Tải app Android hoặc iOS để đọc truyện nhanh hơn

Hỗ trợ: Fanpage TruyenHD

Chiêu Cảnh Truyện

Chương 2: Mẫu hậu

« Chương Trước
“ Hoàng hậu nên chớ có đau buồn, thương nhớ mà tổn hại phượng thể”

Trần Thị Dung ngồi cạnh giường khuyên can, đứa con gái ngốc của bà sống quá nhạy cảm khi chỉ vừa gặp chút chuyện đau thương liền suy sụp bỏ mặc bản thân thất thần đến thế.

Sau lần được phu quân nhắc nhở, Trần Thị Dung thường xuyên lui tới cung Hoàng Hậu nhiều hơn. Bà mang theo nhiều thang thuốc bổ và tự tay sắc cho Chiêu Hoàng uống. Việc thăm hỏi cứ thế diễn ra đều đặn trong vòng 1 năm, Chiêu Hoàng dưới sự chăm sóc của mẫu hậu đã không còn gầy gò, xanh xao như trước nữa. Gương mặt nàng trắng hồng lên, da dẻ thanh thoát, sắc mặt rạng rỡ hơn nhiều. Quả thật thuốc bổ của mẫu hậu rất có hiệu quả. Kể từ khi thường xuyên dùng chúng, nàng ăn ngon miệng hơn, ngủ được sâu hơn, tinh thần của khỏe khoắn hơn hẳn. Vua Trần Thái Tông thấy thế thì mừng rỡ vô cùng. Chàng thường xuyên dành thời gian quây quần bên cạnh nàng. Những tháng ngày có mẫu hậu và phu quân ở bên kề cận chăm sóc khiến cho Chiêu Hoàng không khỏi nhớ về khoảng thời gian trước đó.

Khi ấy, thuở Chiêu Hoàng còn đang tại vị ngôi hoàng đế, mẫu hậu nàng còn là đương kim Thái hậu của Lý triều vẫn thường xuyên ngồi phía sau hỗ trợ nhϊếp chính. Cứ ngỡ là sau khi phụ thân nàng xuất gia hướng Phật, tỷ tỷ Thuận Thiên đã xuất giá theo tỷ phu Trần Liễu thì hoàng cung rộng lớn này chỉ còn lại hiu quạnh hai mẹ con nàng. Ấy thế nhưng, mẫu hậu đã đem đến cho Chiêu Hoàng một người bạn vô cùng thân cận. Người ấy gọi là Trần Cảnh, chính là phu quân hiện tại của nàng.

Ngày ấy, mẫu hậu thấy Chiêu Hoàng buồn chán vì bên cạnh chẳng có ai chơi cùng nên đã ngỏ lời cho mời người cháu trai trạc tuổi nàng của điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ vào vào cung làm Chánh thủ, có nhiệm vụ hầu hạ vua. Ngày đầu gặp mặt, Chiêu Hoàng không thể nào quên được bộ dạng rụt rè, có phần nhút nhát của tiểu hài tử Trần Cảnh. Lần đầu diện kiến Long Nhan, ấy thế mà phu quân của nàng run rẩy đến mức nói lắp ba lắp bắp câu cung kính lạy chào. Chiêu Hoàng thuở ấy còn nghịch ngợm, nhìn thấy có bạn chơi cùng nàng vui lắm nên ra lệnh cho phép Trần Cảnh được hầu vua.

Những tháng ngày sau đó thật vô lo vô nghĩ, việc triều chính đã có mẫu hậu cùng cận thần Trần Thủ Độ đảm đương. Chiêu Hoàng chỉ việc vui vẻ cùng Trần Cảnh lớn lên.

Nàng nhớ rằng có một hôm khi phu quân mang nước ra hầu, Chiêu Hoàng lém lỉnh rửa tay nhưng lại vóc nước té ướt cả mặt chàng, ấy thế mà Cảnh vẫn thẹn thùng im lặng nên Chiêu Hoàng phá lên cười trêu. Một lát sau, đến khi Cảnh bưng khăn trầu thì nàng vẫn chưa buông tha, Chiêu Hoàng lấy khăn rồi ném ngược lại ném cho chàng. Mặt Cảnh ngơ ngác khó hiểu chưa được bao lâu thì Chiêu Hoàng lại dùng tay tiếp tục té nước về hướng chàng. Cảnh phản xạ theo bản năng ôm đầu né tránh, miệng chàng hốt hoảng thưa:

“Xin Bệ Hạ đừng làm vậy, đã đến giờ đi ngủ rồi!!”

Nhưng Chiêu Hoàng đang vui thế, nào lại chịu nghe, nàng cười khanh khách, liên tục rượt theo Cảnh để té nước. Chàng không khuyên được Bệ Hạ, hết cách chỉ còn có thể co chân bỏ chạy khắp phòng. Mãi đến khi hai đứa trẻ vui đùa xong thì cả tẩm điện nơi nơi đều là nước. Chàng vội cho gọi cung nhân khác đến dọn dẹp kẻo Thái Hậu phát hiện thì sẽ bị trách mắng. Về phần Cảnh, chàng chỉ có thể khúm núm mang vào thêm một chậu nước khác tiếp tục công cuộc hầu hạ đế vương mặc cho người vẫn còn ướt sũng cả thân trên. Chiêu Hoàng tuổi nhỏ ham chơi nhưng nàng bản tính nhân hậu, hay đùa nghịch nhưng chưa bao giờ ức hϊếp hạ nhân huống hồ chi người bên cạnh tuy thân phận không cao quý nhưng cũng là cháu của điện tiền chỉ huy sứ.

Nhớ về kỷ niệm ấy khiến nàng bật cười mãi. Cậu bé nhút nhát hay khúm núm trước mặt nàng giờ đây đã là một bờ vai vững trãi cho nàng nương tựa vào. Cảnh thay đổi nhiều, chàng cao hơn nàng một cái đầu, thần khí dõng dạc hơn, tính cách kỷ cương và cứng rắn hơn lúc trước. Duy chỉ có tình yêu năm ấy là chưa hề mờ nhạt đi.

Thuở nhỏ, khi chàng tiến cung hầu hạ Chiêu Hoàng chưa lâu mà đã nhận được nhiều sự sủng ái, đãi ngộ hậu hĩnh đã khiến cho mẫu hậu nàng có phần chú ý. Thái hậu khi ấy đưa ra chủ kiến ngỏ lời:

“ Bệ Hạ nay đã tám tuổi, xét thấy đã đến tuổi cập kê, cũng nên chọn một người để cùng bách niên giai lão.”

Chiêu Hoàng cũng không nghĩ nhiều. Lúc đấy, trưởng tỷ của nàng - Thuận Thiên công chúa cũng thành thân khi chỉ mới 6 tuổi cũng đã viên mãn bên tỷ phu Trần Liễu thôi đó sao.

Nhận thấy con gái có vẻ cũng ưng thuận, Thái hậu vội đề xuất thêm:

“ Mẫu hậu nghĩ, phu quân nên là người mà Bệ Hạ tin tưởng và quý mến. Xét thấy Trần Cảnh gia thế cũng không tồi, hắn còn là cháu của mẫu hậu, ngày ngày thường cùng bệ hạ tâm tình vui vẻ, lại là người hiền lương đôn hậu… Không biết Bệ Hạ nghĩ thế nào?”

Khi nghe mẫu hậu nói vậy, Chiêu Hoàng ngây thơ đồng ý, thuở ấy nàng chỉ nghĩ thành thân là đơn giản được ở cạnh người mình thích, vui đùa cùng nhau. Vậy nên, sau hôm ấy, Mẫu hậu cùng điện tiền chỉ huy sứ ngay lập tức tổ chức cho nàng và Cảnh một hôn lễ trong cung. Vải đỏ treo khắp nơi, đâu đâu cũng đều trang trí thực rực rỡ.

Tuy nhiên, hôn nhân của Chiêu Hoàng vốn chỉ mới bắt đầu không được bao lâu thì mẫu hậu lại tiếp tục đề xuất rằng:

“ Mẫu hậu nghĩ bệ hạ hiện giờ tuổi còn trẻ lại đảm đương việc triều chính quả là cực nhọc. Lịch sử nước ta mấy đời đế vương đều là nam nhân gánh vác trọng trách, tuy rằng đến đời này nhờ sự sủng ái của Tiên hoàng mà nay Bệ Hạ được chọn làm người kế nhiệm. Thế nhưng từ trước đến nay có mấy khi nữ nhân nào có thể đương đảm được trọng trách to lớn này. Mẫu hậu ngày đêm lo lắng, nếu lỡ mai này Bệ Hạ không may mắc lỗi lầm nhỏ trong việc trị quốc thì tai tiếng người đời đàm tiếu sẽ cay nghiệt đến nhường nào! Huống hồ, mẫu hậu hiện tại tuy là lấy danh nghĩa phò trợ đế vương mà buông màn nhϊếp chính nhưng không thể tránh khỏi ánh mắt dị nghị của bá quan văn võ ngoài kia, chung quy chỉ vì bản thân vốn là phận nữ nhân tay yếu chân mềm. Mẫu hậu thương con, lòng đầy đau xót, chỉ mong Phật Kim có thể sống một đời tự tại, an nhiên mà không phải ngày đêm suy cực vì cơ đồ, đến cuối đời lại bị thiên hạ dèm pha bàn tán phận đàn bà không xứng đáng ngôi vị Đế vương…”

Chiêu Hoàng nhớ rõ khi ấy, mẫu hậu cầm lấy tay nàng rơi nước mắt. Mẫu hậu vốn dĩ rất xinh đẹp, trong các phi tần năm ấy được tuyển chọn, bà là người được Tiên Hoàng yêu thương nhất. Đôi mắt của mẫu hậu tròn xoe, long lanh ánh nước như mặt trăng nơi đáy hồ ngày xuân. Chiêu Hoàng nhớ rõ, ngày xưa Phụ hoàng hay bảo ông rất yêu mỗi khi nhìn thấy mẫu hậu cười, trăm hoa đua nở trong hoa viên cung đình chẳng thể bì nổi cùng sắc nước hương trời của bà.

Mẫu hậu lại tiếp tục rơi lệ. Bà tha thiết khẩn cầu:

“ Mẫu hậu suy tính bấy lâu nay vì tương lai Bệ Hạ, hiện giờ thiên hạ vẫn chưa dám lời ra tiếng vào, Bệ Hạ nghe ta lui về hậu cung sống an phận, làm một thê tử hiền lương, ngày ngày cầu phúc cho tổ tiên và phu quân có được không! Người làm mẹ như ta không thể nhìn thấy tương lai Bệ Hạ bị người đời sỉ vả như thế được. Bệ Hạ cứ nhường ngôi cho phu quân đảm đương sự vất vả này đi, nếu trị quốc tốt, là thê tử cũng sẽ được tiếng thơm lây có chồng là minh quân. Về sau hậu thế sẽ không oán trách Bệ Hạ mà còn thương cảm cho tình yêu, sự hy sinh cao cả này. Dẫu khi lui về phía sau, Bệ Hạ vẫn sẽ là Hoàng Hậu cao quý của muôn dân bá tánh, tôn tử của ta đời đời vẫn sẽ là con rồng cháu phụng. Bệ Hạ nghe lời mẫu hậu lần này có được không?!”

Chiêu Hoàng khi ấy cũng không hiểu gì, nàng chỉ biết rất đau lòng và không muốn nhìn thấy mẫu hậu khóc. Thế nên, nàng ngoan ngoãn nghe theo mọi sự sắp xếp của mẫu hậu.

Mọi việc trong ngoài khi ấy đều nhờ điện tiền chỉ huy sứ hỗ trợ lo liệu. Phu quân nàng thuận lợi đăng cơ, Chiêu Hoàng an phận lui về làm hoàng hậu. Sau khi Trần Thủ Độ được phu quân phong làm Quốc thượng phụ (1*), tưởng chừng mọi thứ đều đã yên ổn, thì một năm sau đó Quốc thượng phụ mở tiệc thành thân chiêu đãi các quan lại triều đình vô cùng thịnh soạn. Ai ai cũng đều vui mừng, gửi quà cáp báo hỷ cho ngài ấy, chỉ có Chiêu Hoàng là hụt hẫng đi phần nào. Chiêu Hoàng nhớ rõ ngày ấy phu quân ngỏ ý muốn cùng nàng đến chúc mừng hỷ sự của Trần Thủ Độ. Nhưng Chiêu Hoàng đã từ chối tham dự, nàng viện cớ bị ốm để trốn trong phòng. Trong những ngày qua, ai cũng giấu việc mẫu hậu nàng tái giá, Chiêu Hoàng làm sao ngẩng mặt cười vui vẻ chúc mừng của bà được đây. Chiêu Hoàng cũng không thể hiểu mẫu hậu đang nghĩ gì. Đường đường là Tiền Thái Hậu lại hạ mình se duyên cùng Quốc thượng phụ khi vẫn chưa tròn 3 năm mãn tang Phụ Hoàng. Sau đấy thì sao nữa? Mẫu hậu bỏ lại nàng trong cung mà chuyển đến phủ của Trần Thủ Độ. Liên tục những năm sau đó, mẫu hậu cũng chẳng còn đoái hoài đến nàng. Đã nhiều lần Chiêu Hoàng tự hỏi liệu mẫu hậu có từng thật lòng thương yêu Phụ Hoàng như khi Phụ Hoàng sủng ái bà ấy nhiều năm về trước hay không? Nhưng Chiêu Hoàng rất nhút nhát nên nàng mãi chẳng có được đáp án thực lòng muốn nghe từ bà.

Nỗi buồn bã trong tâm nàng cứ thế kéo dài đến bảy năm thì bỗng một bất ngờ chợt đến. Mùa xuân năm 1233, thái y cung đình chẩn đoán Chiêu Hoàng có hỷ. Phu thê nàng vui mừng khôn xiết. Thái Tông rất háo hức đón chờ đứa con đầu lòng này. Dù cho có tất bật sáng hôm với tấu chương cùng việc triều chính, hằng đêm Cảnh vẫn thường xuyên về cung Hoàng Hậu sớm nhất. Chàng liên tục lo lắng cho sức khỏe của mẹ con nàng. Khi con hành Chiêu Hoàng mất ngủ, nàng đều được chàng dang tay ôm trọn vào lòng và thủ thỉ với đứa bé trong bụng rằng:

“Tiểu hài tử ngoan cho mẫu hậu yên giấc nào…”

Khi Chiêu Hoàng ốm nghén, chàng vội cho các đầu bếp giai nhân thay đổi khẩu vị. Khi nàng chóng mặt, chàng cho thái y tận tình kê toa chăm sóc. Cung Hoàng Hậu của nàng nhộn nhịp hẳn kể từ đấy, kẻ hầu người hạ tấp nập xôn xao. Rõ là cả triều đình này lại hân hoan vì hài tử đầu lòng của tân đế.

Chiêu Hoàng cảm nhận được Cảnh thương đứa con này rất nhiều. Chàng hạ lệnh cho tất cả các thợ xây đang xây dựng điện lăng thờ tự Trần gia tạm ngừng và tập trung sửa sang lại chánh điện dành cho thái tử mặc dù vẫn chưa rõ đứa bé là trai hay gái. Tuy rằng Chiêu Hoàng có nghe sắc lệnh này bị Trần Thủ Độ phản đối nhưng phu quân rõ là đang làm ngơ những lời ông ta nói. Điện Thái Tử được hoàn thành vào gần ngày dự sinh của nàng. Tất cả vật dụng dành cho đứa trẻ đều do chính tay phu thê nàng cùng chọn. Tuy rằng quãng thời gian mang thai vất vả vừa qua không được mẫu hậu ghé thăm nhưng bù lại, Chiêu Hoàng cũng được an ủi phần nào khi được đức lang quân tận tình yêu thương, chăm sóc.

Rồi ngày sinh hạ cũng đến nhưng đáng tiếc thay, hài tử này không có duyên với vợ chồng nàng. Chiêu Hoàng khi ấy đau đến thắt ruột gan. Nàng nhớ rõ tiếng con khóc rất to và dõng dạc trước khi lịm đi. Ấy vậy mà chỉ sau một giấc ngủ, Chiêu Hoàng vĩnh viễn không thể ôm con vào lòng. Con trai đầu lòng của nàng, hoàng tử đầu tiên của triều đại này cứ thế mà băng thệ khi chưa tròn một ngày tuổi. Chiêu Hoàng trong những tháng ngày sau đó chẳng muốn gặp ai cả. Thái Tông đặt cho con cái tên Trần Trịnh, làm lễ tang long trọng và nhập táng tạm thời vào Thiên An Tự cùng tôn thất nhà Trần. Phu thê nàng đều chẳng thể làm gì hơn ngoài cho con cái tên và một nấm mồ yên mả đẹp. Cảnh lại cho các thợ cung đình nhanh chóng hoàn thành điện lăng hoàng thất. Chàng muốn con có một nơi an nghỉ cuối cùng. Hai chữ Trần Trịnh giờ đây chỉ còn là tấm bia thờ tự chôn cất theo trái tim của Lý Chiêu Hoàng.

Sau đấy của sau đấy, mẫu hậu nàng lại thường xuyên ra vào cung hơn trước. Mỗi lần đến thăm, mẫu hậu đều mang theo các phương thuốc bổ và tận tay sắc cho nàng uống. Đã lâu lắm rồi, nàng chưa được bà quan tâm, chăm sóc như thế này. Cũng nhờ sự động viên khích lệ của phu quân, tâm trạng Chiêu Hoàng dần hồi phục. Nàng vui tươi, không còn vẻ xanh xao như trước nữa. Nàng đã trưởng thành hơn, ngày đêm vẫn tụng kinh sám hối, cầu xin Bồ Tát cùng chư Phật mười phương rủ lòng thương xót che chở cho con trai nàng ở nơi cửu tuyền chính suối. Những hồi kinh treo dài cả điện lăng thờ tự đều do chính tay Chiêu Hoàng chép. Trong từng lời khấn cầu của người con gái bé nhỏ ấy đều chứa chan tấm lòng bao la của người làm mẹ.

Triều đình vừa trải qua nỗi đau mất đi hoàng tử chưa được bao lâu, một năm sau ấy, Thái Thượng Hoàng (2*) cũng cưỡi hạc quy tiên về trời. Phu quân nàng đau lòng vô cùng, chàng đặt bài vị phụ thân cạnh con trai mình trong điện lăng. Khói hương nghi ngút mà lòng chàng trống trãi biết bao. Nhìn phu quân tiều tụy đi vì thương xót cho người đã khuất mà lòng Chiêu Hoàng quặn lại. Giờ đây, tất cả gánh nặng của giang sơn xã tắc này đều đổ lên vai của chàng thanh niên vẫn chưa đầy hai mươi tuổi. Chẳng ai biết mai đây rồi sẽ ra sao nhưng Chiêu Hoàng tin rằng tất cả những mất mát, khó khăn sẽ càng thêm gắn bó tình cảm phu thê của hai người họ.

-------------------------------

CHÚ THÍCH:

Quốc thượng phụ (1*): Chức quan đầu tiên của Trần Thủ Độ dưới thời nhà Trần.

Thái Thượng Hoàng (2*): Trần Thừa là cha của Trần Thái Tông, ông mất năm 1234, là người có công trong việc củng cố xây dựng triều đình nhà Trần thuở ngày đầu lập quốc.
« Chương Trước