Đúng! Điều này trái ngược với tính cách mà tôi đã nhận định ở trên! Điêu Ái Thanh là một cô gái mạnh mẽ, đồng thời lại khá luộm thuộm nên việc bị khiển trách không hẳn đã khiến cô buồn bực đến như vậy. Điều này còn thể hiện ở việc trước khi đi, cô còn chuẩn bị sẵn chăn gối để về ngủ, có nghĩa cô không phải vì quá hổ thẹn mà muốn tránh mặt mọi người. Vậy tại sao tâm lý của Điêu Ái Thanh lại có sự thay đổi lớn như thế?”
“Chà! Tôi cũng không biết nữa…” – Cường thú nhận ngay.
Nhưng đáp lại, Đinh Dân chỉ cười mỉm mà nói.
“Tôi cũng không biết! Có lẽ chúng ta cần xem thêm thôi!”
Sau khi đã đọc một số hồ sơ vụ án Nam Kinh 1.19, vì đã hết thời gian nên cả ba người đành quay về. Cường lái xe ô tô, bên cạnh là Trần Tuế, phía sau là Đinh Dân. Lúc về lại ký túc xá Đại học Nam Kinh, vô tình đi qua phố Thượng Hải, cả nhóm liền đến bãi rác số 13 mà đặt một bó hoa cho Điêu Ái Thanh. Trong lúc cả ba đang hồi niệm, Trần Tuế nhận ra Đinh Dân đang suy nghĩ gì đó, kiềm lòng không được đành phải hỏi.
“Cậu đang nghĩ gì thế?”
Thoáng chút bối rối, Đinh Dân vội lắc đầu.
“Không có gì cả. Có điều gì đó lạ lắm, nhưng tớ chưa nghĩ ra…”
Thấy Đinh Dân có vẻ ấp úng, khác hẳn với lúc vừa rồi vô cùng quyết liệt và thông minh, Cường liền buông một câu nói đùa.
“Chà! Cuối cùng cái đầu của cậu cũng phải đóng băng rồi nhỉ?”
Nhưng thay vì vui vẻ với câu trêu ghẹo ấy, Đinh Dân mở to đôi mắt, chạy đến chỗ Cường đang đứng mà nói lớn.
“Anh nói cái gì cơ???”
Cảm thấy như Đinh Dân đang giận mình, Cường vội lùi ra sau, đưa tay thủ thế, miệng phân bua.
“Nào nào! Chỉ là đùa chút thôi mà!”
“Không! Anh… ý tôi là anh nhắc lại câu đấy đi!” – Lần này giọng Đinh Dân có vẻ cầu khẩn.
“Tôi… chỉ nói là đầu cậu đang đóng băng…”
Nghe xong câu nói của Cường, Đinh Dân không hiểu vì lý do gì, chạy vội đến bảng sự kiện được đặt tại công viên Dạ Chí gần đó. Cậu lấy cái điện thoại trong người ra rồi quét mã, dưới khung hình, một loạt sự kiện được hiện ra. Đinh Dân lại chọn mục tìm kiếm, đưa đến tháng 1 năm 1996 *
(* Trung Quốc từ năm 2017 triển khai lắp đặt các bảng sự kiện được đặt khắp nơi, vốn cung cấp các thông tin cần thiết trong từng thời gian cụ thể. Muốn sử dụng chỉ cần quét mã để chia sẻ mạng internet di động của mình)
Trần Tuế và Đinh Thành Cường nhìn theo, thấy Đinh Dân đang xem bảng thời tiết của năm ấy, không khỏi hồ nghi. Nhưng thấy Đinh Dân đang chăm chú tìm kiếm nên không tiện hỏi. Một lúc sau, Đinh Dân như phát hiện ra điều gì, vội nói lớn.
“Đúng… đúng rồi!!!”
“Cậu tìm ra gì à?” – Trần Tuế vội hỏi.
“Tôi tìm ra thứ mình đang thắc mắc là gì rồi!”
“Sao cơ?” – Lần này thì cả Tuế và Cường đều đồng thanh thắc mắc.
“Tôi nghĩ đã hiểu được lý do tại sao đến ngày 19 tháng 1 năm 1996, Điêu Ái Thanh mới được phát hiện. Tức là gần mười ngày sau khi cô mất tích!”
“Chẳng phải vì hung thủ lúc đó mới vứt xác Điêu Ái Thanh sao?” – Cường ngạc nhiên.
Đinh Dân quay lại, hỏi Cường.
“Năm 1996, cách tốt nhất để xác định thời gian một người bị gϊếŧ là như thế nào?”
Cường đưa tay lên cằm, một lúc sau mới trả lời.
“Vào thời điểm năm 1996, có một cách để xác định tử vong khá chính xác, đó là kiểm tra nội tạng. Khi tử vong, dịch axit từ dạ dày sẽ phá hủy nội tạng, đồng thời ngừng trao đổi chất. Nếu phân tích dịch dạ dày và đồ ăn đang tiêu hóa, có thể giảm tính sai lệch thời gian tử vong đi từ một đến hai ngày…”
“…Tuy nhiên theo như những gì ta đã biết, các mô nội tạng của Điêu Ái Thanh đã bị trụng nước sôi nên không thể áp dụng cách này. Thời gian tử vong chính xác của Điêu Ái Thanh vẫn là ẩn số!” – Đinh Dân tiếp lời. Đinh Thành Cường gật đầu, cho là đúng.
“Hãy nói về thời tiết. Tháng 1 năm 1996 là tháng đại hàn, tức là có rét đậm, nhiệt độ ở Đại lục thời gian này, nhất là ở Nam Kinh có nơi nhiệt độ ở mức âm. Trong điều kiện thời tiết như vậy, thi thể sẽ khó bị phân hủy, các điều kiện để xác định thời gian tử vong là rất khó khăn, chỉ có thể xác định thời gian tử vong sai lệch từ ba đến năm ngày, tức là hoàn toàn có khả năng Điêu Ái Thanh chết trong khoảng ngày 14 đến ngày 19 tháng 1 năm 1996 hoặc hơn thế!”
“Như vậy thì có ý nghĩa gì chứ? Chúng ta cũng đâu biết chính xác thời gian cô ấy bị sát hại?” – Cường thắc mắc trong mớ suy tư của mình.
“Nếu thật sự Điêu Ái Thanh vẫn còn sống sau ngày 10 tháng 1 năm 1996, tại sao khi gϊếŧ chị ấy, hắn lại phải cất công trụng nước sôi nội tạng?”
“Có lẽ vì để tránh mùi chẳng hạn? Nội tạng luôn bốc mùi hơn so với những phần khác mà?”
“Nếu vậy thì hắn phải trụng nước sôi tất cả chứ? Mùi máu thậm chí còn tanh tưởi hơn?” – Đinh Dân hỏi dồn.
“Này! Cậu không nghĩ là hắn ta trụng nước sôi chỉ để… ăn tái nội tạng cô ấy à?” – Trần Tuế xen vào.
“Dù là vậy thì cũng có cần phải trụng nước sôi toàn bộ?”
“Cũng có lý nhỉ? Như vậy cuối cùng thì là gì?” – Cường hỏi lại.
“Do vậy, tôi nghĩ có điều gì đó khiến hung thủ phải làm vậy. Lý do hợp lý nhất là hắn muốn che giấu việc Điêu Ái Thanh còn sống vài ngày trước khi bị sát hại kể từ ngày 10 tháng 1 năm 1996!”
“Nhưng như vậy thì được gì kia chứ?” – Cả Trần Tuế cũng thắc mắc.
Đinh Dân lấy điện thoại của mình, trong đó anh đã chụp lại một số lời khai từ hồ sơ vụ án. Điều này khiến Cường không vui, hồ sơ của cảnh sát, nếu không có lệnh, tuyệt đối không được sao chụp với bất cứ hình thức nào. Tuy nhiên anh cũng đành cho qua mà nhìn vào. Đó là bản sơ kết quá trình điều tra vụ án Điêu Ái Thanh do một cảnh sát với mật danh là Mao Tiểu Miêu báo cáo lại, chỉ vỏn vẹn vài dòng.
“Theo lời khai của những người có liên quan, tôi lưu tâm đến một số điều bất thường về ba ngày trước khi Điêu Ái Thanh mất tích, cụ thể:
Ngày 7 tháng 1 năm 1996: Điêu Ái Thanh có đi gặp bạn tên Thái Hoành Hoành (tên khác là Phan Tú Lệ) và có ở lại nhà người này.
Ngày 8 tháng 1 năm 1996: Điêu Ái Thanh có nói đi gặp đồng hương từ Khương Yển.
Ngày 9 tháng 1 năm 1996: Không có thông tin gì về Điêu Ái Thanh, nhưng có một thông tin là Điêu Ái Thanh nói mệt trong người.
Tại sao tôi lưu tâm? Vì ngày 7 tháng 1 năm 1996 là ngày Chủ Nhật, nên việc ở lại nhà bạn có vẻ bình thường, nhưng có một sự bất thường. Đó là hôm sau là ngày thứ Hai, do vậy phải là ngày đi học, nhưng Điêu Ái Thanh lại có thể đi chơi thoải mái. Điều này trùng khớp với sự thật là đại học Nam Kinh khi ấy hệ tại chức rất lỏng lẻo trong việc quản lý sinh viên, nên việc phải có mặt nghiêm túc là chuyện thích thì làm, không thì cũng chẳng sao. Vì vậy nên đến chín ngày sau khi Điêu Ái Thanh mất tích thì không ai nhận ra cho đến khi tìm thấy xác cô. Có một chi tiết mà từ đó tôi cho rằng tâm lý của Điêu Ái Thanh đã thay đổi, đó là ngày 8 và 9 tháng 1 năm 1996. Đáng lẽ sau khi đi chơi với đồng hương về thì tâm lý của Điêu Ái Thanh phải rất thoải mái, nhưng cô ấy lại có vẻ khó chịu và than mệt mỏi. Đó là mệt mỏi thật hay chính vì những chuyện xảy ra với đồng hương đã khiến cô mệt mỏi?”
Đọc đến đây, Trần Tuế hiểu ra vấn đề, kể cả Đinh Thành Cường cũng nhận ra những gì họ suy nghĩ trước đó đã có một lời giải thích.
“Như vậy, nguyên nhân dẫn đến việc Điêu Ái Thanh thay đổi tâm trạng, có lẽ là do việc gặp người đồng hương từ Khương Yển?”
***
Đọc báo cáo do Đinh Thành Cường viết, đại tá Lợi trầm ngâm. Những dòng báo cáo đã gần như đi ngược lại với những gì cảnh sát và người dân nhận định từ bao năm qua. Nhưng ông cũng không thể có lý do nào không tin nó cả. Cuối bản báo cáo, đề xuất của Đinh Thành Cường chỉ ngắn gọn : “Cho phục hồi điều tra vụ án Điêu Ái Thanh”.