Chương 34: Kẻ hèn nhát

Tôi tới làm phóng viên cho một tạp chí thời trang. Một tạp chí mới đang chuẩn bị ra số đầu tiên, chưa bán ngoài sạp. Tạp chí tên là Gen X. Họ tới tìm tôi, bảo rằng họ thích bài viết của tôi. Cái hôm đi cùng G tới tòa soạn tạp chí, tôi mặc áo màu xanh bó sát người, váy ngắn màu đỏ cùng đôi giày thể thao màu hồng. “Trông em cứ như học sinh tiểu học. Xuân Thụ của chúng ta còn trẻ quá,” cô A tổng biên tập nói vẻ ghen tị.

Người đầu tiên tôi gặp là Lộ Dịch, một biên tập viên trạc tuổi tôi. Cô này thường tới họp định kỳ vào sáng thứ Hai, trong bộ váy hồng thanh lịch làm hồng đôi má và khiến cô trở nên quyến rũ không tả nổi. Bộ áo đó quá rực rỡ với tôi, nhưng rất hợp với cô và tôi đoán rằng cô có cái gu đắt tiền hơn tôi. Cô đang viết một cuốn sách, dự định xuất bản trong vài tháng tới.

“Hai người đẹp đôi thật,” cô ta bảo với G và tôi. “Tôi thích cả hai.”

Tòa soạn nằm trong Quận Tuyên Vũ. Tôi không phải đến đó hàng ngày, người ta chỉ yêu cầu một tuần ba lần.

Khi G ở trường, chúng tôi nói chuyện qua điện thọai vào buổi trưa, gần như hàng ngày, rồi tôi đợi bên ngoài trường cậu vào buổi chiều để cùng tha thẩn ở một khu mua sắm nào đó. Chủ nhiệm lớp cậu là thầy dạy Hóa. G nói ông là một người khổ sở.

Tôi không thích đường phố ồn ào quanh ngôi trường của G, nhưng lại thích đám cây cối và những tòa nhà ở đó. Không khí có vẻ mát mẻ, dễ chịu. Vào lúc hoàng hôn có đám người ra phố bán báo; những cái giọng nhẹ nhõm của họ vang lên, từ “Báo đêm đây!” cho đến “Tâm điểm đây!” Tôi thường bắt chước cái giọng của họ: “Tâm điểm đây!”

Đó dường như là một kỳ nghỉ dài không dứt. Trong thời gian đó, chẳng ai bảo cho tôi phải làm gì họăc không làm gì. Tôi có thể chơi bời vui vẻ như điên, chẳng ai quan tâm: có thể hát, có thể đi chơi suốt đêm, dù sức mạnh của truyền thống vẫn hiện hữu ngay bề mặt mọi thứ và níu tôi lại đôi chút. Tôi luôn luôn phải đấu tranh với chính mình.

G có một vài tin vui: Từ Quyên đã trở lại nhà bố mẹ. Bà ta sợ. Và Dương Hải Đào đã hỏi G xem tôi có quen ai thuộc một cái hội kín nào không. G bảo ông ta rằng tôi chỉ biết các ban nhạc rock. Nhưng như thế cũng đủ để họ hết hồn bởi vì đám chơi nhạc rock hồi đó chẳng khác gì bọn lưu manh, chỉ có đồ ngu mới mơ hồ về chúng.

Một hôm tôi bảo G tôi muốn gặp thầy chủ nhiệm của cậu, thế là cậu dẫn tôi đến trường. Các lớp vừa tan, từng đám học sinh phấn khởi lao ra cổng. Chúng tôi đi ngược về phía họ. Tòa nhà trông khá cổ, trong tiền sảnh thì tối, nhưng tôi có cảm giác còn đỡ hơn cái trường trung học dạy nghề mà tôi đã học. Một trường trung học bình thường cho ta một đời học sinh “lành mạnh” hơn. G bảo thầy giáo chủ nhiệm đang ở trong văn phòng chờ cậu. Tôi hơi lo lắng khi bước vào, vì đã lâu chẳng đến trường, nữa là văn phòng giáo viên.

Thầy dạy Hóa của G đen và gày gò, giống người tốt nghiệp từ một trường đại học hạng hai của Bắc Kinh rồi ở lại thành phố dạy trung học. Ông xuất thân từ một vùng rừng núi nào đó. G bảo tôi ông vẫn còn độc thân, có lẽ bởi vì tất cả đàn bà đều thấy ông không một xu dính túi. Ông biến văn phòng của mình thành một cái phòng nội trú và hầu như đêm nào cũng ở lại. Cái vỏ chăn sặc sỡ của ông đã nói lên hoàn cảnh khốn khó. Ông tỏ ra bối rối khi một học sinh của mình vào phòng cùng với một cô gái không quen, nhưng rồi mau chóng hiểu ra: À, đây chính là cô nàng đã qua đêm với G và là kẻ khó bảo với bố mẹ của G.

Tôi đã quên những gì tôi, G và ông thầy chủ nhiệm nói hôm đó. Tất cả những gì còn đọng lại là trong khi nói, tôi với G vẫn luôn tay trong tay. Những ngày đó, chúng tôi thật sự gần gũi, như trong tiểu thuyết, như trên phim ảnh, hay trong thơ ca, và tôi được trải nghiệm thứ tình cảm giàu có, ngọt ngào mà tôi chưa từng được biết trong những quan hệ trước đây. Nắm tay nhau là điều chúng tôi phải làm, ngay trong văn phòng của thầy giáo. Đó là điều nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi. Chúng tôi mỉm cười luôn miệng và đắm đuối nhìn vào mắt nhau.

Sau một hồi, ông ta thấy thế là đủ: Dù gì thì, tôi vẫn là thầy giáo của em, và em cần tỏ ra chừng mực khi tôi có mặt. Đó không phải là lỗi của ông thầy đáng thương, ít ra tôi cũng nghĩ thế.

Trong kỳ nghỉ kéo dài của tôi, tôi quyết định học tiếng Đức. Tôi không chọn tiếng Pháp hay tiếng Ý, bởi vì tôi cảm thấy tiếng Đức xa xăm và mạnh mẽ hơn. Đó là thứ tiếng được tắm mình trong dòng sông Rhine. Đó là một đất nước tuyệt vời cho việc suy tưởng. Nhưng mẹ tôi thì không hài lòng. Với sự thiển cận điển hình, mẹ nghĩ rằng học tiếng Đức là một quyết định vô lối. Tôi năn nỉ, năn nỉ, nhưng bà từ chối khoản học phí. Sau việc đó, lòng tự trọng của tôi bị tổn thương đến độ tôi bỏ luôn không tham dự khóa học nào nữa. Tôi muốn mẹ tôi hiểu rằng học hành là một cái quyền chứ không phải là sự ban ơn.

Một hôm G đi cùng tôi tới ngôi trường cũ. Mái tóc đỏ của tôi đã phai đi. Chúng tôi ngồi xổm bên con đường trước trường và hút thuốc. Các lớp chưa tan nhưng một vài học sinh đã chạy ra đổ rác. Họ mặc áo trắng, quần âu đen và thắt nơ. Trông mới thân thuộc làm sao! Tôi ngắm họ với sự thờ ơ dễ chịu, cảm thấy mình đã đổi thay nhiều trong nửa năm qua, còn họ vẫn thế, chẳng lớn lên tí nào. Chúng tôi không vào vì đột nhiên tôi hết cả hứng thú. Tôi định đến để chuyện trò với vài bạn lớp cũ, nhưng những gì đã thấy khiến tôi nhận ra chúng tôi chẳng có gì để nói. G và tôi leo lên xe đạp, bỏ đi. Tôi về nhà và nhuộm đen mái tóc.

Một hôm mẹ tôi tới Trường Trung học Tây X, và khi trở về bà truyền đạt hai tin tức khiến tôi muốn nổ tung. Đầu tiên, tôi sẽ không được nhận vào lớp mười hai; muốn trở lại trường thì tôi phải học lại lớp mười một. Điều thứ hai là cha mẹ G đã tới trường, để hỏi về một học sinh tên là Lâm Gia Phù: cô này luôn quấy nhiễu con trai chúng tôi, qua đêm ở nhà chúng tôi, hôm nay tóc xanh ngày mai tóc đỏ, và nhà trường sẽ làm gì đây? Khi tôi hỏi chuyện đó xảy ra khi nào, thì được biết là ngay lần đầu họ bắt gặp chúng tôi. Mặt tôi nóng bừng khi nghe mẹ nói lại, hết sượng sùng đến hổ thẹn. Mẹ tôi muốn biết tôi đã làm gì phật ý họ, và khi nào? Thế là tôi bật khóc òa lên và thấy nóng ran cả người. Nước mắt tôi tuôn ra như suối, tôi giận dữ điên cuồng.

Lát sau tôi gọi cho G và kể thật mau chuyện gì đã xảy ra.

“Chúng ta chấm hết, G! Họ đã tới trường và ăn thua đủ với tôi! Tôi không thể tiếp tục như thế này! Giờ cậu hãy tới chỗ bố và mẹ cậu và làm như họ đã bảo, vì cậu và tôi không còn là gì với nhau nữa!” Tôi cảm thấy như máu đang phun ra khỏi cơ thể. Nước mắt tràn trề trong mắt tôi.

“Cậu nói thật đấy chứ?” Hồi lâu đằng kia mới có câu trả lời.

Tôi đưa mắt ra ngoài cửa sổ, nhìn thảm cỏ xanh, những cái bóng của các tòa nhà cao, tia mặt trời sáng trắng, và đột nhiên tôi cảm thấy mình sắp ngất.

Tâm trạng tôi trong những ngày đó giống như cọng củi khô, gặp lửa là bùng lên, vì bất cứ chuyện gì. Có những lúc tôi chỉ muốn cầm dao đi tìm hai kẻ đó. Tôi chưa từng gϊếŧ ai, chưa từng thấy ai bị gϊếŧ, nhưng tôi cảm thấy mình đã tỏ ra kìm nén một cách đáng khen. Còn thái độ thụ động, lạnh nhạt của G chỉ làm tôi điên giận và lo lắng.

Đôi khi điện thọai vang lên trong đêm, và tôi bàng hoàng thức giấc, tim đập thình thịch, sợ rằng đó là bố mẹ G, phải, họ đang trên đường tới, muốn nói chuyện với gia đình tôi, để làm cho ra nhẽ. Tôi chẳng thể làm gì nổi.