Chờ Đợi Giọng Nói Của Em

7/10 trên tổng số 1 lượt đánh giá
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Chờ đợi giọng nói của em là những dòng tâm tình chất chứa những hồn nhiên, trong sáng của tuổi học trò. Độc giả sẽ đi lạc vào thế giới của teen để lắng nghe các em giãi bày những câu chuyện đời thường …
Xem Thêm

Chương 30: Trạm dừng chn của con
Trinh Dương, nữ, 17 tuổi, học sinh cấp ba.

Năm nay tôi mười bảy tuổi, đang học cấp ba. Trước đây, tôi là một đứa con gái ngoan, biết nghe lời, biểu hiện ở trường lớp rất tốt, thành tích học tập cũng rất khá. Các thầy cô đều rất thích tôi, thường xuyên khen ngợi tôi trước lớp. Nhưng tất cả những điều này đã là chuyện quá khứ. Không hiểu sao sau khi lên cấp ba, tôi lại cảm thấy chuyện học hành thật vất vả. Còn nhớ lúc lên cấp hai, niềm vui lớn nhất của tôi là được nghe thầy giáo công bố kết quả thi, bởi vì lúc nào tôi cũng là học sinh xếp thứ nhất hoặc thứ nhì của lớp. Thế nhưng bây giờ, số lần thi cử tăng lên chóng mặt, tôi không những không vui vẻ mà còn cảm thấy có một gánh nặng rất lớn về mặt tâm lí. Kết quả học tập của tôi không còn dẫn đầu lớp như trước nữa; rất nhiều bạn (nhất là các bạn nam) trước đây học không bằng tôi, nay đều lần lượt vượt mặt tôi. Đầu óc tôi như đang rơi vào một trạng thái mơ hồ không xác định, thậm chí tôi còn lo rằng bản thân mình không thi đỗ đại học. Điều đó đối với tôi cực kì đáng sợ, bởi thầy cô giáo và bố mẹ gửi gắm vào tôi quá nhiều kì vọng, các bạn trong lớp ai cũng tin chắc rằng tôi sẽ đỗ đại học. Nếu chẳng may để mọi người thất vọng, tôi còn mặt mũi nào sống trên đời này nữa?

Tình hình học tập của tôi ngày một thảm hại. Cô giáo chủ nhiệm cho gọi tôi lên hỏi han tình hình. Cô hỏi tôi lí do của sự sa sút này, tôi nói tôi cũng không biết, không hiểu được là vì sao nữa, chỉ cảm thấy mình học sút đi. Cô chủ nhiệm đột nhiên nhắc đến chuyện tôi qua lại với một anh lớp trên, nghe giọng điệu có vẻ như đang dò xét tôi vậy. Tôi rất bực bội. Tôi và anh ấy chẳng qua chỉ là quan hệ bạn bè bình thường. Anh ấy là anh họ của bạn thân tôi. Tôi quen và chơi với anh ấy trong một dịp nhà trường tổ chức đi tham quan hai ngày. Chúng tôi thường xuyên nói chuyện điện thoại, thỉnh thoảng còn viết thư cho nhau. Mặc dù cùng học một trường nhưng chúng tôi rất thích liên lạc với nhau bằng thư từ, bởi có rất nhiều điều không tiện nói thẳng trước mặt, nhưng lại rất dễ dàng nói ra khi viết thư. Trong thư chúng tôi không bao giờ đề cập đến vấn đề yêu đương; quan hệ giữa chúng tôi vẫn chưa phát triển đến mức đó. Tôi nói sự thật cho cô giáo chủ nhiệm nghe, nhưng cô hoàn toàn không tin lời tôi, còn cảnh cáo tôi rằng: “Đây là thời kỳ rất quan trọng, đừng để những thứ tình cảm trẻ con đó làm ảnh hưởng đến chuyện học hành!”

Lúc tôi về đến nhà, bố tôi đã ngồi đợi tôi rồi. Hóa ra cô giáo chủ nhiệm đã gọi điện nói chuyện với bố tôi. Bố tôi là một người tính tình nóng nảy, bình thường tôi cũng hơi sợ bố. Mặc dù bố hay nổi cáu với mọi người nhưng bố rất yêu thương tôi. Vậy mà hôm nay, tôi với bước chân vào nhà, bố đã quát tháo ầm ĩ, còn nói những điều rất khó nghe. Tôi cảm thấy mình chẳng còn chút tự trọng nào nữa. Tôi không nói bất cứ điều gì để biện hộ cho mình, bởi tôi biết dù tôi có nói gì thì người lớn cũng không tin. Bố mắng tôi một thôi một hồi, cấm tôi không được chơi bời với con trai. Tôi đành ậm ừ cho qua chuyện. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, bố chưa nguôi cơn giận, bố còn xông vào phòng tôi, bắt tôi phải mở ngăn kéo tủ của mình, mang tất cả thư từ, thiệp chúc mừng, cả nhật ký, băng đài của tôi nữa. Tôi nhìn bố như nhìn một bạo chúa. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy thất vọng và hụt hẫng về gia đình mình. Ở đây, tôi không có quyền tự do biện hộ cho mình, bất cứ lúc nào cũng có thể bị cướp đi lòng tự trọng, ngay kể cả những đồ vật mà tôi yêu quý cũng bị cho là những thứ xấu xa, đáng vứt bỏ hết… Hôm đó, tôi nhốt mình trong phòng và khóc rất to. Mặc cho mẹ gọi cửa, tôi nhất định không chịu ra. Bố còn ở đó quát lên: “Mặc kệ nó, cho nó chết đói. Tôi không cần một đứa con gái kém cỏi như vậy.”

Mọi chuyện rồi cũng qua đi, tôi nghĩ rằng thế là xong. Nhưng nửa tháng sau, một bạn gái học cùng tôi gọi điện đến, bố nhấc máy, nói với bạn ấy bằng giọng điệu rất khó chịu, thậm chí còn cúp máy khi bạn ấy vẫn chưa nói hết. Đã vậy lúc ăn cơm, bố còn nói tôi: “Không hiểu sao con lại chơi được với những đứa bạn như vậy?”. Tôi không nhịn được, bèn giải thích vài câu, thế là bố lại quát vào mặt tôi, nói tôi không chịu tiếp thu ý kiến phê bình, không tôn trọng bố. Trời đất ơi! Có phải bố tôi đã quá vô lý rồi không?

Tôi ngày càng chán ghét gia đình mình, nhất là bố tôi. Cứ động một chút là bố tôi lại nổi cáu, cứ uống rượu vào là mắng mọi người xung quanh. Tôi cảm thấy gia đình mình như địa ngục vậy, không còn chút cảm giác đầm ấm nào, chỉ còn lại sự giày vò mà thôi. Tôi hết chịu nổi rồi. Còn về việc học hành của tôi, chắc không cần nói mọi người cũng biết. Làm sao tôi có thể học được trong hoàn cảnh như vậy cơ chứ?

Chat room

Bố bạn đang ở độ tuổi trung niên, trên có già, dưới có trẻ, phải gánh trên vai những trọng trách hết sức nặng nề; chính vì thế, con gái cần phải hiểu và thông cảm cho sự nóng nảy của bố. Cho dù có xảy ra mâu thuẫn với bố mẹ đi chăng nữa, bạn cũng cần phải học cách giải quyết mâu thuẫn và biết cách thuyết phục bố mình. Có thể nói, đây cũng chính là cơ hội tốt cho bạn rèn luyện bản lĩnh của mình.

Lên cấp ba, có rất nhiều bạn nữ học kém hơn các bạn nam, họ cho rằng mình học tập sa sút, thực ra cũng không hẳn là như vậy. Khả năng tu duy trừu tượng của con trai thường tương đối tốt, thích hợp với các môn khoa học tự nhiên; trong khi con gái lại có khả năng tư duy hình ảnh cao, thường học giỏi các môn học như: văn học, ngoại ngữ, lịch sử. Tôi cho rằng, các bạn nữ hoàn toàn có thể sánh ngang với các bạn nam. Chỉ là trong giai đoạn này, do quá trình dậy thì đến sớm hơn con trai nên con gái thường quan tâm nhiều đến thế giới nội tâm. Điều này đã ảnh hưởng đến việc mở rộng tầm nhìn và tư duy của con gái. Vì thế, chỉ cần chú ý hơn một chút thì các bạn nữ hoàn toàn có thể vượt xa các bạn nam.

Nếu hai bố con Trịnh Dương vẫn không thể hiểu nhau, tôi khuyên bạn nên biến những nỗi buồn phiền trong suy nghĩ thành động lực học tập. Gia đình, xét cho cùng cũng chỉ là một trạm dừng chân trong quá trình trưởng thành của chúng ta. Sau một vài năm nữa, khi đôi cánh của bạn đã đủ cứng cáp, bạn có thể bay đi tìm cho mình một bầu trời riêng. Đến lúc đó, cảm giác của bạn về gia đình của mình sẽ chỉ còn lại hai chữ “ấm áp” mà thôi!

Thêm Bình Luận