Chờ Đợi Giọng Nói Của Em

7/10 trên tổng số 1 lượt đánh giá
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Chờ đợi giọng nói của em là những dòng tâm tình chất chứa những hồn nhiên, trong sáng của tuổi học trò. Độc giả sẽ đi lạc vào thế giới của teen để lắng nghe các em giãi bày những câu chuyện đời thường …
Xem Thêm

Chương 23: Cô bé khôn lanh
Hướng Quần, nữ, 16 tuổi, học sinh lớp 9.

Tôi sống trong một gia đình lớn, có bố mẹ, em trai, chú thím, em họ và ông bà nội, tất cả là 9 người.

Ông bà nội tôi là Hoa kiều về nước, nghe mẹ nói ông bà có rất nhiều tiền. Gia đình tôi sống trong một căn biệt thự do ông nội mua lại. Ông bà nội mà thích ai thì người đó sẽ có nhiều tiền tiêu vặt hơn. Chính vì thế, ngay từ nhỏ, tôi và hai em trai đã luôn cạnh tranh lẫn nhau để xem ai được ông bà yêu quý hơn. Tôi là con gái, lại lớn hơn hai em, nên ngày nhỏ, ông bà yêu quý tôi hơn cả. Ông bà khen tôi có cái miệng rất ngọt, cái đầu thông minh, nhanh nhẹn. Điều này khiến cho mẹ tôi rất tự hào, nhưng thím tôi lại không vui.

Còn nhớ năm tôi lên lớp một, tôi được cô giáo chủ nhiệm rất yêu quý. Cô giáo thường xuyên gọi tôi lên phòng giáo viên để lấy vở bài tập cho lớp. Cứ mỗi lần như vậy, các bạn trong lớp lại nhìn tôi với ánh mắt ngưỡng mộ. Nhưng không hiểu tại sao, cô giáo chỉ yêu quý tôi có một học kỳ, học kì kế tiếp, việc đi lấy vở bài tập ở trên phòng giáo viên thuộc về một bạn khác trong lớp. Lúc đó, đến lượt tôi nhìn bạn ấy mà ngưỡng mộ. Lí do có thể bắt nguồn từ sự việc xảy ra trong lần tổng vệ sinh đó… Tôi sợ nhất là tổng vệ sinh. Khi tổng vệ sinh, bụi bẩn bay mù mịt; mẹ tôi nói, hít phải bụi bẩn sẽ có nguy cơ mắc bệnh. Hôm đó, đến phiên nhóm tôi làm trực nhật. Tôi liền chụp lấy một mảnh giẻ lau để lau bảng; vì lau bảng thì đỡ mệt hơn nhiều so với việc quét lớp. Càng lau bụi phấn càng bay ra mù mịt; tôi có cảm giác như nhìn thấy hàng nghìn con vi khuẩn đang chui vào mũi mình. Thế là tôi liền lấy cớ là đau bụng, rên la không ngừng. Mọi người đều chạy đến chỗ tôi. Tổ trưởng bảo tôi về nhà, còn cho một bạn khác đưa tôi về. Tôi nói tôi có thể tự về nhà, và thế là tôi đã trốn trực nhật một cách êm thấm.

Ra khỏi cổng trường, tôi liền trở lại trạng thái bình thường. Tôi đến cửa nhà một bạn học cùng lớp cách trường không xa. Bạn ấy đang chơi nhảy dây với mấy người bạn khác. Thấy thế tôi liền xin chơi cùng. Đang chơi hăng say thì bỗng nhiên tôi nhìn thấy một nhóm học sinh vây quanh cô giáo chủ nhiệm đang đi về hướng này. Chợt nhớ ra mình đang giả vờ đau bụng, tôi liền vội vàng đi tìm chỗ nấp. Các bạn ngây ra một lúc rồi hùa vào trêu tôi: “Eo ơi, giả vờ đau bụng!”. Tôi vô cùng xấu hổ, cô giáo chủ nhiệm nhìn tôi với ánh mắt không hài lòng.

Kể từ đó, cô giáo chủ nhiệm không còn yêu quý tôi nữa. Cô thường lạnh nhạt với tôi, khiến cho tôi cảm thấy vô cùng hụt hẫng.

Tôi phát hiện ra rằng cô giáo chủ nhiệm rất thích những bạn học giỏi, cho dù đó là những đứa trông ngốc nghệch. Tôi rất muốn có thể vượt lên đứng trong tốp học sinh dẫn đầu của lớp. Sau khi lên lớp bốn, tôi thấy tình hình ngày càng thê thảm. Có lần trong một kì thi, gặp một câu hỏi khó, trong tình hình nguy cấp, tôi đã gian lận. Tôi lén quay bài, lén nhìn bài bạn, mặc dù chẳng mấy hiệu quả (thường là sai đáp án) nhưng dù sao còn tốt hơn là không làm gì.

Lên cấp hai, bài vở ngày càng khó hơn. Bạn nữ ngồi cùng bàn với tôi tên là Tiểu Thiền. Tiểu Thiền vừa đen vừa xấu, mặt lúc nào cũng như chưa rửa vậy, quần áo cũng rất cũ kỹ, nhìn qua đã biết là con nhà nghèo rồi. Về sau tôi mới biết, bố mẹ Tiểu Thiền đều là công nhân thất nghiệp, hoàn cảnh gia đình cực kỳ khó khăn. Tôi không chơi thân với Tiểu Thiền. Tuy nhiên, sau một tháng ngồi cạnh bạn ấy, tôi liền thay đổi suy nghĩ. Sau lần kiểm tra chất lượng, cả lớp ai nấy đều vô cùng sửng sốt và kinh ngạc khi người dẫn đầu lớp không phải ai khác mà lại chính là Tiểu Thiền. Cô giáo chủ nhiệm hết lời khen ngợi Tiểu Thiền có tinh thần vượt khó học tập, ngay cả thầy hiệu trưởng cũng tuyên dương Tiểu Thiền trước toàn trường là học sinh nghèo học giỏi. Trong phút chốc, Tiểu Thiền từ một học sinh thường bị các bạn cùng lớp trêu chọc đã trở thành một tấm gương được bạn bè khâm phục. Cứ nghỉ giải lao là đám con gái lại vây lấy Tiểu Thiền, rủ bạn ấy chơi trò này trò kia. Tôi nghĩ nếu chơi thân với Tiểu Thiền sẽ rất có lợi cho mình, thế là tôi bèn tìm cách thân thiết với bạn ấy. Tôi thường đem đồ chơi trong nhà đến tặng cho Tiểu Thiền, còn kể cho bạn ấy nghe tâm sự của mình, khiến cho Tiểu Thiền rất xúc động. Quả nhiên, không lâu sau, trong mắt mọi người tôi và Tiểu Thiền đã là một đôi bạn thân.

Lợi ích lớn nhất mà tôi có được từ việc chơi thân với Tiểu Thiền đó là được chép bài của bạn ấy trong các kì kiểm tra. Tôi từng nói với Tiểu Thiền (đồng thời cũng nhắc bạn ấy nhớ giữ bí mật giùm mình) là tôi sẽ đi du học ở Mỹ sau khi tốt nghiệp cấp ba, thế nên tôi thường thờ ơ với chuyện bài vở, thi cử chỉ cần đủ điểm đối phó với thầy cô giáo mà thôi. Thực ra những điều đó toàn là do tôi bịa ra. Nhưng Tiểu Thiền tin là thật, lại còn tỏ ra vô cùng ngưỡng mộ tôi nữa.

Thế nhưng viễn cảnh tươi đẹp kéo dài chẳng được lâu. Năm học lớp tám, trường tổ chức kiểm tra sức khỏe cho học sinh toàn trường. Tiểu Thiền bị viêm gan nên nhà trường liền cho Tiểu Thiền nghỉ ở nhà dưỡng bệnh. Các bạn hỏi tôi có đến thăm Tiểu Thiền không, tôi nhất định không đi vì sợ bị lây. Về sau, cô giáo dẫn một số bạn tình nguyện đến thăm Tiểu Thiền. Khi về, cô giáo liền nói với tôi: “Người mà Tiểu Thiền nhớ nhất chính là em đấy!”. Mặc dù trong lòng tôi có đôi chút ngại ngùng, nhưng chẳng may nếu bị lây bệnh viêm gan thì nguy to. Thế nên cuối cùng tôi vẫn không đi thăm Tiểu Thiền.

Không có sự giúp đỡ của Tiểu Thiền, kết quả học tập của tôi giảm sút nghiêm trọng. Cô giáo gọi tôi lên nói chuyện, còn gọi điện thông báo tình hình học tập của tôi cho mẹ. Nhưng làm sao tôi có thể nói sự thật cho mẹ đây? Cứ sau mỗi lần thi, cô giáo lại công bố hai mươi học sinh đứng đầu. Tôi ghét nhất là cái ngày công bố dánh sách tốp hai mươi học sinh đó, vì không bao giờ có tên tôi trong danh sách cả.

Mùa xuân đến, chúng tôi được đi thăm quan ở ngoại ô và giao lưu với một trường cấp hai ở nông thôn, còn ăn cơm trong một nhà hàng cũ kĩ nữa. Trên bàn bày hai đĩa thức ăn, chẳng mấy chốc đã hết sạch. Tôi im lặng đi vào nhà bếp, bảo nhà bếp cho tôi thêm một đĩa thức ăn và trả tiền ngay tại đó. Khi tôi quay lại bàn ăn cùng một đĩa thức ăn bốc khói, mọi người ngây ra nhìn tôi rồi vỗ tay ầm ĩ khiến cho các bạn khác đều quay lại nhìn. Tôi cười đắc ý; mặc dù tiêu hết tiền trong túi, nhưng tôi lại có được cái mà tôi muốn, đó là sự ngưỡng mộ của bạn bè.

Về sau, cô giáo biết được chuyện này. Cô không những tuyên dương tôi mà còn nói tôi rằng: “Em kĩ tính quá đấy!”. Nghe thì tưởng như là khen ngợi, nhưng thực chất cô giáo đang phê bình tôi. Liệu có phải cô giáo có cái nhìn phiến diện đối với tôi không nhỉ.?

Chat room

Hướng Quần là một cô bé khôn lanh. Trong cuộc sống, những người tỏ ra quá khôn lanh thường không được mọi người xung quanh yêu quý, nhưng chính bản thân người này lại không biết được điều đó. Nếu như lúc nào chúng ta cũng tính toán thiệt hơn, cũng tìm cách để bản thân không phải chịu thiệt thòi thì chúng ta sẽ mất đi rất nhiều thứ, một trong số đó là sự tin tưởng của mọi người.

Nếu một thiếu niên à tỏ ra quá khôn lanh sẽ không chỉ khiến cho người khác không thích, mà còn cảm thấy rất buồn cười. Đối với một đứa trẻ, cho dù khôn lanh đến mấy thì cũng dễ dàng bị người lớn phát hiện ra. Nếu tôi là giáo viên, tôi cũng không thích một học sinh như Hướng Quần, thậm chí tôi còn tiếc thay cho bạn vì đã làm mất đi sự ngây thơ, hồn nhiên đáng quý ở lứa tuổi học trò.

Bạn phải biết rằng, cho dù bạn ở Trung Quốc hay nước ngoài, nơi nào có sự tồn tại của con người thì những người được những người khác yêu quý là những người hiền lành, thành thật và có phẩm chất đạo đức tốt. Khi bạn có được những phẩm chất đạo đức tốt, bạn sẽ có được chiếc chìa khóa mở cánh cửa trái tim của mọi người. Chỉ khi có được chiếc chìa khóa này, bạn mới có thể thực sự giành được sự tin yêu và ngưỡng mộ của những người xung quanh.

Thêm Bình Luận