Chương 3

Vì chiến tích lúc nhỏ quá phong phú, tên tuổi Kim Hạ đúng là có hơi vang dội một tý, ngày xưa, khi tám chuyện về nàng, hàng xóm láng giềng thường thêm vào mấy từ đại loại như "quỷ dạ xoa", "hùm beo" làm hậu tố. Lúc đầu hay tin, nàng rất mất tự nhiên, sau này tình cờ đọc được một quyển sách trà dư tủu hậu, trong ấy bảo quỷ dạ xoa và hùm beo đều là tinh tú hạ phàm được người trần kính nể, chúng đều đội trời đạp đất, ăn cơm bát lớn, uống rượu chén to, xơi thịt miếng khổng lồ, thì nàng mê mẩn ngay, thường xem những biệt danh mà hàng xóm đặt cho là một lời ca ngợi.

Sau khi làm bổ khoái, nàng cũng được coi là người của triều đình, những "lời khen" kia dần vơi bớt, mà lời đồn "Viên gia có một cô con gái tương đối dữ dằn" lại được người người biết đến, càng khỏi bàn tới cưới hỏi mia mối gì. Viên Trần thị không giữ được chân khuê nữ nhà mình, mắt thấy nó từng ngày từng ngày già tuổi hơn mà chẳng ai tới cửa cầu hôn, bà vô cùng phiền muộn. Bà nghiến chặt răng, lòng nghĩ: Đợi ta chuẩn bị xong của hồi môn thật hậu, chẳng lo các ngươi không đến cầu xin ta!

Để vun vén của hồi môn, Viên Trần thị sáng bán đậu phụ, tối bán đậu phụ khô, cực khổ vô cùng. Kim Hạ mệt mỏi với tên tuổi của mình, thân lại là món hàng lỗ vốn nên không có quyền phát ngôn trong chuyện này, đành phải cụp đuôi liều mạng bắt trộm, cũng rất khổ cực.

Vừa nghe mẹ thích lão tam nhà Dịch tiên sinh, phản ứng đầu tiên của Kim Hạ là mẹ rốt cuộc đã gom góp được bao nhiêu của hồi môn, mà lại có thể khiến Dịch gia động lòng. Rồi nàng đảo chiều suy nghĩ, chủ kiến này của mẹ đúng là "làm một mẻ khỏe cả đời": Nếu nàng gả vào nhà họ Dịch, Viên Ích trở thành tiểu cữu tử, học phí tư thục những năm sau này đều có thể giản lược bớt, cả việc mua nước đá mùa hạ và than mùa đông làm quà cũng miễn luôn, quả thật là tiết kiệm được một khoản không nhỏ.

Những mục chi tiêu này đều được bỏ bớt, vậy thì có thể gom góp tiền bù vào số hồi môn lỗ vốn xưa.

Vỗ mạnh lên trán, Kim Hạ buồn bực ngó củi đang cháy lép bép trong lòng bếp, rồi đút thêm củi vào.

Nhà đã lên đèn, sông Kim Thủy lững lờ xuôi dòng, phản chiếu vô số ánh đèn lấp lánh dọc đôi bờ.

Trên sông, ngoài thuyền hoa tấu khúc thì còn cả thuyền xiếc, mấy tên hán tử đầu xăm mình trần, nếu trên bờ có người vứt tiền xuống, họ lập tức cười vang, đáp một tiếng, trèo lên gậy trúc cao ngất rồi nhảy khỏi thuyền, giữ thăng bằng trên không, hoặc xoay người hoặc lộn nhào, bấy giờ mới trầm mình xuống nước.

Ven bờ, tửu lâu cao thấp san sát nhau; bên đường và ở đầu cầu, hàng quán sạp gánh xếp thành một dãy.

Kim Hạ tựa vào con sư tử đá trên thành cầu, buồn chán trông chừng hàng đậu phụ kho sốt, nghe tiếng đàn sáo và tiếng người ồn ã vọng đến từ tửu lâu bên cạnh, ánh mắt dính chặt xuống mặt sông. Đêm nay, nàng vốn chỉ đến phụ việc, nhưng đại khái là tối hôm qua mẹ bị trúng gió nhẹ, cộng thêm phiền muộn lặt vặt trong lòng nên đầu cứ ê ẩm đau. Kim Hạ khuyên mẹ về nhà nghỉ ngơi, nhưng Viên Trần thị lại không an tâm để nàng trông nom sạp hàng, Kim Hạ đành phải thề thốt cam đoan đủ đường rằng mình sẽ nề nếp giữ quầy, tuyệt đối không gây sự, Viên Trần thị lại dặn tới dặn lui vài lần, rồi mới trở về nghỉ ngơi với tâm trạng không an tâm cho lắm.

"Cho ta hai xâu đậu phụ khô, thêm mỡ cay!" Một giọng nói mang ý cười vang lên.

Kim Hạ hồi phục tinh thần, ngẩng đầu nhìn Dương Nhạc, ngạc nhiên hỏi: "Sao ngươi biết ta đang ở đây?"

"Vừa đem hai khứa cá ướp muối đến nhà thì gặp mẹ ngươi, tiện thể gửi phí trợ cấp công tác cho bác ấy rồi, bác ấy bảo ngươi đang ở đây trông quầy." Dương Nhạc cũng chẳng khách khí, tự tay cầm một xâu đậu hũ lên, cho thêm mỡ cay, "Cha ta nói sáng sớm ngày mai sẽ cho phép chúng ta đi cùng ông ấy đến Binh Bộ tư vụ sảnh(1)."

(1): là cơ quan chưởng thu công văn giản lược của các nha môn, giấy tờ công trình, số hiệu đăng ký, phân phát công việc, và kiểm soát mức độ siêng lười của quan sai, quản lý quan lại của bản bộ.

"Ừ." Kim Hạ thờ ơ đáp một tiếng, "Tư vụ sảnh lại mất đồ rồi à?"

"Có quỷ mới biết." Dương Nhạc nhìn xuống sông theo tầm mắt nàng, hiếu kỳ hỏi, "Ngắm cái gì vậy?"

"Thấy người đang múa xiếc nhảy nước kia không?" Kim Hạ bĩu bĩu môi.

Cùng với câu hỏi của nàng, hán tử mình trần đã nhảy từ cột cao xuống, làm một cú lộn nhào trên không tuyệt đẹp, ôm đầu gối xoay tròn ba vòng, ùm một tiếng trầm mình vào nước... Đang vào tiết xuân hàn se lạnh, dù trên mặt sông chưa đóng băng nhưng nước vẫn lạnh thấu xương, Dương Nhạc không khỏi co đầu rụt cổ, run cầm cập thay người nọ.

"Ta bán được ba xâu đậu phụ thì gã đã nhảy đến tám lần rồi." Kim Hạ vô cùng ngưỡng mộ ngắm hán tử mình trần đang trèo lên thuyền, "Gã chỉ lộn nhào một đêm đã thu vào số tiền bằng cả tháng lương của chúng ta, huynh bảo xem chúng ta làm bổ khoái chi vậy."

"Ngươi không sợ lạnh à?"

"Ngươi có chê bạc lạnh không?"

Kim Hạ cúi đầu nhìn đống đậu phụ khô chất thành núi, cũng chẳng biết khi nào mới bán hết được, thở dài.

"Lại hụt tiền rồi?" Dương Nhạc rất hiểu nàng.

Kim Hạ chưa kịp trả lời, trước sạp hàng có một người bước đến —–

"Cho bốn xâu đậu phụ khô, hai xâu rưới nước chấm cay, hai xâu rắc bột mơ, càng chua càng tốt, nương tử ta đang thèm ăn chua." Ngữ khí yêu chiều đến độ người nghe nổi da gà khắp mình, ấy là Tôn Cát Tinh – lão đại nhà họ Tôn đi dạo chợ đêm cùng vợ.

Dù rất không muốn ngước mắt lên, nhưng cân nhắc vấn đề tiền bạc, Kim Hạ vẫn nhanh tay nhanh chân chế biến đậu phụ khô rồi đưa sang, mặt mày lạnh nhạt nói: "Bốn đồng, cảm ơn."

Tôn Cát Tinh trả tiền. Tôn thị cầm xâu đậu phụ, chớp chớp mắt nhìn nàng: "Ấy, Kim Hạ, sao lại là ngươi trông sạp vậy? Ngươi khỏi phải đi bắt trộm à?"

"... Khụ khụ... Là nhiệm vụ đặc biệt." Kim Hạ hạ giọng kề sát tới, "Gần đây quan phủ tiến hành tuần tra rộng khắp, các người không có việc thì đừng bước ra đường, nhất là phu nhân đang mang thai, động tới động lui chẳng tốt lắm đâu."

Tôn Cát Tinh vừa nghe đã căng thẳng: "Thật à?!"

Kim Hạ ra hiệu cho họ nhìn Dương Nhạc bên cạnh mình, hỏi ngược: "Nếu không, ngươi cho rằng hai bọn ta cắm cọc ở đây... thực sự chỉ là để bán đậu phụ thôi sao?"

Tôn Cát Tinh vội vã dìu nương tử về nhà, Dương Nhạc dùng ánh mắt đưa tiễn, cho đến khi bóng lưng họ mất hút giữa biển người mới ngạc nhiên nói với Kim Hạ: "Đang yên đang lành, dọa họ làm gì?"

"Cặp phu thê ân ái đó cứ lượn lờ trước mặt mẹ ta, về nhà mẹ trách móc đủ đường, ta không thể vặn lại, đúng là chết nghẹn mà."

Nàng rầu rĩ xoa ấn đường, chợt nghe giữa đám người phía cánh trái mình dậy lên một trận ồn ào, vừa ngẩng đầu nhìn đã thấy một nam tử đầu đội nón, thân vận tam tương đạo bào xuyên qua đám người, nặng nề ngã đúng ngay vào sạp đậu phụ của nàng, nước chấm lập tức vãi xuống đầy đất, nước sốt các loại tung tóe khắp nơi!

"Này! Ngươi..."

Thấy tay gã cầm một bộ chuông và chày bằng đồng thau lộ rõ vẻ thầy xem tướng số, Kim Hạ đưa tay định kéo gã dậy, chẳng ngờ gã trở tay huơ đến, trong ống tay áo lộ ra thanh chủy thủ dài sáng loáng, lóe xanh lạnh lẽo, vừa nhìn đã biết lưỡi dao tẩm kịch độc.

"Cẩn thận!" Dương Nhạc hoảng hốt, xông lên trước.

Biến cố xảy ra rất đột ngột, nhưng Kim Hạ phản ứng nhanh nhạy, nghiêng người đúng lúc, chủy thủ đâm xiên đến tước bỏ nửa ống tay áo nàng.

Dương Nhạc định ra tay, nhưng có kẻ đến sau giành quyền trước, chỉ thấy một chiếc bóng màu xanh thẫm lướt qua, phóng vụt lên đá thẳng vào người gã thầy tướng, khiến gã nôn ra một đống máu tươi, chỉ có thể chống xuống đất cố gắng vùng vẫy.

"Nói! Giấu mật báo ở đâu?"

Người xông đến mặc hành y màu trúc xanh dệt chỉ vàng, đai lưng cùng màu, gọn gàng hiên ngang, một chân giẫm lên cổ tay cầm chủy thủ của gã thầy tướng, giọng lạnh lẽo như ngấm hàn khí.

"... Không biết!" Gã thầy tướng đau đến độ ứa mồ hôi lạnh.

Kim Hạ nhận ra vị mặc y sam xanh này.

Thiên hạ hiện nay, ngoài vị Thế Tông(2) cao cao tại thượng nhưng một lòng hướng đạo, thì còn hai người có quyền cao chức trọng. Một là Nghiêm Tung, nội các thủ phụ(3), kết bè kéo cánh trong triều đình, khỏi cần phải kể. Người còn lại là Lục Bỉnh, chỉ huy sứ tối cao của Cẩm Y Vệ, người này và Thế Tông lớn lên bên nhau, là bạn thân từ nhỏ, từng mạo hiểm thân mình nhảy vào lửa cứu Thế Tông. Mối quan hệ giữa ông và Thế Tông chỉ diễn tả bằng một chữ "chắc", hai chữ "vững bền", ba chữ "rất rất tốt". Nếu đánh giá một cách nghiêm khắc thì cũng có thể xem Lục Bỉnh là một vị quan tốt, tuy bài trừ dị kỷ, nắm hết quyền hành nhưng chí ít cũng tận trung với cương vị, thực sự đã chữa lại không ít án sai của chiếu ngục, nhưng cả triều đều biết, ông giao hảo với Nghiêm Tung.

(2): ý chỉ Minh Thế Tông, vua thời Minh.

(3): người đứng đầu nội các.

Phong thái của chỉ huy sứ tối cao đại nhân, Kim Hạ đã từng lĩnh giáo, Lục Bỉnh mày kiếm mắt sáng, râu dài tung bay, dáng vẻ hiên ngang, mục quang lưu chuyển, không giận mà uy, rất khϊếp người.

Người áo xanh trước mắt Kim Hạ đây chính là con trai của Lục Bỉnh, Lục Dịch. Lục Bỉnh xuất thân là võ trạng nguyên, nghe nói Lục Dịch cũng võ công cao cường, không dưới phụ thân, là cao thủ số một số hai trong Cẩm Y Vệ.

Theo nàng thấy, nói về tướng mạo thì hẳn là Lục Dịch giống mẹ, không đủ uy vũ nhưng tuấn tú có thừa, duy chỉ có đôi mắt kia lại cực giống cha mình, thần sắc vững vàng trước sóng gió, sự chín chắn không tương xứng lắm với số tuổi, lại thêm vài phần thanh lạnh.

Chân Lục Dịch khẽ xoay, tăng vài phần lực, Kim Hạ cảm thấy đến cả mình cũng nghe được tiếng xương cổ tay gã thầy tướng kêu răng rắc.

"Ta... thực sự... không biết!" Giọng gã thầy tướng vô cùng thảm thiết.

Vị thầy tướng này giấu chủy thủ(dao găm) tẩm độc trong người, đương nhiên chẳng phải dân lương thiện, tuy Kim Hạ biết Cẩm Y Vệ trước giờ mạnh tay, nhưng hắn bức cung như thế, nàng có phần khó nhịn, bèn tiến lên buông lời: "Chẳng hay vị thầy tướng này phạm phải tội gì? Nếu phải thẩm vấn thì cũng nên..."

Nàng chỉ vừa nói được một nửa, Lục Dịch chẳng thèm nâng mí mắt, tay áo khẽ phất, lộ ra lệnh bài cẩm y vệ giắt trên thắt lưng, lạnh lùng nói: "Quan phủ phá án, người không phận sự tránh ra!"

Vừa thấy kẻ đấy là Cẩm Y Vệ, bách tính vây xem xung quanh dù hiếu kỳ nhưng cũng chẳng dám theo dõi tiếp, vội vàng giải tán trong im lặng. Đầu cầu Tân Phong vốn đang náo nhiệt bỗng chốc đã ảm đạm hẳn.

Trong lúc đó lại có thêm bốn người chạy đến, đều đội vạn tự cân, khoác áo choàng xanh nhạt, đeo thắt lưng và ủng bằng da, là đồng phục của Cẩm Y Vệ thiên bách hộ. Bốn người này đến trước mặt Lục Dịch, cung kính hành lễ rồi bẩm báo: "Lục đại nhân, Tào Cách đã chết."

Kim Hạ vừa nghe thấy hai chữ Tào Cách này thì đã hiểu được một số điều, khó tránh khỏi thầm thở dài: Chưa đến nửa ngày, quả nhiên Tào Cách không chịu nổi khổ hình, bị dày vò đến chết.

Làm bổ khoái hơn hai năm nay, tính cách của Kim Hạ đã hạn chế được ít nhiều, nàng cũng đã thuộc rất nhiều câu châm ngôn của đời người, tỷ như: Hảo hán không chịu thiệt trước mắt; Đại trượng phu biết co biết duỗi; Kẻ thức thời là trang tuấn kiệt;... Kế hoạch cuộc đời của nàng, đương nhiên là hướng đến con đường anh hào lỗi lạc ấy. Ngay sau đó, tuy nàng không quen mắt với điệu bộ cao cao tại thượng của bọn Cẩm Y Vệ này, nhưng Lục Phiến Môn thực sự không có quyền can thiệp vào án của Cẩm Y Vệ, vốn nàng đã định rời đi, nhưng ánh mắt đáp xuống bã đậu phụ đầy đất, rồi lại tưởng tượng đến sắc mặt của mẹ, một câu châm ngôn "Người chết vì tiền chim chết vì mồi" vừa khéo nhảy ra.

Nàng cố gắng hết sức để giọng mình hơi nghẹn ngào, tốt nhất là đạt đến hiệu quả đau buồn đáng thương: "Quan gia, các người có phá án cũng đâu thể nào làm đổ sạp hàng của ta chứ!"

Chẳng ai đáp lại, có lẽ là chẳng ai nghe thấy.

Lục Dịch nhíu mày ra vẻ khó chịu trước đám rắc rối, chỉ vào gã thầy tướng kia: "Đưa về chiếu ngục!"

Đương nhiên gã thầy tướng biết chiếu ngục là nơi đáng sợ, mặt biến sắc, bất thình lình vùng lên giãy dụa, không phải muốn đào tẩu mà là để nhào người về thanh chủy thủ tẩm độc nọ...

Chất độc kia thật ghê gớm, mắt người chưa kịp chớp, miệng gã đã ói máu đen, đi đời nhà ma.

Lục Dịch cau chặt mày, lời ít ý nhiều ra lệnh: "Soát người."

Bốn tên Cẩm Y Vệ lục soát thi thể của gã thầy tướng một cách kỹ càng, nàng và Dương Nhạc lạnh nhạt bàng quan. Thấy bọn họ kiểm tra từ đầu đến chân, gỡ búi tóc của thi thể rồi đến quần áo vật dụng bên người, rạch cả đế giày ra để tránh việc gã giấu đồ trong ấy.

"Đúng là soát kỹ thật." Dương Nhạc nhìn nói nhỏ bên tai Kim Hạ.

Kim Hạ khinh thường, chẳng thèm ngoảnh nhìn: "Vậy thì có gì hay, quen tay khéo việc thôi, cùng lắm thì cũng bằng tiêu chuẩn khám nghiệm tử thi trong nha môn chúng ta, một đám thô lỗ."

Lục Dịch đưa lưng về phía bọn họ, chẳng biết có phải đã nghe thấy hay không mà khẽ nghiêng đầu, khóe mắt lạnh như nước, khiến Dương Nhạc đang định góp lời cũng phải nín lại.

"Lục đại nhân, không có ạ!" Lục soát xong, thiên bách hộ bẩm báo với Lục Dịch.

"Ngươi đoán xem bọn họ đang tìm cái gì?" Xuất phát từ bản năng của bổ khoái, Dương Nhạc rất tò mò, hạ giọng hỏi Kim Hạ.

Trước đó Dương Nhạc đã nói Binh Bộ tư vụ sảnh mất đồ, mà Tào Cách cũng đang ở Binh Bộ, Kim Hạ ngầm đoán được nhưng không tiện nói ra, bèn vòng vo: "Còn cần phải hỏi ư, chắc hẳn là vụ án lớn liên quan đến quốc gia đại sự rồi."

Lục Dịch lại nghiêng đầu lần nữa, tuy không nói gì nhưng ánh nhìn rét lạnh đã biểu lộ rõ ràng ý nghĩ: Câm miệng!

Bây giờ, với Kim Hạ mà nói thì việc vô cùng cấp bách chẳng phải đại sự quốc gia gì cả, mà là sạp đậu phụ bị nát trước mắt này, thế nên nàng lại góp lời lần nữa, ngữ khí thành khẩn thật thà: "Quan gia à, thực ra thì đống đậu phụ của ta chẳng quý báu gì, ngài chỉ cần trả hai lượng bạc là đủ rồi."

Cùng lúc đó, một tên thiên bách hộ lo lắng thưa với Lục Dịch: "Cả hai đều đã chết, lại không tìm được bản đồ, phía đô đốc..."

"Khụ khụ," Kim Hạ bất đắc dĩ phải cao giọng ở đằng sau: "Các vị quan gia, các ngài chí ít cũng phải bồi thường một ít bạc chứ!"

Giọng nàng vừa giòn vừa to, khó mà khiến người khác không chú ý đến, thoắt cái, chẳng những Lục Dịch mà cả bọn cẩm y vệ đều nhìn về phía nàng.

"Hai lượng bạc là đủ rồi." Kim Hạ cười cầu tài, ý bảo bọn họ nhìn đậu phụ khô nát đầy dưới đất.

"Ngươi muốn chết à! Còn không cút mau đi!"

Một tên thiên bách hộ hung tợn quát nàng.

Về vấn đề tiền bạc, trước giờ Kim Hạ rất dai, không nhúc nhích nửa bước: "Bồi thường bạc rồi thì ta sẽ đi, còn không, ta không biết phải ăn nói với mẹ mình như nào cả."

"Ngươi..."

Thiên bách hộ tiến lên ra vẻ muốn đánh thì bị Lục Dịch phiền chán phất tay ngăn lại.

"Đưa bạc cho nàng ta rồi bảo chúng cút đi!" Việc lớn trước mắt, Lục Dịch đương nhiên không muốn xảy ra thêm chuyện, càng chẳng muốn nhìn thấy những kẻ không liên quan nữa.

Mệnh lệnh của hắn, thiên bách hộ không dám bất tuân, đành móc túi tiền ra, vứt hai lượng bạc cho Kim Hạ.

Kim Hạ vui mừng nhận bạc, chuẩn bị rời đi cùng Dương Nhạc, được vài bước thì ngừng lại, ngoái đầu nhìn Lục Dịch, tốt bụng nhắc nhở: "Ta không biết các vị quan gia đang tìm cái gì, nhưng trên ống tay áo của gã ta có rêu xanh, giày ướt một nửa, tôi đoán rằng mới trước đây gã đã đến những chỗ rất gần nước sông, ví dụ như vòm cầu các loại."

Lục Dịch nhìn nàng đăm đăm, sau đó quỳ một gối xuống kiểm tra, quả nhiên hai ống tay áo của gã thầy tướng đều vướng rêu.

"Chỗ đó hơi cao, nên gã phải nhón chân, tay trái chạm tường, tay phải với tới." Kim Hạ nói tiếp, "Nếu ta đoán không nhầm, kẽ móng tay trái của gã sẽ mắc một ít rêu."

Lục Dịch cầm tay trái của thi thể lên quan sát kỹ, quả nhiên phát hiện trong kẽ ngón giữa có vài chấm xanh đậm, hơi đăm chiêu.

Kim Hạ thấy hắn đã hiểu, định xoay người rời đi, trên người giắt hai lượng bạc, bước chân thoăn thoắt hơn thường ngày.

"Đã sớm bảo bọn chúng chỉ là một đám thô lỗ, chỉ biết đánh đánh gϊếŧ gϊếŧ, chả làm nên trò trống gì đâu mà." Với tác phong của Cẩm Y Vệ, nàng rất khinh thường, vừa đi vừa nói với Dương Nhạc. "Nếu chúng được việc một tý thì sáng mai chúng ta khỏi phải đến Binh Bộ tư vụ sảnh nữa."

"Sao ngươi biết?"

"Người chết sạch rồi, đồ mất cũng tìm thấy rồi, còn chuyện gì cần đến chúng ta đâu." Kim Hạ ngẫm nghĩ một hồi lại thấy hơi tiếc, "Biết Tào Cách thông đồng với địch thì mức thưởng phải cao hơn một tý chứ!"

Nửa canh giờ sau, tấm bản đồ bố trí canh phòng Kế Châu bọc trong vải dầu đã được tìm thấy trong một lõm trụ cầu. Tên thật của gã thầy tướng là Tống Vĩnh Văn, thực tế là một tên mật thám hai mang ẩn núp trong kinh thành, chuyên thu thập tình báo sau đó bán ra với giá cao. Tào Cách đắc tội cấp trên, bị chuyển khỏi kinh, trộm bản đồ bố phòng bán cho Tống Vĩnh Văn để nhằm trả thù, sau đó bỏ trốn cùng Tề Khưu thị.

Kết thúc vụ án, Lục Bỉnh – chỉ huy sứ Cẩm Y Vệ tiến cung giữa đêm, cơn giận của Thế Tông chưa tan, hạ lệnh cắt hai năm bổng lộc của Binh Bộ Thượng thư, Binh Bộ Tả Thị Lang, Binh Bộ Hữu Thị Lang.