Tôi để ý thấy cảnh nền trong những bức ảnh mừng sinh nhật này không giống nhau, những gương mặt bên cạnh A Thác cũng liên tục thay đổi, chắc vì họ hàng nhà anh ta tương đối nhiều, mọi người đều tranh nhau làm sinh nhật cho A Thác, vốn có nhân duyên rất tốt.
"A Thác, bố mẹ anh đâu?" Tôi đưa quyển album cho Bách Giai.
"À, cả quyển đấy đều không có, trong quyển cũ nhất bên tay trái kia thì có mấy tấm, nhưng cũng không nhiều." A Thác liếc nhìn quyển album ảnh trên tay Bách Giai.
"Anh có nhiều họ hàng thế à, mỗi năm đều làm sinh nhật cho anh à? Thật hạnh phúc." Bách Giai nói, Tư Đình liền bắt lời, bắt đầu kể đủ các loại tập đáng sợ khi đón sinh nhật ở bộ lạc cậu ấy.
A Thác lắc đầu, bảo những người trong ảnh đều không phải họ hàng gì cả, mà là những chú bác hảo tâm anh ta quen hồi nhỏ, còn bố mẹ anh ta thì đã ly hôn từ hồi anh ta còn bé tí, nhưng bố anh ta làm kinh doanh, thường xuyên bận tiếp khách bên ngoài, vì vậy A Thác hay phải cầm mấy chục đồng ra phố tự lo liệu bữa trưa bữa tối cho mình, sổ liên lạc từ lớp Một đến lớp Ba của anh ta đều do bà bán bánh mạch nha ở đầu ngõ ký hộ.
"Chính là bà ở trong tấm ảnh này này, bà ấy tốt lắm, còn làm sinh nhật cho anh, nấu miến chân giò cho anh ăn nữa, tiếc là bà ấy qua đời trong trận động đất 921 năm kia rồi." A Thác than thở, kể rằng hồi xưa, anh ta còn đi Nam Đầu thăm bà già ấy nữa.
"Thế còn sổ liên lạc năm lớp Bốn thì sao? Ai ký vậy? Tại sao bà ấy không ký hộ anh nữa?" Niệm Thành nhìn tờ lịch người đẹp A Thác treo trên tường.
"Chậc, chính là cái bác miệng ngậm điếu thuốc cầm tay anh cắt bánh kem này này, từ năm lên lớp Bốn, anh chuyển nhà tới Đài Trung, được ông bác bán thịt lợn này ký sổ liên lạc hộ. Bác ấy tốt lắm, con trai bác ấy học cùng anh năm lớp Bốn, bác ấy làm cơm hộp cho con trai mang đi, còn tiện thể làm cho anh một phần, bằng không anh đã chết đói từ lâu rồi." A Thác bỏ sủi cảo vào nồi lẩu, cười nhìn cả bọn nói tiếp: "Con trai bác ấy sau này lên đại học lại cùng lớp với anh, rất là có duyên đấy!"
"Chắc không phải lên lớp Năm anh lại chuyển nhà đấy chứ? Người trong ảnh lại đổi rồi." Tư Đình chỉ vào mấy anh chàng cao lớn đang cười hì hì hà hà trong tấm ảnh.
"Đúng rồi, lớp Năm và lớp Sáu anh chuyển tới Đài Bắc, mấy anh đó đều là sinh viên trường đại học Đài Bắc, hồi đó anh toàn chơi với họ trong phòng bi a của khu chung cư, vì vậy đương nhiên là họ lần lượt ký tên họ anh, lại còn mở mang cho anh biết đến rất nhiều cảnh đời chú vị khác nhau nữa chứ. Nói ra đảm bảo các em không tin, thầy giáo môn vật lý phổ thông bây giờ của anh chính là một trong số họ đấy!" A Thác tỏ ra rất vui vẻ, nhưng tôi nghe mà thấy nhói đau trong lòng.
A Thác vừa nấu lẩu, vừa tiếp tục dùng những tấm ảnh để minh họa cuộc sống trước đây của anh ta.
Bố anh ta gần như không ở nhà, phương thức trao đổi duy nhất của hai người chỉ là mấy tờ tiến giấy đặt trên bàn ăn, A Thác còn bé tí đã suốt ngày ở bên ngoài lêu lỏng, cũng vì anh có tấm lòng rộng mở, thích nói chuyện với người khác, nên đã xây dựng được mối quan hệ xã hội tương đối đặc thù với bà con đầu đường cuối ngõ.
Hồi còn bé, A Thác thấy bà già bán kẹo mạch nha ở đầu ngõ cứ ho suốt, anh ta đã lấy ba mươi đồng tiến ăn tối chạy ra hiệu thuốc tây mua hai lọ xi rô cảm về cho bà uống, còn cùng bà nói chuyện về anh con trai đang đóng quân ở Kim Môn nữa.
Lớn thêm chút nữa, anh ta quen với A Đức ở trường, anh chàng này có hộp cơm trưa lúc nào cũng đầy tú ụ, A Thác cả gan đem số tiền chỉ đủ mua bánh nhân thịt thay bữa trưa ra, bảo muốn mua lại nửa hộp cơm của A Đức, hai người từ đó trở thành bạn thân, đồng thời cũng quen luôn bác hàng thịt.
Lên cấp hai, nhà A Thác chuyển đến Tân Trúc.
Anh ta có thể trở thành bạn tốt của tất cả đám lưu manh trong trường, vì anh ta đã lén mở tủ sắt trong phòng giám thị, đốt sạch các bản kiểm điểm ghi tội của bọn họ, cũng vì vậy mà học được mười tám phương pháp múa đao gấp.
"Thì ra hồi cấp hai anh đã là trò lưu manh." Niệm Thành buột miệng nói.
"Cũng không hẳn, ba năm cấp hai anh chưa từng bị ghi tội, cũng chưa từng đánh nhau, chỉ là cảm thấy những người bạn thích làm ra vẻ hung hăng ấy rất vui, không phải loại cả ngày chỉ biết ôn tập với học bài, thế nên mới thích chơi chung với bọn họ. Lên cấp ba, anh lại chuyển đến Đài Bắc, thỉnh thoảng vẫn quay về trường cấp hai cũ chơi, xem xem mấy đứa đàn em hồi trước đi theo mình thế nào, có điều kể ra cũng thật tức cười, hồi xưa anh không đánh nhau bao giờ, thế mà quay về lại tham gia một trận." A Thác lấy làm vui vẻ nói.
"Hồi ở tù anh Bạo còn gặp một đứa to đầu nhất trong bọn đấy nữa cơ, cũng coi như là có duyên."
"Hồi đó anh học trường cấp hai nào ở Tân Trúc vậy? Em học trường Quang Phục." Tôi nói.
"Anh cũng thế đấy, hóa ra em đã làm đàn em của anh từ trước rồi, ha ha!" A Thác bật cười, tiếp tục kể chuyện.
Lên cấp ba, A Thác cuối cùng cũng học từ đầu chí cuối ở một ngôi trường, không theo bố đến Cao Hùng.
Ba năm cấp ba, bữa trưa của A Thác thường xuyên là món bánh chưng thịt đơn điệu ở cửa hàng phúc lợi trong trường, có điều, lòng nhiệt tình của anh ta vẫn không hề giảm sút, anh ta dạy bà thím không biết chữ ở cửa hàng phúc lợi học tiếng Anh, từ đó liền có bánh mì và nước ngọt ăn uống xả láng, chế độ dinh dưỡng được cân bằng lại không ít. Khi anh ta tốt nghiệp trường trung học thuộc đại học Sư phạm, trình độ tiếng Anh của bà thím kia đã tương đương với học sinh tốt nghiệp cấp hai, bà ấy còn cao hứng nhận A Thác làm con nuôi nữa.
Từ trước đến giờ, A Thác luôn chăm chỉ hơn bất cứ người nào.
"Đáng thương quá, vậy giờ anh có còn liên lạc với bố anh nữa không?" Bách Giai hơ tay bên trên nồi lẩu để sưởi ấm.
"Bố anh ấy à, về sau ông ấy kinh doanh thất bại, nghe nói giờ đang ở đại lục." A Thác cũng không để bụng, nói.
"Anh cứ có cảm giác bố con anh sẽ còn gặp lại nhau, hy vọng ông ấy có thể tự chăm sóc cho mình, sống thoải mái là được rồi, đời người mà..." Nói đoạn, anh ta đưa cho mỗi người một cái bát nhựa.
"Cà Rốt! Ăn chị, đi này." Tôi gắp một bát nhỏ thịt miếng, để dưới sàn nhà.
Con Cà Rốt đi tới, hít hít, rồi nhồm nhoàm nhai, thoắt cái đã sạch trơn.
Tôi muốn chơi với nó, nhưng nó đã quay ngoắt đầu bỏ đi một cách đầy cá tính, nhảy tót lên giường nằm.
"Anh nuôi con Cà Rốt này được bao lâu rồi? Nó biết trò gì hay ho không? Nào, ngồi xuống!" Tư Đình gắp một miếng lạp xưởng, vẫy gọi con Cà Rốt. Cà Rốt nhảy xuống giường, đớp miếng lạp xưởng trên đũa của Tư Đình nhanh như chảo chớp, rồi ngay tắp lự nhảy lại lên giường, nằm trên gối thưởng thức, làm cả cái gối dính bẩn nhoe nhoét.
"Nuôi được một thời gian rồi, nhưng anh chẳng hảo tâm yêu cầu nó cái gì cả, anh có phải chủ nhân của nó đâu, bản thân nó cảm thấy vui vẻ là được rồi." A Thác trả lời rất tự nhiên: "Sống chung với nhau, vốn là phải chịu đựng nhau mà."
Cà Rốt nhảy xuống giường, ghếch chân sau lên, tè luôn ra sàn nhà.
A Thác thở dài, rút mấy tờ giấy vệ sinh đặt xuống, Cà Rốt hơi do dự, rồi ngậm giấy vệ sinh lên che vào chỗ nó vừa mới tè ra.
Chúng tôi đều cười ồ lên, rất nhiều người nuôi chó thực sự coi chúng là bạn chứ không phải thú cưng, đại đa số đều chỉ nói ngoài miệng mà thôi.
Chúng tôi ngồi quây quanh nồi lẩu, vừa ăn vừa tán dóc, có lẽ ảnh hưởng bởi câu chuyện trưởng thành của A Thác, nên không khí rất tự nhiên, Niệm Thành xưa nay vốn khô khan cũng làm một việc hi hữu là kể về kinh nghiệm đau khổ của cậu ấy khi bộc lộ mình là người đồng tính, Tư Đình cũng kể lại hồi ức chuyển nhà thời thơ ấu, khi đất đai gia đình cậu ấy bị thương nhân lừa mua với giá thấp, nói đến đoạn sau không ngờ còn khóc nấc lên, Bách Giai với tôi vội vàng an ủi, A Thác cũng vội đem chặng đường phấn đấu trở thành một nghệ sĩ hình thể kỳ diệu của Tiểu Tài ra làm ví dụ cổ vũ cho Tư Đình.