Bình minh không hẹn mà tới. Suốt đêm mẹ không về nên buổi sáng tôi vác gương mặt ảo não của mình vào bếp nấu cháo và lấy một viên thuốc giã rượu mang vào phòng cho anh. Thấy anh còn ngủ, tôi không nỡ đánh thức, không nỡ gọi lớn tiếng mà chỉ the thé. Lạ lùng thay anh rất nhạy tỉnh, chỉ mới gọi một tiếng, anh đã mơ hồ mở mắt nhìn lên tôi bằng thái độ ngỡ ngàng tưởng mơ nhưng thật.
Anh lật đật bật ngồi dậy, vơ vội cái áo thun vắt đầu giường trồng vào người rồi hơi luống cuống nói:
- Chú ngủ quên mất, con chờ chú chút xíu để chú làm đồ ăn sáng!
Nhìn anh lật đật xuống giường, vì chưa tỉnh rượu hẳn mà lảo đảo ngã nghiêng nhưng vẫn cố gượng đứng vững với cái ý định vào bếp làm đồ ăn sáng cho tôi, anh khiến tôi xót xa nhiều hơn là muốn bật cười. Mà thật sự là lúc này tôi chẳng cười vô, sau một đêm dài dằng xé và tan nát, tôi bây giờ chẳng khác gì cái xác, vừa mệt vừa oải vừa lao đao. Nhớ tới chuyện anh tưởng nhầm tôi là mẹ, hôn tôi, và còn nói những câu từ thắm thiết mà đáng lẽ chỉ có mẹ mới xứng được nghe, tôi thấy ngực mình bấy giờ như mảnh đất khô hạn đìu hiu, trống hoắc.
Tôi ước có loại thuốc gì đó khiến mình uống vào mà quên đi chuyện đêm qua, làm cho tôi có thể miễn cưỡng nhìn anh như một người cha dượng từ trước đến nay vẫn vậy, nhưng đáng tiếc trên đời không có loại thuốc đó và bấy giờ tôi phải đối mặt với anh trong mớ tâm tình hỗn tạp. Không ngạc nhiên khi anh chẳng cần loại thuốc có thể quên đi kí ức đó, nhưng anh vẫn chẳng nhớ rằng hôm qua mình đã làm và nói gì. Đó là đặc quyền duy chỉ có ở người say rượu.
Thấy anh lảo đảo định rời khỏi phòng, tôi kéo rồi đẩy anh ngồi lại giường nói:
- Chú còn mệt thì nghỉ đi. Con nấu chút cháo rồi, chú rửa mặt xong thì ra ăn rồi uống thuốc giã rượu vô. Sau đó muốn nghỉ thì nghỉ chứ con thấy chú còn mệt lắm, hôm nay đừng tới bệnh viện.
Anh hơi hạ vai xuống, có chút cảm động nhìn tôi. Mà tôi không biết anh cảm động vì cái gì trong khi mấy năm qua anh đối xử với tôi ngày nào cũng hơn nhiều một nồi cháo, mấy viên thuốc cùng một lời khuyên nếu mệt thì nghỉ làm việc. Anh cúi mặt, đột nhiên nắm lấy cổ tay tôi rồi im lặng chẳng nói chẳng rằng gì trong suốt một phút.
Một hồi lâu sau tôi mới nghe anh mở miệng nói một câu:
- Con lớn rồi!
Tự nhiên nghe câu này mà mắc cười, nhưng như đã nói, tôi không cười nổi nữa. Nhìn vẻ mặt đăm chiêu của anh, không rõ đó có phải là thái độ ngậm ngùi của một người cha khi thấy con trai mình thực sự trưởng thành và còn biết quan tâm người khác, hay anh chỉ tiếc nuối vì phát hiện đứa con trai bé bỏng đã không còn bé bỏng. Không biết nên khuyên anh thế nào, hay là tôi nên nói lại rằng: "Vâng, con trai anh nó lớn rồi và nó còn biết yêu, nó yêu anh nhiều!"
Haha, nghe thật bi kịch và chế giễu làm sao!
Tôi nửa đùa nửa thật hỏi anh:
- Vậy chú coi con là người lớn được chưa?
Anh nhìn lên tôi. Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, người ta thường nói vậy vì không sai, từ ánh mắt của một người có thể nói lên một góc tâm hồn đang ẩn khuất của người đó, nhưng đáng tiếc "người đó" không bao giờ gồm anh. Con bọ Hercules nhã nhặn của tôi, thật đáng thương, anh luôn ngụy trang tâm tư của mình bằng cái ánh mắt dịu dàng đạm nhiên nhưng cũng thật vô hồn.
Anh nói:
- Con dù lớn, nhưng trong mắt chú vẫn là đứa trẻ ngoan, con, mẹ con, gia đình này là thứ quý báu nhất của chú!
- Con không phải trẻ ngoan!
Tôi không muốn trong mắt anh tôi mãi là một "đứa trẻ" và tôi cũng không "ngoan" như anh nói, nên tôi phản bác, hoàn toàn không đồng tình.
- Đình...chú nghĩ...thật ra làm bác sĩ cũng tốt lắm. Con cố gắng học một chút, chú tin là con có thể đậu được vào đại học. Rồi ra trường, về làm cùng bệnh viện với chú. Sau này có tuổi, chú với mẹ cũng không thể săn sóc con mãi được, nhưng có thể nhìn thấy con, ở gần con...chú cũng thấy yên tâm...
Tự nhiên lái qua chuyện nghề nghiệp, tôi thực sự không hiểu trong đầu anh đang nghĩ hay tính toán cái gì nữa. Anh muốn tôi ở cạnh anh vì có cha mẹ nào lại không muốn ở gần con cái? Điều đó có thể hiểu và hơn nữa anh là "cây một quả", anh không còn cha mẹ hay anh chị em gì, cũng không có con cái, cây già như anh chỉ có một quả là tôi mà mặc dù cái quả duy nhất giả nốt. Tôi biết anh thương tôi, muốn lúc nào cũng được thấy tôi, nhưng anh thì không đáp trả tình yêu của tôi, mà thật ra tôi cũng chẳng tưởng tượng nổi bằng cách nào đó anh có thể đáp trả trong khi chúng tôi vẫn sống cùng một gia đình và người ngoài nhìn vào khâm phục nói anh cưng con trai của vợ còn hơn nó là con ruột không bằng.
Tôi và chồng của mẹ.
Cha và con.
Mặc dù không phải ruột thịt với nhau, nhưng người ta vẫn sẽ nhìn nhận như một cuộc tình lσạи ɭυâи không đáng có kết quả tốt. Chưa nói tới chỉ có tôi là người đơn phương và là người duy nhất trong câu chuyện sẽ bị người đời dè biểu, phỉ báng tới chết còn chưa hết tiếng.
Ánh mắt của con người thật đáng sợ, nó là thứ gì đó sắc nhọn hơn cả dao kéo nhưng không giống như dao kéo, nó không gây sát thương ngoài da mà nó ăn ruồng từ bên trong cho tới khi người đó mục ruỗng hoàn toàn rồi ngã gục, nhưng cũng có thể đột ngột bức chết người ta mà không để lại vết thương nào có thể nhìn thấy như câu chuyện gã nhân viên quăng ánh mắt căm thù của mình để gϊếŧ sếp trẻ.
Anh siết lấy cổ tay tôi chặt thêm một chút, nhìn tôi bằng ánh mắt kỳ vọng. Tôi luôn sợ cái ánh mắt kỳ vọng đó của anh vì tôi luôn biết mình chẳng là cái giống thiên tài gì có khả năng đáp ứng nổi. Nhưng tôi không muốn làm cho anh buồn.
Tôi nói:
- Con không biết mình đậu được đại học hay không, nhưng...con sẽ cố!
Anh hài lòng gật đầu, buông tay tôi ra rồi nghiêng người lấy từ trong hộc tủ đầu giường cái kính cận gọng tròn, đưa cho tôi.
- Học chăm chỉ vào, thời gian không còn nhiều nữa. Nếu đậu được đại học, con muốn gì chú cũng cho!
Đấy là câu cửa miệng của mấy bậc phụ huynh thường nói khi con cái họ đứng trước mỗi kỳ thi lớn, nhưng khi anh nói với tôi câu đó, buồn cười thay tôi không cảm giác có thêm chút động lực nào để học mà ngược lại thấy mới chế giễu làm sao! Tôi không thể nói với anh rằng tôi đếch cần thứ gì cả, tôi chỉ muốn anh, và nếu như tôi đậu đại học, anh có thể dâng tặng mình cho tôi không?
Không thể! Không thể nào tôi nói được mấy lời vô liêm sĩ đó và nếu như có nói thì một ngàn phần trăm anh cũng không bằng lòng. Nhưng vì anh là đấng mà tôi đội ơn cả kiếp này, nên yêu cầu mà anh đưa ra, cho dù đó có phải là phải móc tim đưa cho anh làm thảm dậm chân thì tôi cũng không ngần ngại làm thế.
.
.
.
Cuộc sống của những ngày sau đó đối với tôi vẫn là vòng lặp chán ngắt, ăn, uống, lướt fb, ngủ nghỉ. Có điều trong vòng lặp lẩn quẩn tôi miễn cưỡng đem vào thêm chữ "học bài". Gần tới thi cuối kì, kiểm tra, thi cử này nọ đầu tắt mặt tối, nên nếu muốn giữ lời hứa với anh để thi đậu đại học, tôi bắt buộc phải cầm quyển tập lên. Mà không phải cứ cầm tập lên là có hứng để học liền, thậm chí có mấy môn tôi bị mất căn bản từ gốc nhìn vào cuốn tập mà còn không biết mình ghi chữ hay đang vẽ bùa trừ tà, chẳng hạn như môn sinh học. Mặc dù tự hào nói mình có cái đầu chất lượng thật, nhưng suy cho cùng đó cũng là thứ tôi hưởng sái từ gene của ba mẹ, qua một thời gian không xài tới, thấy cái đầu mình nó giống như chiếc xe đạp bỏ lâu quá không chạy nên bị gỉ sét, khô nhớt, hỏng nát tùm lum.
Nhưng tôi vẫn cố, nghĩ...vẫn nên thử sức để làm chuyện gì đó thay vì cứ lết tới lết lui như một con ốc sên. Bạn học trong lớp thì mày cao mày thấp nhìn tôi như nhìn thứ sinh vật rất có tinh thần học tập tự nhiên từ trời rơi xuống rồi nhập vào người một thằng công tử bột vốn lười như hủi. Thầy Khải thì có lúc kéo tôi về phòng y tế thủ thỉ hỏi có "huyền cơ" gì đằng sau, nhưng tôi chỉ cười nhún vai, đáp lại thầy ấy rằng mình muốn trở thành bác sĩ.
Thầy ấy nghe xong gõ cốc vào đầu tôi, mắng: "Thằng quỷ! Nói láo cũng biết lựa lí do nào nghe dễ tin một chút..."
Mà đúng vậy, thật tình là tôi không có tâm để cứu người. Tôi không có đức độ như đa phần người nhà của mình thích làm bác sĩ để cứu người, vì ngay cả bản thân nếu có bị gì tôi còn lười cứu mình chứ huống hồ là cứu người khác. Thầy Khải là người hiểu tôi nhất nên luôn giữ nghi ngờ trong lòng. Còn Bách Tiệp, anh thì đương nhiên rất vui rồi.
Lại nói, tôi bắt đầu thân với Trang Nhu. Không phải vấn đề tôi vì thấy cô xinh xắn mà muốn làm bạn, cũng không phải hùa theo cái logic củ chuối "nếu đã là gay thì mày nhất quyết phải tìm một con bạn thân là nữ giới", mà đơn giản vì cô giỏi môn sinh học, còn tôi thì đội sổ môn đó. Thế nên không quá đáng khi nói tôi lợi dụng cô để nâng cao điểm số của mình, chỉ là lợi dụng, tôi chưa hề xem ai là bạn thực sự ngoại trừ một thằng xấu xa học chung hồi năm cấp hai, nhưng giờ cái mặt mốc của nó trông như thế nào tôi còn chẳng nhớ rõ nữa.
Chủ nhật như bình thường, vốn tôi định hẹn Trang Nhu ra thư viện trường ôn tập chuẩn bị thi cuối kì, nhưng cuối cũng không làm được như dự định vì "chữ lười" nó lấy điện thoại của tôi rồi nhắn tin cho cô ghé qua nhà mình luôn. Trang Nhu chưa bao giờ tức giận vì thói tùy ý của tôi mà ngược lại, cô là con gái, nhưng có cảm giác như cô mới là người luôn nhường nhịn để chiều theo ý một thằng có thói công tử như tôi.
Tầm trưa trời chang chang nắng, tôi mở cửa đón Trang Nhu bước vào nhà, cô xốc chiếc cặp da cũ rách trên vai, mặt đần ra như đứa tỉnh lẻ quê một cục mới đặt chân vào đất thành thị xô bồ, đi vào phòng khách nhìn một vòng rồi tặc lưỡi tán thưởng nói:
- Mẹ ông giỏi thật! Trang trí nhà đẹp quá chừng!
Tôi cười khổ, lắc đầu nói với cô:
- Mẹ đâu mà mẹ, cha dượng tao làm không đó!
- Thiệt hả?
- Ừ! Mà mày uống nước ngọt hay nước suối?
- Ông lấy cho tôi nước suối đi.
- Oke!
Lúc tôi từ trong bếp đi ra, thấy Trang Nhu đang ghé tới chậu cá của Mỹ Hầu Vương bỏ thức ăn vào cho nó. Hình như Mỹ Hầu Vương không thích Trang Nhu lắm, nó không chịu ăn thức ăn của cô mà trốn biệt dưới cái nhà bằng vỏ sò của nó rồi giương mắt đầy cảnh giác lên nhìn cô trông đáng yêu mà thật tức cười.
Trang Nhu nói:
- Nhà tôi cũng nuôi một con cá vàng mà ít chăm sóc được cho nó lắm, hay hôm nào tôi đem nó qua ở với con cá của ông luôn cho vui được hông?
Tôi ngồi trên ghế sofa, lười lười nhìn cô đáp:
- Tùy, nếu mày không sợ con cá của mày bị cắn chết! Lúc trước tao sợ nó ở một mình nên buồn, cũng có để thêm mấy con vào, nhưng bị nó cắn chết queo hết rồi nên không dám để thêm nữa.
- Trời! Chắc tại con cá của ông là cá trống, để cá trống thêm vào nên nó cạnh tranh nhau rồi cắn chết thôi. Cá của tôi là cá mái, chắc nó không cắn đâu!
Nghe Trang Nhu nói xong, tôi vu vơ suy nghĩ, tự nhiên thấy khâm phục con cá mà anh mua vì nó y hệt anh vậy, "thẳng" tới mức đáng nể như thế.