Chương 17

Nhà cậu mợ ba ăn cơm tối xong thì tranh thủ về, vì ngày mai là thứ hai, con Thảo "thỏ" còn phải đi học. Tôi ở phòng khách nói chuyện với bà ngoại một hồi lâu nhưng không muốn về. Về nhà, về phòng rồi thì lại đối mặt với bốn bức tường và bài vở ngày mai nên tôi chán. Tôi viện cớ có nhiều chuyện để nói với bà ngoại nên kêu anh về, sáng mai tôi tự đón xe buýt về nhà sớm. Bà ngoại thì kinh ngạc lắm, vì bà biết tôi là đứa xưa nay không có hứng nghe chuyện năm nẳm năm nao của bà với ông ngoại, mẹ và mấy cậu, nhưng hôm nay tôi lại ngồi ngoan ngoãn nghe hết từ đầu tới đuôi làm như đang nghe câu chuyện gì mới mẻ và thú vị lắm.

Bách Tiệp đứng nhìn tôi một lúc mới đi ra ngoài, nhưng ai ngờ anh không có về, anh đẩy xe vào sân rồi kêu thầy Khải đóng cửa cổng lại. Thầy Khải đóng cổng xong đi vào, thấy tôi cứ hú hí với bà ngoại mãi, sợ tôi nói ra chuyện thầy ấy ở trường thích một cô học trò nên cứ nhìn tôi trừng nhướng. Anh gọi thầy Khải ra nó chuyện, đến lượt tôi thấy lo vì sợ anh hỏi thầy Khải về vụ tôi bị đánh ở trường nên tôi cũng trừng nhướng với thầy Khải, hai cậu cháu cứ thế mà đá mắt qua lại tới mức bốn mắt gần lác đi.

Cũng may hôm đó không bị lộ cái gì.

Tôi, bà ngoại và thầy Khải ở phòng khách coi tivi còn anh thì đứng bên cửa sổ vừa hút thuốc vừa nói chuyện điện thoại với bệnh nhân của mình. Có lần tôi nghe anh kể rằng mình đang phụ trách theo dõi bệnh tình cho một phụ nữ mắc bệnh thận, cô không có người thân ở Sài Gòn, ở đất khách quê người lại không có bạn bè nên bình thường hay ủ ê buồn rầu trông đáng thương lắm. "Lương y như từ mẫu" thế nên anh đưa số điện thoại mình cho cô, bình thường hai người hay gọi cho nhau nói về chuyện ghép thận gì đó, cũng có lúc không nói về chuyện bệnh tình. Mẹ cũng từng vì vậy mà ghen bóng ghen gió, vì suy cho cùng khoảng cách mười tuổi không phải là con số ít để bà có thể ngẩng đầu, cười khoan dung như một người phụ nữ có đủ tự tin tin rằng sắc đẹp của mình đây còn dư sức để giữ được chồng. Số mười mặc cảm nhiều lần khiến bà nổi đóa khi thấy anh nhắn tin với người kia, nói chuyện với người kia bằng chất giọng dịu dàng đáng lẽ chỉ dành cho vợ con thôi.

Nhưng còn tôi, tôi thì không nghĩ vậy, vì tôi tin anh, tin tình yêu của anh dành cho mẹ, tin đến mù quáng cho rằng anh sẽ không dại dột tự tay hủy đi gia đình quan trọng nhất của mình. Vì ngoài gia đình này, anh chẳng còn gia đình nào khác nữa.

Khụ...khụ...

Thầy Khải đang cầm rì-mốt chuyển kênh truyền hình, nghe thấy tôi đột ngột ho nên lo lắng nhìn qua hỏi:

- Có sao không?

Tôi hắng giọng một tiếng, ấn lại l*иg ngực hơi nóng của mình rồi lắc đầu.

Bà ngoại cũng sốt sắng, vừa xoa lưng tôi vừa nói:

- Dạo này áp thấp nhiệt đới, trời trở lạnh đột ngột nên chắc thằng Đình chưa thích nghi được.

Người ngoài nhìn vào hoàn cảnh này chắc không tránh đánh giá tôi là một thằng cậu ấm được cưng chiều quá mức, chỉ mới "khụ khụ" ho vài tiếng mà đã khiến người nhà sốt sắng tới mức đó. Nhưng chỉ có người trong nhà mới hiểu, vì tôi xứng đáng được lo như vậy và cũng không sai...tôi là một thằng cậu ấm rất được cưng chiều vì tôi là đứa cháu trai duy nhất trong nhà mà!

Bách Tiệp rất thính tai, anh nghe tiếng tôi ho. Không cần biết trong điện thoại có chuyện hệ trọng gì, anh lập tức dập máy, ném điếu thuốc ra ngoài rồi đi tới cạnh khuỵu một gối bên chỗ sofa nơi tôi ngồi. Anh nhìn tôi, đưa tay vuốt ngực tôi, vẻ mặt quẫn bách và có vẻ rất hối hận vì nghĩ tôi bị mùi thuốc lá làm ho. Tôi muốn trấn an anh nói rằng ho vài tiếng cũng không chết được, nhưng thiết nghĩ mình không nên nói lời đó để dọa anh thêm thì hơn. Một tay anh xoa ngực tôi, tay còn lại bóp gói thuốc đến méo dộp rồi ném thẳng vào thùng rác, nhìn gương mặt nghiêm khắc tự trách của anh, tôi rốt cuộc nhịn cười không nổi mà "phụt" một tiếng, nói:

- Con có bị sao đâu? Tại mới ăn dứa xong, cổ họng cũng đang ngứa một chút. Bà ngoại, chú với cậu cứ làm quá lên hà!

Thầy Khải quay qua gõ cốc lên đầu tôi.

- Con đó! Con đó! Tại nhà này ai cũng cưng con quá mà!

Tôi cười.

Anh thì không hưởng ứng tràng cười của tôi, vẫn rất nghiêm trọng quan sát sắc mặt của tôi rồi thình lình hỏi:

- Ventolin đâu?

-...Không có đem...

- Sao không đem?

- Con thấy mấy tháng nay cũng đâu có tái lại nữa, nên vứt nó ở đâu cũng không biết.

Mặt anh không có biểu cảm gì, nhưng tôi biết anh sắp giận. Anh đi qua rót cho tôi một ly nước mang tới, cẩn thận nhìn tôi uống hết với ánh mắt và thái độ thực sự ẩn nhẫn vì tôi biết anh không muốn la rầy gì tôi lúc này. Anh chỉ giận vì tôi lạc quan quá mức cho phép với bệnh tình của mình.

- Ngày mai theo chú tới bệnh viện một chuyến, kiểm tra lại. - Anh mang ly nước tôi vừa uống xong đặt lại bàn, đạm nhiên nói.

- Thôi đừng quan trọng hóa vấn đề, chỉ là bị ngứa cổ một chút hà, con có sao đâu!

- Không cãi!

-...

Bà ngoại nhìn thấy bầu không khí giữa anh và tôi đột nhiên căng thẳng nên mới cười, giãn hòa nói:

- Thằng Đình, chú Tiệp quan tâm con vậy thì con nghe lời chú đi.

- Ừm, nghe lời chú Tiệp với bà ngoại con, mai đi khám lại lần nữa đi! – Thầy Khải cũng nói thế.

Tôi thì thấy phiền lắm. Bệnh tình ở đâu ra? Cả người tôi mấy tháng nay khỏe re, có vấn đề gì hay không tôi đều biết rõ, ngay cả tuần trước vừa bị Angry bird vùi dập cho một trận nhưng có hề hấn gì ở đâu? Ngày mai là ngày duy nhất trong tuần không phải học hai buổi, tôi còn định thảnh thơi nằm ở nhà luyện truyện tranh rồi ngủ một giấc cho sướиɠ.

Vừa định phản kháng lại ánh mắt áp đặt của anh, tôi nghe thấy một đoạn tin tức từ truyền hình vọng ra:

"Anh A, người được vinh danh là "anh hùng xe ôm", thường hay giúp người dân ở thị xã A truy bắt bọn giật túi xách hôm nay đang trong lúc thực hiện hành động cao cả của mình thì anh đột nhiên phát bệnh hen suyễn, khi được đưa tới bệnh viện, bác sĩ thông báo rằng anh A đã bị chết não và hai giờ cùng ngày, anh đã ra đi yên bình trong vòng tay gia đình và thân quyến..."

Tôi nghe xong cũng giật mình, cảm thán khen người đàn ông đó dù trong người có bệnh suyễn mà cũng dám liều mạng suốt ngày long nhong chạy đi bắt cướp, thật đáng nể! Nếu gặp là tôi, bắt tôi chỉ cần chạy một vòng quanh nhà thôi mình cũng đã đủ để tôi "yên bình trong vòng tay gia đình và thân quyến". Coi xong tin tức, cũng quên mất chuyện phản kháng phải tới bệnh viện kiểm tra phiền phức. Tôi lấy ly nước uống một ngụm, lúc nhìn sang giật mình khi thấy gương mặt của "con bọ Hercules nhã nhặn" đã chuyển xám xịt.

Buổi tối hôm đó, tôi và anh ngủ cùng giường. Không rõ đã bao lâu rồi chúng tôi không có ngủ cùng như thế ngoại trừ năm tôi bị sốt cao rồi anh ở cạnh giường suốt đêm không có về phòng, nhưng đó cũng chỉ là "ngồi cạnh giường", còn bây giờ chúng tôi chính thức "nằm cùng giường". Anh tắm xong nên lấy đồ của thầy Khải mặc, thầy Khải không gọi là nhỏ con, chỉ vì vai và ngực của anh so với khổ người chung của đàn ông Việt thì trội hơn, vạm vỡ hơn nên chiếc áo thun trên người bị chật. Anh cựa mình vài lần trên giường hình như không thoải mái ngủ được, tôi thì nằm nép sát bên trong vì động tĩnh của anh mà tò mò quay sang, dưới đèn ngủ thấy mặt anh đỏ như gấc.

- Chú sao vậy? – Tôi hỏi.

- Áo...áo hơi chật. - Anh hơi ngượng nói.

Tôi cười.

- Vậy chú cởi ra đi, là đàn ông chú ngại gì?

- Thôi ngủ đi! Chú không sao!

Anh kéo chăn qua cho tôi rồi xoay lưng đi, tôi nhìn lưng của anh, nhìn gáy của anh, nghe tiếng thở nặng nề của anh mà thấy lòng mình như bị ai khứa nhẹ. Anh luôn như vậy, chuyện gì của tôi thì anh luôn tỉ mỉ, còn về phần mình thì anh qua quýt, anh chẳng khi nào thực sự đối đãi tốt với bản thân cả. Tôi không biết mình lấy đâu ra can đảm mà lúc đó lấy tay kéo áo của anh, anh giật mình quay lại, hai chúng tôi nằm gần trong gang tấc đối mặt với nhau bằng ánh mắt chứa hàng trăm loại cảm xúc ngỗn ngang và trong khi tay tôi thì đang kéo hở áo của anh qua nửa bụng.

Tôi nhỏ giọng, gần như nỉ non nói với anh:

- Cởi ra đi...

Anh nhìn tôi, ánh mắt hạnh nhân đẹp lạ nhìn từ mắt tôi xuống mũi rồi miệng. Không biết anh nghĩ gì, nhưng tôi thấy trong đôi mắt đen như màn đêm thứ hai anh chứa đầy sự giày xéo và cả sợ hãi, sau đó anh bật ngồi dậy, giật cái áo chật ních trên người ném ra sàn. Tôi chỉ muốn cười, vì nếu đầu óc đen tối hơn chút nữa, tôi có thể tưởng tượng ra động tác kế tiếp của anh là gì.

Nhưng không đến nỗi đó, anh chỉ cúi xuống rồi thình lình hôn lên mi mắt tôi.

Cái hôn nhẹ như chuồn chuồn đạp nước nhưng làm đáy lòng tôi dậy sóng.

Anh nói:

- Mau ngủ đi, mai còn đi học!

Đêm đó, tôi mất ngủ.

Cũng đêm đó tôi nhìn thấy tin nhắn mà người phụ nữ ở bệnh viện gửi cho anh, cô gửi hình của cô đang ở sân thượng cùng vài người y tá.

...Tôi thấy được gương mặt của cô, cô cười tươi, cô duyên dáng, cô trẻ và cô đẹp.