Chương 5: Ông Lão Nhặt Ve Chai Mang Dù Giấy

Trong chớp mắt, Dung Phỉ cảm thấy toàn bộ máu trong người mình đều đông cứng lại, lát sau có phản ứng, vội móc lá bùa treo dây đỏ trên cổ ra giơ ra trước mặt cô gái, lại thấy cô ta nhếch môi nở nụ cười một cách kỳ dị rồi vươn đôi tay đầy máu về phía ba Dung.

“Ba!” Dung Phỉ kinh hãi, ném thanh giường xuống chạy tới chụp lấy sau đầu ba Dung, nhưng “Ối”, ba Dung trượt tay, cây búa đóng xuống đầu ngón cái, máu thịt đầm đìa.

Dung Phỉ nhào tới, cô gái kia liền né đi, nụ cười quỷ dị trên môi càng tươi hơn. Dung Phỉ hung dữ trừng mắt nhìn cô ta rồi nhanh chóng nâng ba Dung dậy.

Bà Trương đứng cạnh cũng hoảng hồn, tay cầm tẩu thuốc run lên, vội bước tới: “Ôi, bị thương không nhẹ đâu, mau tới bệnh viện băng bó đi.”

Ba Dung ngậm đầu ngón tay vào miệng: “Không sao đâu, còn thiếu một thanh giường nữa thôi.”

Ông lục trong túi ra tờ khăn giấy quấn tay mình lại rồi xoay người nhặt thanh giường Dung Phỉ ném lúc nãy lên, tiếp tục làm việc. Dung Phi phụ giữ đầu giường, mắt lại vô thức nhìn sang cô gái trong góc, chớp chớp, mờ mịt.

Bà Trương rít hai hơi, chỉ tẩu thuốc về hướng Dung Phỉ đang nhìn: “Cháu gái lớn của bà mua đó, nói là mua trên Taobao, kêu là búp bê gì đó, cao bằng người, nhìn cứ như thật vậy.”

Dung Phỉ ngơ ngác dụi mắt, đúng là một con búp bê Barbie mặc váy trắng, ngoại trừ đuôi mắt đỏ tươi đang nhướng cao tạo vẻ ma mị thì không đáng sợ chút nào. Chẳng lẽ vừa nãy mình bị hoa mắt, rõ ràng đang giữa ban ngày, sao lại… Hay tại lần trước bị quỷ đè, sợ tới mức đầu óc mụ mị luôn rồi?

Ra khỏi quán trà của bà Trương, ba Dung đi tới trạm xá gần đó, kêu Dung Phỉ về nhà trước.

Dung Phỉ thấy hơi bất an, lúc lấy lại tinh thần mới chợt phát hiện, cô lại có thể lạc đường giữa ban ngày!

Cô nhớ rõ là mình quẹo vào ngõ Hồng Phi Võng, sao lại đi tới căn tứ hợp viện khiến người ta bị chặn bốn phía rồi? Lạ ở chỗ, tứ hợp viện này nằm ngay kế quán trà nhà bà Trương, cô và ba Dung đã đi chung một đoạn, cho dù lạc đường cũng không thể về lại đây được, chẳng lẽ cô vòng ngược trở lại?

Buổi sáng làm ăn tốt nên chiều có rất nhiều đơn hàng phải giao, chờ người nhà nhận ra cô bị lạc để đi tìm thì chắc phải đợi đến tối mịt. Dung Phỉ nhìn quanh bốn phía, cố gắng định hướng, quyết định tự tìm đường ra ngoài.

Dung Phỉ nhặt đại cục đá dưới đất, cách hai ba bước lại vẽ một vòng tròn lên tường làm ký hiệu, muốn dựa vào cách này để tìm lối ra. Nhưng rồi cô chán nản nhận ra, bất luận cô đi hướng nào, cuối cùng vẫn về lại chỗ cũ.



Nản lòng ném hòn đá đi, Dung Phỉ chịu thua, cô không cách nào hiểu được, nếu bốn phía đều là tường, không có lối ra, thế cô vào đây bằng cách nào? Mỗi lần đi ngang tứ hợp viện này cô đều nhìn thấy cổng lớn, sao vào trong rồi lại không tìm được lối ra?

Đang cố sức xoay xở, bỗng cô nghe được tiếng bước chân ‘lẹp xẹp’.

Dung Phỉ nhìn theo thì thấy một ông lão nhặt ve chai, lưng đeo bao to đầy những chai nhựa rỗng đang đi về phía này. Phía trên cái bao có một cây dù bằng giấy dầu đã rách, nát đến mức khung sườn chỉ còn trơ trọi vài cọng. Nếu không phải đã rách đến mức không nỡ nhìn, biết đâu bán cho mấy tiệm đồ cổ cũng được không ít tiền.

Lúc ông lão đi ngang qua người Dung Phỉ, cây dù rách kia rơi xuống cạnh chân cô.

Dung Phỉ không sợ dơ, cúi người nhặt lên.

Có vẻ ông lão lớn tuổi không còn minh mẩn, làm rơi đồ cũng không biết, đã đi qua người cô vài bước.

“Ông ơi, ông làm rớt dù!” Dung Phỉ hô lên, chạy tới vài bước.

Ông lão dừng bước nhưng không quay người lại, chỉ giơ tay chỉ vào chỗ lúc nãy để cây dù.

Dung Phỉ ngớ ra rồi hiểu ngay, tuy cảm thấy ông lão này hơi kỳ lạ nhưng cũng không nghĩ nhiều, để cây dù lại chỗ cũ giúp ông. Cô nghiêng đầu muốn ngó mặt ông lão, nhưng ông ta đứng rất khéo, góc độ đó khiến Dung Phỉ không cách nào nhìn rõ mặt ông được, lúc nãy khi ông ta bước tới cũng luôn cúi đầu, cô chỉ thấy được mái tóc rối bù vô cùng nhếch nhác.

Đặt dù về chỗ cũ xong, ông lão kia không hề nói cảm ơn đã cúi đầu đi tiếp, Dung Phỉ thầm nghĩ có lẽ ông ta bị câm điếc, liền bước sát lại: “Ông ơi, sao ông vào đây được thế, có thể phiền ông dẫn cháu ra ngoài được không?” Nói đến đây, Dung Phỉ ngượng ngùng gãi đầu: “Cháu, cháu bị lạc đường, không cách nào tìm được lối ra.”

Ông lão dừng lại, kẹp gấp trong tay chỉ về một hướng.

Dung Phỉ nhìn theo, là hướng ông lão đi tới. Nhưng cô lại bối rối, hướng đó ban nãy cô đã đi không năm thì cũng ba bốn lần rồi, có thấy lối ra đâu?

“Ông ơi, hướng đó lúc nãy cháu đã đi vài lần rồi, nhưng không thấy…” Dung Phỉ còn đang nói, vừa quay đầu thấy ông lão đã đi tít đằng xa, đành phải buồn bực thở dài. Cũng đúng, sao có thể trông chờ một người câm điếc diễn đạt rõ ràng được, thôi vậy, cứ đi theo hướng đó một lần nữa xem sao.

Lại nhặt hòn đá lên, Dung Phỉ vừa đi vừa vẻ ký hiệu lên tường như cũ, nhưng đi một hồi cô lại ngẩng ra, trên đất cắm một cây dù nhỏ bảy màu đỏ, vàng, xanh, tím, lục, trắng, cam, bắt mắt vô cùng.



Cây dù nhỏ được làm rất tinh tế, gập lại chỉ bằng khoảng ngón cái, gần như các tiệm bán đồ mai táng đều có. Nói thẳng ra là dùng cho người chết.

Dung Phỉ nhìn mấy vòng tròn chồng lên nhau trên tường, lại cúi đầu nhìn cây dù bảy màu trên đất, lặp đi lặp lại vài lần, xác định chắc chắn cô đã đi con đường này không chỉ một lần, nhưng lúc trước trên đất không hề có cây dù nhỏ này.

Trong lòng bỗng thấy hơi sợ, Dung Phỉ phân vân không biết phải làm sao, đi cũng sợ, mà ở lại cũng sợ. Mặt trời vẫn chiếu trên đầu nhưng cô lại không hề cảm nhận được chút ấm áp nào, chỉ thấy lạnh đến tận xương.

Tự thôi miên bản thân tôi không sợ tôi không sợ, thậm chí để tăng thêm can đảm, cô còn lầm bầm hát, là cái bài cũ rích ‘Tôi là một người lính đến từ nhân dân*’, chỉ có điều, giai điệu đã quẹo một vạn tám ngàn dặm, giọng hát vẫn còn the thé run rẩy không ra hơi, nghe cứ như thần khúc Thấp thỏm**.

* Trích từ bài hát Tôi là một người lính, là một trong những bài hát cách mạng nổi tiếng của cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong những ngày đầu thành lập. (Trích nguồn Baidu)

** Là một bài hát không lời nằm trong album Đêm tĩnh lặng năm 2006 của Cung Lâm Na. Toàn bộ bài hát không có lời, chỉ có “Uh, oh, oh, yo….”. Tháng 10/2010, video bài hát trong buổi hòa nhạc mừng năm mới Bắc Kinh 2010 đã được cư dân mạng lan truyền. Đoạn video hát không lời cộng với biểu cảm cường điệu gây cười của Cung Lâm Na khiến nó được lan truyền rộng rãi trên internet và được cư dân mạng gọi là “Thần khúc”. (Trích nguồn Wikipedia)

“Dung Phỉ!”

Nghe được tiếng la của Dung Nguyệt, tiếng ca của Dung Phỉ kẹt lại trong cổ họng, thần kinh đang căng thẳng tột độ bỗng được thả lỏng, cô òa khóc tại chỗ.

Dung Nguyệt nghe tiếng tìm đến, thấy Dung Phỉ đang ngồi xổm trên đất, vùi đầu giữa cánh tay khóc đến run cả người, tiếng khóc xé lòng thể hiện sự hoảng sợ và bất lực tột cùng.

“Chị!” Dung Nguyệt vội chạy tới kéo Dung Phỉ dậy, nhìn khuôn mặt đầy nước mắt của cô, tức không được mà cười cũng không xong: “Em biết nói thế nào với chị đây, trời còn đang sáng mà chị cũng có thể mụ mị đến như vậy? Không phải chỉ lạc đường thôi sao, sao phải khóc thê thảm đến vậy, nhìn khuôn mặt trắng bệch của chị kìa, chậc chậc, vừa nãy chị òa lên một tiếng làm em sợ đến nhảy dựng, còn tưởng chị gặp phải nguy hiểm gì.”

Dung Phỉ lấy tay lau mặt, trộm nhìn cây dù nhỏ trên đất, ngại nói ra chuyện mình bị thứ đồ chơi này dọa khóc, đành phải đổi đề tài: “Em đi giao sô pha về nhanh vậy?”

“À” Dung Phỉ gật đầu: “Ba băng bó xong về tới nhà không thấy chị đâu, biết chắc chị lại lạc đường, nhưng ba còn phải giao một xe hàng nên em tới tìm chị, haizz, sao em lại có một người chị như thế này cơ chứ, nói ra mất mặt chết thôi.”

Dung Nguyệt nói xong liền dẫn Dung Phỉ ra ngoài, hai chị em đều không thấy, một cơn gió thổi qua, cuốn bay mấy cái lá khô trên đất, đồng thời cũng thổi cây dù nhỏ bảy màu ấy bay lên.