Chương 6: Về Nước

Tony chuẩn bị về nước. Dự kiến ghé Hongkong, mua ít vàng. Vì hải quan các nước và Việt Nam cấm mang vàng dưới dạng thỏi hay miếng, chỉ cho phép mang theo vàng trang sức nên Tony quyết định đeo đỏ người. Một sợi dây chuyền hai lượng dài tới rốn. hai chiếc lắc tay, mỗi chiếc một lượng. 8 ngón tay, ngón nào cũng 3 chiếc nhẫn trừ hai ngón tay cái. Thêm cái thắt lưng hai cây, cái đồng hồ một cây. Thêm cái kiềng chân và lục lạc vàng, bước đi keo leng keng...

Tất cả đều vàng 4 số 9, nhưng được gia công sơ sài. Đem về nước, lột ra, tổng cộng khoảng 10 cây. Chênh lệch giá vàng Việt Nam và thế giới hiện 6 triệu/lượng, Tony sẽ có 60 triệu.

Coi vé máy bay đi về bi nhiêu, chu cha hết 100 triệu, đua đòi business cờ lát mà. Giờ sao ta, sao lấy lại vốn đi Mĩ đây ta.

Chắc thêm cái vòng kim cô đeo trên đầu cho giống Tôn Ngộ Không, 4 lượng nữa. Tổng cộng 14 lượng, đủ vốn... 100 triệu

Hải quan có nghi ngờ hỏi thì nói gốc châu Phi, sở thích đeo vàng

Bịt thêm răng vàng hông ta? 32 cái răng, mỗi cái một chỉ... Thôi chắc hẻm kịp...

Thôi về, về...

Ngày 22/04/2013

Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt

Hồi nhỏ, trong xóm của Tony ở xảy ra một vụ ăn trộm. Tên trộm bị bắt được, trói cột để ở nhà hương xá. Nhà hương xá là cái nhà cộng đồng, dùng để họp hành cho cả thôn. Tên trộm nghe nói đâu ở xã khác. Tony cũng chen lấn đến coi mặt cho biết thằng ăn trộm như thế nào, mặc dù nghe rất sợ. Ban đêm, trong nhà thắp đèn dầu, lúc đó chưa có điện, nên từ ngoài sân trở đi là một khoảng tối. Những cây chuối, cây me, cây xoài ban ngày là màu xanh mướt mắt, nhưng ban đêm là nỗi sợ hãi khôn cùng của trẻ nhỏ, nhất là khi người lớn dọa có ăn trộm hay núp trong mấy bụi cây ấy. Nên đi tiểu cũng lũ lượt mấy chị em cùng đi. Vì sợ.

Trở lại vụ thằng ăn trộm. Hôm bị bắt, nó cứ cúi gầm mặt, nên bây giờ thật sự cũng không nhớ mặt mũi nó thế nào. Chỉ nhớ là nó bị cởi trần, cái áo bị xé thành sợi dây để cột hai tay nó ở phía sau. Mấy ông thôn đang ngồi tra hỏi gì đó, còn dân chúng thì chỉ được đứng bên ngoài, láo nháo, các bà các chị chen lấn, nón lá trắng va nhau lạo xạo lẫn trong tiếng bàn tán xôn xao.

Đó là lần đầu tiên và duy nhất Tony biết về ăn trộm lúc ở quê. Trong ký ức tuổi thơ, ăn trộm là xấu xa, kinh tởm.

Còn ăn cắp thì cũng giống như ăn trộm, nhưng nghe có vẻ nhẹ nhàng hơn. Thường thì ăn cắp đi đôi với ăn cắp vặt, trong khi ăn trộm thì có quy mô và tính toán. Trộm thì thường đi với cướp. Người ta nói trộm cướp chứ không ai nói cắp cướp...

Khi đi học, quay cóp là một dạng của ăn cắp và lừa gạt. Ăn cắp kiến thức và lừa gạt thầy cô. Đáng tiếc hành vi ăn cắp này rất phổ biến, thậm chí được thầy cô bao che, vì thành tích của lớp, của trường. Sự không trung thực đã có sự luyện tập, ngay trên ghế nhà trường, nơi mà lẽ ra phải được đào tạo để thành người chân, thiện, mỹ. Luyện tập ngày qua ngày. Và trở nên bình thường. Tony thì chưa bao giờ quay trong suốt thời kỳ đi hạc của mình, nhưng cũng vài lần bạn Luận ngồi bên cạnh quay rồi đọc cho mình chép. Nhưng sau đó thì ngại quá nên kết quả 3 năm cấp 3, lớp 10-11-12, môn Sử lúc nào cũng có 4.9, cô chủ nhiệm phải qua năn nỉ thầy Thông cho lên 5.0 để đạt hạc sinh tiên tiến. Do quay phim nhiều, một số trở nên giỏi giang trong việc ăn cắp. Ăn cắp và lừa đảo để có được điểm số cao. Để có văn bằng đẹp. Tony mấy lần nói với bạn bè đi học ở nước ngoài rằng hồi nhỏ ở Việt Nam, tụi tao quay phim lúc thi ghê lắm, tụi nó ngạc nhiên vô cùng. Đối với phương Tây, học sinh quay cóp là hiện tượng cá biệt, xếp vào dạng tâm thần nhẹ, cần được giúp đỡ.

Làm y chang theo bài văn mẫu cũng là một dạng ăn cắp. Ăn cắp kiến thức của người khác. Lẽ ra chỉ đọc tham khảo và vận dụng, chỉnh ý lại theo quan niệm và khả năng của mình, nhiều người đã bê nguyên xi. Thậm chí thầy cô ép buộc bê nguyên xi. Miêu tả bà thì phải móm mém, ngồi khâu vá bên ngọn đèn. Miêu tả mèo thì phải tam thể và chăm chỉ bắt chuột. Lớn lên một chút, cái này chuyển qua đạo văn. Ăn cắp cả đoạn, cả luận án, cả quyển sách của người khác thành của mình mà không bỏ trong ngoặc kép hay ghi trích dẫn. Một tiến sĩ đạo văn trót lọt nói với Tony, chẳng có gì nhục nhã ở đây cả. Tiến sĩ vẫn cứ trong vinh quang, vẫn được thăng chức và kiếm được nhiều tiền. Vì kiến thức có thể là giả, nhưng bằng cấp lại thật. Mày ạ.

Khi ra trường đi làm, tiếp tục sự nghiệp ăn cắp. Thư ký cuối giờ chiều về, nhét trong giỏ chút giấy. Tích đủ 100 gram thì đem ra tiệm photocopy. Tiếp tân thì lợi dụng lấy điện thoại cơ quan để tám mà họ gọi là điện thoại chùa. Chùa nào ở đây? Tài xế thì kiếm chút xăng. Tài xế xe container chở hàng ra cảng, trên đường đi tấp vào chỗ nào đó, rút bớt ít tấn hàng. Tạp vụ kiếm chút nước rửa bồn cầu. Bán hàng thì lươn lẹo, nói to nói nhỏ với khách hàng để kiếm hoa hồng riêng, báo cáo công ty một đằng rồi chốt với khách hàng một nẻo. Kế toán thủ quỹ thì thụt két, cấu kết với nhau đem ít tiền ra ngoài gửi lấy lãi. Còn có chức vụ một chút, người ta không gọi là ăn cắp mà gọi là tham nhũng, nhưng thật ra cũng là một cách ăn cắp mà thôi. Thậm chí ăn cắp thời gian để làm việc riêng, sáng 8 giờ vô làm nhưng vô rồi đi ăn sáng, cà phê lang thang miết... Kết cục của mọi hành vi ăn cắp, cũng là cảnh không dám ngẩng lên kiêu ngạo với chính mình.

Người ta nói, ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt. Lỡ từng ăn cắp rồi, thì thôi, đừng ăn cắp nữa. Rồi cũng sẽ quen và thấy việc ăn cắp nó kỳ kỳ thế nào. Ban ngày không ngủ nữa, quen mắt rồi thì buổi trưa vẫn ngồi làm việc bình thường. Hôm bữa ghé tòa nhà 33 tầng ở Sài Gòn, đi ngang qua một văn phòng rất sang trọng, lúc đó khoảng 1 giờ chiều, với bản chất tò mò của trai quê, Tony ghé mắt nhìn vô. Thấy bên trong có 3 thằng Tây và một thằng chắc Sin hay Hàn gì đó vẫn ngồi làm việc, còn đâu chục nhân viên Việt Nam thì ngủ la liệt dưới đất, chăn ga gối đệm, mền mùng chiếu gối giăng đầy. Xoài xanh muối ớt dao kéo đầy bàn. Xa xa là hai hộp cơm dang dở. Một số ngủ nữ nhân viên công sở ngủ há miệng, nước bọt trào ra trên khóe môi, vài nam nhân ngáy tiếng kéo vang như tiếng đàn... hòa tiếng lách cách bàn phím của mấy thằng Tây ngủ ngày không quen mắt...

Rồi đúng 1:30, thức dậy, vẫn ngái ngủ, tóc tai rũ rượi, lục tục đứng lên, vừa phủi đít đem mùng mền chiếu gối đi cất, kéo quần kéo áo chỉnh đốn tóc tai. Và ngoài cửa, cả chục người khách đã xếp hàng chờ vô giao dịch từ rất lâu. Bật đèn rồi mở cửa. Khi khách đầu tiên bước vào, em tiếp tân xinh đẹp cười chào khách bằng một cái ngáp dài muốn sái quai hàm, trong miền Nam nói là muốn trẹo bảng họng...

Ngày 26/04/2013

SỐT VÀ ÔM

Năm 2008. Hồi đó còn ở Gò Vấp nên gọi là anh Tư Gò. Một buổi sáng, Tư Gò mở báo ra đọc. Toàn thấy sốt. Hết sốt chứng khoán đến sốt đất, rồi sốt nhà đất, sốt xi măng sắt thép, sốt thịt heo thịt bò, sốt gạo,... ôi đủ trăm ngàn loại sốt khác nhau. Các báo còn kết luận, nguyên nhân căn cơ của các loại sốt này đó là do Ôm.

Trong tiếng Việt, “ôm” là một động từ chỉ hành động dang tay ra và đưa vật thể hoặc ai đó vào lòng. Từ điển tiếng Việt hiện đại chỉ mô tả hành động ôm có tính chất sinh học. Bà mẹ ôm đứa con vào lòng. Chàng trai ôm cô gái. Hai con cún con ôm nhau ngủ… Đó là hành động ôm cụ thể. Sau này, các văn nghệ sĩ phát triển theo hướng trừu tượng. Có thể mạnh mẽ như Thuận Yến “em muốn ôm cả đất, em muốn ôm cả trời…” trong Khát Vọng hay đơn giản và lãng mạn như Trần Tiến trong Ngẫu hứng Sông Hồng “tôi ôm con sáo, bé bỏng của tôi…”.

Ngày nay, ôm không đơn giản chỉ có nghĩa sinh học nữa, nó mang nhiều phạm trù phức tạp hơn nhiều. Đất nước mới mở cửa, tệ nạn ôm cũng bắt đầu. Bia ôm, càfe ôm, bia ôm… bắt đầu mọc lên nhan nhản, khắp chốn thị thành lẫn thôn quê. Các cơn sốt cũng bắt đầu, sốt do nhiễm lao, giang mai, HIV,... Nói chung cái này, mặc dù biến tướng, nhưng vẫn là ôm sinh học và sốt sinh học...

Đất nước gần đây chứng kiến nhiều cái ôm khác, vĩ mô hơn nhiều. Thời chơi chứng khoán tất cả đều thắng, thiên hạ thi nhau Ôm cổ phiếu. Công ty dù xa xôi cách trở nào đi chăng nữa, vừa cổ phần xong đã thấy không còn một cổ phiếu nào thừa ra cho công nhân viên. Tất cả đã có một đội ngũ chuyên nghiệp xuất hiện ôm hết. Sốt chứng khoán, sau một đêm, ai cũng thành triệu phú. Giá chứng khoán tăng vài chục lần, người này ôm một lúc, mỏi tay và kiếm được một ít, sau đó đưa người khác ôm.

Tới làn sóng bất động sản. Đất nền, đất dự án… đầu nậu đất tung tiền ra ôm hết, để đó không xây, khiến khu quy hoạch loang lổ như miếng da beo. Những người có vốn ít cũng bèn góp với nhau, mỗi người một tay, tổ chức ôm đất. Rồi tới căn hộ, chủ đầu tư vừa công bố giá bán, dân đầu cơ ra ôm hết. Có người mua cả lô, cả dãy, cả tầng... Ôm xong để đó, trên báo rao bán rao mua, toàn giới đầu cơ giao dịch với nhau. Người có nhu cầu thật sự đứng nhìn ngao ngán vì giá đã đội lên quá cao so với túi tiền của họ. Báo chí nói là sốt đất, sốt căn hộ ở địa phương X, ở tỉnh Y... Vàng, đô la Mỹ cũng được diễn ra y chang như vậy... Ôm hà rầm và sốt ầm ĩ…

Rồi giá lương thực thực phẩm tăng cao. Heo bò gà ôm không được, chỉ có gạo là dễ. Người ta bèn ôm ngay. Xuống tận cánh đồng ôm lúa, tới nhà máy xay xát ôm gạo, ngay cả những người làm nghề trái ngoe cũng bèn ôm cho nó phong trào. Tiểu thương ôm vài tấn, đại gia ôm vài kho, mấy bà bán hàng xén cũng bắt chước ôm vài chục ký, hàng xóm tới mua kiên quyết không bán. Ngay cả công ty may mặc thời trang cũng tiến hành mua gạo để ôm. Xi măng rồi sắt thép…cũng được ưu ái ôm vào. Người người ôm, nhà nhà ôm. Hậu quả: sốt hết mặt hàng này đến mặt hàng khác…làm người dân lao động choáng váng, không biết đâu mà lần.

Các ban ngành đang vất vả và sốt sắng với việc chống lại hiện tượng ôm. Hết ra chỉ thị rồi tuyên truyền giáo dục, thế nhưng hết đợt sốt này, người ta nghĩ ra cái khác để ôm và lại sốt. Sốt cao quá, lâu quá, hết thuốc thang chạy chữa, người ôm cuối cùng lãnh trọn vì lúc đó sốt đã phát bệnh. Cứ theo lý luận này, người đang ôm cổ phiếu bây giờ cũng coi chừng bị sốt, không phải sốt nóng, mà là sốt lạnh, sốt rét...

Tư Gò nghĩ đến đây, bèn chạy về nhà, ôm mền mà ngủ. Hơi đâu chạy theo thiên hạ ôm hết cái này tới cái khác, rồi bị sốt lây cho nó mệt người, nhỉ!

Ngày 08/05/2013

Hóng chuyện ở hội chợ quốc tớ

Chuyện cũng lâu, cả chục năm rầu. Tại hội chợ thủ công mỹ nghệ ở một Thành phố ở châu Âu, Tony hồi đó có đi công tác, sẵn tiện ghé coi. Phía tổ chức có bố trí cho các doanh nghiệp Việt Nam trong một khu trưng bày riêng. Đâu khoảng 30 doanh nghiệp mây tre lá, đồ gốm, dừa, đồ gỗ,... của cả nước tham dự. Họ đều là các doanh nghiệp từ các làng nghề lớn, được nhà nước đài thọ một phần kinh phí, nên thường vợ chồng con cái cùng đi luôn cho vui. Sau hai ngày hội chợ thì ngày thứ 3 sẽ tranh thủ tham quan thành phố... và mua sắm, chụp hình, rồi sẵn có visa châu Âu thì đi luôn mấy nước khác.

Các doanh nghiệp này thật ra đều đã xuất khẩu, nhưng thường qua khâu trung gian là các nhà buôn của Hồng Công hay Singapore. Lúc mới mở cửa, Trung Quốc ngây ngô, xuất gì cũng qua Hồng Công. Còn mấy nước Đông Nam Á thì xuất gì cũng qua Singapore. Sau đó thì từ từ, Trung Quốc đại lục hay các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Indo... cũng tự xuất được, thường tìm khách qua các hội chợ quốc tế. Thường khi đi, họ thuê phiên dịch, hay nhờ con cháu nào đó biết tiếng Anh, bắt mặc vét hay áo dài, trang điểm lem luốc đứng nói líu lo với khách tham quan, tìm mối xuất khẩu.

Bữa đó, có một nhà nhập khẩu của Đức tới tham quan khu trưng bày của Việt Nam. Gian hàng đầu tiên nó ghé thăm là một doanh nghiệp sản xuất đồ gốm sứ. Thằng Tây này tỏ ra hết sức thích thú với các bình hoa hand-made (làm bằng tay) của một doanh nghiệp ở làng gốm X. Hỏi thì mới biết chỉ có 10 USD cho một cái bình, tức khoảng hơn 5 Euro, trong khi giá bán ở các cửa hàng châu Âu cho cùng loại khoảng gấp 10 lần. Thấy cơ hội tốt quá nên nó mới đặt hai container, và ký một bản ghi nhớ MOU (memo of understand) để về thì làm hợp đồng, rồi mở thư tín dụng và các nghiệp vụ xuất khẩu khác. Đàm phán thuận lợi, bắt tay vui vẻ. Khách vừa ra, vợ chồng và cô phiên dịch vừa ăn kẹo vừa cười nói vui vẻ khôn xiết.

Ai dè ở bên cạnh, ông doanh nghiệp khác, cũng sản xuất cùng trong làng nghề, nghe lén được nội dung trao đổi. Tại ông doanh nghiệp kia nói to quá. Thằng Tây vừa ra khỏi gian hàng thì ông kêu thằng con trai chạy ra chụp thằng Tây kéo vô. Thằng con có đi học ở Hà Nội nên biết ngoại ngữ. Ông bảo thằng con dịch là mày ngu lắm Tây ạ, thằng con chỉ ngay vào mặt “you are very stupid” làm thằng Tây như bị bắn vào đầu, đứng sững người, bỗng dưng giữa trời Âu văn minh lồ lộ, có một ông châu Á da vàng đứng mắng mình là sao. Thằng Tây chưa hoàn hồn thì ông này và bà vợ đưa ra cái bình y chang, nói cái này chỉ có 2 usd thôi, nó bán 10 usd là lừa mày đấy. Mày đặt tao đi, tao chỉ để mày hai USD. Nói một hồi, thằng Tây nóng máu chạy qua hủy bản ghi nhớ MOU với doanh nghiệp trước. Doanh nghiệp kia đoán là bị phá đám nên bà vợ đứng chống nạnh lớn tiếng chửi đổng. Giữa hội chợ quốc tế, tiếng bà vang vang như lúc nhà bà mất con gà. Cũng có câu có cú, gieo vần biền ngẫu, đưa các điển tích sử Tàu sử Ta... vào bài chửi, nghe hay như hát. Dám giật miếng ăn trên miệng bà. Vợ chồng ông kia im thin thít, nhưng đâu một hồi thì chắc cũng tức nên chửi lại, đại ý là bán đắt thế thì ai chịu được. Khỏi chửi mò chửi đổng, tao đấy. Ông chồng bên này rú lên: “A thằng này láo!” rồi sang gian hàng bên cạnh rút cây gậy tre sang quánh phủ đầu, ông kia cũng né, chạy ra ngoài, vớ lấy cái lấy nón rơm hay nón xơ dừa gì đó chống đỡ. Cao điểm là lúc hai ông chồng lao vào nhau giữa lối đi trải thảm đỏ cho khách tham quan. Khách dáo dác tìm chỗ ẩn nấp. Hai bà vợ nhảy vào phụ chồng chiến đấu. Thằng con đứng la làng, cô phiên dịch bên này khóc thút thít. Bốn người vẫn kiên quyết giằng co, kiểu trẻ con chơi dung dăng dung dẻ hay kéo cưa lừa xẻ... hai bà vợ vẫn kiên quyết đeo bám, túm tóc tuột quần, không nhả đối phương dù chỉ một giây. hai ông chồng quánh đẹp hơn, có lên gối giật cùi chỏ, có quyền có cước hẳn hoi. Cả 4 tóc xõa rũ rượi, gầm gừ... quấn thành một khối, moving từ góc này sang góc kia như nhảy valse cổ điển. Bảo vệ hội chợ rầm rập lao đến, và cán bộ quản lý đoàn doanh nghiệp hớt ha hớt hải xuất hiện, rồi tất cả bị đưa đi đâu đó. Không rõ.

Tony coi tới đoạn này thì đứng hóng hớt một chút nữa, thấy các gian hàng khác bỏ việc ra đứng phía trước bàn tán xôn xao. Khách vào cũng chẳng buồn tiếp, mắc lo kể chuyện. Một số người thêm thắt các nội dung khác nghe hấp dẫn hơn nhiều. Có thêm vụ tình cảm vô nữa. Khoảng 3-4 tiếng sau thì thấy họ cũng hết sáng tạo thêm được tình tiết nào mới nên Tony bèn “thơ thẩn dang tay ra về”.

Đi ngang qua mấy khu triển lãm của các nước khác, thấy nhộn nhịp kẻ ra người vào và trao đổi danh thϊếp, xem xét hàng mẫu, mua mua bán bán... nhưng nói chuyện gì thì thầm nghe bắt mệt. Thấy hẻm vui nên hẻm có ghé coi, nên hẻm biết có chuyện gì trong đó để kể.