Chuyện ly hôn được giải quyết rất nhanh chóng. Tố Chí Lễ không chút do dự đã kí vào tờ ly hôn, ba mẹ con họ không lấy bất cứ tài sản nào của ông. Thứ tài sản vì chút lòng hối lỗi của ông làm mẹ anh cảm thấy bản thân bị hạ nhục, bà từ chối nhận lấy căn nhà giả tạo này, từ chối nhận lấy những đồng tiền của ông.
Tố Vọng dọn đồ đạc cá nhân của mình, nắm chặt lấy bàn tay nhỏ của Tố Túc, không hề quay đầu nhìn lại căn nhà anh đã sống gần mười tám năm, dứt khoát khép cánh cửa gỗ quen thuộc, dẫn theo mẹ và Tố Túc ra ngoài.
Tố Túc dù sao cũng chỉ là đứa nhỏ chưa lớn, vẻ mặt nó man mác buồn, lén lút quay đầu nhìn mấy lần, đi qua cái cây cũng phải đưa tay chạm lướt qua, như để lưu giữ cảm xúc cuối cùng.
Mẹ anh thuê một căn nhà ở khu chung cư cũ, cách trường học của anh khá xa, nhưng lại gần trường học của Tố Túc. Căn hộ của bọn họ ở tầng ba, sách vở học tập của anh em Tố Vọng rất nhiều, phải thuê dịch vụ chuyển nhà.
Lúc mọi thứ đều đã ổn thỏa cũng đã là ngày ba mươi tết. Ngôi nhà mới của anh vẫn được tự tay anh và Tố Túc trang trí, mẹ anh không mất bao lâu đã khôi phục dáng vẻ như thường, ngâm nga nấu bữa cơm tất niên.
Tố Vọng không tham gia lớp học thêm của trường, cô chủ nhiệm biết vấn đề gia đình của anh, không ép anh đi nữa, chỉ đơn giản dặn dò đôi câu, vỗ vai anh, nói rằng lúc nào khó khăn có thể đến tìm cô.
Kì nghỉ tết hơn hai tuần lễ nhanh chóng trôi qua. Tố Túc và anh phải quay trở lại trường học, mẹ anh làm quản lí ở công ty đã đi làm sớm hơn anh mấy ngày.
Còn hai ngày cuối của kì nghỉ Tố Vọng mới động đến sách vở, anh dùng hai ngày này giải quyết toàn bộ bài tập, giải đề đến đêm. Tố Túc và mẹ đều hiểu anh đã bắt đầu bước vào giai đoạn ôn thi khắc nghiệt.
Thi đỗ đại học có thể thay đổi một đời người.
Kì thi tháng đầu tiên của năm mới, Tố Vọng khởi đầu chậm hơn những bạn học khác miễn cưỡng đứng ở vị trí thứ mười toàn khối. Anh biết một tuần học thêm đó các bạn học khác đã nâng cao hơn trình độ, mà anh vẫn dậm chân tại chỗ. Thành tích của anh đã tụt dốc, không có lí do gì để anh nghỉ ngơi nữa.
Bỗng có một ngày, Tố Vọng hơn tám giờ tối mới về đến nhà, cửa nhà vừa mở ra, Tố Túc đã phi từ trong ra ôm chầm lấy anh, đôi mắt đỏ hoe nhìn anh.
Tố Vọng bế cậu lên, bước vào nhà tìm mẹ.
“Vọng Vọng, ba con thắt cổ tự tử… Ông ta qua đời rồi.”
Cứ tưởng con trai sẽ bày ra bộ dáng đau lòng, nhưng Tố Vọng vẫn như thường không hề phản ứng mãnh liệt như bà nghĩ, anh vỗ nhẹ lưng của Tố Túc đang gối lên vai mình, hững hờ đáp lại mẹ anh vài câu tỏ ý đã biết.
Kể từ giây phút sự thật được phơi bày, Tố Vọng đã triệt để mất đi tình cảm với ba mình. Tố Chí Lễ không còn là ba anh, ông ta chỉ là một tên giả dối lừa người.
Loại thất vọng đến mức cùng cực này khiến người ta không còn tình cảm nữa, chỉ có sự thờ ơ lạnh lùng.
Có nhiều chuyện không phải cứ chết là xong, cứ chết đi là giải quyết được vấn đề.
Sự phản bội đau thấu tim gan. Thời gian mấy chục năm ròng. Sức khỏe và vẻ đẹp của mẹ anh, ai sẽ trả lại cho bà?
Cái chết của ông ta chẳng là gì với anh, không đáng để vào mắt.
Anh không phải là Tố Túc ngây thơ dễ xúc động, không phải người mẹ nhẫn nhịn vì người khác, anh có suy nghĩ của mình, không dễ lay động.
Tố Vọng cười tự giễu, anh tự nhiên cảm thấy bản thân đúng là con trai của Tố Chí Lễ, thừa hưởng khả năng lãnh cảm của ông ta. Nhưng anh chỉ dứt khoát quay lưng với người lừa dối mình, sẵn sàng đâm một dao sau lưng mình. Chứ không phải như Tố Chí Lễ vô tâm vô phế phản bội niềm tin và tình yêu của ba người họ rồi ra đi đột ngột không một lời.
Tố Vọng chẳng hiểu Tố Chí Lễ nghĩ gì mới làm ra được hành động đó. Có lúc nào ông ta cảm thấy hối hận không? Tố Vọng rất muốn hỏi ông.
Trải qua một thời gian, Tố Vọng hiểu vì sao Tố Chí Lễ yêu người khác nhưng vẫn không ly hôn hay tỏ ra lạnh nhạt với “cái nhà” này. Bởi vì Trang Hinh Nghiên dù xinh đẹp tài giỏi, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, tính cách có phần âm hiểm độc đoán, trước đó nghe nói bà còn làm nghề “tiếp rượu” ở mấy quán hát. Vẻ ngoài mẹ anh thiên về phần nữ tính, hiền dịu, có học thức, có công việc ổn định, sẵn sàng hi sinh tất cả vì chồng.
Sự ích kỷ của Tố Chí Lễ đồng thời hủy hoại đi cả hai đời người con gái.
May mắn, mẹ anh còn có anh và Tố Túc.
Đèn trên trần nhà tỏa ra ánh sáng vàng nhẹ, Tố Vọng không còn khẩu vị vẫn cố gắng ăn hết phần của mình, bên cạnh là Tố Túc cầm sách đang học thuộc bài thơ cổ.
Tố Vọng nhìn quyển sách cũ mèm của em trai, lại nhìn dáng vẻ say mê học tập của cậu, trong lòng tự nhủ bản thân cần nỗ lực phấn đấu hơn gấp trăm lần.
Từ trước đến giờ, Tố Chí Lễ luôn miệng nói phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Thỉnh thoảng đi chợ với mẹ, trông thấy mẹ chỉ biết đứng một bên lẳng lặng nhìn những mẫu váy xinh đẹp bày trong cửa hàng, không quá mấy giây liền cất giữ sự yêu thích của mình, nắm tay anh rời đi.
“Mẹ con mình thật may mắn! Trúng mánh lớn rồi!”
Bà cầm túi thịt heo vừa mưa, tỏ ra hào hứng nói với con trai, như muốn che giấu hành động vừa rồi.
“Tối nay chúng ta làm món lẩu cay mà con thích!”
Tố Vọng khi ấy loáng thoáng cảm nhận được chút mong mỏi của mẹ mình đã bị lời nói của bà làm cho không còn để tâm đến.
Bây giờ nghĩ lại, cả Tố Túc cũng không như những đứa trẻ khác, có lẽ vì được dạy dỗ nghiêm khắc nên không bao giờ dám vòi vĩnh, ngoan ngoãn đến đáng thương.
Có đứa trẻ nào lại không thích những món đồ chơi thú vị, những cuộc hẹn với bạn bè?
Tố Chí Lễ mỗi khi biết được anh em họ đi chơi với bạn sau giờ học sẽ nhăn mày, đôi lúc sẽ gắt gỏng nhắc nhở.
Tố Túc nhát gan, không dám có lần hai tái phạm, còn Tố Vọng thì dám.
Rất nhiều kí ức thuở nhỏ bỗng nhiên ùa về, hình như mỗi lần người thân máu mủ ruột già rời khỏi thế gian, những kí ức ấy sẽ tua đi tua lại trong tâm trí người ta, khiến lòng người ngũ vị tạp trần.
Bát cơm không biết từ bao giờ đã nguội, đĩa rau xào thịt bò vơi đi một nửa đã mất đi vị ngon ban đầu. Tố Vọng ăn đến khi không nuốt thêm được miếng nào mới ngừng đũa, thu dọn sạch sẽ rồi vào phòng.
Qua tết, thời tiết vẫn còn se lạnh, Tố Vọng mở cửa sổ, thò đầu ra hóng gió, hơi lạnh từ ngoài đột nhập vào phòng nhỏ, làm cho mọi ngóc ngách như thêm lạnh.
Bầu trời đêm tối đen như mực, không trăng không sao, mờ mịt tựa như tương lai sau này.
Tố Vọng vốn định hóng gió giúp tâm tình khoan khoái, không nghĩ tới việc anh ngắm trời ngắm đất sẽ làm tâm trạng tụt dốc.
Cánh cửa sổ khép lại, trả cho căn phòng sự yên tĩnh.
“Anh ơi? Em vào được không?”
Nghe tiếng gọi của Tố Túc, anh xoay người, đến mở cửa cho em trai, hỏi:
“Có chuyện gì thế A Túc?”
Tố Túc mân mê vạt áo, hơi cúi đầu, lưỡng lự. Phải đợi đến khi Tố Vọng cổ vũ mấy câu, cậu bé mới hướng đôi mắt trong suốt lên, nhỏ giọng:
“Em được chuyển tới lớp một…”
Ở trường cấp hai qua mỗi học kì sẽ có bài đánh giá năng lực, vị trí trong hai lớp chọn rất được lòng mọi người, có thể vượt qua trăm đối thủ để ngồi trong đó rất khó, nhưng nếu được học trong môi trường tốt, cơ hội đỗ một trường học trọng điểm sẽ rất cao, không cần học thêm ở ngoài, nhà trường sẽ tự tổ chức những buổi dạy bồi dưỡng, tiền học phí cũng được giảm, cả về học chính lẫn phụ.
Là một người anh, Tố Vọng cực kì vui vẻ khi nghe tin, theo thói quen xoa đầu Tố Túc, mềm mại khen ngợi:
“A Túc thật giỏi! Anh tự hào về em lắm!”
Nụ cười rạng rỡ như nắng ban mai của em trai khiến đáy lòng Tố Vọng nhẹ hẫng, anh ngồi xổm, ôm đứa em bảo bối của mình, thầm nghĩ thật tốt...
Tố Túc có thể không buồn lòng về người cha kia nữa, ngày ngày hướng tới tương lai, không gì sánh được.
Cậu nhóc tựa cằm lên vai anh, nói ra thắc mắc của mình:
“Nhưng mà anh ơi… Hôm nay em tới học, có một bạn cứ nhìn em chằm chằm, có phải vì em làm bạn của cậu ấy chuyển đi nên cậu ấy mới không thích em…”
Tố Vọng vỗ vỗ tấm lưng nhỏ, vừa hộ tống em trai đại nhân về phòng, vừa an ủi mấy câu, tận tình giải thích cho em trai hiểu.
Trẻ con rất nhạy cảm với ánh mắt của người khác, Tố Túc của anh lại hiểu chuyện, có chút yếu đuối trước hoàn cảnh, hồi mẫu giáo bị bạn cướp đồ cũng không dám nói.
Tố Túc là đứa trẻ ngoan, là người em trai anh yêu quý, mỗi ngày anh đều hi vọng em ấy và mẹ có thể sống thoải mái hơn một chút.
Nhưng có rất nhiều thứ không thể diễn ra theo nguyện vọng của bản thân, hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, người nào trở tay không kịp sẽ phải trả giá.