- 🏠 Home
- Sách Hay
- Cà Phê Cùng Tony
- Chương 3: Chuyện Tony Bị Đại Gia Xài Xuể
Cà Phê Cùng Tony
Chương 3: Chuyện Tony Bị Đại Gia Xài Xuể
Năm 2007, có một chú Ả Rập sang nghiên cứu thị trường, Tony làm cò hướng dẫn. Tony ăn vận soang trạng (tức sang trọng) ra sân bay TSN đón, chú ấy nói tao theo đạo Hồi nên mày phải lưu ý nhé. Anh tài xế bảo thôi mình dắt đi ăn cá hồi đi cho nó hợp vần. Anh tài xế là người Phan Thiết nên phát âm cứ lộn giữa ôi và oai. Ví dụ: “Anh ấy là người nước ngồi, và anh ấy thích ăn cá hoài.”
Tony phải book phòng KS có mũi tên trên trần để chú ấy hàng ngày hướng về thánh địa Mecca cầu nguyện, rồi đàm đạo về văn hóa Hồi Giáo, về các Caliph và sự khác nhau giữa hai dòng Sunny - Shiai, về mái vòm các thánh đường ở Thổ, Tây Ban Nha, về bộ kinh Coran nổi tiếng, về nàng Sheherazade với 1001 đêm nhưng chủ yếu cũng xoáy vào các truyện nổi tiếng mà nàng kể như cuộc phiêu lưu của Sinbad, của Alibaba vào 40 tên cướp, Alađin và cây đèn thần... cứ mấy chuyện khác không nhớ nổi chi tiết để thảo luận. Những đóng góp của thế giới Hồi giáo như các con số trong toán học, mỹ thuật, thơ ca,... cũng được Tony nịnh hết biết. Tự hào dân tộc lên cao ngút trời, chú ấy hài lòng lắm, bảo là tao đi mấy nước khác, bọn nó chẳng biết gì về thế giới Hồi giáo tụi tao ngoài khủng bố. Tụi Việt Nam mày được giáo dục tốt như vậy, tao ưng bụng à nha. Sau đó cho Tony một vé đi xem triển lãm du thuyền ở Dai mà Tony đâu có lấy, đói phải tắm gội cho sạch, rách phải dùng nước hoa cho thơm.
Để xác nhận là khách hài lòng, đi chung xe hơi, cứ khoảng 30 phút Tony lại quay sang đập vào tay chú ấy và hỏi “ông có hài lòng không”, chú ấy nói “yes”, cứ đúng 30 phút sau Tony lại đập cái bốp vào tay chú ấy và hỏi “hài lòng hay không hài lòng”, đâu chừng chục lần thì chú ấy sợ quá bảo là “tao hài lòng lắm, xin đừng hỏi nữa”.
Đưa ra Hà Nội để họp tìm mối, gặp một đại gia. Chú định lập nhà máy và liên doanh với vài công ty Việt Nam, biết tin, đại gia vui mừng ra sân bay đón ngay. Trên đường về thì không về thẳng khách sạn mà ghé một gara “tiện đường lấy thêm một con xe”. Vừa mệt vừa đói nên khi đại gia hỏi “mày thấy tao lấy con xe này nom được không” thì Tony chỉ nói “ok đó anh” làm đại gia giận. Vừa xuống máy bay bị jetlag nên Tony không nịnh được nhiều.
Lúc đi ăn, đại gia rủ đi Lệ Mật ăn rắn, thấy Tony ậm ừ nên đại gia tức mình múa may quay cuồng, làm động tác miêu tả cảnh hành quyết con rắn sống để nuốt tim vào bụng, uống máu con rắn... rồi lột da chiên giòn, bẻ xương vào mồm nhai rau ráu... cho ông kia xem, ra chiều muốn rủ đi lắm lắm. Chú Ả rập hỏi ủa ông ấy miêu tả cái gì mà ngộ nghĩnh vậy, Tony bèn dịch đấy là điệu múa chào mừng khách phương xa, tập tục ở đây nó thế. Thấy không được, đại gia rủ đi ăn cóc, nhái, chó, mèo, chuột, gà rừng, nhím, bồ câu, đại bàng, khỉ, vượn, hươu cao cổ, ngựa vằn, hà mã… gì Tony cũng giả vờ hỏi ý thằng kia rồi từ chối hết. Hết chuyện hay sao mà đi ăn động vật hoang dã và thú nuôi, có phải là thực phẩm được chăn nuôi đại trà đâu. Đại gia trong Nam thì con gì cũng bắt đem về nhà nuôi để khoe, còn đại gia đất Bắc thì con gì cũng phải thịt. Thuyết phục không được, đại gia giận lắm, lầm bầm ngon thế mà bọn dở hơi này không ăn, nghi Tony kém ngoại ngữ, bảo thế thì thôi ăn ở khách sạn Daewoo vậy.
Đại gia đích thân cầm lái, vượt tất cả đèn đỏ và hềnh hệch cười: “Mày nói với ông ấy là tao quen hết với công an giao thông ở đây.” làm chú Ả Rập xanh mặt vì sợ tai nạn. “Lần sau ông có sang, tao đích thân đánh con Mẹc S500 ra sân bay đón, chứ con này chán rồi”, Tony vội vàng làm thầy thông y chang. Chú Ả Rập “Thanks”. Đại gia: “Mày có dịch là Mẹc không đấy, sao tao không nghe”. Tony vội bào chữa “Mơ Si Đì (Mercedes)”. Ông Ả Rập vẫn hờ hững: “Thanks”. Đại gia buồn xo, chép miệng: “Mày nói thế nào mà ông ấy chả phản ứng gì, Mẹc Sơ Đét chứ phải chuyện chơi”. Lúc sắp về, đại gia giả lả: “Hỏi giùm tao bên ấy ông ấy đi con gì đi”. Chú Ả Rập nói con lạc đà. Sau này Tony mới hiểu con gì là con xe, nên mới dịch đúng, chú Ả rập nói tao không rõ lắm, có mấy chục chiếc cho công ty và cho gia đình (chú ấy có 3 vợ). “Mà sao cứ suốt ngày hỏi phương tiện giao thông vậy, bộ hết chuyện gì để hỏi rồi hả?” Chú Ả Rập phản ứng gay gắt sau khi cứ xoay quanh đề tài automobile. Đại gia tròn xoe mắt khi nghe ông này không quan tâm đến ô tô, mắng: “Lại kém ngoại ngữ, lần sau mày khỏi ra, tao nhờ thư ký tốt nghiệp ngoại giao, nó sẽ dịch hết ý tao. Xe ô tô ai chẳng quan tâm, có tiền phải mua siêu xe chứ. Mày toàn cắt ý, éo biết thì nói éo biết”. Tony rưng rức khóc. Thương cái phận làm cò hay bị đại gia sỉ nhục, tức bị xài xể kiểu người miền Nam hay nói.
Và đúng là xã hội ta quan tâm đến xe cộ thật. Nhớ hồi phổ thông, một lần cả lớp đạp xe sang nhà bạn Tuyết Tuyết chơi. Nhà Tuyết Tuyết thuộc loại khá giả, một cái ngoài lộ, một cái trong vườn. Cả lớp gửi xe đạp ở nhà ngoài và đi bộ trong vườn chơi. Chỉ khoảng vài ba trăm mét, đang đi thì tiếng xe máy gầm rú vang hồi từ phía sau. Cậu bạn ấy đi đâu về, ông chạy đến trước mặt đoàn học trò và dừng lại, kêu rất to: “Lê Trần Thị Hồng Hoa Tuyết Tuyết, lên Đờ Rim cậu chở về con”. Tuyết Tuyết phụng phịu: “Thôi để con đi bộ chung với các bạn”. Cậu ấy quát: “Tao bảo mày lên Đờ Rim là lên Đờ Rim ngay có nghe không? Đờ Rim cơ mà, đâu phải chuyện chơi!” Tuyết Tuyết đành leo lên xe đi trước. Vừa leo lên thì ông cậu rồ ga thật mạnh phóng đi làm con nhỏ suýt té ra đằng sau theo định luật quán tính 3 của Niu Tơn FAB= -FBA. Khói xăng kéo dài thành vệt, mùi xăng thơm ngát suốt cả con đường làng…
Ngày 29/03/2013
Làm gì có doanh nhân ở nước ta?
Đúng là chẳng có cái cực nào giống cái cực nào. Đi làm con buôn, đối tượng bị miệt thị một thời, gắn liền với thành ngữ “con buôn ép giá”, bây giờ người ta gọi là doanh nhân - giống như con hát bị vua Tự Đức mắng là xướng ca vô loài, giờ được gọi là ca sĩ. Mà thật ra, ở đất nước này, làm gì có doanh nhân, chỉ có nhóm người tự nhận mình và một nhóm trông giống giống doanh nhân mà thôi. Nếu chỉ mở một công ty để trở thành doanh nhân thì ai cũng làm được. Nên nghe ai nói tôi là doanh nhân, nghe buồn cười không chịu được. Hôm bữa gặp chị kia, trang điểm mắt xanh lè, môi lem luốc, vυ" móm lòng thòng, nói chị là nữ doanh nhân nè em, chị mới mở công ty. Có ông làm cò đất, vài năm trúng nên lên luôn đại gia, gia nhập hội doanh nhân, tức một nhóm người biết mặc vét, đi xe hơi và có đi quánh golf và hay đi họp hiệp hội. Hôm bữa có tham dự hội thảo nói về 3 kịch bản bất động sản của thành phố ta, thấy mấy ông ngồi họp ở Caravel Hotel mà kéo quần lên đầu gối, chắc cho mát, lòi chân phèn và lông lá một đống, sau đó ra đưa card nói anh là nam doanh nhân thành đạt ở Hóc Môn nè em. Đứng gần hôi nách không chịu được và đôi giày Ý nhưng vớ Trung Quốc, lâu không thay nên bốc mùi thum thủm. Nhưng thôi, khách hàng mà, ráng nịnh.
Cũng lớn tuổi nên Tony suốt ngày líu lo nịnh bợ the so-called đại gia hay doanh nhân gì đó, thì mệt mỏi vô cùng. Lúc Tony còn đi buôn sắt thép cho các đại gia xây dựng, đi nước ngoài suốt. Đạt doanh số, các đại gia được các suất đi tham quan. Ở trong nước thì kẻ hầu người hạ, lên xe xuống ngựa quen nên đi ngoại quốc (ý nói mấy nước phát triển) đại gia bức xúc lắm. Không đi ngoại quốc thì lúc trà dư tửu hậu ở Việt Nam không có gì để khoe, nên cực chẳng đã phải đi. Cặp chân chắc lâu quá không sử dụng nên teo tóp (đại gia hay vén ống quần lên là vì vậy). Nhất là khoản đi bộ, từ ga tàu điện đến chỗ cần đến, thậm chí taxi hay xe bus cũng vậy, ít khi nào ở ngay vị trí cần đến, thường phải đi bộ. Thế là các đại gia kêu mỏi chân, chê bai là hẻm bằng Việt Nam. Nhưng rút ngắn lịch trình thì không ai chịu, phải tới cho bằng được chỗ nổi tiếng đó để chụp cái hình (các công ty du lịch ghi trên tour chi chít điểm tham quan mới mong bán được tour là vì vậy). Nhu cầu khoe của đại gia cao hơn nhu cầu tìm hiểu văn hóa lịch sử của điểm tham quan, nên rút kinh nghiệm, chỉ cần đưa đến và chụp hình, không cần thuyết minh làm chi cho mệt. Đi du lịch cốt để chụp hình, tụi Mỹ nó nói là Chinese-style tourism, tức du lịch kiểu Trung Quốc, hẻm biết vì sao lại gọi vậy nữa.
Một nhóm các đại gia đi chung thì phải hết sức khéo léo, vì người nọ muốn hơn người kia (A mua đồng hồ 5000 USD thì B sẽ phải mua 6000 USD để... hơn A), nên việc tiết lộ giá tiền là điều không nên với người hướng dẫn. Rồi ăn uống, sẽ phải ăn có nước mắm, chanh và ớt, dù là cao lương hay mĩ vị gì của Tây Tàu đều không hợp khẩu vị, nên vượt qua cửa ải hải quan để mang theo các gia vị này là điều phải làm. Nếu không thì phải mua ở các siêu thị người Việt or Tàu, kẻo các đại gia không hài lòng, đùng đùng bỏ về khách sạn ăn mì tôm. Đi sở thú, đại giá có thói quen khoe là tao đã kinh qua rồi mặc dù trong lòng cũng tò mò muốn coi nhưng phải nói kiểu chảnh mới được, nên phải khéo léo năn nỉ đi đến cho đủ điểm tham quan, năn nỉ một câu là gật đầu ngay. Ví dụ đi ngang qua chuồng hổ, đại gia Bình Dương sẽ nói nhà tao có nuôi, khỏi coi, đại gia Hà Nội sẽ nói tao có ăn thịt rồi, khỏi coi, hay đại gia Cà Mau (không muốn mình bị xem là cà chậm), sẽ nói, tao có uống... cao hổ cốt rồi, khỏi coi... Câu hỏi mà đại gia nào cũng cười ngây ngất là: “Chắc sếp đã ăn thịt con này rồi ấy nhỉ”...
Thêm nữa là chuyện nhà và chuyện xe. Biệt thự và xe hơi là hai trong 3 yếu tố quan trọng cấu thành nên đại gia Việt (yếu tố thứ 3 là chân dài - sẽ nói sau), nên các đại gia có sở thích là đi ngoại quốc rồi tranh thủ mua biệt thự cho con nó sang học, đi ngắm các siêu xe để ưng bụng thì: “Nói nó tính giá rồi giao về Việt Nam cho anh/chị”. Nên Tony đâu có muốn đi châu Âu đâu, ngồi máy bay mấy chục tiếng ê đít thấy mẹ, nhưng vì mấy lão đó muốn đi Ba Lê coi tháp Ép Phen, rồi qua Luân Đôn coi đồng hồ Bit Ben, rồi qua Milan mua giày da bóp da, coi xe Phe Ra Ri, đi Thụy Sĩ coi cáp treo núi An Pơ... nên phải chiều. Có điều: “Á á dạ dạ... em qua liền.” (Mai viết tiếp, đang ở khách sạn, đại gia gọi qua phòng coi 他们今天买的东西 - đi lẹ sợ đại gia giận, quýnh quáng nên đang ở Ý, không nói tiếng Ý mà nói lộn tiếng Tàu mới ghê.)
Ngày 30/03/2013
Tua Gai (nghe giống bạch tuộc và xương rồng)
Một bữa ăn bây giờ, thực sự chứa đựng biết bao là sự đầu tư trí tuệ, nhất là trong một thời kỳ sự an toàn thực phẩm là vấn đề nóng bỏng. Thử liếc sơ qua một thực đơn các thực phẩm hiện nay trong một buổi tiệc:
1. Heo tai xanh quay chấm nước tương 3-MCPD
2. Gà dai Hàn Quốc hấp lá chanh
3. Tôm dư kháng sinh hấp nước dừa
4. Bò lở mồm long móng sốt vang
5. Bún phoọc môn ăn với nước mắm có urê
6. Chả giò hay nem ướp hàn the và muối diêm để cả tháng không hư, ăn không hết bữa sau bán tiếp
7. Rau muống tưới dầu nhờn xe máy xào tỏi...
8. Rau sống và rau thơm các loại
… Và cứ thế, người ta vô tư đưa những cái được gọi là cao cấp ấy vào cái bao tử bé nhỏ và mong manh kia. Mà người Việt, có lẽ là dân tộc ăn rau sống nhiều nhất trên thế giới (Không dám chắc vì Tony cũng đi không nhiều lắm, còn những nơi mà anh ấy đi qua, rau sống chỉ dừng lại ở hành, salad, các loại rau thơm gia vị, lá dâu lá mè, cải xoong... còn tất tần tật người ta chiên xào nấu soup hết, kể cả người Trung Hoa, Lào, Cambodia… các nước giáp ranh). Người Việt thích ăn tất cả những loại rau sống, khế, chuối chát, hoa chuối, thêm vào một số loại lá cây như lá xoài non, lá mận, lá sung, lá cách, lá lụa, lá mơ, lá ổi, lá chùm ruột, kể cả các loại thuộc họ cỏ lá rộng như kèo nèo, lục bình, bông súng, rau má, rồi cải xanh, rau nhút, rau muống, lá lộc vừng, lá bần, lá me, lá sấu, lá cóc... ăn sống tuốt tuồn tuột. Đi siêu thị ở nước ngoài, Tony cứ đừng tần ngần ở quầy rau, rồi cứ so sánh cái này to hơn ở nước mình, cái này nhỏ hơn nè, cái này mắc quá, ở Sài Gòn có 5 ngàn đồng một bó hành còn bên London tới 1.75 bảng nhưng chỉ có 3 cọng. Còn mấy cái bồn hoa giữa đường phố Tokyo hay Thượng Hải, không biết nó trồng cái loại cây gì mà nứt đọt non mơn mởn, nhìn là muốn bứt xuống luộc chấm nước mắm kho quẹt, ăn cho đã.
Hồi còn học tiếng Anh, Tony hay đưa khách nước ngoài đi tham quan để rèn Anh ngữ, nhưng lúc đó còn bé quá, nên ngây ngô không biết văn hóa nước nào là nước nào, nghĩ mình thích ăn gì thì khách cũng vậy. Vào quán toàn đặt món mình thích ăn. Nên sau một ngày được Tony nhiệt tình giới thiệu ẩm thực truyền thống, khách cứ nghe Tony đưa đi ăn tối là sợ hãi, nhưng Tony cứ ép ăn, bữa sáng thì lòng lợn tiết canh, bữa trưa thì thịt chó mắm tôm, buổi chiều thì bún mắm bún riêu bánh canh bánh bèo... đâu 3 ngày là tụi nó khóc ròng vì đói. Nhiều khách 80 tuổi nói tụi tao 80 năm nay lớn lên trong bánh mì và bơ sữa pho mát, nên mày ép ăn như vậy, cầm đũa không cầm được, ban đêm về khách sạn không ngủ được vì đói. Nghe vậy, Tony giận dữ, gắp bỏ đầy chén ép ăn, rồi giả bộ nói mày không ăn ở đây người ta sẽ giận, ngon lắm ăn đi ăn đi. Nên khách ăn mà nước mắt rơi lã chã trên bát, nước mắt chan hòa với nước canh cua rau đay… mà không húp là bị hướng dẫn viên Tony trừng mắt, xỉa xói, bắt shopping là chết tiền luôn.
Có lần, đưa đoàn Ấn Độ vào quán bánh tráng Trảng Bàng, bọn nó nhìn nhau cười ngất ngây khi trên bàn là một đống các loại lá, rồi thấy thực khách và Tony bứt lá bỏ vô miệng rào rào, nên chụp hình khí thế. Kêu bọn nó ăn, bọn nó một mực từ chối, nói we can not eat those leaves. Một lần khác, anh ấy dắt một đoàn khách Tây đi chơi, đi ngang qua khu vực trồng điều (đào lộn hột) của Đồng Nai, mùa thay lá. Thấy các cây trơ trọi, một người trong số họ (ông này có vẻ đã từng qua Việt Nam, thấy hay múa may giải thích với mấy người khác) nói ở đây khí hậu nhiệt đới cây tươi tốt quanh năm, không có mùa đông nên cây không có rụng lá. Có lẽ là dân địa phương ăn hết lá rồi, nên cây chỉ còn trơ trụi thế kia. Cả đoàn gật gù... Ồng Mark còn bảo hôm nào rủ Tony sang nước tao chơi, nhà tao có mấy cây giống như vậy có lá tươi tốt lắm, thích cứ hái xuống ăn với cơm. Xuống xe cho khách đi tự đạp xe tham quan cồn Thới Sơn dưới Tiền Giang, khách về, đứa nào đứa nấy khệ nệ một đống lá gồm lá chuối, lá dừa, lá mít, lá tre... nói thôi tụi tao tặng mày để ăn dinner tối nay, khỏi tip cho mày nhé. Tụi nó cứ nghĩ Tony là động vật nhai lại ấy. Nên nghỉ, không làm hướng dẫn nữa.
- 🏠 Home
- Sách Hay
- Cà Phê Cùng Tony
- Chương 3: Chuyện Tony Bị Đại Gia Xài Xuể