Trong mười bốn hành dinh xếp hàng ngay ngắn, có hai trại ở giữa. Một là hành dinh của thiên tử, tọa bắc hướng nam, phía trước phất phơ vuông cờ đỏ, trên cờ thêu chữ “Chu” thật lớn bằng chỉ xanh. Bên phải hành dinh thiên tử là hành dinh nước Ngụy, xếp thẳng hàng với hành dinh thiên tử, kích cỡ và kiểu cách của hai hành dinh này giống hệt như nhau, trên lá cờ màu xanh sẫm thêu một chữ “Ngụy” lớn bằng chỉ đỏ. Nhìn từ phía xa, hai lá cờ tung bay song song, một lá nền đỏ chữ xanh, một lá nền xanh chữ đỏ, tương phản chói chang, tuy nhiên trong đó hẳn còn mang một ý vị nào khác.
Hành dinh nước Ngụy yên ắng lạ lùng, đến không khí cũng dường như ngưng đọng.
Có ba người, tướng quốc Bạch Khuê, thượng đại phu Trần Chẩn, thượng tướng quân công tử Ngang ngồi im trước bàn, lặng phắc như tờ, hệt như ba pho tượng đất.
Ngụy Huệ Hầu ngồi ngay ngắn ở vị trí chủ, hai mắt khép hờ, sắc mặt thư thái, tay phải hơi nắm, ngón giữa đưa lên hạ xuống nhịp nhàng chạm xuống mặt bàn, giống như gõ, nhưng không phát ra tiếng.
Gõ được vài cái, Huệ Hầu chợt mở choàng mắt, từ từ ngẩng lên, đôi mắt như ngọn đuốc nhìn thẳng vào chiếc đồng hồ nước tinh xảo bày bên tay trái. Quan tư lậu(4) đứng hầu bên cạnh, mắt nhìn không chớp vào vạch khắc trên đồng hồ nước. Mọi người không hẹn mà cùng nhìn về một phía. Trong bầu tĩnh lặng như chết chóc, đồng hồ nước bỗng phát ra hai tiếng “tách tách” ngân vang.
Mực nước cuối cùng cũng dâng lên một vạch. Lát sau lại thêm một tiếng “tách” nữa, giọng quan tư lậu cất lên sang sảng: “Giờ Thân ngày Đinh Mùi đã tới!”
Ngụy Huệ Hầu hơi ngẩng đầu, để lộ khuôn mặt phương phi, như cười mà như không cười, ánh mắt sắc bén rời khỏi mặt bàn, lấn lượt quét qua Bạch Khuê, công tử Ngang, rồi dừng lại trên người Trần Chẩn.
Trần Chẩn thấy vậy, kịp thời tâu rằng: “Giờ Thân đã điểm! Quả như chúa thượng dự đoán, Tần Công đã kháng lệnh!”
Ngụy Huệ Hầu hai má rung rung, khẽ gật đầu: “Chư ái khanh đều đã thấy cả rồi. Không phải quả nhân muốn sinh sự với con ưng đen ấy, mà là nó đã đủ lông đủ cánh, muốn tự bay rồi!”
Công tử Ngang đứng phắt dậy, bước lên một bước: “Khởi tấu quân phụ, nhi thần thỉnh cầu tây chinh, thề sẽ bẻ rời cánh nó xuống cho quân phụ nhắm rượu!”
Ngụy Huệ Hầu từ từ di chuyển ánh mắt sang Bạch Khuê: “Ái khanh, khanh nói gì đi chứ?”
Lão tướng quốc Bạch Khuê liếc nhìn công tử Ngang một cái, khẽ chau mày: “Hồi bẩm chúa thượng, nước Tần mười năm biến pháp, thực lực ngày càng lớn mạnh, rõ ràng đã thành bọc mủ, sớm muộn cũng phải nặn bỏ! Song, việc có tuần tự, sự có nhanh chậm, vi thần cho rằng, việc cấp bách trước mắt không phải là chinh phạt, mà là triều kiến thiên tử. Đây là thịnh hội trăm năm, chư hầu thiên hạ tề tựu đông đảo, lỡ để xảy ra sơ sảy, có thể ươm mầm tai họa khó lòng dàn xếp!”
Ngụy Huệ Hầu gật đầu liên hồi: “Đúng vậy, lão ái khanh nói chí phải!” Rồi nhìn sang công tử Ngang. “Ngang Nhi, nghe thấy chưa? Mọi việc không chỉ phải nghĩ đến toàn cục, mà còn phải suy tính lâu dài, không được động một chút là đòi chinh phạt!”
Công tử Ngang liếc xéo Bạch Khuê một cái, hạ giọng: “Quân phụ dạy chí phải!”
Ngụy Huệ Hầu chuyển ánh mắt sang Trần Chẩn: “Trần ái khanh, các việc liên quan tới triều hội đã chuẩn bị sẵn sàng chưa?”
Trần Chẩn dõng dạc đáp lời: “Khởi bẩm chúa thượng, mọi việc đã sẵn sàng. Theo sắp xếp, một canh giờ nữa, tức vào lúc hoàng hôn, thiên tử sẽ ban tiệc, chúa thượng cũng nên chuẩn bị chút ít!”
Ngụy Huệ Hầu gật đầu: “Phải! Đây là đại sự, không thể qua loa!” Suy nghĩ một lát, lại nói tiếp. “Trần ái khanh, khanh là người chủ quản nghi lễ, quả nhân và Chu thiên tử, và các công hầu trong thiên hạ, đều nghe theo sự sắp đặt của khanh. Hãy sắp xếp cho chu đáo!”
Nghe thấy quân chủ cố tình nói tới từ “quả nhân” trước cả từ “Chu thiên tử”, Bạch Khuê khẽ giật mình, vòng tay mà tâu: “Chúa thượng…”
Ngụy Huệ Hầu dường như đoán được ông định nói gì, bèn xua tay: “Lão ái khanh, ngày mai cử hành đại lễ, khanh hãy đi kiểm tra lại khắp lượt, chớ để xảy ra sơ suất!”
Bị chặn họng, Bạch Khuê đành nuốt lời khuyên xuống cổ, giọng khàn khàn đáp lời: “Vi thần tuân chỉ!”
Bạch Khuê cáo lui, khuôn mặt già nua chằng chịt nếp nhăn càng trở nên ưu tư. Ông men theo con đường nhỏ rảo bước về trại của mình. Môn khách Công Tôn Diễn ra nghênh đón. Bạch Khuê thì thầm một hồi với Công Tôn Diễn, rồi Công Tôn Diễn nhanh chóng ra khỏi trại.