Chương 1-1: Quốc đảo xa xôi(1)
1.
Hãy kể cho em nghe, bầu trời xanh nhất trong nhất là như thế nào?
Khi vết chân chúng ta đều biến mất, chim cánh cụt Nam cực sẽ nói,
Là mảnh trời xanh vắt nơi phủ đầy tuyết trắng.
Bầu trời xanh thăm thẳm hòa tan với sóng gió biển Bắc cực.
Cá đuối nói thế, cá voi cũng nói vậy,
Bầu trời nhuộm xanh mặt nước, tẩm màu xanh rộng lớn.
Ánh mắt hướng về đâu đều là trời xanh.
Nơi thảo nguyên rộng lớn, mỗi gốc cây nguyệt quế, mỗi một ngọn cỏ.
Cây bánh mì, ở khoảng cách không bao giờ thấy lại,
Mỗi một gốc cây đều hoa rơi quả đậu.
Nỗi nhớ da diết nhất bắt chuyện với bầu trời xanh nhất trong nhất.
Tôi hỏi bạn, bầu trời xanh lam là bầu trời của chim cánh cụt?
Bầu trời của cá voi, hay bầu trời của cây bánh mì?
Nhưng bạn lại trả lời: Nơi nào cách cánh chim ưng gần nhất, cách lo lắng xa nhất,
Là bầu trời khi bạn bé thơ, là bầu trời bao la ụp lên thảo nguyên Tây Tạng.
Thời gian đã qua, những năm tháng tuổi trẻ đều nghĩ rằng:
Mọi sự chia tay đều vì gặp lại,
Khi anh đến gần em, lần sau cùng gần bên em,
Em trong vòng tay anh, anh nói anh cũng từng có một mảnh trời xanh trong nhất,
Đó là em, năm ấy, trời rất cao rất xanh, cây cũng rất xanh rất tươi.
2.
Giao thừa năm 1992, tôi và Lâm Phương Văn lại sánh bước bên nhau. Nhưng tôi không biết đến khi nào anh lại rời xa tôi một lần nữa.
Đó là một đêm mưa tầm tã vào mùa hè năm 1993. Anh đưa tôi trở lại căn hộ trên đường Hoàng Nê Dũng ở khu Bào Mã. Mưa rất lớn. Chúng tôi đứng dưới một tán cây đa cổ thụ trú mưa. Tôi chỉ lên ngực mình và nói với anh:
“Em đang mặc áo ngực dây thép.”
Anh đưa tay lướt nhanh xuống tấm lưng ướt đẫm của tôi, hỏi:
“Thế thì sao?”
“Lỡ như em bị thiên lôi đánh trúng, em sẽ chết. Mà em lại đang nắm tay anh, anh cũng sẽ chết chung với em.”
“Vậy có phải chúng ta sẽ trở thành anh hùng sấm sét không?” Anh cười nói.
“Ngày 30 tháng 6 năm 97, trước ngày Hồng Kông trở về tổ quốc
[1], chúng ta vẫn còn bên nhau chứ?”
[1] Ngày 30 tháng 6 năm 1997, Hồng Kông – thuộc địa cũ của Anh được trao trả lại cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và khu hành chính đặc biệt Hồng Kông được thành lập.“Nếu như lát nữa chúng ta không bị thiên lôi đánh trúng...” Anh ngước nhìn bầu trời.
Lúc đó, tôi thật không ngờ cái đêm trước khi Hồng Kông trở về tổ quốc, lại là một đêm mưa lớn như tối hôm nay.
“Vậy, ngày 31 tháng 12 năm 1999, chúng ta vẫn ở bên nhau chứ?” Tôi hỏi anh.
Anh cười đùa: “Nếu bây giờ em bằng lòng cởϊ áσ ngực trên người em ra, chúng ta không phải chết, thì cũng không hẳn không có khả năng.”
Mỗi lần nhắc tới chuyện này, anh luôn trả lời không nghiêm túc.
“Em có thể không cần anh, nhưng em muốn có bài hát đêm giao thừa mừng thiên niên kỷ mới. Anh đã hứa rồi.”
“Em muốn bài hát, không cần người?”
“Bài hát ở lại lâu hơn người.” Tôi đáp.
Vào giây phút đó, Thiên niên kỷ mới vẫn là một chuyện rất xa xôi. Có đôi khi, tôi không biết chúng tôi sinh ra ở thời đại này là hạnh phúc hay bất hạnh. Một nghìn năm, chúng tôi còn chưa đến thế giới này, cái ngày ba ngàn năm đó, chúng tôi chưa hẳn vẫn còn sống. Những người trẻ tuổi như chúng tôi có thể chứng kiến cảnh tượng hai nghìn năm trôi qua. Nhưng mà vì có một ngày như thế sẽ đến, chúng tôi rất sợ đến lúc đó sẽ trơ trọi một mình.
“Trình Vận, em đúng là một cô gái phiền phức.” Lâm Phương Văn nói.
“Đúng vậy, em là tìm anh để gây phiền phức đây.” Tôi đồng ý.
“Anh đã nhìn thấy cây bánh mì bao giờ chưa?” Tôi hỏi anh.
Anh lắc đầu.
“Em đã nhìn thấy một lần, ở Thái Lan.” Tôi kể: “Lúc cây bánh mì nở hoa, nó có hình dạng giống bánh mì, có cả hoa đực và hoa cái.”
“Hoa đực và hoa cái?”
“Đúng vậy. Có hoa đực là có hoa cái. Có nam thì phải có nữ.”
Bỗng nhiên, sét đánh ầm ầm.
“Đi thôi!” Anh kéo tay tôi.
“Trời vẫn còn mưa mà.” Tôi nói.
“Em muốn chết hay sao mà trời mưa sấm sét lại đứng dưới gốc cây? Anh không muốn bản tin ngày mai đưa tin người viết lời nổi tiếng Lâm Phóng chết bởi sợi dây áo ngực của bạn gái đâu.”
“Chỉ cần anh không nắm tay em thì sẽ không sao rồi.”
“Em sẽ không bỏ qua cho anh.”
“Nếu em chết, anh có khóc không?” Tôi hỏi.
Anh không trả lời tôi. Nếu tôi thật sự chết, không biết anh có vì tôi mà rơi lệ không? Sự chia xa, giữa chúng tôi thật khó mà tưởng tượng.
“Em bỏ tay ra đi.” Rốt cuộc anh cũng lên tiếng.
“Không bỏ.” Tôi nói.
Nếu yêu anh là một loại đắm chìm, có lẽ tôi nguyện đắm chìm trong đó cả đời.
3.
Sau cái đêm mưa đó không bao lâu, Lâm Phương Văn đã khai quật được một nữ ca sĩ trẻ, tên cô ấy là Cát Mễ Nhi. Vào thời gian đó, studio của Lâm Phương Văn đã giải tán rồi, anh chỉ làm công việc viết lời ca khúc, hơn nữa rất có tiếng tăm. Cát Mễ Nhi là tự mình tiến cử. Công ty thu âm mỗi ngày đều nhận được rất nhiều băng thu giọng của các chàng trai cô gái ôm mộng làm ngôi sao gửi đến, thật sự không có ai rảnh ngồi nghe hết. Vào một ngày, Lâm Phương Văn vô tình thấy băng ghi âm mà Cát Mễ Nhi gửi đến trong lúc anh đang ở trong văn phòng của nhà sản xuất âm nhạc Diệp Hòa Điền. Băng ghi âm của cô ấy không giống với những người khác. Nó được đặt trong một vỏ dừa. Lâm Phương Văn là kiểu người rất thích sự quái lạ.
“Cậu muốn nghe nó thì cứ cầm đi đi!” Diệp Hòa Điền đưa cuốn băng trong vỏ dừa đưa cho Lâm Phương Văn.
Tối hôm đó, Lâm Phương Văn đã đưa vỏ dừa cho tôi.
“Em dùng để uống nước cũng được.” Anh nói.
Anh bỏ băng thu âm vào máy hát, một giọng nữ trầm thấp bỗng nhiên phát ra. Bài hát vang lên chính là bài hát đầu tiên Lâm Phương Văn tặng cho tôi – “Ngày mai”.
“Nói với anh, anh và em liệu có tương lai hay không?
Đoạn cuối của thời gian, phải chăng cất giấu suy nghĩ của em?
Trước tiếng thở than sau cùng bất lực nhất em dành cho anh,
Có thể nhìn anh bằng ánh mắt ấy, trong trẻo nhất cũng mê loạn nhất?
Thâm tình là gánh nặng mà anh không thể đảm đương, câu nói yêu thương chỉ là lời nói dối ngẫu nhiên thành hiện thực…”
Giọng của cô ấy là thanh âm dễ nghe nhưng khó quên. Cho dù chỉ nghe qua một lần, thì ba mươi năm sau bạn vẫn sẽ nhớ mãi. Tôi là một người không phân biệt được âm sắc, thế nhưng tôi vẫn nhận ra đó là âm thanh tự nhiên, tựa như không thuộc về thế giới này.
Tôi thấy nét mặt của Lâm Phương Văn xuất hiện thay đổi diệu kỳ. Đôi mắt anh dường như phát sáng long lanh.
“Cô gái này nhất định sẽ được yêu thích.” Anh tuyên bố.
Trên cuốn băng đó chỉ có một cái tên – Cát Mễ Nhi.
“Vỏ dừa kia đâu? Có lẽ địa chỉ có trên vỏ dừa.” Anh vội nói.
Tôi vào phòng bếp lục tìm cái vỏ dừa kia. Địa chỉ của Cát Mễ Nhi quả nhiên được dán bên dưới vỏ dừa. Tuy nhiên, đó là một địa chỉ ở quần đảo Fiji
[2]. Cô ấy đang ở trên một hòn đảo nhỏ tại nam Thái Bình Dương xa xôi, chẳng trách cô ấy dùng vỏ dừa đưa ca khúc đến. Phải chăng cô ấy còn biết múa bụng.
[2] Fiji: là một đảo quốc tại châu Đại Dương, thuộc phía nam Thái Bình Dương, phía tây Vanuatu, phía đông Tonga và phía nam Tuvalu. Đảo quốc này bao gồm 322 đảo. Có 2 đảo chính là Viti Levu và Vanua Levu, chiếm khoảng 87% dân số. (Theo wiki)“Cô gái này được sinh ra để ca hát.” Lâm Phương Văn nói.
Tôi hiếu kỳ với hình dáng của cô ấy hơn, một cô gái có giọng hát hay như thế thì sẽ có khuôn mặt thế nào nhỉ? Tại sao bài hát cô ấy chọn lại là bài hát đêm giao thừa mà Lâm Phương Văn lần đầu tặng cho tôi?
Sau này, tôi mới biết được nguyên do.