Trong xã hội mình, tồn tại một nhóm người mà người ta gọi là ăn nói vô duyên. Kiểu người này dân gian nó gọi là đồ “không duyên không dùng” gì hết. “Đồ con gái con lứa. Đồ đàn ông đàn ang”... Họ nói xong, người nghe ngượng nghịu, lúng túng, không tham gia được vào câu chuyện, khiến sự giao tiếp đến chỗ bế tắc. Do vậy, mình phải nhìn vào đối tượng giao tiếp để có cách giao tiếp phù hợp.
Thứ nhất là chuyện trình độ văn hóa. Mình phải phán đoán xem họ thuộc tuýp người học nhiều hay học ít mà có cách nói khác nhau. Gặp khách do điều kiện họ học hành không tới nơi tới chốn, mình đừng kể chuyện bằng cấp ra. Đừng đem kể về thành tích xưa em học đại học danh tiếng này đại học uy tín kia, lớp chuyên lớp chọn, em thi đại học mấy chục điểm, rồi chuyện bạn học, họp lớp, giảng đường... ra nói làm người kia không biết góp chuyện thế nào. Còn với người có học, cũng phải hết sức khéo léo. Tâm lý ở Việt Nam là trường công thì được đánh giá cao hơn trường tư, tốt nghiệp trường đầu vào điểm cao thì được nể hơn trường có đầu vào thấp, nên người ta có khuynh hướng che giấu các trường học mà họ cho là không có giỏi, cốt cũng chút sĩ diện, con đừng ép.
Ví dụ dượng có lần gặp một chị kia, chị học một trường nào đó chắc cũng ít người biết. Dượng hỏi thì chị nói chị hồi xưa tốt nghiệp trường đại học Cà Mau, tức cùng trường với dượng. Cái dượng hỏi lại dạ vậy chị đồng môn với em rồi, học khóa mấy nhỉ, thấy chị ấp úng một hồi, nói hình như khóa năm 2000 hay sao ấy, chuyên về kinh tế mà dạy bằng tiếng Lào. Dượng nghe vậy biết là không phải rồi, nên thôi không hỏi nữa, chỉ nói dạ, chuyển chủ đề. Mình mà vặn vẹo thêm là làm gì trường này có khoa tiếng Lào, hay kiểu làm gì có khóa 2000, phải là K21, K22... chứ thì chỉ làm chị ấy quê. Quê thì khó huề. Chả có tác dụng gì cả. Nên con gặp ai nói tốt nghiệp trường đó trường đó, nếu mình hỏi chị biết thầy A, giảng đường B hay môn học C không, họ lúng túng nói kiểu hồi đó học nhiều lắm chả nhớ gì, thì thôi không hỏi nữa, nhé. Chuyển ngay chủ đề cho dượng. Con mà xoáy vô ép cho được thì một hồi lòi ra là chị học đại học Harvard, là trường không có nổi tiếng nên chỉ muốn giấu nhẹm đi. Con vui sướиɠ biết bao vì tìm ra sự thật, nhưng cơ hội giao tiếp giữa con với chị ấy đến đây là kết thúc. Vì con vô duyên.
Thứ hai là con phải có óc quan sát. Bài viết về óc quan sát, dượng sẽ viết riêng một bài. Trong giao tiếp con cố gắng để ý theo dõi, quan sát những điểm chung giữa mình và đối tượng giao tiếp, nói cái gì mà cả hai đều hào hứng tham gia nghe và nói. Khi ngồi cùng một bà lão không còn răng, con đừng mời bà nhai khô mực. Nói ngon lắm, ăn đi. Ủa sao răng bà rụng hết trơn vậy, chắc bà ít quánh răng phải hem. Coi răng con nè, đều tăm tắp. Bà lão sẽ nhổ bã trầu vào mặt con. Hay con đi đám ma, con chúc tang gia có một ngày tang lễ thật nhiều niềm vui, hay ăn mặc quần áo xanh đỏ tím hồng, đứng chụp hình tự sướиɠ post lên facebook, nói với gia chủ chết thì thôi chứ gì đâu mà buồn dữ vậy, ai hổng chết, còn vừa nói vừa cắn hột dưa nhả đầy nhà, móc điện thoại ra cười nói xôn xao... thì một lúc cả tang gia sẽ bối rối. Hay đi đám cưới thì con lao lên sân khấu, rêи ɾỉ hát mấy bài nội dung toàn tan vỡ và chia tay. Một hồi là bị cô dâu chú rể rượt dí con chạy có cờ luôn. Ngồi uống cà phê với một nhóm bạn, con phải tìm điểm chung của tất cả mọi người để ai cũng có thể tham gia vô nói, chứ trong nhóm có một anh rành bóng đá, còn tất cả các chị còn lại thì chỉ biết nấu ăn, con hào hứng nói bóng đá với anh kia, mấy chị còn lại sẽ chán, muốn bỏ về. Nên người thông minh nhất là người tìm điểm chung nhiều nhất, rồi triển khai cho họ góp chuyện. Thật ra, cứ hai người con gặp ngoài đường bất kỳ, họ đều có điểm chung cả, tại con không biết nhận ra ấy thôi. Ví dụ, họ đều là người Việt Nam, đều biết tiếng Việt, đều đang đi xe máy, đều thích ăn cơm hơn ăn phở, đều đọc Tony Buổi Sáng... Con chụp lấy khai thác liền, thế là mọi người đều rôm rả tham gia, giao tiếp sẽ đạt đến mức xuất sắc, ai nấy đều nhìn con, yêu mến, say mê.
Nhưng con cũng phải để ý tránh làm tổn thương hay tự ái cho người nghe khi đề cập đến điểm yếu của họ. Vừa giao tiếp vài câu, mình phải lanh lợi nhận ra điểm yếu của từng người để đưa vô list các chủ đề nhạy cảm, phải lái qua đề tài khác nếu ai đó đề cập. Giả dụ trong nhóm ngồi uống cà phê đó, có một anh rất xấu trai, mà có một chị cứ mãi huyên thuyên về sự thanh tú của dượng, thì chắc chắn anh kia cũng mặc cảm, cũng có chút buồn nhẹ. Con nghe thấy thì lập tức lái chủ đề sang hướng khác ngay. Nói: “Dạ mấy anh chị hem biết chứ dượng Tony của con dạo này cũng xuống sắc rồi, À, mà cái bài viết về XYZ hôm bữa chị thấy hay hem, đọc xong em cũng muốn đi Hà Giang”. Cái họ sẽ nói theo ý con vừa nói. Con rút kinh nghiệm, con chỉ đề cập chuyện ngoại hình của dượng khi đi cà phê với Alain Delon hay Lương Triều Vỹ, con nhé.
Dượng
Ngày 20/10/2013
Smartphone
Tony là người thuộc trường phái cổ điển, khá bảo thủ về công nghệ, nên xưa giờ ngoài cái Ipad 4 ra, điện thoại vẫn là cái cùi bắp chỉ dùng để nghe nói nhắn tin. Một hôm, một “con” trong câu lạc bộ “con-dượng” mới đem qua tặng, nói con tặng dượng một cái để dượng xài, lấy tay quẹt quẹt với người ta.
Cái cũng đem về mò. Cả ngày hôm đó hẻm biết xài sao. Ai gọi đến cũng không biết bấm nút nào để nghe. Còn trong quá trình mò, tự động nó gọi thôi lung tung cả, Tây Tàu gì cũng nói ủa bữa nay mày làm gì mà gọi tao điên cuồng vậy, mà cứ alo là mày cúp. Nên bị chửi fax quá trời.
Đau nhứt là vác mẹt qua Mỹ chơi, nó tự động chuyển vùng quốc tế roaming mới ghê. Mà mình thì ngáo ngơ vẫn để email, facebook, skype trên đó. Ngồi mở ra thì thấy nó chạy vèo vèo, download email xuống quá trời, facebook cũng vậy, còn nhanh hơn internet wifi. Một lúc sau thì thấy tin nhắn quý khách đã sử dụng dịch vụ GPRS với dung lượng mấy chục MB và cước phí bây giờ của quý khách là 7 triệu...
Trời ơi, nước mắt lại lăn dài trên gương mặt hốc hác của một lão trung niên đã qua rồi thì xuân sắc. Nói nổ chém gió ào ào chứ có giàu có gì đâu, làm còn không đủ ăn. Nên 7 triệu là một số tiền lớn. Càng nghĩ càng hận. Bài hạc này đau quá. Nên các bạn đi hải ngoại mà có smartphone, nhớ sign out hết mấy cái ứng dụng nha. Bọn nó smart quá, mình smart không lại.
Tinh thần bấn loạn. Đi giữa đại lộ Bolsa mà vấp té mấy lần. Một cậu bé người Việt thấy vậy, chạy tới đỡ mình lên, nói ủa sao cụ không ra Phúc Lộc Thọ ngồi cà phê, mà đi đâu lang thang trên khu này vậy?
Đã buồn mà còn lại bị nói vậy nữa.
Suy sụp.
Ngày 22/10/2013
Chuyện ăn (Bài 4)
Bữa nay, dượng chia sẻ về chuyện ăn. Bài này đặc biệt hữu ích cho bạn nào muốn trở thành công dân toàn cầu hay một nhân viên kinh doanh giỏi.
Ăn là cái đầu tiên trong tứ khoái của con người. Với người Việt mình, cái ăn nó quan trọng vì mấy ngàn năm trong lịch sử, chiến tranh và đói kém liên miên. Nên mới có ăn giỗ, ăn Tết, ăn cưới, ăn mày, ăn xin, ăn năn... cái chi cũng liên quan đến việc ăn. Thậm chí một bác sĩ thường nói với người nhà bệnh nhân bị bệnh nan y là thôi đem về, coi muốn ăn gì thì cho ăn, nói vậy là biết rồi, trước khi rời khỏi cuộc đời, nên nếm được nhiều của ngon vật lạ. Tây cũng vậy thôi, họ cũng hay list ra danh mục top các món ăn phải ăn trước khi chết. Nghe nói có chả cá Lã Vọng và chả giò của mình cũng lọt trong top 100.
Trở lại vụ ăn uống, thật ra cái ăn nó phong phú ghê lắm, vô cùng vô tận. Nhưng đặc trưng lớn nhất là ẩm thực gắn liền với sản vật thiên nhiên ở địa phương. Nếu ở nơi cây trái tốt tươi, tôm cá đầy sông... như miền Tây Nam Bộ, thì ẩm thực ở đó phong phú hơn vùng cát trắng nắng chang chang như Phan Rang. Tương tự thì ở Thái Bình, món ăn sẽ đa dạng hơn ở cao nguyên đá Đồng Văn Lũng Cú. Có lần dượng đưa đoàn khách Việt Nam đi Ấn Độ, đến ngày thứ 3 là khách bắt đầu ngán, nói sao ăn gì cũng mùi cà ri không vậy, lại chả có rau ăn lá gì cả, rau ăn lá chỉ dừng lại ở salad bắp cải còn chủ yếu là củ và quả như
cà rốt, hành tây, dưa leo, củ cải, bầu bí và hết. Nên có ông khách đại gia ở miền Tây nổi cáu, nói mày tiếc tiền chứ đưa vô khách sạn 5 sao thử coi, tụi tao muốn ăn rau muống xào tỏi, rau lang luộc, canh mồng tơi rau đay nấu tôm, tao muốn ăn canh chua cá kho tộ. Tony nói anh à, thiệt là không có. Ổng chửi quá nên cũng dắt vô ăn buffet ở khách sạn lớn nhất New Delhi, ổng đi một vòng coi hết các món ăn và chửi, mẹ, biết vậy tao ở nhà cho rồi.
Ở xứ Ấn hay Ả rập, nhiệt độ chênh lệch ngày đêm nó cao, nên rau ăn lá không có nhiều, và dẫn đến tập quán ăn uống như vậy. Cũng vì khí hậu nên họ phải tẩm ướp thịt cá với các loại gia vị cay nồng, mới có thể bảo quản được lâu. Chưa kể là thói quen ăn bốc bằng tay, nên canh cua rau đay sao ăn được. Cũng vì thói quen ăn bằng tay mà các nước như Indo, Philippine..., dù rau ăn lá cũng tốt tươi nhưng họ không thể ăn giống mình, mà lại chủ yếu ăn đồ nướng, các món đều trộn nước cốt dừa sền sệt để bốc lủm vô miệng cho dễ. Nên dân vùng này mụn thôi là mụn, lại béo bụng chứ không có thon thả giọt đàn bầu như dân mình.
Còn Trung Quốc thì khí hậu mùa đông khắc nghiệt, nên họ ăn dầu mỡ nhiều, món rau nào cũng xào và mỡ có khi ngập dĩa. Vùng Nội Mông, Mông cổ hay Tân Cương, các nước Trung Á... thì lại nấu cơm bằng mỡ cừu, nên nếu mình dị ứng với mùi cừu thì đi mấy vùng nay, tốt nhất là thủ một vali đầy mì gói. Người Hàn thì cái gì cũng kimchi, thậm chí phở Hòa ở Seoul dọn kèm dĩa kim chi thay vì dĩa rau thơm. Ở Nga hay Đông Âu, các món của họ mặn hơn khẩu vị của mình, như món thịt muối, cá hồi xông khói... rất mặn, thậm chí mặn đắng luôn nếu mình không ăn kèm với olive chua hay dưa leo ngâm chua.
Nói như vậy để mình chuẩn bị, trang bị cho mình kiến thức về ẩm thực trước khi đi sang đó. Nói chứ ăn uống nó quan trọng, mình đi dài ngày, không thích ứng được với thức ăn địa phương đó thì sẽ không có sức để làm việc hay học tập. Nếu mình quen cứ sáng nào cũng phải điểm tâm bằng một tô phở, trưa phải ăn lòng lợn lá mơ, tối phải đủ 3 món canh mặn xào mới ăn vô được, thì việc hòa nhập với bên ngoài hơi khó. Như dượng, từ lúc xác định mình đi làm thương mại quốc tế, phải tập ăn uống quốc tế luôn. Có những bữa tự dượng phải lên nhà hàng Ấn Độ, thử hết mọi món từ Nan đến Masala... nên qua Ấn ở vài tháng chả sao. Hay có bữa dượng không ăn cơm, ăn bánh mì bơ tỏi, thịt nguội, xúc xích, khoai tây... cho quen. Hay bữa nào tiền rủng rỉnh tí thi vô sushi bar ăn đồ sống của Nhật, ban đầu cũng không quen, nhưng sau này thì ghiền luôn. Hay dượng ráng ăn thịt cừu, thịt nướng kebab, fastfood... dù thấy chẳng ngon lành gì. Mình tập vậy để đi công tác, sau một ngày làm việc cật lực, tối về thì lại tiệc tùng nhậu nhẹt, hôm sau lại phải di chuyển với những khoảng cách rất xa... mình mà ăn uống khó quá, chỉ một tuần là đuối, chỉ muốn về nước chứ tiền đâu vô mấy nhà hàng Việt nam bên đó suốt ngày. Như cái anh đại gia hôm ở Ấn Độ, hôm sau đi gặp gỡ thương mại, ảnh không đi nổi, chỉ nằm ở khách sạn thoi thóp với mấy gói mì tôm chờ hôm sau nữa thì về nước, trong khi mấy đối tác khác thì lên gặp tay bắt mặt mừng, hợp đồng ký quá trời, còn anh đại gia nọ thì lỡ hết các cơ hội. Nên chỉ về bán cho đại lý dưới ruộng dưới vườn, để ăn cá kho tộ canh chua suốt ngày chứ buôn bán quốc tế hẻm được.
Hồi đó dượng có tuyển một nhân viên làm kinh doanh, mọi thứ đều hoàn hảo trừ ăn uống khó. Nên khách nước ngoài qua, nó nói thôi Tony à, mày cho bạn này làm văn phòng đi, chứ kinh doanh không hợp. Cá da trơn không ăn. Gà thì sợ phong sợ ngứa. Hải sản thì dị ứng. Chuối thì nói mùi hôi. Heo bò chỉ ăn nạc mềm, chỉ luộc không được nướng. Sữa không tiêu được. Tiêu sợ nóng. Ớt không ăn.
Nên đi ăn với nó, thấy chén cơm với nước mắm mà tội nghiệp. Hỏi ra mới biết do mẹ nó từ nhỏ có chế độ ăn uống khó khăn như vậy, nên nó quen, lớn rồi sửa không được. Tính tình nó cũng bảo thủ nữa. Nên cũng thấy tội, nhiều cơ hội trải nghiệm với thế giới bên ngoài bị bỏ qua, cũng do ăn uống khó...
Chúc các con tự tin xách giỏ ra thế giới bên ngoài làm việc, học tập, vui chơi... mà không phải gặp rào cản nào. Mình phải biết mình là ai. Nếu mình nghĩ mình là cá mập thì phải bơi ngoài đại dương, cá ngừ cá kiếm thì ngoài biển, cá hô cá chép thì ra sông mà vẫy vùng... chứ quanh quẩn trong ao làng làm chi, giành thức ăn chi với mấy con lòng tong tội nghiệp. Còn mình lười học tập thì suốt đời chịu phận cá lòng tong, thì thôi đừng bon chen, ra ngoài sông một cái là bị nó vớt về kho tộ hết nhá.
Dượng yêu các con nhiều lắm...