Hôm nay là lần đầu tôi nghe mẹ kể chuyện này, nói thật, đến tôi cũng không ngờ hai gia đình lại có quen biết nhau, trong lòng không khỏi tự trách. Đáng lý ra từ sớm phải để ý mới phải, không biết bố của Tử Duy có biết mặt tôi từ trước không nữa, nếu bác ấy biết thì lần tới gặp mặt chắc tôi phải xấu hổ lắm. “Bố chồng” luôn nhìn chằm chằm từ đó đến giờ mà lại không hay biết một chút gì. Giữa lúc đang ảo não này, trong đầu tôi đột nhiên lóe ra một ý nghĩ, yết hầu nhịn không được nuốt xuống một ngụm.
“Mẹ này, từ nhỏ đến lớn … mẹ có bao giờ bồng con sang nhà bác Nguyệt chưa?”, tôi quay sang hỏi.
“Ngược lại mới đúng, công việc của mẹ bề bộn, ít khi có thời gian rảnh để mang con đi gặp bạn gặp bè, hầu hết thời gian là Nguyệt bế Tử Duy đến bệnh viện để gặp, vừa để chữa bệnh, tiện thể để hai đứa làm quen từ trước. À phải rồi, hai đứa chắc chưa biết nhỉ, lúc còn nhỏ hai đứa toàn nằm cạnh nhau trong giường bệnh phòng mẹ đấy”, mẹ mỉm cười nói, hai mắt không khỏi bồi hồi chuyện chăm con vất vả ngày xưa.
Nghe vậy, tôi liền giật mình nhìn sang em ấy, đồng dạng, em ấy cũng đang nhìn sang đây, cả hai không khỏi mờ mịt. Tôi vốn nghĩ cả hai đứa vô tình gặp mặt nhau ở trường đại học đã là may mắn rồi, không nghĩ ngay từ nhỏ, chúng tôi đã có duyên với nhau. Thì ra, tất cả đã có định mệnh an bài, khoé miệng tôi nhịn không được giương cao đầy vui vẻ, tay vô thức gắp một miếng đậu nhồi thịt đặt lên trên bát của em ấy, quên đi mất chuyện mẹ mình còn đang ngồi bên cạnh.
“Hai đứa thân nhau quá nhỉ?”, mẹ tôi mỉm cười nói. Hành động công khai ngay trước mắt thế này, mẹ không thấy mới lạ. Nhưng không sao, trong đầu tôi đã có sẵn phương án đối phó.
“Thân nhau từ lúc nhỏ rồi mà mẹ, có phải ngày một ngày hai đâu”, tôi cười cười nói, tiện thể không quên gắp cho mẹ một miếng ớt chuông.
“Thằng này, chỉ được cái dẻo miệng, lừa lọc người yêu thế nào đến giờ mẹ vẫn chưa thấy được mặt”, mẹ tôi cười mắng.
Nghe vậy, tôi liền cười khan, trong lòng không khỏi lộp độp mấy tiếng. Thực lòng tôi rất muốn hét lên một câu “người yêu con đang ngồi trước mặt mẹ ấy”, nhưng tôi không chắc hậu quả tiếp theo sẽ ra sao đâu, trong lòng không khỏi phiền muộn. Ngồi phía đối diện, em ấy nghiêng đầu che miệng lại để nhịn cười, tôi liền liếc mắt nhìn ai oán. Nhưng trông em ấy thoải mái như vậy, tôi cũng an tâm.
Ban nãy khi gắp đồ ăn cho em ấy, tôi có đá nhẹ vào một bên chân để ra hiệu, thông báo để mọi chuyện cho tôi lo. Tôi từng đối mặt với bố em ấy trực tiếp rồi nên biết áp lực đó lớn thế nào, các bậc phụ huynh rất nhạy cảm, một hành động nhỏ thôi cũng khiến họ phải suy nghĩ, nên chỉ cần em ấy tin tưởng tôi, đừng biểu hiện gì kỳ lạ trên mặt thì mọi chuyển sẽ trót lọt.
Sau đó, bữa ăn tiếp tục diễn ra bình thường, mẹ tôi có kể lại kha khá chuyện ngày xưa của hai đứa. Tôi nghe khá lạ lẫm, thì ra ngày xưa cả hai đứa cực kỳ thân quen nhau, đến mức còn học chung, chơi chung với nhau ở trường mẫu giáo. Đến lúc lên cấp một cũng học chung trường, khổ nỗi không thể chung lớp nên dần dần không chơi với nhau nữa. Lên cấp hai, cả hai đứa một lần nữa lại học cùng trường, lần này là khác buổi. Lên cấp ba khỏi phải nói, không những thi đậu cùng trường mà còn tiếp tục học khác buổi. Cũng may lúc lên đại học, vừa vặn học chung ngành, số lượng sinh viên trong khoa lại không nhiều nên mới biết đến nhau, còn vô tình thân quen rồi trở thành quan hệ yêu đương như bây giờ.
Vừa đứng rửa bát, tôi không khỏi cảm thấy kỳ quặc, làm thế quái nào chúng tôi có tình duyên sâu đậm đến mức từ khi sinh ra nhưng lại chẳng có đứa nào nhớ. Trong ký ức của tôi, lúc còn học mẫu giáo, tôi có chơi thân với một bạn nam, từ ăn chung đến ngủ chung, làm cái gì cũng cùng nhau, chỉ tiếc không nhớ ra tên gì, bây giờ nghe mẹ kể lại thì đã biết là ai rồi. Là người con trai đang đứng cạnh tôi đây.
Tôi liếc mắt ra sau canh chừng mẹ rồi nghiêng đầu sang em ấy hỏi nhỏ:
“Em không nhớ chuyện lúc nhỏ thật hả?”.
“Không nhớ đâu, thực ra, em không nhớ được ký ức trước năm chín tuổi, vì hồi nhỏ em bị tai nạn”, em ấy lắc đầu nói, tiện thể còn vẫy nước trên tay rồi chỉ vào một chỗ ở trên trán. Tôi đã hôn trên đó không biết bao nhiêu lần nhưng lại không phát hiện ra vết sẹo, bây giờ nhìn kỹ lại … cũng không thấy, xem chừng đã lâu rồi nên vết sẹo năm đó đã mờ đi.
Tôi chớp mắt nhìn em ấy, đây là lần đầu tôi nghe đến chuyện này nên không khỏi ngạc nhiên, sau đó vội vàng quay lưng lại để hỏi:
“Mẹ, lúc nhỏ Duy từng bị tai nạn phải vào viện à?”.
Nghe qua câu chuyện của mẹ, tôi đại khái đã hiểu, bà không khác gì bác sĩ tư của nhà em ấy, mỗi lần cần tư vấn sức khỏe hay khám chữa bệnh thì bác Nguyệt đều tìm đến mẹ, như vậy cũng đồng nghĩa mẹ tôi biết việc em ấy bị tai nạn lúc còn nhỏ, có khi còn là người khâu vết thương nữa kìa.
“Phải rồi, lần đó Nguyệt mang Tử Duy đến bệnh viện với cái đầu đầy máu nên mẹ hoảng lắm, cũng may không tạo ra di chứng xấu đến cơ thể”, vừa gọt trái cây, mẹ vừa nhớ lại rồi đáp.
“Mất trí nhớ không phải là di chứng hả?”, tôi ngớ người hỏi lại. Vừa nói xong, em ấy đột nhiên thúc mạnh khuỷu tay vào một bên người tôi. Tôi thấp giọng kêu đau rồi lách mình sang một bên, hai mắt ấm ức nhìn em ấy, tựa như một chú cún tội nghiệp.
“Đừng nói chuyện trống không như vậy”, em ấy lườm tôi một mắt đầy uy hϊếp.
“Tử Duy ngoan thật đấy, chẳng bù cho thằng con nhà bác”, mẹ tôi còn “bồi” thêm một câu này vào, như thể đang đổ nguyên một can xăng vào ngọn lửa đang cháy hừng hực. Tôi chẳng biết làm gì hơn ngoài việc im lặng chịu trận, tôi không phải đứa cục súc hay nói trống không, mọi người hiểu mà, chẳng qua vì được mẹ ngầm cho phép từ lúc còn ở nhà nên mới thuận miệng thôi.
“Vậy mất trí nhớ không phải là di chứng hả mẹ?”, tôi nhanh chóng điều chỉnh lại giọng điệu của mình, cốt vẫn để em ấy ngưng ngay việc lườm tôi chằm chằm thế kia, tôi sợ lắm, không khéo tối ra sô pha ngủ cũng nên. Về phần mẹ, bà không để ý đến đâu, nhìn vào nụ cười như muốn trêu tức tôi lúc này là hiểu.
“Được tính là di chứng nhưng phải xem ảnh hưởng từ đó có lớn không đã. Tử Duy mất ký ức trước năm chín tuổi, về lý sẽ ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành nhưng vì không khôi phục được nên đành phải chấp nhận sống chung. Khi đó, Nguyệt nhận được rất nhiều bác sĩ tâm lý tư vấn nên đã nhanh chóng điều chỉnh lại việc nuôi dạy. Thằng bé trưởng thành như bây giờ đều là công sức Nguyệt bỏ ra năm đó cả, điều đó cũng chứng minh hệ quả từ vụ tai nạn không ảnh hưởng đến sinh hoạt, cho nên mẹ mới bảo không để lại di chứng”, mẹ tôi từ tốn giải thích.
Nghe vậy, tôi liền nhìn sang em ấy mà đau lòng, tai nạn chưa bao giờ là chuyện nhỏ, mặc dù bây giờ nhìn như bình thường nhưng lúc tỉnh dậy sau cuộc phẫu thuật, em ấy chắc phải hoảng sợ lắm, khi mọi thứ xung quanh đột nhiên lạ lẫm đến bất thường, không biết tại sao mình lại vào viện, cũng không biết được trước đây đã làm gì. Chưa kể, ký ức của em ấy về tôi cũng biến mất đi, từ một đôi trúc mã trúc mã, chúng tôi lại trở thành hai người xa lạ không quen biết gì nhau.
Tôi mím môi mình lại, lúc nhỏ không hiểu chuyện nên không để ý, có thể quên bất cứ lúc nào mà không lo đến nhiều việc. Bây giờ lớn rồi, tôi không được phép quên, trong lòng phải nhớ rằng bên cạnh mình, sau lưng mình và trong vòng tay mình luôn luôn có một Tử Duy tươi cười. Nụ cười của em ấy là thứ quý giá nhất của tôi, nó như một ngọn đèn soi sáng để tôi bước ra khỏi sự nhàm chán và vô vị của cuộc đời này.
. . .
Sau khi rửa bát xong, mẹ tôi nhận được điện thoại của đồng nghiệp rồi bảo có chuyện cần phải đi gấp. Em ấy bảo tôi đưa mẹ đi cho nhanh, dù sao tôi quen thuộc với đường phố Sài Gòn, tiện thể nhân cơ hội đi đường để nói chuyện thêm với mẹ cũng tốt. Từ trước đến giờ, tôi không phải người ưa thích gọi điện video lắm nên mỗi lần gọi điện thường rất kiệm lời, từ đó không thể nói bao nhiêu chuyện với bố mẹ đang ở xa, bây giờ có cơ hội, không nắm bắt thì tệ quá.
Ngoài ý muốn là lúc đang đi trên đường, mẹ tôi đột nhiên bảo muốn tạt ngang vào một tiệm cà phê nào đó để ngồi, trong lòng tôi đương nhiên có thắc mắc nhưng không hỏi ngay, vì còn phải căng mắt ra tìm địa chỉ giữa trời nắng trưa.
Đến lúc dừng được xe để vào gọi nước thì đã là chuyện của mười phút sau, vừa vặn, đây là một tiệm trong một chuỗi tiệm cà phê khá có tiếng, không gian thoáng đãng, mát mẻ, phù hợp để ngồi nói chuyện.
“Không phải mẹ có chuyện gấp cần phải đi sao?”, tôi thắc mắc hỏi.
“Con ngốc thế, ai lại đi làm việc vào ngày cuối tuần bao giờ, vừa rồi đồng nghiệp gọi điện để hỏi buổi tối nay mẹ có đi ăn cùng đoàn hay không thôi”, ngồi đối diện, mẹ cười cười đáp.
Tôi: “…”
Vậy ra bị lừa rồi, báo hại tôi đi nhanh. Mà khoan, hình như bình thường tôi cũng hay đi nhanh rồi mà.
“Con thiếu tinh tế quá, còn kém Tử Duy nhiều lắm, thằng bé nhìn một cái là biết ngay mẹ muốn nói chuyện riêng với con rồi. Con là người trong cuộc mà ngu ngơ quá, còn ngơ hơn bố ngày xưa”, mẹ tôi lắc đầu than vãn. Lần này, tôi vẫn chỉ biết cười khan.
Không phải người ta thường có câu “con hơn cha là nhà có phúc” đấy sao?
Sao bây giờ qua miệng mẹ lại giống như đang mắng người quá vậy?
“Duy vốn tinh tế mà, ở mặt này con không muốn so đo với cậu ấy đâu”, tôi cười khổ đáp lại.
“Con nên học dần đi, sống chung với nhau mà thiếu tinh tế thì không được đâu, con còn phải dựa vào Tử Duy nhiều lắm đấy”, mẹ tôi nói, tay bưng tách cà phê lên khuấy một lượt rồi uống, vẻ mặt gật gù, tựa hồ khá hài lòng với chất lượng cà phê pha ra
“Vâng, con sẽ để ý”.
“Tiện thể, hai đứa hẹn hò được bao lâu rồi?”, đặt tách cà phê xuống, mẹ từ tốn vắt chân lên đùi rồi hỏi.
Tôi: “…”
Tình huống này hình như thấy ở đâu rồi thì phải?