Nhã Văn tập trung vào khoảng không đen như mực, nếu là ban ngày ư, cô tưởng tượng ra một hồ nước trong veo với vô vàn cánh sen hồng xinh đẹp, đỡ bên dưới là những phiến lục bình xanh ngát, ở đây ít người lui tới do hồ bị che chắn bởi một rừng đại thụ… Cô càng nghĩ, càng cảm giác không đáng sợ như ban đầu.
“Tôi hồi nhỏ rất sợ bóng tối, hơn mấy đứa con nít khác nhiều,” Bách Liệt nói, “Ông nội tôi vì vậy đã nhốt tôi vào nhà kho, đèn bên trong hỏng, mọi thứ đều mờ tịt, lúc ấy tôi khóc lóc thảm thiết lắm.”
“…” Nhã Văn hướng về nơi nghe được âm thanh trầm thấp của Bách Liệt.
“Sau đó ông ở ngoài cửa, khuyên nhủ tôi, ông bảo hãy làm như bình thường, coi như con đang ngồi trong phòng khách cùng nội trò chuyện thôi, trò chuyện thì có gì đáng sợ.”
“…”
“Mới đầu tôi không chịu, vẫn ầm ĩ đòi ra ngoài, bà nội thấy nên đau lòng, muốn mở cửa cho tôi, nhưng ông kiên quyết không đồng ý. Đợi tôi kêu gào hết hơi hết sức rồi, nội lại tiếp tục tám nhảm đủ thứ, nói chợ đêm có hàng ăn vặt nào ngon, nói thằng cu hàng xóm hôm qua nghịch dại nên hôm nay bị mẹ mắng, nói TV tối nay phát những gì… Sau đó tôi dần bình tĩnh hơn. Tôi có thể nhận ra trong bóng tối cái tủ đựng rượu được trưng cất trong kho, chúng vẫn ở đó, không nhúc nhích lấy một phân.”
Dừng một chút, anh hỏi: “Cô biết điều này nghĩa là gì không?”
Nhã Văn lắc đầu, nhưng lại nhớ Bách Liệt không nhìn được.
“Có nghĩa là, con người ta thường sợ hãi một cách mù quáng, nỗi sợ chỉ do ta tưởng tượng ra thôi, chúng ta cho rằng là thế này, nhưng thực tế lại thế khác, khi cô tìm ra căn nguyên của nó, cô sẽ phát hiện nó không quá ghê gớm như cô nghĩ.”
“…”
“Hồ sen này có đáng sợ không?”
“Không” Nhã Văn tìm thấy đường nét khuôn mặt của Bách Liệt trong màn đêm, anh dường như đang mỉm cười.
“Có đôi khi những điều chúng ta sợ hãi nhất đều là do bản thân mình tự suy diễn. Rất buồn cười không phải sao?”
Nhã Văn ít nhiều cũng hiểu ý của Bách Liệt, nhưng tựu chung vẫn thấy mơ hồ như cũ.
“Nhã Văn,” Bách liệt xoay bả vai cô hướng về ngọn đèn phía xa xa, “Từ hướng đó trông sang, cô sẽ cảm thấy mặt hồ như đang tỏa sáng vậy.”
Nhã Văn nương theo hướng ánh đèn, bỗng nhiên cảnh vật trước mắt tất cả đều trở nên rõ ràng.
“Cô là một cô gái thông minh, có nhiều chuyện, chỉ cần chịu suy sét kỹ thì không điều gì có thể gây trở ngại cho cô cả.”
Nhã Văn lần đầu tiên muốn cảm ơn Bách Liệt từ tận đáy lòng, dù anh nóng lạnh thất thường, khi gần khi xa, nhưng mỗi lúc cô trở nên yếu đuối đều nhận được sự giúp đỡ từ anh. Có đôi khi cô tự hỏi rốt cuộc quan hệ của hai người là gì, không thể xem như bạn tốt, vì giữa họ có rất nhiều bí mật; nhưng nói là bạn bè bình thường thì lại càng không, Bách Liệt hiểu rõ cô như hiểu chính bản thân mình. Bách Liệt là… một người vô cùng đặc biệt, chí ít là đối với bản thân cô.
“Cảm ơn anh.” Nhã Văn thì thầm.
Bách Liệt không đáp, chỉ lặng lặng đứng sau lưng cô, giống như từ trước đến giờ, anh vẫn luôn đứng sau cô như thế.
Sau ngày ấy, phải đến hai, ba hôm Nhã Văn không gặp lại Nhã Quân, dù có chút lo lắng, nhưng cô không dám tìm anh. Cô vẫn lặng lẽ làm việc như trước, hi vọng có thể mượn công việc để tạm quên vấn để tình cảm rối rắm của mình. Các công trình sửa chữa ở làng du lịch đang dần hoàn tất, Nhã Văn tự nhủ có lẽ Nhã Quân không bệnh tật gì, chỉ bận quá mà thôi.
Hôm nay bỗng nắng đẹp bất ngờ, lớp học bắn cung cực kỳ đông đúc và sôi nổi, tầm hai giờ Nhã Văn mới rảnh rỗi để đi ăn cơm, vậy mà nhà ăn đã bị quét sạch, hầu như không còn gì sót lại. Cô đành lựa tạm một cái bánh mì, rót một cốc nước chanh, ngồi dùng bữa gần bể bơi vắng tanh không một bóng người.
Mặc dù mới đầu tháng tư nhưng tầm trưa chiều đã nóng như đổ lửa. Vài anh chàng người Nam Phi và mấy cậu choai choai da trắng đang chơi trong bể bơi, có thể ánh mặt trời luôn là một phần trong cuộc sống của họ, vì mặc kệ làn da nõn nà bị cháy nắng đến đỏ bừng, họ vẫn vô tư đùa nghịch dưới nước như trước.
Nhã Văn vừa gặm bánh mì dai nhanh nhách vừa nheo mắt ngắm bọn họ, tâm tình tự nhiên trở nên sáng sủa. Annie nói rằng cô luôn mang đến cho người đối diện cảm giác u buồn nhàn nhạt, nhưng thật tình nhiều lúc, cô cũng mặc kệ hết thảy để tự tặng cho bản thân chút vui vẻ. Thư Lộ từng nói, sâu trong tâm hồn Nhã Văn lúc nào cũng là một đứa nhỏ rất lạc quan.
Nhã Văn mỉm cười, trên đời này ngoài cô vẫn còn rất nhiều người hiểu cô, quan tâm cô, che chở bảo vệ cô. Bởi vậy, dù gặp phải chuyện gì, cô sẽ cố gắng để luôn lạc quan như vậy.
Chợt chiếc ghế kế bên bị kéo ra, một ly nước chanh đặt mạnh lên bàn.
“Mấy giờ em tan tầm?” Bùi Nhã Quân ngồi xuống cạnh cô, trông hơi lạ so với bình thường. Anh mặc một chiếc áo ba lỗ bằng vải bông màu trắng, trước ngực ướt đẫm mồ hôi, còn cái quần dính đầy cát cạp trễ hẳn xuống, mà dựa theo cách nói của ba thì mặc kiểu này thà cởi luôn cho rồi, chân anh đi một đôi dép xỏ ngón, nhìn giống với bất cứ vị du khách nhàn nhã nào trong thôn.
Nhã Văn giật mình, trong ấn tượng của cô dù bức bối đến mấy đi nữa Nhã Quân vẫn luôn quy củ một thân quần áo chỉnh tề, giống như thầy giáo chuẩn bị sẵn sàng mọi lúc để tới thăm nhà học sinh vậy.
“Hôm nay anh nghỉ làm, em có thể dẫn anh đi dạo loanh quanh được không?” Nhã Quân cắn cắn ống hút. Đây vốn là thói quen của gia đình cô, ngoại trừ rượu, uống cái gì đều phải dùng ống hút hết.
Nhã Văn do dự không biết nên trả lời ra sao. Cô rất muốn nói không có rảnh, nhưng bốn rưỡi là cô tan ca rồi.
“Nếu em bận việc đến nửa đêm, anh sẽ chờ đến nửa đêm.” Nhã Quân như biết tỏng cô đang tính toán điều gì trong đầu, trực tiếp ra tay chặn đường lui của địch.
Nhã Văn cười khổ: “Anh chưa bao giờ cho em cơ hội từ chối.”
“Vì em sẽ được nước lấn tới, nếu nhường nhịn một lần, kiểu gì cũng có lần hai, lần ba.”
Nhã Văn cắn môi, im lặng. Cái này cũng đâu phải nguyên nhân chính. Trọng điểm là Nhã Quân không bao giờ chấp nhận bị cự tuyệt, hay ít nhất là bị cô cự tuyệt.
“Em bốn rưỡi mới xong việc, lúc đó anh đến sân tập bắn tìm em nhé.” Nhã Văn tuy rất không tình nguyện nhưng vẫn phải miễn cưỡng đồng ý.
“Được.” Nhã Quân mỉm cười, đưa tay vuốt tóc mai cô đang bị gió thổi loạn vén ra sau tai, “Một lời đã định. Anh phải ngủ trưa đây.”
Nói xong, anh cầm ly nước chanh đi mất.
Nhã Văn dõi theo bóng anh, có hơi sững sờ. Từ khi nào Nhã Quân trở nên thông suốt vậy, chẳng những nhân từ không dồn cô tới chân tường bằng ánh mắt đầy bức bách, mà còn biết ý cho cô một chút không gian riêng tư để tự do hít thở…
Nguyên buổi chiều, trường bắn tên vắng tanh vắng ngắt, gần sát giờ về Nhã Văn mới thu gọn đồ đạc. Chưa kịp kiểm tra lại toàn bộ, cô đã thấy Nhã Quân thong dong đi tới, mặc nguyên như cũ chỉ đổi mỗi đôi giày thể thao.
Anh bỏ hai tay vào túi quần, đến gần cô, thoải mái ngáp một cái.
“Trốn cũng không xong…” Nhã Văn vừa dọn vừa tức lẩm bà lẩm bẩm.
“Anh cũng từng nghĩ em chạy không thoát,” Nhã Quân nhìn cô, “Vậy mà chạy được thật, lại còn chạy rất xa, anh tìm kiếm thế nào cũng không ra.”
“…” Nhã Văn quay đầu lảng tránh ánh mắt của Nhã Quân.
“Cần giúp gì không?” Nhã Quân lái sang chuyện khác.
“Không cần.” Cô khước từ.
Nhưng Nhã Quân vẫn chủ động dọn dẹp, có thể Nhã Văn đúng, anh không bao giờ cho phép mình bị cự tuyệt bởi cô.
Bọn họ nhanh chóng cất hết mọi thứ vào nhà kho, Nhã Văn khóa cửa, hỏi anh: “Anh muốn đi đâu nào.”
“Tùy thôi.” Nhã Quân mỉm cười, “Em thích chỗ nào mình đến chỗ đó.”
Nhã Văn nghiêng đầu ra chiều ngẫm nghĩ, cuối cùng quyết định đưa anh tới khu rừng nhỏ luôn thâm u lạnh lẽo vào ban ngày kia.