Tôi thấy ông ta mở ngăn kéo rồi lấy một chiếc điện thoại khác ra, sau đó tắt cuộc gọi.
Và ngạc nhiên thay, điện thoại di động trong túi tôi cũng ngưng gọi.
Ôm tâm thái xác nhận lại một lần nữa, tôi lại tiếp tục gọi vào số đó.
Quả nhiên, tôi nhìn thấy chiếc điện thoại mà Hiệu trưởng vừa bỏ vào ngăn kéo lại rung lên.
Hiệu trưởng mất kiên nhẫn tắt đi, cuộc gọi trong điện thoại tôi cũng tắt theo.
Lần này, tôi chắc chắn rồi.
Nhưng có chắc chắn thì cũng vô ích, chẳng qua là tôi chỉ xác nhận được Hiệu trưởng thật sự mua bán bằng cấp mà thôi.
Cùng với…
Người chuyển tiền cho Bí Ẩn đúng là Hiệu trưởng.
Hiệu trưởng cất điện thoại rồi nói với tôi.
“Mấy chuyện như tìm việc gì đấy, thầy không nhúng tay vào được đâu. Nếu Hiệu trưởng phải giới thiệu công việc cho sinh viên thì quyền uy của Hiệu trưởng còn nữa đâu? Công việc của thầy đã mệt mỏi lắm rồi.”
Tôi nghe xong thì cười giả lả: “Đúng vậy nhỉ, ngại quá, em làm phiền thầy rồi.”
Nói xong, tối cúi người chào ông ta.
Lúc khom lưng, tôi nhìn thấy khung ảnh trên bàn dài của thầy Hiệu trưởng.
Đó là ảnh gia đình của ông ta.
Hiệu trưởng, vợ của Hiệu trưởng, con gái lớn và con gái nhỏ.
Cô con gái nhỏ kia giống như đúc cô bé học sinh mà Bí Ẩn dạy kèm.
Tôi sợ mình nhầm lẫn nên cố ý lục lại lịch sử trò chuyện của Bí Ẩn. Nhưng dù có quan sát bao nhiêu lần thì tôi vẫn khẳng định cô gái trong khung ảnh và cô bé học trò của Bí Ẩn chính là một.
Lúc này tôi mới nhận ra, cô bé này mới là nhân vật mấu chốt mà tôi cần phải “mổ xẻ”.
Tôi lại đăng nhập vào WeChat đã đóng bụi ba năm của Bí Ẩn.
Sau khi tìm thấy cái tên “XX – Dạy kèm”, tôi gửi cho cô ấy tin nhắn đầu tiên.
“Có đó không?”
Có lẽ cô gái kia sẽ giật mình, hẳn là cô ấy cũng biết Bí Ẩn đã chết, dù sao cô ấy cũng là con gái của Hiệu trưởng mà.
Một gia sư đã chết mà gửi tin nhắn cho mình được ư?
Chuyện này đáng sợ đến nhường nào chứ?
Cứ như phim The Ring vậy.
Dòng thông báo “‘XX’ đang nhập tin nhắn” cứ hiện rồi lại tắt…
Tôi biết, quả nhiên, tôi dọa cô ấy sợ rồi.
Người nọ trù trừ thật lâu, cuối cùng mới gửi tin nhắn trả lời:
“Là anh hả?”
Tôi đáp: “Tôi là bạn học của cậu ấy.”
Gửi xong, tôi vẫn lo cô ấy không yên lòng nên gửi tin nhắn bằng giọng nói: “Tôi là bạn học của Bí Ẩn, tìm cô vì muốn nghe chuyện này.”
Nghe được giọng thật, cô ấy mới cảm thấy nhẹ nhõm: “Anh muốn nghe cái gì?”
“Tôi muốn biết, Bí Ẩn từng là gia sư của cô đúng không?”
“Đúng vậy.”
“Tuần nào cũng học phải không?”
“Anh hỏi cái này để làm gì?”
“Tôi đang điều tra sự thật về cái chết của Bí Ẩn.”
“…”
Hiển nhiên cô ấy đang do dự, một lúc lâu sau, cô ấy lại hỏi tôi: “Không phải anh ấy tự sát vì trầm cảm ư?”
“Tôi cho rằng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Thế nên tôi muốn hỏi cô xem, cậu ấy dạy kèm vào lúc nào? Địa điểm học ở đâu?”