Chờ Đợi Giọng Nói Của Em

7/10 trên tổng số 1 lượt đánh giá
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Chờ đợi giọng nói của em là những dòng tâm tình chất chứa những hồn nhiên, trong sáng của tuổi học trò. Độc giả sẽ đi lạc vào thế giới của teen để lắng nghe các em giãi bày những câu chuyện đời thường …
Xem Thêm

Chương 39: Vấn nạn thi cử
Tề Tề, nữ, 17 tuổi, học sinh cấp ba

Không biết có phải là tôi càng ngày càng ham chơi hay không mà kết quả học tập của tôi đang sa sút nghiêm trọng. Giờ cứ nghĩ đến học hành là tôi lại cảm thấy mệt mỏi, chán nản và không vui, tôi nghi mình đã bị mắc chứng “chán học”. Thực ra tôi là một người rất lạc quan, nghĩ thoáng, nhưng hiện thực quá khắc nghiệt, cạnh tranh quá khốc liệt, khiến cho một đứa con gái mười bảy tuổi như tôi không sao có thể chịu đựng được sức ép nặng nề này.

Học kì một năm lớp mười nhanh chóng kết thúc, kết quả thi học kì của tôi tồi tệ chưa từng thấy. Bố mẹ tôi bất kể ngày đêm đều ra sức mở “chiến dịch” vận động tôi học hành, phân tích nguyên nhân sự việc cho tôi. Nhưng bố mẹ có nói nhiều đến đâu đi chăng nữa thì cũng chẳng có tác dụng gì đối với tôi. Mặc dù bố mẹ đã phân tích rất nhiều, nào là do tôi thiếu ý chí, ham chơi, tích cách trẻ con, không thấy sốt ruột, không hiểu chuyện… Thậm chí mẹ tôi còn không chút nề hà thuật lại quá khứ của tôi: “Lúc học tiểu học, con là một trong những học sinh học giỏi nhất lớp. Mỗi lần đi họp phụ huynh, mẹ cảm thấy vô cùng tự hào. Về sau lên cấp hai, con mải chơi hơn, lại hâm mộ các ngôi sao này nọ, nhưng thành tích học tập vẫn tương đối tốt, được xếp thứ hai mươi trong số sáu trăm sáu mươi học sinh toàn trường. Thế nhưng lên cấp ba, không hiểu có chuyện gì mà con lại xếp ở vị trí thứ một trăm hai mươi thô, có đến hơn một trăm người vượt qua con rồi đó. Bố mẹ lúc nào cũng nhắc nhở con phải dồn hết sức để học tập. Nhưng con thì giỏi rồi, càng ngày càng không biết điều. Nhìn con bây giờ mà xem, liệu ba năm tới có thể thi đỗ đại học được không? Nếu mà không thi đỗ đại học…”

Tai tôi như ù đi. Không nhịn được nữa, tôi nói thay mẹ: “nếu không thi đỗ đại học, bố mẹ sẽ bỏ tiền cho con học đại học dân lập hoặc cao đẳng. Nhưng trong nhà làm gì có nhiều tiền như vậy? Chính vì thế con chỉ có một đường duy nhất đó là thi vào một trường đại học có tiếng. Hết rồi chứ ạ?”.

Mẹ tôi tức giận đến nỗi không nói được lời nào nữa. Tôi cũng cảm thấy đôi chút áy náy, bèn nhẹ nhàng nói với bố mẹ: “Thực ra, không phải vì con kiêu căng mà là vì con ham chơi. Con biết rất rõ nhược điểm của mình. Con mới chỉ dốc một chút sức lực cho học tập mà thôi!”

Bố tôi nghe xong, gật đầu lia lịa, chắc bố nghĩ rằng tôi đã có ý hối hận. Thế nhưng, tôi lại tiếp tục. Mặc dù biết nói như vậy sẽ làm cho bố mẹ thất vọng, nhưng tôi vẫn phải nói: “Những thói ham chơi của con đã có từ bé. Chỉ tại bố mẹ không uốn nắn con từ nhỏ, bây giờ mới bắt con thay đổi, cũng không phải là chuyện dễ!”.

Bố tôi quả nhiên vô cùng tức giận, định đánh cho tôi một trận. “Giỏi lắm, thế hóa ra là lỗi của bố với mẹ đấy!” may thay mẹ tôi kịp ngăn bố lại. Tôi khóa cửa phòng lại, giở sách vở ra học với thái độ hối cải. Thế nhưng không được bao lâu sự chú ý của tôi lại chuyển sang mấy cuốn tạp chí trên giá sách.

Ba năm trước, tôi đọc được một bài viết giới thiệu về giáo dục tố chất ở trên báo. Tôi cảm thấy vô cùng phấn khởi, nghĩ rằng tác giả nói đúng với những gì tôi nghĩ. Thế nhưng, trường tôi vẫn sử dụng phương pháp giáo dục thi cử như vậy, cả ngày bắt chúng tôi phải ghi nhớ với học thuộc lòng. Cô giáo nói, hình thức thi đại học vẫn còn tồn tại, nếu chúng tôi không tìm cách mà học ôn thì sẽ phải chịu thiệt thòi. Hiện thực tàn khốc này khiến cho chúng tôi ai nấy đều cảm thấy rất buồn phiền.

Nói đến chuyện ham chơi của tôi, bạn đừng nghĩ rằng: đức con gái này cả ngày chẳng chịu học hành gì, phải chăng là đang yêu anh chàng nào đó rồi? Có phải suốt ngày đọc tiểu thuyết tình yêu không? Nếu quả thật bạn nghĩ như vậy thì chắc chắn tôi phải la lớn để kêu oan thôi! Tính ham chơi của tôi chỉ là trao đổi thư từ với bạn bè, đọc tạp chí, tán gẫu, xem ti vi… Tôi cảm thấy “chơi” như vậy có thể học hỏi được rất nhiều điều, thậm chí còn có tác dụng nhất định đối với việc học hành của tôi. Đương nhiên, tôi thừa nhận bản thân mình vẫn chưa duy trì được mức độ “ham chơi” phù hợp.

Bây giờ, tôi cảm thấy chuyện học hành, bài vở vô cùng nặng nề. những lúc không vui, tôi liền chơi dương cầm, đàn đến khi chán không chịu được nữa phải chạy ra ngoài hét lớn mới thôi. Tôi mong muốn có được một phép thuật khiến cho tôi tập trung học tập, khiến cho tôi không còn chán những con số toán học, các công thức vật lí và cả những phương trình phản ứng hóa học phức tạp đó nữa. Trong khi tôi rất ghét học môn ngữ văn, thì điều kì lạ là kết quả môn ngữ văn của tôi lại rất tốt, đặc biệt là môn viết văn.

Chat room

Có rất nhiều học sinh trung học nói với tôi rằng, họ ghét học, sợ học và muốn trốn tránh việc học. Tôi cũng là người từng phải “chiến đấu” gian khổ trong kì thi đại học, sao lại không hiểu được cảm nhận của các bạn hiện giờ chứ? Tôi cũng biết trong thi cử bây giờ có rất nhiều tệ nạn, và chúng ta đều là những người phải chịu sức ảnh hưởng của nó. Nhưng cứ thử nghĩ mà xem, thi đỗ đại học đồng nghĩa với việc được bước lên một bậc thềm mới, cao hơn và tự do hơn. Hơn nữa, chỉ dựa vào sức của bạn thì làm sao có thể thay đổi được cả hệ thống thi cử, giáo dục hiện nay. Chính vì vậy, chúng ta vẫn phải chiến đấu hết mình trong “trận chiến” thi cử này!

Có người từng nói rằng: phương pháp giáo dục thi cử còn tồn tại rất nhiều tệ nạn, nhưng con người lại không thể thay đổi nó trong một sớm một chiều. Vậy thì tại sao không tận dụng những “tệ nạn” này? Một chuyên gia nghiên cứu chuyện thi cử người Nhật Bản đã phát hiện ra rằng thực chất của hình thức ôn thi đại học (có thể thấy hình thức ôn thi đại học này tồn tại khắp các nước trên thế giới) chính là một hìnht hức dạy học sinh học thuộc lòng. Nhưng phải chăng điều này đã đưa ra gợi ý cho những người có ý chí?

Bản thân tôi cũng bắt đầu học tập nghiêm túc kể từ khi vào đại học. Lúc này tôi mới phát hiện ra rằng, học hành hoàn toàn không phải là chuyện khổ sở, ngược lại còn mang lại cho chúng ta rất nhiều niềm vui. Nhớ lại chuyện ngày xưa, thi cử mặc dù không giúp cho chúng ta nhận ra được niềm vui trong quá trình tìm hiểu tri thức, nhưng lại giúp chúng ta rèn luyện “hứng thú”. Mà đã là rèn luyện thì làm gì có chuyện dễ dàng? Hơn nữa, nếu như ban đầu không nghiêm túc rèn luyện, thì sau này sẽ không có cái gọi là học tập tự chủ, tự do nữa.

Tôi nghĩ điều cần thiết nhất cho Tề Tề hiện nay là tìm cho mình một con đường thích nghi với việc thi cử này, rồi từ từ bước vào quá trình rèn luyện thật nghiêm túc. Về sau (khi đã đỗ đại học), hãy nhanh chóng thoát ra khỏi cái vòng xoáy của việc thi cử để có thể tự do với bầu trời của riêng mình. Đây chưa chắc đã là con đường đúng đắn nhất dành cho bạn, nhưng nó lại là con đường khả dĩ nhất cho vấn đề trước mắt.

Thêm Bình Luận