Chương 4: Dấu hiệu của một nỗi đau không báo trước

Chương 4: Dấu hiệu của một nỗi đau không báo trước

Màn đêm ở Thâm Quyến chưa bao giờ làm người nhìn thất vọng.

Màn mây bị màu sắc của buổi đêm nhuốm đen trông càng thêm cao vời vợi, điểm xuyết trên đó là vô vàn những ánh sao li ti, lấp lánh. Mỗi ngày trôi qua ở Thâm Quyến, ánh trăng lại hiện lên với một hình dạng khác nhau. Ví dụ như đêm nay ánh trăng có hình bán nguyệt đặc trưng của cuối tháng và tỏa ra sắc cam, màu sắc báo hiệu tiết trời vào đầu thu.

Mắt thường khi nhìn lên ai cũng sẽ nghĩ rằng mặt trăng lúc thì có màu trắng, lúc lại màu vàng nhạt. Nhưng sự thật không phải vậy, mặt trăng luôn thay đổi màu sắc theo từng ngày, từng tháng. Nhưng mắt của chúng ta lại không đủ tinh vi để nhận ra được sự thay đổi không mấy chênh lệch này.

Từ Nhược Lăng nghĩ, tính cách của con người cũng gần giống với ánh trăng. Nó luôn thay đổi một cách nhanh chóng qua lớp ngụy tạo đẹp đẽ.

Thâm Quyến về đêm, không chỉ rực rỡ bởi ánh đèn, mà còn rực rỡ bởi ánh sáng của một nền công nghệ hiện đại bậc nhất Trung Quốc. Được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Trung Quốc, Thâm Quyến là nơi tập trung của các tập đoàn công nghệ lớn, dẫn đầu xu hướng phát triển.

Mỗi tập đoàn tại Thâm Quyến đều có màu sắc riêng biệt, nổi trội trong lĩnh vực của mình. Khương thị dưới thời Khương Chính Nam là một ví dụ điển hình. Trong những năm gần đây, Khương thị đã tạo nên bước nhảy vọt, ghi dấu ấn mạnh mẽ trong ngành điện tử thông minh. Thành công này đã biến Khương thị thành một "cú hit lớn" trong lĩnh vực công nghệ.

Từ Nhược Lăng không tìm hiểu rõ chi tiết về quá trình gây dựng sự nghiệp của Khương Gia trên mảnh đất này. Nhưng có một điều mà cô biết rất rõ, đó là dòng tộc họ Khương ở nơi đây có một tầm ảnh hưởng không hề nhỏ. Các đời cha ông trước của Khương gia đều là những nhà chính trị có tiếng, hoạt động tích cực dưới thời Trung Hoa dân quốc, là một dòng dõi có truyền thống quan nhà võ lâu đời. Nhưng truyền thống đó không được lưu giữ quá lâu!

Đánh tay lái đi một vòng quanh thành phố, dạo qua vô số các cửa hàng lớn nhỏ. Cuối cùng Từ Nhược Lăng bèn dừng xe trước cánh cổng của một cửa hàng bán đồ cho trẻ nhỏ. Cô vô thức đưa tay lên vuốt ve cái bụng phẳng lỳ, ở nơi này đã thực sự tồn tại một sinh linh bé bỏng.

Từ Nhược Lăng nghĩ bụng, dù sao bây giờ mà về nhà thì cũng chỉ có một mình cô. Khương Chính Nam sẽ không quay về vào giờ này đâu! Nghĩ thế, cô bèn mở cửa bước ra khỏi xe và đi vào cửa hàng dạo quanh một vòng rồi sắm vài món đồ linh tinh. Đương nhiên, số đồ ấy cũng là một món quà mừng sinh nhật sớm dành cho đứa con của cô.

Đi được một lúc, Từ Nhược Lăng cảm thấy không hề vừa mắt thêm với món đồ nào trong đây cả. Cô quyết định không lượn lờ nữa mà đi về luôn. Nhưng khi vừa bước ra, Từ Nhược Lăng chợt phát hiện ở ngay trước tầm mắt cô có một lối đi sâu vào khu nhà dân. Bước thêm vài bước là có thể thấy rõ tấm bảng đề một dòng chữ, mà chính nó đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cô.

Đó là một quán may nhỏ nằm tuốt trong ngõ hẹp không mấy nổi bật, người ra vào cũng chẳng nhiều, nhưng dòng chữ đen to đề trên biển hiệu lại khiến Từ Nhược Lăng hứng thú. Cô rảo bước đi tới, khẽ đưa tay gõ nhẹ lên chiếc cửa gỗ sờn màu. Từ bên trong một bà cụ già nua bước ra, nhìn thấy cô, bà niềm nở chào đón: "Cô gái cháu cần gì?"

"Cháu thấy tên quán ở đây đề là đồ tự may. Cháu muốn hỏi không biết ý nghĩa của cái tên này là gì?" Từ Nhược Lăng giơ tay chỉ lên tấm bảng trắng trên đầu.

Bà cụ cười hiền từ: "Đồ tự may nghĩa là cháu muốn may thứ gì thì cứ vào đây, bên trong có mấy cái máy may cháu có thể sử dụng tùy ý, cháu cứ thoải mái tự tạo ra món đồ theo ý muốn của mình. Đơn giản chỉ có thế thôi."

Từ Nhược Lăng gật nhẹ đầu, ánh mắt trở nên sáng rực: "Vậy cháu có thể vào không?"

"Được chứ, cháu cứ thoải mái." Bà cụ nói xong liền mở rộng cánh cửa cho cô đi vào.

Bên trong mọi thứ đều khá đơn sơ và có chút cũ kỹ vì trải qua sự mài mòn của thời gian. Từ Nhược Lăng ngồi xuống trước chiếc máy may đã cũ, vết rỉ sét rõ rệt ở trên đầu máy và tiếng cót két phát ra nơi chân máy là minh chứng rõ rệt nhất để cô có thể đoán được tuổi thọ của nó.

Từ Nhược Lăng nhìn kĩ cấu tạo của chiếc máy và phát hiện ra nó là máy khâu con bướm. Loại máy khâu đã xuất hiện từ rất lâu trước đây ở Trung Quốc. Khi ấy, nó là cỗ máy tiên tiến dùng để phục vụ trong các ngành công nghiệp may mặc, càng về sau, con người càng thông minh hơn, chứng kiến rất nhiều những cuộc cải cách công nghiệp, các loại máy móc tân tiến với năng suất cao dần ra đời và dễ dàng thế chỗ những cái gì đã quá lỗi thời và không còn được ưa chuộng.

Từ Nhược Lăng làm theo đúng hướng dẫn của bà cụ. Sau hai giờ đồng hồ, cô đã may xong một đôi găng tay xinh xinh màu xanh da trời theo đúng hình mẫu mà cô tự nghĩ ra trong đầu.

Trong lúc vừa may, vừa tâm sự, Từ Nhược Lăng còn được bà cụ kể cho nghe về câu chuyện của cái máy khâu này. Bà nói nó là của hồi môn của con dâu, bà vô cùng quý mến người con dâu ấy. Kể từ khi con trai lấy được vợ, hai người suốt ngày chỉ biết kiếm tiền bằng mấy nghề tay chân lặt vặt. Sau này, hai vợ chồng có con rồi thì con trai của bà lại phải đi làm xa để kiếm thêm ít đồng bạc, nhằm lo cho đủ tiền sinh hoạt, tiền mua sữa cho con.

Nhưng thật không ngờ, chỗ công trình mà anh con trai làm xảy ra một vụ sập giàn giáo, sự cố tai nạn nghề nghiệp ấy đã cướp đi mạng sống của anh. Còn chị vợ vì quá đau buồn mà đổ bệnh nặng, tuy cả nhà đã rất cố gắng chạy vạy lo tiền thuốc thang, tiền chữa bệnh cho chị nhưng chị vẫn không qua khỏi. Và thế là, trong ngôi nhà tồi tàn này chỉ còn sót lại hình bóng của người bà côi cút cùng hai đứa cháu nhỏ. Cũng vì thế mà quán may đổi thành quán tự may.

Nghe được hoàn cảnh khó khăn của bà cụ, Từ Nhược Lăng cũng thấy tội nên cố dúi vào tay bà thêm một ít tiền nữa nhưng bà nhất quyết không chịu nhận, bà chỉ hiền từ nói: "Cô gái, cháu là người tốt, rồi ông trời cũng sẽ cho cháu có được một cuộc sống hạnh phúc."

Từ Nhược Lăng cũng chẳng cưỡng ép. Cô chào tạm biệt bà cụ rồi lên xe, bỏ đôi găng tay vào một chiếc hộp nhỏ và để cẩn thận vào túi. Nhờ thế nên tâm trạng cô tốt lên rất nhiều.

Từ Nhược Lăng ghé vào một quán ăn bên đường, gọi cho mình một tô mì hải sản ngon lành, ăn xong mới quyết định đi về nhà.

Lúc vừa vào đến cổng, Từ Nhược Lăng liền phát hiện ra có vấn đề khác thường.

Biệt thự hôm nay sáng đèn!

Căn biệt thự thiết kế theo kiến trúc Art Deco do ông nội Khương Chính Nam đích thân mời kiến trúc sư người Pháp về giám sát xây dựng. Ông còn nói, coi như đây là quà cưới cho hai cháu. Căn biệt thự xây dựng rất công phu, thậm chí ông nội còn chịu chi tiền túi ra để mua cho được một mảnh đất có địa thế nhất Thâm Quyến.

Khi vừa xây dựng, ông nội của Khương Chính Nam đã đảm nhận việc theo dõi cũng như trông coi bản vẽ. Còn Khương Chính Nam thì sáng đi tối về, bỏ bê công việc cho kỹ sư, thợ xây dựng và cả ông nội. Hắn tỏ thái độ không chấp nhận mối hôn sự này rất rõ ràng. Chỉ là lúc đó, Từ Nhược Lăng vẫn vô cùng kiên nhẫn, cô ghé qua thăm thú công trình và chăm sóc ông nội của hắn rất chu đáo. Thế cho nên, cô được chứng kiến đầy đủ cả quá trình kể từ khi chuẩn bị cho tới lúc hoàn thành xong xuôi một căn biệt thự to lớn.

Từ Nhược Lăng còn nhớ rất rõ lúc ấy ông từng hỏi cô rằng: "Cháu muốn một căn nhà như thế nào?"

"Cháu thích một căn nhà có nhiều cửa sổ, để mỗi khi có nắng thì đâu đâu trong nhà cũng sẽ thấy ấm áp, còn dễ dàng cảm nhận được gió mát, mưa phùn của thiên nhiên nữa." Từ Nhược Lăng không ngần ngại mà nói thẳng.

Ông nghe xong cũng chỉ biết mỉm cười nhìn cô, rồi ông kêu kiến trúc sư đến và dặn dò theo như đúng ý của Từ Nhược Lăng.

Mãi sau này, Từ Nhược Lăng mới hiểu ra. Cho dù có nhiều cửa sổ hơn đi nữa thì căn nhà đó vẫn sẽ lạnh lẽo, có nhiều nắng bao nhiêu đi nữa thì căn nhà đó vẫn âm u nếu thiếu hơi người.

Và quan trọng là căn nhà rộng lớn mà chỉ có một người ở thì thật cô độc!

Vậy mà hôm nay có chút khác, chí ít thì trên cửa sổ của phòng ngủ đã hắt ra chút ánh sáng vàng. Tức là trong nhà đã có người, Khương Chính Nam cuối cùng cũng chịu trở về. Từ Nhược Lăng không thể miêu tả nổi cảm xúc trong lòng là vui mừng, phấn khích, hay thất vọng.

Cô vui vì hắn đã chịu về với cái nơi gọi là "mái nhà" của hai người họ. Nhưng sự vui mừng trong cô nhanh chóng bị dập tắt khi cô nhận ra, chẳng qua hắn chịu quay trở về nhà là vì đứa bé trong bụng cô. Tuy vậy thì vẫn tốt hơn trước kia rất nhiều, khi mà Khương Chính Nam chẳng thèm ngó ngàng gì đến cô cả.

Từ Nhược Lăng vững bước đi vào trong, vừa vào đến cửa, thứ đầu tiên đập vào mắt cô chính là một đôi giày cao gót đỏ choét, dự cảm không lành liền dâng lên trong lòng.

"Không thể, làm sao có thể được chứ?"

Cô khẽ lẩm bẩm trong miệng như tự an ủi nỗi bất an của mình.

Rồi Từ Nhược Lăng tháo giày, bước chân cô rất chậm, càng chậm thứ cô không muốn thấy càng hiện ra. Đầu tiên là túi xách vứt trên ghế, sau đó đến áo khoác da tối màu, rồi tiến lại gần cầu thang còn có cả cavat, áo sơ mi đen và cả âm thanh chói tai từ trên lầu vọng xuống.