Châu Chấu Đỏ

3/10 trên tổng số 2 lượt đánh giá
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
"Châu chấu đỏ" là một trong ba bộ truyện đã làm nên “hiện tượng Mạc Ngôn” hay còn gọi là “Mạc Ngôn tam hồng” trên văn đàn Trung Quốc, bao gồm “Cao lương đỏ”, “Củ cải đỏ trong suốt” và “Châu chấu đỏ”.  …
Xem Thêm

Chương 17
Sau khi châu chấu quay trở lại, ông Cửu trở thành người lãnh đạo cao nhất của gia tộc ăn cỏ tranh vì ông Tứ đã bị ông đánh trọng thương. Ông Cửu triệt để phủ định chính sách "bình định" châu chấu của ông Tứ, lãnh đạo người trong gia tộc góp vốn xây dựng miếu Lưu tướng quân, động viên mọi người tham gia diệt châu chấu, chủ trương thần linh cùng với con người phối hợp trong chiến dịch này.

Người ta nói với nhau rằng đàn châu chấu di chuyển sang bờ bắc sông là vì cảm động trước lòng thành của gia tộc ăn cỏ tranh, nhưng thực ra là ở bờ nam sông đã trơ trụi nên chúng chẳng có cách nào khác là phải di chuyển sang bờ bắcđể kiếm ăn; hoặc là chúng đã dự cảm được trận mưa đá kinh hoàng sẽ trút xuống, cái rét sẽ phủ lên bờ nam. Di chuyển sang bờ bắc một là kiếm ăn, hai là trốn trận mưa đá, ba là để mua lòng người.

Ngày châu chấu trở lại, mặt trời tối đen, có đến mười con chim vô danh màu trắng từ đầm lầy bay ra và quần đảo trên bầu trời trong làng, đồng thanh kêu lên năm mươi tiếng kêu rất thê lương rồi bay thắng về hướng đông.

Trên đầu quấn một vòng băng trắng xóa, ông Tứ chống gậy đứng trước hiệu thuốc của mình, ngước mặt nhìn bầy chim trắng kỳ dị ấy, đôi mắt lóe lên những tia sáng thần bí. Không ai đoán được trong lòng ông Tứ đang nghĩ gì. Ông Cửu cưỡi một con ngựa gầy tong teo đi từ ngoài đồng về. Trên thắt lưng ông vẫn lủng lắng hai khẩu súng ngắn, tay cầm một chiếc roi da, trên mặt phủ một lớp bột trắng, đứng lặng trợn tròn đôi mắt nhìn bầy chim như đang suy nghĩ gì mông lung lắm.

Đàn chim đã bay đi rất xa, ông Cửu như sực tỉnh, lấy một khẩu súng ra khỏi thắt lưng cầm trên tay, tay kia vung chiếc roi da đánh vào mông con ngựa gầy đuổi theo đàn chim. Con ngựa chậm chạp chạy xiêu xiêu vẹo vẹo, bốn chân vận động một cách vụng về. Ngồi trên lưng ngựa, ông Cửu không ngừng vung roi thúc chân nhưng con ngựa không còn sức để mà phi nước đại nữa. Mũi nó phềnh, mõm nó há, từ trong cổ họng những tiếng thở ồ ồ ằng ặc phát ra.

Những loài dây leo đang bò kín trên đất khiến hai thân trước của con ngựa già bị vướng ngã nhoài ra đất, ông Cửu chúi đầu xuống đất, miệng ngoạm phải một nhúm cỏ. Ông bò dậy, đá liên tục vào mông con ngựa đang nằm trên đất, chửi mẹ chửi cha nó rồi ngước đầu lên trên kiếm đàn chim lạ màu trắng, phát hiện nó đang bay bên cạnh mặt trời biến thành mười mấy điểm sáng lóa mắt. Ông Cửu quàng chiếc roi da qua cổ, móc tiếp khẩu súng thứ hai ra, hai tay hai khẩu nhắm thẳng vào những điểm sáng chói ấy. Khi hai phát súng nổ vang lên, ông Cửu rụt cổ lại, nhắm mắt, điệu bộ trông như muốn vứt súng đầu hàng, trông như đang chuẩn bị đón tiếp những cú đánh cực mạnh đang lao đến từ phía sau.

Lúc ấy mặt trời đang nằm ở phía chính đông, ánh mặt trời nhàn nhạt đang chiếu trên những mầm lúa mạch mơn mởn xanh và những thân cây cao lương mập mạp mọng nước, những đàn bướm trắng đang chập chờn trên thảm cỏ xanh, có mấy người trong gia tộc đang đại tiện trên một gò đất cao ráo. Khí hậu không bình thường, không phân biệt được mùa nào, mọi người đều quên bẵng thời gian và mùa vụ. Vừa vỗ về vừa mạnh mẽ, ông Cửu đỡ con ngựa già đang nằm như muốn bãi công dậy. Khi ông vừa muốn trèo lên lưng thì nó lại ngã nhào xuống, cứ như thế đến ba lần, ông Cửu chẳng còn cách nào hơn, thở dài nói với con ngựa: Ông trời con, tôi không cưỡi ông nữa là được chứ gì? Hình như con ngựa không tin lời ông Cửu lắm nên nhìn ông chăm chú, ông Cửu phải dùng những cái vuốt ve và những lời vô cùng dịu dàng nó mới chịu đứng dậy, nhưng nhìn nó lúc này ai cũng biết là đang trong tư thế ngã soài ra bất kỳ lúc nào. Ông Cửu nói: Mày đúng là con ngựa đã thành tinh, nam tử hán đại trượng phu, nói câu nào là chắc câu đó, tao không thèm leo lên lưng mày nữa đâu? Ông Cửu nhét hai khẩu súng vào thắt lưng, tay trái cầm roi da, tay phải dắt cương ngựa đi tắt qua đồng cỏ, xiêu xiêu vẹo vẹo quay về làng. Thi thoảng ông ngẩng đầu lên quan sát những đám mây đỏ sậm từ chân trời phía tây đang từ từ trôi đến. Ông không chú ý đến những đám mây này lắm, ông đang bực bội vì con ngựa lười nhác nhưng khôn ranh đáo để này, ông cho rằng chính vì con ngựa lười nhác này mà ông không bắn hạ được những con chim trắng kỳ dị kia. Khi về đến đầu thôn, ông cảm thấy trong lòng buồn bực vô cùng, lại ngước đầu lên, trông thấy những đám mây đỏ sậm đã bay ngang trên đỉnh đầu, đồng thời ông cũng nghe được những tiếng rào rào phát xuất từ đám mây ấy. Đám mây đỏ sậm bay vòng vèo trên bầu trời trong làng rồi nhấp nhô bay thẳng ra đồng cỏ bên ngoài thôn và đáp xuống. Ông Cửu vứt chiếc dây cương và nhảy bổ tới. Trong đám mây màu đỏ sậm có hàng vạn chiếc đầu đang ngọ nguậy, lấp lóa; tiếng rào rào đinh tai nhức óc. Ông Cửu cắn chặt răng, run rẩy, lâu lắm mới lắp bắp được hai tiếng: Châu chấu!

Đúng ngọ, lại từng đám mây châu chấu dày đặc tiếp tục đáp xuống, nhập thành một đàn, quần đảo trên không gian. Đất trời tối tăm, mặt trời bị che lấp, tiếng rào rào chính là tiếng đập cánh của châu chấu. Nghe thấy loại âm thanh này, mọi loài có sinh mệnh đều cảm thấy kinh hồn tán mật. Ông Cửu đúng là người đầu tiên chứng kiến tai họa ập đến, ông liên tục nổ súng vào đám mây ấy, mỗi viên đạn bắn ra có đến mười mấy con châu chấu rơi xuống đất.

Châu chấu vẫn tiếp tục xông đến, khi chúng đáp hết xuống, mặt đất bị bao phủ bởi một màu đỏ sậm, màu xanh hoàn toàn biến mất. Loài châu chấu bay này so với loại châu chấu nhảy còn tàn khốc hơn rất nhiều lần, răng của chúng vô cùng sắc nhọn, chân chúng rất khỏe, trên thân thể mềm mại của chúng có một lớp vỏ cứng như áo giáp. Bọn châu chấu đang gặm nhấm một cách điên cuồng tất cả hoa màu cây trái sinh trưởng trên đất đai của gia tộc ăn cỏ chúng tôi.

Toàn gia tộc dưới sự chỉ đạo của ông Cửu vận dụng mọi phương thức để chống chọi với châu chấu, bảo vệ màu xanh mới hồi sinh trên đất đai của mình. Họ dùng tất cả những gì có thể gõ được như mâm đồng chậu sắt nồi nhôm, gõ liên tục, vừa gõ vừa la hét thị uy. Họ muốn dùng âm thanh để làm cho bọn châu chấu sợ hãi nhưng kỳ thực cách này chẳng khác nào một nghi thức long trọng nghinh đón bọn châu chấu hạ cố ghé thăm.

Trời đất tối sầm vì những đàn châu chấu tiếp tục bay đến. Thi thoảng có vài tia sáng mặt trời cố len lỏi giữa đám mây dày ấy để chiếu xuống những thân thể mệt mỏi và giọng nói đã khản đặc của những con người bé nhỏ ở dưới đất. Mặt ai nấy đều vàng ệch, những ánh mắt đờ đẫn và thê thảm liếc nhìn nhau, thẫn thờ.

Đêm. Những âm thanh rào rào khoan nhặt ngoài đồng vẫn vang vọng đến tai mọi người, dường như có một quân đoàn binh sĩ đang luyện tập ở ngoài ấy. Mọi người đều nấp kín trong nhà, buồn rầu ngồi bó gối lắng nghe tiếng rì rào chết chóc ngoài đồng, cũng lắng nghe tiếng châu chấu va rào rào như mưa đá rơi trên mái nhà. Những cành cây bắt đầu răng rắc gãy do châu chấu bám vào quá nặng.

Ngày hôm sau, trong làng ngoài làng đều bị bao phủ bởi một màu đỏ sậm, chẳng còn lấy một mảng màu xanh. Châu chấu tràn ngập đất trời, trở thành chúa tể của nhân gian.

Ông Cửu gan lì ngồi lên lưng con ngựa già đi lại trên đường để quan sát. Châu chấu như những viên đạn bắn thẳng vào người và ngựa khiến cả hai đều không thể hé nổi mắt mở nổi miệng. Móng ngựa đạp chết rất nhiều châu chấu, những nơi đi qua đều lưu lại dấu chân ngựa rất rõ. Ngựa cúi gằm mặt, nước dãi chảy thành dòng, có lẽ ông Cửu cũng có cảm giác giống như con ngựa, cảm thấy răng mình nhờn nhợn ghê ghê. Ông mím miệng thật chặt không cho nước dãi thảy ra, cố nuốt xuống bụng những ngụm nước đãi đang tiết ra liên tục ào ào.

Trên đường quay về, một con châu chấu khá to đậu trên vành tai ông Cửu và gặm khiến ông cảm thấy ngứa ngáy. Ông quờ tay chụp lấy nó, chăm chú nhìn rồi xé nó ra làm đôi vất xuống đất. Xác con châu chấu tiếp đất không hề có tiếng động. Ông Cửu nhận ra rằng, châu chấu cũng không đáng sợ lắm.

Toàn gia tộc lại một lần nữa được động viên ra quân. Nào xẻng, nào cuốc, nào gậy, nào chổi. . . Nào đập, nào quét, nào đánh . . . Càng ra tay càng say càng nghiện, trong chém gϊếŧ tìm thấy sự hoan lạc. Hết châu chấu bị đập chết đem rải lên đường dày đến cả thước, dịch thể trong xác châu chấu ướt đẫm, tanh hôi vô cùng khiến không ít người ôm ngực nôn thốc nôn tháo.

Trên con mương ở ngoài làng, nơi bà Cửu bị ngập dưới bùn sau này như tôi đã kể ở trước, khi cứu được bà Cửu lên thì bùn trên người bà hôi thối không chịu được, tôi cho rằng bùn ấy chính là do xác châu chấu tích đọng năm mươi năm qua mà nên.

Năm mươi năm trước, toàn bộ gia tộc chúng tôi triển khai công cuộc tiêu diệt châu chấu bắt đầu từ trong thôn ra đến ngoài thôn, ngày ấy con mương sâu hơn bây giờ nhiều lần. Mọi người đã đem thi thể châu chấu cả đang sống lẫn chết đổ xuống đấy, lấp đầy cả một con mương. Đạp lên xác châu chấu, mọi người tiến dần ra đến đồng ruộng mênh mông.

Một con chết, lại sinh thêm một con; một thúng bị đập chết lại có một thúng khác bay đến. . ., hết lớp này đến lớp khác hết bầy này đến bầy khác kế tiếp nhau xông đến, vô cùng vô tận. Trên thân thể mọi người chỉ thấy chất dịch xanh xanh và thi thể nát nhừ của châu chấu. Họ mệt nhoài, họ bổ nhào trên lớp châu chấu dày cộp. Trên đầu họ vẫn có muôn ngàn châu chấu đang vần vũ và sẵn sàng đáp xuống.

Ngày thứ ba, ông Tứ đốt một đống lửa thật lớn trên đường cột khói xông thẳng lên trời, gặp nhau với bầy châu chấu đang vần vũ ở trên. Lửa cháy phần phật, châu chấu đua nhau rụng xuống. Không cần phải động viên khích lệ nữa, mọi người đi kiếm tất cả những gì có thể cháy được đem ra đốt tất. Trên con đường dài, hàng chục đống lứa được đốt lên. Châu chấu lại rơi, mùi châu chấu bị đốt cháy khét lẹt. Xác châu chấu có chất đầy, rất dễ cháy, do vậy mà những đống lửa không những không tắt mà ngày càng bốc cao hơn.

Gần tối, có ai đó đốt lên một đống lửa cực lớn giữa đồng chiếu sáng cả nửa bầu trời xám xịt ở trên và đỏ bầm ở dưới đất. Toàn bộ thành viên của gia tộc ăn cỏ già trẻ lớn bé đều tụ tập ở đầu thôn, nghiêm trang nhìn ngọn lửa lúc thì sáng lúc thì tối. Nỗi sợ hãi đối với lửa di truyền từ đời này qua đời khác đã ngăn cản họ đốt thật nhiều lửa để tiêu diệt châu chấu.

Công việc tiêu diệt châu chấu được đồng thời tiến hành với việc xây dựng miếu Lưu tướng quân. ông Cửu đã dẫn người đến đó xây miếu để cầu khẩn thần thánh trợ lực. Vậy Lưu tướng quân là ai?

Ngay trong đêm đốt lửa ấy, Lưu Mãnh tướng quân thác mộng cho ông Cửu rằng: Ta là người đất Ngô Châu, thời Nguyên Thuận Đế, phụ thân ta là danh tướng trấn thủ ở vùng Giang Tây, sau đó ta được kế nhiệm chức vị của phụ thân qua sông để tiễu trừ bọn cường đạo ở hai vùng Giang, Hoài. Khải hoàn quay thuyền hồi hương, gặp phải nạn dịch châu chấu, cây cỏ xác xơ dân tình khốn đốn. Ta tận mắt chứng kiến thảmcảnh không có cách nào giúp đỡ, tuyệt vọng nên trầm mình trên sông. Triều đình nghe tin, truy tặng chức Mãnh tướng quân, liệt nhập thần vị, chuyên giúp nhân dân diệt trừ châu chấu. Hãy lập miếu ở thôn tây, châu chấu tự diệt vong.

Thêm Bình Luận