Editor: Cơm Nắm Nhỏ_____________
Nhị Cẩu muốn xây nhà.
Nhị Cẩu là ai, trong thôn ai cũng đều biết rõ.
Nhất thời, mọi người đều tới hỗ trợ. Dù sao bây giờ cũng chưa bận, lúc này ít việc. Như thế chi bằng tới giúp xây nhà, còn được mời cơm. Nhà nào xây nhà còn mời cơm thì cứ tới giúp.
Mà nhà Nhị Cẩu lại giàu có, ai không muốn tới chứ.
Mà quan trọng nhất, là nhà anh ta lại mời Thường Hỉ nấu cơm một ngày hai bữa.
Tuy mọi người không ưa Hứa lão tam, nhưng lại có ấn tượng rất tốt với Thường Hỉ. Chị khá ít nói, lại nấu ăn ngon, ai ăn xong cũng phải khen không ngớt lời.
Thế nên nếu Thường Hỉ đã giúp nấu nướng thì bữa cơm chắc chắn không kém.
Thôn nhà thím Thuý Hoa cách đây gần mười dặm cũng tới mời Thường Hỉ nấu ăn đó. Thế nên có thể thấy được tài nghệ của chị vang rất xa. Bây giờ làm giúp cũng không thể lấy tiền, Thường Hỉ sẽ đổi lấy hai cân bột mì và mười quả trứng gà, thỉnh thoảng cũng có gia đình tặng thêm một túi kẹo, chị cũng rất vui.
Bột mì với trứng gà là công chị đã giao hẹn trước, Thường Hỉ cũng không lấy đồ của nhà người ta về, lại càng không cho bọn nhỏ trong nhà tới ăn trực. Thực ra nhiều người thấy chuyện này cũng chẳng sao, thế nhưng chị làm việc rất rõ ràng nghiêm túc, đừng nói là ngoài thôn, mà kể cả thôn mình, nếu không thân quen chị cũng không cho con tới. Quen biết là một chuyện, nhưng làm việc lấy công thì phải biết chừng mực.
Tuy nói nông thôn không để ý mấy chuyện này, nhưng cách làm của chị vẫn được rất nhiều người thích. Nhà nào cũng thích nhờ cậy chị, dù sao chị nấu ăn ngon, lại chẳng bao giờ hám lợi nhỏ. Chị lấy công không rẻ, nhưng mà lại rất nhanh nhẹn! Thế nên không nhờ chị thì nhờ ai nữa? Với lại, con người đều có suy nghĩ sợ người khác chiếm tiện nghi nhà mình. Người khác tuy không tính công nhiều như Thường Hỉ, thế nhưng sẽ lấy cái này một chút, lấy cái kia một ít, có khi còn đắt hơn! Còn Thường Hỉ không bao giờ cầm giỏ tre theo, cũng không giấu đồ mang về.
Càng thế, mọi người càng thích cách làm của Thường Hỉ hơn. Tất nhiên, cái chính là Thường Hỉ nấu ăn ngon. Giống như nhà Nhị Cẩu, nhà anh ta nhờ Thường Hỉ tới nấu ăn cũng không phải chỉ do gần nhà mà chủ yếu là thích đồ ăn mà chị nấu. Đằng nào cũng tốn tiền, thế thì phải tiêu vào chỗ tốt nhất.
Tất nhiên, Thường Hỉ cũng không cảm thấy xấu hổ khi lấy công. Nhà mình còn cần công này để duy trì cuộc sống đấy.
Nhà Nhị Cẩu có điều kiện, đã sớm chuẩn bị xong, rất nhanh liền khởi công. Trong thôn có 30 người đàn ông đến giúp, nếu không phải đại đội trưởng nói còn phải có người làm ruộng thì có khi còn nhiều người hơn.
Nhiều người giúp như thế, Thường Hỉ liền xin nghỉ việc ở đại đội.
Trời đẹp, người lớn bận rộn làm việc, vì miếng ăn mà vất vả làm lụng, còn bọn nhỏ thì rất rảnh rỗi. Sau trận mưa lớn, rất nhiều nhà đều giao cho trẻ nhỏ trong nhà lên núi hái nấm.
Nấm ăn ngon.
Ai cũng không muốn bỏ qua.
Thế nhưng giờ đã vài ngày sau cơn mưa, nấm cũng ngày càng ít.
Đào Đào nhỏ người, đeo giỏ tre sau lưng cùng đám bạn nhỏ đi loanh quanh dưới chân núi, cảm thấy nặng trĩu vai.
Đào Đào nói: “Hôm nay chúng ta thu hoạch được ít đồ quá.”
Bé con nhấc vai, đeo giỏ tre lắc qua lắc lại, lẩm bẩm nói: “Các anh nhìn này, ít quá đi.”
Hứa Lãng cũng thấy thế, cậu bé nói: “Nhiều người lấy hết rồi, nếu muốn thu hoạch được thứ tốt thì phải đi sâu vào trong núi cơ.”
Đào Đào lập tức nói: “Mẹ em dặn không được đi sâu vào trong núi, sẽ nguy hiểm lắm.”
Bé con hiểu chuyện đó.
Hải Phong và Hải Lãng cũng đồng ý gật đầu: “Mẹ anh cũng dặn như thế, nếu mẹ biết bọn anh vào núi sẽ đánh gãy chân anh đó.”
“Mẹ anh hung dữ quá!” – Đào Đào nhấp nháy mắt, cảm thấy thím Vương quá ghê đi.
Anh họ Mậu Lâm của bé cũng nói: “Ừ mẹ tớ cũng nói rằng nếu tớ đi sâu vào núi thì sẽ đánh cho nhừ tử.”
Mấy đứa nhỏ liền loanh quanh dưới chân núi, nói là lên nhí nhưng cũng chưa đi được 1/5 quả núi. Tất nhiên, bọn nhỏ không dám.
Nếu dám đi xa hơn, cũng không đến mức bị đánh gãy chân nhưng bị đánh cho nhừ tử thì chắc là không ít.
Đào Đào lặng lẽ ôm ôm mông mình, cảm thấy nếu mình dám nghịch ngợm thì chắc là cũng sẽ bị đánh.
Bé con thở dài một lúc rồi nói: “Rõ rằng chúng ta đã là đứa trẻ lớn rồi mà! Cũng chẳng phải đứa trẻ hai, ba tuổi nữa, thế nào còn bị đối xử như vậy nhỉ. Tức quá đi.”
“Thật đó!”
“Đúng vậy đó! Chúng ta cũng không phải mới hai, ba tuổi.”
Nói thế, nhưng đám củ cải nhỏ này cũng chỉ dám liếc trộm lên núi, chứ không dám đi lên.
Hứa Lãng nói: “Nếu tớ khoẻ như chị Nhu Nhu thì tốt biết mấy.”
Mậu Lâm: “Chị họ tớ quá lợi hại.”
Đào Đào nhìn Mậu Mâu, phồng má lên hỏi: “Thế em họ của anh không lợi hại ư?”
Bé con chỉ vào chính mình.
Mậu Lâm: “………”
Cậu bé câm nín một lúc rồi duỗi tay ra xoa rối tung mái tóc của bé con: “Đứa trẻ ranh này!”
Hứa Đào Đào: “!!!!!!”
Bé con tức giận nói: “Nếu anh còn làm rối tóc em, em sẽ mách chị em đánh anh.”
Mậu Lâm: “………”
Cậu bé trách cứ: “Sao em lại cáo trạng chứ, chẳng có chút đạo nghĩa giang hồ nào cả.”
Hứa Đào Đào đúng tình hợp lý giải thích: “Không, em chỉ là con nhóc trẻ ranh thôi, cần gì đạo nghĩa giang hồ chứ.”
A ha, bé con còn biết nói móc lại đó.
Bé con hung dữ nói: “Em còn có anh trai, anh trai của em cũng rất giỏi đó.”
Mấy cậu nhóc ê răng hít một hơi, Mậu Lâm cười khổ: “Em họ à, anh sai rồi, anh xuống sông bắt cá cho e nhé, có được không?”
Đào Đào chớp đôi mắt đen nhánh: “Nói phải giữ lời nha?”
Mậu Lâm nói: “Chắc chắn giữ lời!”
Cậu nhóc hứng thú hỏi: “Dù sao cũng không tìm thấy nhiều nấm, chúng ta ra bờ sông đi? Chúng ta đi bắt cá đi.”
Mấy đứa nhóc đồng ý hú một tiếng.
Bọn họ dù không thể lên núi nhưng mà có thể xuống sông nha!
“Xếp hàng, bước đều ~~~ bước!”
Mọi người lập tức xếp thành một hàng dọc, từ cao tới thấp, Hứa Lãng đi đầu tiên, Đào Đào đi cuối cùng. Nhóm bạn nhỏ khí phách hiên ngang, lưng đeo giỏ tre, khí thế bừng bừng bước đi. Khi đi ngang ruộng, mấy bạn nhỏ còn nghe thấy thanh niên trí thức đang hô khẩu hiệu.
“Không sợ khổ, không sợ mệt, xây dựng nông thôn mới! Cố lên! Cố lên! Cố lên!”
Khí thế rất lớn, tinh thần phấn chấn cao tận trời.
Bọn nhỏ nghe hai lần đã học được.
Đào Đào cũng hét lên, âm thanh vang giòn mang theo một ít mềm mại của trẻ nhỏ: “Cố lên! Cố lên! Cố lên!”
Học thì có học, nhưng nhóm bạn nhỏ chỉ thấy có mỗi câu này khí thế nhất.
“Một hai một hai một hai, cố lên! Một hai một hai một hai, cố lên!”
Nhóm bạn nhỏ nói leo theo, thanh niên trí thức đang làm việc cũng nghe được, sôi nổi nhìn qua, bọn họ liền tỉnh táo tinh thần không ít, lại hô khẩu hiệu càng thêm lớn tiếng.
Đại đội trưởng tới kiểm tra tiến độ, xoa xoa huyệt thái dương, cảm thấy não mình bị mấy người này làm phát đau.
Đây là thi hát chắc?
Đại đội trưởng trừng trừng hai nhóm người này, cảm thấy bất đắc dĩ.
Thôi, nhịn vậy!
Tóm lại, anh cũng chẳng thể cấm bọn họ hô khẩu hiệu!
Nên mặc kệ bọn học vậy.
Cũng may, bọn trẻ nói nói nhưng cũng chỉ một lúc rồi sẽ đi qua thôi, anh nhìn về phía bọn trẻ, nghĩ cũng được, mấy người này…. không đúng!!!
Anh lập tức hét lên: “Hứa Lãng!”
Hứa Lãng đi ngay đầu nghe được tiếng ai đó gọi mình liền quay đầu lại, nhìn thấy ba mình.
Cậu bé ngẩng đầu hỏi: “Ba gọi gì con thế?”
Đại đội trưởng nhíu mày: “Mấy đứa đang đi đâu đó? Ta nói mấy đứa không được đi ra ngoài thôn, nghe thấy chưa! Bên ngoài có buôn người đó. Mấy đứa bị bắt sẽ không về nhà được đâu. Sẽ phải làm nhiều ăn ít đó.”
Hứa Lãng thấy ba mình giống y như lời mẹ nói: lải nhà lải nhải.
Cậu bé xua tay, làm dáng đứng đắn nói: “Ba yên tâm đi, bọn con không ra thôn.”
Đại đội trưởng tiếp tục hỏi: “Vậy mấy đứa đi đâu?”
Hứa Lãng trả lời: “Bọn con đi đường này thì còn có thể đi đâu chứ? Tất nhiên là tới bờ sông nhỏ rồi ạ.”
Cậu bé biểu tình như nói “Ba thật ngốc”, mấy đứa nhóc phía sau Hứa Lãng cũng mang vẻ mặt này.
Đại đội trưởng: “…………”
Đào Đào vẫy vẫy tay: “Bác ơi, chúng cháu đi bắt cá đây!”
Sông ở thôn này cũng không lớn, ngày hè bình thường nếu không mưa, bé con Đào Đào sáu tuổi xuống nước cũng không sao, chỗ sâu nhất cũng chỉ gần đầu gối. Nhưng nếu có mưa to, bé con như Đào Đào cũng không thể xuống nước. Nhưng mà đứa trẻ mười mấy tuổi thì không sao. Còn nếu mưa lớn hơn, đập chứa nước mở trạm thoát nước, thì chỉ người lớn mới có thể xuống sông.
Sông của thôn bọn họ khác mấy con sông của mấy thôn khác, tính ra thì nhỏ hơn. Mấy chục năm nay cũng không nghe thấy ai bị đuối nước, cho nên cũng không thấy lo lắng gì. Nhưng vẫn phải dặn dò cẩn thận.
Đại đội trưởng bật cười: “Được rồi, thế đi đi, nhưng phải cẩn thận đó.”
Đào Đào giơ tay nhỏ lên làm thế ok, sau đó vỗ vỗ ngực nói: “Bác yên tâm đi.”
Đại đội trưởng: “…… Nhìn mấy đứa nhóc mấy đưa lại càng thấy không yên tâm.”
Anh vẫn dặn dò: “Chơi xong phải về nhà sớm đấy.”
Các bạn nhỏ đồng nhất nói: “Dạ!”
Bọn trẻ bước từng bước nhỏ, lộc cộc đi tới bờ sông, mấy hôm trước có mưa, nước sông cao hơn một chút. Mấy cô bé lớn choai choai mỗi người một chỗ giặt quần áo.
Phải biết rằng mọi người trong thôn đều tới đây giặt quần áo, vào lúc đông nhất thì cũng khó chiếm được chỗ ngồi!
Mỗi năm, vì tranh chỗ thuận lợi giặt đồ, đều có mấy trận tranh cãi.
Hôm nay dù ít người, nhưng Đào Đào nhìn đống quần áo bẩn, rồi lại quay qua nước sông, khoé miệng méo xệch.
Đào Đào nhìn trái lại nhìn phải một lúc rồi nói: “Chúng ta bắt cá thế nào?”
Dừng một chút lại sửa lại lời nói: “Chúng ta vẫn muốn bắt cá sao? Giống như….”
Bé con chỉ chỉ tay nhỏ, nói thầm: “Chỗ kia không sạch sẽ đâu.”
Là quá bẩn.
Mấy bạn nhỏ cũng thấy thế.
Lúc bọn họ chuẩn bị thì quyết tâm rất cao, nhưng hiện thực trêu ngươi quá.
Vả mặt thật đau!
Mấy bạn nhỏ nhìn nhau.
Trong lúc bọn nhỏ khó khăn quyết định, một cô bé đang giặt quần áo nhìn về phía bọn họ hỏi: “Sao mấy đứa lại tới đây chơi?”
Lại quay sang hỏi Đào Đào: “Chị của em đâu? Hai hôm nay đều không thấy chị gái em.”
Đây là bạn của chị gái Hứa Nhu Nhu của bé con.
Lớn hơn đám nhóc hai tuổi thì không phải bạn của đám nhóc.
Đào Đào trả lời: “Chị ấy ở nhà giúp đỡ ba mẹ em rồi.”
Cô bé kia cũng hiểu rõ, gật đầu: “Ừ, thấy bảo người ta xây nhà nhờ nhà em nấu cơm. Nhà em may mắn quá.”
Nhà mình nếu nhận được việc như thế thì sẽ có cơm ngon để ăn.
Càng nghĩ càng hâm mộ nhìn Đào Đào.
“Nhưng sao em không ở nhà giúp việc vặt? Bé gái nên ở nhà làm việc.”
Hứa Đào Đào đang muốn trả lời, Hứa Lãng liền cãi lại: “Đào Đào còn nhỏ mà! Bé con sẽ không nấu cơm được!”
Mậu Lâm cũng gật đầu: “Đúng thế, đúng thế, chúng em vẫn là bé con, đứa trẻ lớn mới có thể nấu cơm.”
Không biết vừa rồi ai đó còn thề son sắt nói mình đã lớn đâu.
Hứa Lãng nắm tay Đào Đào nói: “Đi thôi, chúng ta lên thượng nguồn xem có cá không.”
Đào Đào mềm mại đáp: “Được!”
Nhóm bạn nhỏ tay cầm tay, chạy đi thịch thịch thịch.
Hứa Lãng nói nhỏ: “Đào Đào còn bé nên không cần làm việc. Nếu có việc, em cứ nói với bọn anh, bọn anh sẽ làm giúp em! Mẹ anh nói, tuổi nhỏ mà phải làm việc thì sẽ bị còng lưng, không cao được đâu! Đào Đào không thể là người lùn được.”
Đào Đào nghe vậy liền chu chu miệng, nói nghiêm túc: “Đào Đào không phải người lùi, Đào Đào là người cao.”
Bé con lại nói: “Chúng ta giúp đỡ nhau, đều sẽ cao lên!”
“Được!”
Mấy bạn nhỏ nắm tay nhau hứa: “Nói phải giữ lời!”