Chương 44

Hiện thời đã sắp sang hè, sau trưa nắng như thiêu như đốt. Ngụy Huệ Hầu dùng xong cơm trưa, được đám cung nữ xúm xít theo hầu đưa tới hậu hoa viên, nằm hóng mát trên võng trong đình.

Cánh võng được ghép từ các mảnh trúc nhỏ, vô cùng tinh xảo. Lúc này muỗi không nhiều, nhưng tỳ nhân vẫn sai người mắc màn phòng xa.

Ngụy Huệ Hầu rất chú trọng đạo dưỡng sinh. Đã thành thói quen, một ngày không thể thiếu hai giấc ngủ đêm và ngủ trưa. Với Huệ Hầu, giấc ngủ đêm không thành vấn đề, do đã quen cứ giờ Nhân định(2) là lên giường, nên tới giờ Tý, đã chìm vào giấc ngủ say. Còn giấc ngủ trưa không dễ dàng như vậy, thường xuyên bị quấy rầy, không phải thời tiết nóng lạnh thất thường, cũng là các chuyện phiền toái trong triều.

Ngụy Huệ Hầu hai mắt lim dim, nằm im trên võng. Cung nữ nhẹ nhàng đung đưa cánh võng, một sủng phi tay cầm quạt phe phẩy một bên. Nằm một lát rồi mà Ngụy Huệ Hầu vẫn không ngủ được, đành phải trở mình nghiêng sang bên kia. Sủng phi nhanh trí, vừa quạt, vừa hát ru khe khẽ. Chiêu này quả nhiên hiệu nghiệm, chỉ một lát sau, Ngụy Huệ Hầu đã ngáy pho pho.

Ngụy Huệ Hầu vốn to béo đẫy đà, mỗi khi cất tiếng ngáy, nghe trầm bổng du dương, khá là vui tai. Những người hầu hạ quanh Ngụy Huệ Hầu đều hiểu rõ, nghe thấy tiếng ngáy là biết quân chủ đã ngủ say. Sủng phi có lẽ đã thấm mệt nên dừng tay quạt, chỉ để cung nữ thay phiên nhau đưa võng.

Đúng lúc này, mặt Ngụy Huệ Hầu bỗng căng lên, toàn thân run bắn, miệng ú ớ không thốt thành lời, hai chân run bần bật, song không quẫy đạp. Cung nữ sợ hãi thất sắc, song sủng phi có vẻ đã quen, ra sức lay gọi quân chủ: “Chúa thượng! Chúa thượng!”

Sau một hồi lay gọi, Ngụy Huệ Hầu mới choàng tỉnh, hoảng hốt ngồi bật dậy, mồ hôi vã ra như tắm khắp người.

Sủng phi ân cần hỏi: “Chúa thượng mơ thấy ác mộng ư?”

Ngụy Huệ Hầu dường như không nghe thấy, chỉ ngồi đờ đẫn một hồi mới hoàn hồn, quát lớn: “Người đâu!”

Tỳ nhân đang ngồi ngủ gà gật cách đó không xa, nhận ra có chuyện bất thường, đã đứng dậy sẵn từ lúc nãy, nghe thấy tiếng gọi, vội vã chạy lại.

Ngụy Huệ Hầu không buồn ngẩng đầu, nói: “Mau triệu thượng đại phu vào gặp ta!”

Tỳ nhân “vâng” một tiếng, rồi vội vã bước xuống đình. Ngụy Huệ Hầu tắm gội xong xuôi, thay đổi lễ phục, vừa ngồi xuống thư phòng thì thượng đại phu Trần Chẩn đã tới. Trần Chẩn tiến vào cửa dập đầu nói: “Vi thần Trần Chẩn khấu kiến chúa thượng.”

Ngụy Huệ Hầu xua tay nói: “Ái khanh mau bình thân!”

Đối với Ngụy Huệ Hầu, gấp rút triệu kiến đại thần vào giữa trưa là chuyện hiếm thấy. Trần Chẩn không hiểu duyên do, chỉ biết cười cười, hạ giọng thăm dò: “Bẩm chúa thượng, có câu ‘tâm có giao cảm’, vi thần vốn không tin, hôm nay thì đã tin rồi!”

Ngụy Huệ Hầu không nói gì, chỉ nhìn Trần Chẩn. Trần Chẩn chột dạ, sợ mình đoán sai, lại toét miệng cười, giải thích: “Vi thần nằm ở trên giường, trong lòng đang nghĩ tới chúa thượng thì khẩu dụ của chúa thượng đã tới! Chúa thượng thấy có kỳ lạ không?”

Ngụy Huệ Hầu vẫn như không nghe thấy Trần Chẩn nói gì, đảo con ngươi vài vòng, rồi nhìn thẳng vào ông ta, nói: “Trần ái khanh, quả nhân gấp rút triệu khanh tới, song không phải có chuyện gì quan trọng, chỉ là vừa rồi đột nhiên ngủ mơ, quả là ly kỳ, giật mình tỉnh giấc đầu óc rối bời, suy nghĩ mãi không thể lý giải, muốn nhờ ái khanh giải giúp!”



Trần Chẩn thở phào: “Vi thần xin được lắng nghe!”

Ngụy Huệ Hầu khép mắt, tựa như chìm vào giấc ngủ: “Quả nhân đang ngủ trong đình hóng mát, trong lúc mơ màng, nhìn thấy từ trên trời cao có một con chim lớn bay lại. Chim lớn quắp lấy quả nhân, bay thẳng lên tầng mây trắng. Quả nhân vô cùng kinh sợ, muốn kêu không được, muốn giãy không xong, toàn thân bất lực. Đột nhiên mây trắng biến thành mây lành bảy sắc, mây lành bảy sắc hợp thành một dải cầu vồng. Chim lớn bay về phía cầu vồng, đỗ lại trên đỉnh. Quả nhân nhìn khắp tứ phía, thấy khí lành bốc lên cuồn cuộn, mây tía lớp lớp, thật là khung cảnh tuyệt mỹ chốn nhân gian! Tiếp đến nhạc tiên cất lên, từ phía xa một bầy mỹ nữ giống hệt thiên thần bay lại. Mỹ nữ bay vào trong mây ngũ sắc, múa lượn dịu dàng. Quả nhân đang say sưa thưởng thức, bỗng nhiên chim lớn đạp vuốt, quả nhân sợ hãi đứng không vững nữa, rơi thẳng từ trên đỉnh cầu vồng xuống!” Huệ Hầu dừng lại một lát, vẻ như chưa hết kinh sợ. “Quả nhân rơi xuống tựa như chiếc lá, vô tình nhìn xuống phía dưới. Phía dưới tối đen thăm thẳm, hun hút không thấy đáy! Quả nhân hồn xiêu phách lạc, liếc nhìn xung quanh thấy bên cạnh chẳng có một ai, vội hét lên kêu cứu, song chỉ ú ớ trong họng mà không thành tiếng. Muốn nhảy lên, song hai chân không thể cử động, đang kinh hãi thì may được sủng phi lay gọi tỉnh dậy. Ái khanh, quả nhân giật mình tỉnh giấc, toàn thân vã mồ hôi lạnh toát!”

Trần Chẩn đảo con ngươi một vòng, rồi đứng bật dậy, tiến lại trước mặt Ngụy Huệ Hầu, quỳ phịch xuống đất, cất giọng sang sảng: “Vi thần chúc mừng bệ hạ! Chúc mừng bệ hạ!”

Nghe Trần Chẩn hô to hai chữ “bệ hạ”, Ngụy Huệ Hầu sững sờ hồi lâu mới lắp bắp: “Trần ái khanh, khanh… ý khanh là…”

Trần Chẩn lại lạy ba lạy: “Bệ hạ đã mơ thấy một giấc mơ tốt lành, vi thần chúc mừng bệ hạ!”

Ngụy Huệ Hầu bán tín bán nghi: “Tốt lành thế nào, còn nhờ ái khanh giải thích rõ!”

“Nước Tần xưa nay được gọi là đất nước của hắc điêu, tức giống ưng đen. Mơ gặp chim lớn, đương nhiên là Tần Công. Chim lớn mang bệ hạ bay thẳng lên trời cao, chính là Tần Công phò tá bệ hạ xưng vương. Bệ hạ bay lên phía trên mây lành bảy sắc, tức bệ hạ sẽ trở thành thiên tử. Mây lành có bảy màu, là chỉ liệt quốc trong thiên hạ đều hết lòng thần phục, giống như muôn sao chầu về mặt trăng. Mỹ nữ vây quanh bệ hạ nhảy múa hát ca là chỉ thần dân thiên hạ quy thuận, muôn người vui vẻ. Bệ hạ muốn kêu không được, muốn động không xong là chỉ bệ hạ có tấm lòng đại đức, không chịu nhận lấy vị trí này.”

Ngụy Huệ Hầu trầm ngâm một lúc, rồi khẽ gật đầu: “Ái khanh nói cũng có lý. Tuy nhiên, chim lớn lại hất ta xuống vực thẳm, chuyện này nên giải thích ra sao?”

Trần Chẩn sớm đã nghĩ ra lời ứng phó: “Theo vi thần biết, cõi mộng đa phần hư ảo, giống như gương vậy. Hình trong gương là ngược lại, cõi mộng cũng là ngược lại. Mơ đen là trắng, mơ trắng là đen; mơ dữ là lành, mơ lành là dữ. Bệ hạ cuối cùng bị chim lớn hất xuống vực thẳm, tưởng hung mà lại là cát. Rơi xuống dưới tức là hướng lên trên, vực sâu không đáy ngụ ý nền móng kiên cố sâu dày. Bệ hạ, giấc mơ này đại cát đại lợi, cho thấy bệ hạ ắt sẽ hoàn thành vương nghiệp!”

Ngụy Huệ Hầu thở hắt ra một hơi sảng khoái: “Nói như vậy, quả nhân đã tự chuốc muộn phiền vào mình ư?”

Trần Chẩn khẽ liếc nhìn Ngụy Huệ Hầu: “Sự việc khéo trùng hợp, cách đây không lâu vi thần nghe được một lời đồn trong thiên hạ, vừa hay phù hợp với giấc mơ của bệ hạ.”

“Ồ!” Ngụy Huệ Hầu hào hứng. “Lời đồn thế nào?”

Trần Chẩn hít sâu một hơi, chậm rãi nói: “Cách Đại Lương một trăm dặm về phía đông nam có một đầm nước tên gọi Phùng Trạch. Bên đầm có núi gọi là Long Sơn. Một tháng trước, có tiều phu nghe thấy tiếng chim phượng hót trên núi, có ngư dân nghe thấy tiếng rồng ngâm trong đám. Phượng hót rồng ngâm là điềm may mắn nghìn năm mới gặp một lần. Năm xưa phượng hót ở Kỳ Sơn, Vũ Vương phạt Trụ. Ngày nay phượng hót ở Long Sơn, bệ hạ quay mặt về nam xưng vương cũng là thuận theo ý trời!”

“Có chuyện kỳ lạ như vậy ư?” Ngụy Huệ Hầu mắt bỗng sáng rực. “Trần ái khanh, khanh hãy cấp tốc đi điều tra, nếu là tin đồn thì thôi; song nếu đúng là thật, quả nhân sẽ đích thân tới Phùng Trạch, tế lễ trời đất!”

“Khởi bẩm bệ hạ,” không biết từ lúc nào, Trần Chẩn đã thay đổi cách xưng hô, “khi nghe được chuyện này, vi thần liền tức tốc cử người đi điều tra ngay, và đã tìm được hai người đó!”



Ngụy Huệ Hầu vô cùng phấn chấn: “Ồ, hiện họ ở đâu?”

“Ở trong phủ của vi thần!”

“Mau mời họ vào cung yết kiến!”

“Vi thần tuân chỉ!”

Trần Chẩn bước ra khỏi ngự thư phòng, đưa ống tay áo lên lau mồ hôi lạnh rịn trên trán, thở phào một tiếng, nghĩ thầm trong bụng: Thật may, nếu chúa thượng không mời mình tới giải thích giấc mơ, nếu mình không khéo tuỳ cơ ứng biến thì mọi nỗ lực mấy ngày qua đều đã xôi hỏng bỏng không. Sự việc đã tới nước này, đại sự hẳn đã thành công!

Trần Chẩn sải bước ra khỏi cửa cung, phu xe đã đợi sẵn bên cửa đỡ ông ta lên xe, gấp rút quay trở về phủ.

Tại một gian phòng bên trong một khu nhà ba dãy, Thích Quang đang trò chuyện với hai gã đàn ông trung niên. Hai người này quỳ dưới đất, một người trong trang phục tiều phu, còn một người trong trang phục ngư dân, hai người đang trợn mắt lẩm nhẩm gì đó. Thích Quang ngồi trước bàn, đôi mắt lim dim vẻ đang ngưng thần lắng nghe. Đôi tai thính như thỏ của Thích Quang chỉ nghe thấy tiếng chân bước đã biết là chủ nhân trở về, vội vã đứng bật dậy khỏi chiếu chạy ra cửa nghênh đón, đỡ Trần Chẩn ngồi xuống chiếu chủ nhân, còn mình đứng hầu bên cạnh.

Trần Chẩn quay sang Thích Quang: “Chúng đều thuộc lòng rồi chứ?”

Thích Quang liếc nhìn hai người, lớn tiếng hỏi: “Hai người các ngươi mau bẩm báo chúa công, những lời vừa rồi, đã ghi nhớ cả chưa?”

Hai người lại lạy ba lạy: “Bẩm chúa công, tiểu nhân đã thuộc làu như lòng bàn tay, một chữ cũng không bỏ sót.”

“Được, nhớ hết thì tốt!” Trần Chẩn cười nói. “Có điều, thuộc làu ở đây cũng vô ích. Lát nữa tới gặp bệ hạ, nếu các ngươi cũng thuộc làu không sót một chữ mới là quan trọng!”

Hai người đồng thanh nói: “Chúa công yên tâm, đừng nói là bệ hạ, dù trước mặt thần linh cũng không bỏ sót một chữ!”

Trần Chẩn ra hiệu với Thích Quang, rồi khép hờ mắt lại. Thích Quang bước tới bên cạnh bê một chiếc hòm tới trước bàn Trần Chẩn, mở nắp hòm ra, lần lượt lấy ra từng đĩnh vàng lấp lánh xếp thành hai đống nhỏ. Động tác của Thích Quang còn cố ý phô trương, khiến hai kẻ kia nhìn không chớp mắt.

Thích Quang xếp xong, nghiêm giọng nói với hai người: “Hai tên kia, nghe rõ đây! Đợi sau khi bái kiến bệ hạ, nếu nói hay nói tốt, mỗi người sẽ được nhận một phần. Nếu nói sót một chữ, không những không được vàng, mà toàn bộ người trong nhà từ già tới trẻ của các ngươi đều…” Thích Quang dừng lại, chỉ cười nham hiểm.

Ngư dân và tiều phu sợ tái mặt, dập đầu liên tục, lắp bắp: “Tiểu… tiểu nhân… đã hiểu!”

Trần Chẩn gật đầu, đứng dậy nói: “Đi thôi!”