền vé máy bay và một tuần khách sạn. Mẹ tôi vui vẻ thấy giờ đây tôi làm cho công ty của Mỹ nhưng cơ hội đi công tác bên Pháp vẫn duy trì. Làm việc cho tập đoàn đa quốc gia có khác, luôn được đi công tác khắp mọi châu lục. Khi tôi ra khỏi nhà chuẩn bị ra phi trường, mẹ tôi ngạc nhiên không thấy tôi xách theo laptop. "Không cần, vì bây giờ công ty phát thêm Ipad rồi, dùng Ipad để đi họp nước ngoài tiện hơn!"

Trên taxi ra phi trường tôi thở dài ngao ngán. Ở cái tuổi này mà tôi vẫn còn phải nói dối phụ huynh để được đến điểm hẹn với trai. Tôi thấy mình vừa buồn cười vừa sến sến làm sao. Nhất là còn hẹn hò ở Paris. May mà Bình không đề nghị "Hai đứa mình gặp nhau trên tháp Eiffel". Mà tại sao Bình cứ một mực đòi gặp ở Paris và tại sao tôi yếu ớt tới mức chấp nhận tức khắc lời đề nghị làm tốn của tôi mấy ngàn đô la?

Trong tâm trạng bực bội vì thấy mình vừa sến vừa dại trai, tôi leo lên máy bay ngẫm nghĩ lại đời mình. Nếu như trong sự nghiệp tôi có tầm nhìn và kiên định bao nhiêu thì trong tình cảm tôi lại mất phương hướng và bất định bấy nhiêu. Trong công việc không ai có thể chê trách tôi và tôi cũng không bao giờ thấy hối tiếc về những gì mình đã ra quyết định. Nhưng trong mọi vấn đề liên quan đến tình cảm, tôi luôn thấy mình bối rối, hôm nay nghĩ thế này ngày mai lại thấy không ổn. Và cái chuyện hẹn hò với Bình ở Paris lần này đúng là một ví dụ điển hình cho tình trạng bất định của tôi.

_ Hình như cô đang gặp chuyện không vui? – Ông hành khách người Pháp ngồi kế bên tôi bắt chuyện – Tôi thấy cô thở dài hoài?

_ Chuyện cá nhân – Tôi liếc sang, thái độ lạnh lùng – Ông sống ở Việt Nam lâu rồi nhỉ?

_ Sao cô biết? – Ông Pháp cười vui vẻ - Ba năm rưỡi rồi...

_ Tại tôi thấy ông mắc bệnh tò mò giống người Việt Nam – Tôi khó chịu ra mặt – Ông cũng lấy vợ Việt Nam luôn rồi chứ gì!

_ Lấy vợ Việt Nam thôi mà – Ông Pháp bật cười – Làm gì cô nhăn nhó giống như tôi lấy phải con đười ươi cái vậy chứ!

Tôi nhịn không nổi trước vẻ hài hước thân thiện của người ngồi cạnh nên cũng bật cười lại. Thật ra tôi ác cảm với mấy ông Pháp đang độ tuổi sồn sồn. Họ hay tán tỉnh lung tung, gạ tình đủ kiểu. Đàn ông bình thường ở độ tuổi này vốn hay muốn níu kéo tuổi xuân nên thích làm duyên làm dáng với phụ nữ. Đàn ông Pháp còn dễ sợ hơn. Họ ỷ vào tài ăn nói hài hước, vào khả năng trò chuyện thân thiện và cả vẻ điển trai của riêng ông Trời dành cho đàn ông Pháp để bủa vây các cô gái châu Á ít kinh nghiệm tình trường.

_ Cô sang Pháp đi chơi hay đi công tác – Ông Pháp tiếp tục tấn công – Trông cô cười nhìn đẹp hơn hẳn lúc cáu bẳn khi nãy...

_ Tôi đi chơi thôi, tôi thích mùa thu Paris...

_ Rất lãng mạn – Chưa kịp cho tôi kết thúc câu, ông Pháp nhảy vào nói tiếp – Cô có hẹn với đàn ông ở Paris? Một người bạn trai lâu năm chưa gặp lại? Mối tình thời dại khờ trong sáng?

_ Sao ông biết? – Tôi thốt lên kinh ngạc – Trên mặt tôi có ghi chữ gì đại loại như thế à?

_ Trông cô bồn chồn và thẫn thờ, lại còn cáu kỉnh như những cô gái tuổi teen – Ông Pháp mỉm cười thấu hiểu – Tay cô không đeo nhẫn cưới, cũng không có quầng trắng của người thường xuyên đeo nhưng giờ tháo tạm ra. Mái tóc này thì rõ ràng là vừa được cắt và sấy lại với những nếp quăn còn rất mới. Cô muốn trông mình trẻ nhất có thể so với độ tuổi.

_ Ông nhiều kinh nghiệm quá! – Tôi phì cười – Ông còn nhìn ra điều gì từ tôi không?

_ Có, cô rất duyên dáng – Ông Pháp nhìn sâu vào mắt tôi – Và cô cũng rất cá tính, theo kiểu thách thức và cóc cần đàn ông. Tôi ước chàng trai đang chờ cô ở Paris là một người Pháp. Vì người Việt Nam chắc không hợp với cô lắm.

_ Tôi đang hẹn với... một người Mỹ - Tôi đánh lạc hướng – Ông thấy sao?

_ Người Mỹ!!! – Ông ta thốt lên đầy bất mãn – Trời Đất ơi!!!

_ Người Mỹ thôi mà – Tôi nhìn ông trêu chọc – Làm gì ông la lối giống như tôi đang hẹn với con đười ươi đực vậy! Thôi tôi ngủ một chút đây, tôi không muốn ngày mai khi đến Paris mắt tôi có quầng thâm và da nhăn lại vì thiếu ngủ.

Tôi quay mặt sang hướng khác, giả bộ ngủ để khỏi trò chuyện gì nữa. Mấy ông Pháp mà nghe nhắc đến Mỹ thì hay tỏ thái độ chê bai đủ kiểu. Nào là thô kệch, nhà quê, chỉ biết có tiền, không hiểu gì về nghệ thuật, vân vân và vân vân.

Tôi lại thở dài, nghĩ đến John và chuyến bay sang Mỹ mới vài tháng trước. Giá mà ngồi kế bên tôi trong chuyến bay dài khuya nay sang Paris là John chứ không phải ông sồn sồn người Pháp này. Ôi anh chàng người Mỹ điển trai còn độc thân của tôi.

E-mail cuối cùng John gởi cho tôi từ hơn ba tháng nay. Dòng tái bút anh viết: "Hẹn gặp lại em ở Sài Gòn trong một ngày không xa, tôi chắc chắn sẽ còn trở lại thành phố này. Hãy giữ liên lạc nhé.". Nhưng đã không có liên lạc gì. Đơn giản vì tôi không hồi âm e-mail đó. John cũng không thừa thời gian để quan tâm thêm.

"Chúc cô hạnh phúc với người đàn ông của mình sau bao nhiêu năm mới gặp lại! Cô xứng đáng được nâng niu!", ông Pháp ngồi cạnh chia tay tôi khi máy bay hạ cánh. Nói gì thì nói, đàn ông Pháp vẫn biết cách lấy lòng phụ nữ. Tôi không hẹp hòi gì mà không cười với ông một cái thật tươi và cảm ơn chân thành. Ông cố nói với theo "Và hãy tận hưởng mùa thu Paris nhé!"

Mùa thu Paris đón tôi bằng cơn gió lạnh ngọt ngào. Dù bầu trời đang rất xám, tôi dặn lòng "hãy nhìn đời màu hồng". Tôi tốn mấy ngàn đô la để sang Paris, không "hồng" không được. Đã lỡ sến rồi, thì sến thêm tí một tí cũng không sao. Thế là miệng tôi lẩm nhẩm hát "La vie en rose" và kéo valise xuống xe điện ngầm, tìm đường vào trung tâm thành phố.

Tôi có một ngày rưỡi ở Paris yên ổn một mình trước khi gặp Bình. Trưa mai lúc một giờ anh sẽ từ Thụy Sĩ đến Paris bằng xe lửa tốc hành TGV. Tôi hứa ra ga "Gare de Lyon" đón anh và cả hai sẽ cùng về khách sạn của tôi. Trong e-mail, tôi cố gắng giải thích cho anh hiểu "Khách sạn ở Paris rất mắc nên không cần phải thuê hai phòng riêng biệt cho anh và em. Tuy nhiên, em sẽ thuê một căn hộ Citadines ở khu Montmartre. Đây là dạng căn hộ dịch vụ, giống như khách sạn nhưng phòng thì rộng như căn hộ nhỏ. Căn hộ đó có một phòng ngủ và một phòng khách rộng với ghế sofa có thể kéo ra làm giường. Coi như là hai phòng ngủ. Căn hộ cũng có bếp để mình tự nấu ăn, tiết kiệm tiền ăn nhà hàng. Vậy nên anh em mình ở chung một căn hộ thì không có gì bất tiện mà còn tiện lợi mọi đường."

Bình không có ý kiến gì về sự sắp xếp của tôi. Anh chưa từng đến Paris nên hoàn toàn tin tưởng tôi sẽ làm một hướng dẫn viên du lịch chu đáo. Anh ở Thụy Sĩ bốn ngày để thăm một người chú ruột trước khi sang Paris gặp tôi.

Sân thượng căn hộ ở Citadines khá lãng mạn với hai chiếc ghế mây, lý tưởng để nằm sưởi nắng và ngắm Paris từ trên cao. Nhưng tiếc là đang mùa thu với những cơn gió rét ngọt nên tôi chỉ đứng vài phút là phải lui trở vào bên trong. Tôi sẽ làm gì cho đến hết một ngày trước khi gặp Bình đây. Không thể trùm mền nằm tự kỷ một mình, tôi quyết định khoác áo vào đi dạo lên đồi Montmartre. Mùa thu, đường lên đồi ít hẳn khách du lịch nên cảm giác rất lãng mạn. Nhà thờ Sacré Coeur trên đỉnh đồi cũng trầm mặc hơn. Tôi mở cửa bước vào thăm nhà của Chúa vài phút, ngắm những bức tranh ghép kính tuyệt đẹp rồi bước ra mà không biết phải cầu nguyện điều gì. Tôi luôn cho rằng cuộc đời mình không nên dựa vào thần thánh, mọi việc đều phải tự mình quyết định lấy. Thiên hạ vài tỉ người, làm sao Chúa nghe hết mà cứ cầu nguyện xin xỏ đủ điều.

Nhưng khi bước chân ra khỏi nhà thờ, cơn gió thu lạnh lẽo ùa đến xoắn lấy cơ thể tôi, tóc tôi bay rối bù vô định. Phút giây đó tôi muốn quay ngược vào nhà thờ cầu xin Chúa cho tôi một ai đó để ôm vào vòng tay ấm áp, để vuốt mái tóc đang rối bù được nằm xuôi xuống ngoan ngoãn. Tôi lạnh lẽo và cô đơn đến tuổi này là đủ lắm rồi. Ngày mai Bình sẽ đến, dù anh còn "bánh" hay "bèo" đi nữa, tôi cũng cố tìm chút hơi ấm từ anh.

Quảng trường Tertre trên đồi Montmartre mùa thu vắng lặng hẳn, các họa sĩ vẫn đang đứng vẽ trong làn gió thu. Những khách du lịch vào mùa hè phải xếp hàng để được vẽ truyền thần giờ chỉ còn lác đác vài người. Họa sĩ vì ít khách nên chắc vẽ kỹ hơn. Tôi chưa bao giờ thử ngồi xuống cho họa sĩ vẽ một bức chân dung. Tôi luôn ngại bị quá nhiều người đứng xung quanh chỉ trỏ, ngắm nghía, bình phẩm. Hôm nay tôi đột nhiên quyết định, mình sẽ có một bức truyền thần từ một họa sĩ trên đồi Montmartre. Tôi nói với ông họa sĩ đừng cố gắng vẽ tôi đẹp hơn bình thường, tôi thế nào thì họa lại thế ấy thôi. "Nhưng nếu ông vẽ tôi xấu hơn thực tế, tôi không trả tiền đâu đó!". Tôi đùa với ông họa sĩ già có giọng nói mang âm hưởng Đông Âu. Tôi muốn trò chuyện với ông cho không khí bớt căng thẳng nhưng ông thích tập trung vào công việc.

Cuối cùng tôi cầm trên tay bức chân dung của mình, tôi biết ông họa sĩ không giữ lời hứa, trông tôi lung linh hơn ngoài đời thật. Tôi tỏ ý trách móc vì tranh không giống. Ông già ngạc nhiên "Mọi khách hàng của tôi đều vui khi thấy họ đẹp hơn trong tranh. Chưa có ai than phiền như cô hết. Cô quả rất khó chiều".

Những họa sĩ trên đồi Montmartre này đã thuộc lòng bài học tâm lý, ai cũng muốn mình đẹp, nhất là lúc họ đang ở Paris. Phải có một lý do gì đặc biệt họ mới đến Paris, mới leo mấy trăm bậc thang lên quảng trường Tertre. Và phải có một lý do gì khiến họ quyết định vẽ một bức truyền thần. Không bao giờ nên vẽ họ xấu hơn thực tế. Xui cho ông họa sĩ này, tôi quả rất khó chiều. Một cách nói khác người Việt Nam tả tình trạng của tôi là "khó chịu". Và họ cho lý do khiến tôi khó chịu là vì lớn tuổi rồi mà chưa lấy được chồng. Trên thực tế tôi bị bệnh khó chịu từ khi còn trẻ. Dường như không ai làm tôi hài lòng được lâu và bản thân tôi cũng không biết vì sao mình khó tánh khó nết đến như vậy.

Từ trên đồi Montmartre đi ngược xuống, những con hẻm nhỏ đầy ắp những cặp tình nhân đang ôm nhau đắm đuối. Tôi cố làm ngơ bước nhanh qua khỏi họ, cắm cúi đi một lèo về khách sạn Citadines. Tối nay tôi đành nấu mì gói ăn rồi trùm mền nằm xem ti-vi vậy. Tôi thấy tình cảnh của mình thật buồn cười, đổ đường từ Sài Gòn sang tận Paris, vật vã chờ đợi cả ngày trời chỉ để được gặp lại một người đàn ông mà giờ phong độ còn hay mất mình cũng không được rõ. Nhân viên và đồng nghiệp trong công ty tôi mà biết tôi đang thê thảm thế này chắc tôi không còn mặt để mất.

Nghĩ đến công ty, tôi ngồi bật dậy mở Ipad check e-mail. Tôi vùi đầu vào làm việc, mong thời gian trôi qua mau. Ngoài kia Paris đã lên đèn, từ sân thượng căn hộ tôi nhìn xuống phố, khách bộ hành đang rộn ràng tới lui hứng khởi, hứa hẹn một Paris by night nhiều thú vui đáng nhớ. Tôi cố tập trung làm việc nhưng không hiệu quả, mọi thứ cứ rối mù lên. Làm sao tôi có thể làm việc được khi đang ở giữa trung tâm Paris, chỉ bước chân ra khỏi khách sạn Citadines là khu Montmartre về đêm sôi động với con phố Pigalle quyến rũ đã nuốt trọn tôi rồi.

Tôi lại khoác áo vào, ra khu phố Pigalle dạo chơi. Đây là khu vực nổi tiếng ở Paris có nhiều thú vui dành riêng cho "người lớn". Lúc trước nhiều đồng nghiệp Pháp dắt tôi đến đây, hỏi có muốn vào xem vũ sεメy với điệu Cancan nổi tiếng trong Moulin Rouge không. Tôi tiếc tiền nên từ chối. Lần này đứng trước nhà hát Moulin Rouge về đêm sáng rực ánh đèn đỏ quyến rũ, tôi do dự muốn mua vé vào xem. Nhưng rồi tôi e ngại, không biết vì lý do gì. Tôi lang thang khắp khu Pigalle, xem khách du lịch háo hức chuẩn bị bước chân vào các nhà hát vũ sεメy và hưởng thụ nhiều thú giải trí về sεメ sang trọng khác.

_ Ủa, chị An hả? – Một người Việt Nam tách ra khỏi nhóm khách du lịch bước ra chào tôi – Nhớ em không, em là Hòa em của chị Hoa. Em sang Pháp học PhD mấy năm nay rồi. Em ở Lyon lên, dắt mấy anh doanh nhân sang công tác đi giải trí một tí ở Paris đó mà.

_ À – Tôi gật đầu không mấy vồn vã – Nghiên cứu sinh bằng học bổng của chính phủ Việt Nam, em cũng biết tận dụng để giải trí chốn kinh thành ánh sáng nhỉ.

_ Chị lại trêu em rồi – anh chàng tiến sĩ tương lai cười – Em thì thèm gì mấy cái điệu vũ sεメy này. Nhưng mấy anh doanh nhân ở Việt Nam qua đi dự hội nghị nhờ em làm hướng dẫn viên, giải trí với gái Paris cho biết.

_ Giàu quá hả? – Tôi lại nhếch môi đầy ác cảm – Ăn chơi mấy cái khoản này ở Paris mắc khủng khϊếp!

_ Đàn ông mà chị, vui chơi một tí cho biết với người ta – Hòa cười hềnh hệch – Mấy anh đó lúa lắm, có biết gì đâu. Mấy ảnh đổi tiền euro một xấp rất dày, nói với em là cứ coi một euro như là một ngàn đồng Việt Nam đi, khỏi tính toán gì cho mệt. Nhìn mấy ảnh rút euro ra rào rào em cũng sốc lắm...

_ Ừ thôi em dắt họ đi chơi đi, chị có hẹn nên đi đây – Tôi hất cằm về tốp đàn ông Việt Nam đang đứng chờ Hòa – Vợ họ ở Việt Nam chắt chiu từng đồng, họ sang đây xài euro rào rào với gái, hừ!

_ Thôi, chị cứ cay cú với đàn ông kiểu đó – Hòa lại cười hềnh hệch – Sao lấy chồng được?

Tôi không muốn làm "lớn chuyện" nên giả lả cười cho bọn đàn ông Việt Nam đi khuất mắt. Chồng con kiểu đó, không phải dành cho tôi. Hòa cười trừ phẩy tay ra hiệu cho đám đàn ông đang đứng chờ tiếp tục đi, tôi thấy họ đi ngang liếc xéo tôi rồi mọi người lao xao hỏi Hòa khá to "Ai mà nhìn chảnh quá? Cũng học tiến sĩ giống em hả? Chắc chưa chồng? Vừa chảnh vừa học cao, ế rồi!"

Dù không muốn đôi co, thái độ kẻ cả của tốp đàn ông đồng hương làm tôi chỉ muốn rượt theo nói một câu gì đó "dằn mặt". Tôi thấy mình may mắn chưa có chồng, lại càng không phải mấy ông chồng kinh khủng kiểu này. Nhiều người nghĩ vì tôi giao tiếp nhiều với người nước ngoài nên đã có sự so sánh, không thể lấy chồng Việt Nam. Họ không biết là với đàn ông nước ngoài tôi cũng không thể thấu hiểu hết và luôn cảm thấy lạc nhịp. Tôi thở dài nhớ đến John và khoảnh khắc tôi đã có thể làm "bad girl" với anh ở Chicago. Nhưng tôi đã trót có nền giáo dục kiềm nén phụ nữ của Việt Nam rồi.

Tôi chặc lưỡi, phen này ở Paris, đang lúc thoát khỏi sự kiểm soát của phụ huynh, tôi phải trở nên rất "hư hỏng" mới được.

Alain Bình Bảnh, hãy đợi đấy!
« Chương TrướcChương Tiếp »