- 🏠 Home
- Đam Mỹ
- Đô Thị
- Cha Dượng
- Chương 9
Cha Dượng
Chương 9
Lúc chạy ra được tới lộ cái, thấy được đèn đường với nhà dân rồi mà đầu gối vẫn chưa hết run rẩy. Người ta chạy xe ngang, nhìn tôi như thể thằng khùng mới trốn trại ra, chỉ có tôi mới biết mình vừa gặp trường hợp kia mà không đột phát hóa khùng thật thì coi ra đã giỏi lắm rồi. Hồng hộc thở, moi chiếc ví da cá sấu khá sành điệu từ trong ngực, trong đó chứa chỉ một ít tiền nhưng cũng đủ để tôi đi tìm một chỗ điện thoại công cộng gọi một chiếc taxi về thành phố. Ngoài tiền ra thì còn có giấy tờ tùy thân của Angry bird, tôi nhìn vào cái chứng minh thư của hắn, nhìn gương mặt nghiêm túc đến phát sợ của hắn mà nhịn không được muốn cười lớn, búng búng ngón tay lên tờ chứng minh thư, tôi hả hê tự cười như thằng khùng thật.
- Không có cửa chơi khăm thằng thiên tài này đâu, Ngô Ngọc Phong!
Đêm hôm đó, tôi thoải mái ngồi taxi Mai Linh về Sài Gòn. Tôi vừa bước vào trong nhà, lúc này nhìn thấy mẹ mặc một bộ đồ ngủ phi bóng nằm trên ghế sofa xem tivi và đắp mặt nạ dưa leo, một miếng rớt xuống miệng, bà sẵn tiện nhét vào miệng mình nhai nhòm nhoàm, thấy tôi đứng ngay cửa bà mới giật mình một thoáng rồi sừng sỗ ngồi dậy hỏi:
- Con đi đâu mà mẹ gọi con không được? Ba con gọi về nói hồi chiều không đưa con về được nên để con bắt xe buýt, mà nghĩ đi xe buýt kiểu gì mà tận mấy tiếng chưa về tới. Làm mẹ lo gần chết!
Bà lo gần chết trong khi đắp mặt nạ, nhai dưa leo. Tôi xua tay, qua quýt nói:
- Điện thoại của con...làm rơi mất rồi! Thôi con về phòng tắm cái đã!
- Chú Tiệp con chạy xe đi tìm con từ hồi chiều tới giờ, chú lo lắm đấy, lát nữa chú về lựa lời nói với chú một tiếng.
Tôi nghĩ bà sẽ bắt tôi lại, hoặc ít nhất hỏi làm sao mà điện thoại rớt? Rồi con làm sao mà về? Chứ không phải nói với tôi rằng lát nữa phải ăn nói làm sao với Bách Tiệp. Nhưng bà không làm vậy, mà nếu bà có làm vậy thì tôi cũng không khỏi sinh nghi người đứng trước mặt có phải mẹ ruột tôi hay không vì xưa nay bà chưa bao giờ có đủ trách nhiệm và tinh tế của một người mẹ để nói chuyện với tôi bằng ngữ điệu thực sự quan tâm đó.
Nhớ tới chuyện con trai nhỏ của bác sĩ Vinh mất tích thì cả nhà nó lăng xăng láo xáo, ráo riết đi tìm, còn khi tôi mất tích thì chỉ có một mình anh đi tìm, ba tôi gọi về được một cuộc điện thoại còn mẹ thân yêu của tôi ở nhà nằm coi tivi và đắp mặt nạ dưa leo. Thiết nghĩ mình có nên cáu hay không? Nhưng thôi tôi mệt rồi, vừa nãy chạy thục mạng trốn ma nữ nên bây giờ cũng sức cùng lực kiệt rồi, bắp đùi cũng đau gần chết.
Tôi lếch về phòng, tắm rửa xong xuôi rồi ra ngoài phòng khách nhìn thấy người mẹ vĩ đại của tôi lúc này đã đắp mặt nạ dưa leo xong, ngồi trên sofa đeo mắt kính, dán mắt chuyên tâm vào tập hồ sơ bệnh án gì đó ở bệnh viện, dù là ở nhà nhưng cái mùi chuyên nghiệp của bà không bao giờ nhạt, bà vẫn là người sống chết vì công việc, dù mấy tiếng trước có nghĩ rằng thằng con trai mình bị ai đó bắt cóc thật nhưng giờ này thì vẫn cứ rất đạm nhiên làm việc và thậm chí không thèm nhìn nó lần nào.
- Bác sĩ Vinh gọi tới có nói chuyện tìm được thằng nhóc nhỏ chưa?
Mẹ nghe thấy tiếng tôi hỏi, chờ vài chục giây đọc xong một đoạn văn bản trên hồ sơ mới chậm chạp nhìn lên, đẩy đẩy gọng mắt kính nói:
- Có, ổng nói là bên nhà ngoại nó qua rước về rồi sang bển chơi luôn nhưng không nói ai một tiếng. Mà cái nhà đó...cũng thiệt là kì cục!
Bà buông tiếng cười mỉa đại diện cho thái độ muốn phê bình nhưng nghĩ lại đó là chuyện không can hệ gì với mình nên lại thôi. Mà lạ đời thay, chuyện con nhà người ta mất tích có thể khiến bà không quan tâm đi, nhưng chuyện con mình mất tích, ít nhất bà cũng nên có một chút cáu giận hay tra hỏi đại loại chứ? Nhưng bà không nói gì nữa, mặc dù tôi cứ đứng chình ình ra đó nhìn bà như trời trồng trong suốt một phút.
Lòng kiên nhẫn của tôi luôn đấu không lại sự vô tâm và hững hờ của mẹ, nhưng vì bà đột nhiên sực nhớ ra điều gì đó mới quay sang gỡ mắt kính xuống rồi nhìn tôi. Tôi thấy trong đôi mắt của bà có hình ảnh của chính mình phản chiếu lại, tự nhiên cũng hết cay cú, vừa háo hức suy nghĩ thử xem mẹ định nói gì với mình, tôi sững sờ khi nghe bà nói:
- Mà quên, chú Tiệp con nhắc mẹ hỏi con mắt kính của con đâu mất mà cả tuần nay không thấy con đeo? Mất rồi à?
- Chú Tiệp, chú Tiệp, lại chú Tiệp! Chú nhắc mẹ hỏi hả? Vậy mẹ nói lại với chú Tiệp giùm con, mắt kính con mất hai tuần rồi.
Phải như thế chứ, phải hỏi theo lối "mẹ không cố tình quan tâm con đâu", mới đúng mà mẹ của tôi chứ! Bà chưa bao giờ khiến tôi thất vọng vì bà luôn làm theo bản chất và tính cách của mình, chẳng sợ con cóc nào phải tổn thương cả.
Bà bỏ hồ sơ xuống bàn rồi nheo nheo mắt nhìn tôi bằng thái độ không hài lòng với trình nói kháy bậc chuyên gia của đứa con trai.
Bà nói:
- Mỗi nhà có cách giáo dục con cái khác nhau, tùy theo tính cách của cha mẹ chúng. Mẹ biết con lúc nào cũng trách mẹ lạnh nhạt với con, mẹ cũng thừa nhận mình không phải là người phụ nữ của gia đình, nhưng Vân Đình...con nên biết con vẫn là con của mẹ, cho dù sau này con có vợ, có con, thì mẹ vẫn đảm bảo không ai trên đời này thương con như mẹ đâu.
Tôi muốn nói: "Chả cần vợ con gì nhưng cũng có hàng tá người thương tôi hơn bà, nhìn Bách Tiệp đi, anh thương tôi hơn bất kì ai gấp một trăm lần!", nhưng tôi không mở miệng để nói ra được mà thay vào đó là cười khẩy thể hiện thái độ chế nhạo với cái tình thương con mà bà ngụy tạo chỉ bằng lời nói chứ chưa hề có hành động.
Bà lại nói:
- Chỉ có điều tính cách của mẹ không dịu dàng, không biết cách quan tâm con đúng đắn, thế nên sự nghiệp của con, lựa chọn sau này của con mẹ đều sẽ tự để cho con quyết định hết mà không can thiệp vào. Mẹ tin con là đứa thông minh, con sẽ hiểu được niềm tin của mẹ và cũng hiểu mình nên tự biết làm gì mà không cần mẹ như những người mẹ khác cứ "bo bo" mà giữ con mình. Cái đó chỉ làm con yếu đuối thêm thôi, ngoài cuộc sống này, ngày nào cũng có bão tố vùi dập mà muốn đứng vững, con phải tự mình kiên cường! Biết không?
Tôi nghĩ nghề tay trái của mẹ tôi nên là một nhà văn thì hay, bao nhiêu từ ngữ văn hoa tinh túy đều được bà xổ ra hết, nói còn hay hơn hát! Nhưng nội dung chính túm cái quần lại vẫn là muốn để tôi tự lực cánh sinh, vì tôi giống bà, tôi rất thông minh và tôi biết cái gì nên làm, cái gì không nên làm, cái gì là cám dỗ cần tránh xa và cái gì là danh vọng cần cắm mặt mũi mình vào mà lao tới. Nhưng than ôi, tôi có thông minh như bà nghĩ đâu?...mà thôi bỏ đi. Giờ này, sau bao nhiêu thứ mà bà nói ra rồi, từ ngữ trong miệng tôi cụp đầu cụp đuôi chạy tọt xuống hổ họng hết.
Sau bao năm chung sống khiến tôi có lúc ngờ ngợ tự hỏi...hay mình mới chính là con ruột của anh mà mẹ chỉ là một người vợ kế, thế nên bà mới thờ ơ, vô tâm với tôi như đúng thái độ của một người vợ kế nên có đối với con riêng của chồng? Bà suốt ngày chỉ biết tới bản thân và công việc, nếu là mẹ ruột tôi thật, chuyện sinh tôi ra có lẽ chính là một sai lầm lớn và năm tháng qua bà nhìn tôi như thể đang đối mặt với sai lầm lớn nhất cuộc đời mình thế nên mới biện hộ cho sự thiếu trách nhiệm của mình bằng câu: "Mẹ tin con là đứa thông minh!"
Bà thở dài, đột nhiên nắm lấy tay tôi, cái bàn tay vừa xương xẩu vừa lạnh ngắt như nước đá khiến tôi rùng mình muốn tránh khỏi.
- Mẹ biết gần đây áp lực học của con lớn nên khiến con cáu kỉnh như vậy. Mẹ cũng không ép buộc con phải cố gắng nhiều như mẹ đã từng, con thích con đường nào thì cứ tự do lựa chọn, nhưng phải đậu được đại học, đậu rồi thì cố gắng học tiếp dù ngành nghề gì cũng được, sau đó ra trường, tìm việc làm rồi tự xây dựng cuộc sống riêng của mình!
Tôi nhìn bà, miệng hơi méo nói:
- Chung quy ý mẹ vẫn là con thích cái gì thì làm cái nấy, nhưng phải mau mau trưởng thành rồi rời khỏi nhà, trả lại tổ ấm vốn dĩ của mẹ chứ gì!
- Đỗ Vân Đình con nói vậy là sao? Cái gì trả lại tổ ấm cho mẹ hả?
Ánh mắt của bà vừa giận nhưng vừa nhẫn nhịn nhìn tôi, nếu tôi không phải là con trai chắc nghĩ bà có lẽ đã hỏi: "Con "tới ngày đó" rồi nên trở nên nhạy cảm như vậy phải không? Mẹ cũng hiểu nên mẹ không trách con!" Nhưng than ôi, tôi có phải là con gái đâu? Tôi là một thằng đực rựa hoàn toàn và còn là một đứa khá xấu tính nữa, dù đang trong giai đoạn tâm lý chưa trưởng thành hoàn chỉnh nhưng ít nhất tôi đủ nhạy cảm để biết được không phải chỉ là bà "tin tôi là đứa thông minh" nên mới mặc tôi tự lực cánh sinh, mà chỉ đơn giản vì bà chưa bao giờ muốn có một đứa con! Tôi nghĩ được thế nên tôi cáu, vậy thôi!
Tôi nói:
- Hè này con qua Tân Bình ở luôn, trả lại tổ ấm cho mẹ với chú Tiệp, đỡ mắc công ở đây làm chướng mắt hai người.
Không rõ lý do gì mà tự dưng láy từ chuyện mẹ thờ ơ với tôi sang chuyện mẹ và anh đầm ấm, tôi cũng không rõ là mình đang ganh tỵ với mẹ hay là ganh tỵ với anh. Thấy chuyện hai người họ ở cùng phòng với nhau, đi ra ngoài đường với tư cách là vợ chồng với nhau, vì họ quan tâm và lo lắng cho nhau nên tôi thấy ganh tỵ, trong lòng tôi có cảm giác nóng như lửa đốt khi nghĩ mình chỉ là thứ thừa thãi trong cái nhà này và vài giây sau đó mặt tôi cũng nóng ran như lửa đốt y hệt.
Mẹ vừa vớt cho tôi cái bạt tai không nhẹ
- 🏠 Home
- Đam Mỹ
- Đô Thị
- Cha Dượng
- Chương 9